Sign In

QUYẾT ĐỊNH  

Sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy định về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất trên địa bàn tỉnh Tiền Giang ban hành kèm theo Quyết định số 40/2014/QĐ-UBND ngày 16/12/2014 của Ủy ban nhân dân tỉnh Tiền Giang

_________________

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH TIỀN GIANG

Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19 tháng 6 năm 2015;

Căn cứ Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật ngày 22 tháng 6 năm 2015;

Căn cứ Luật Đất đai ngày 29 tháng 11 năm 2013;

Căn cứ Nghị định số 14/2014/NĐ-CP ngày 26 tháng 02 năm 2014 của Chính phủ Quy định chi tiết thi hành Luật Điện lực về an toàn điện;

Căn cứ Nghị định số 43/2014/NĐ-CP ngày 15 tháng 5 năm 2014 của Chính phủ Quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Đất đai;

Căn cứ Nghị định số 47/2014/NĐ-CP ngày 15 tháng 5 năm 2014 của Chính phủ Quy định về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất;

Căn cứ Nghị định số 44/2014/NĐ-CP ngày 15/5/2014 của Chính phủ Quy định về giá đất;

Căn cứ Nghị định số 45/2014/NĐ-CP ngày 15/5/2014 Quy định về thu tiền sử dụng đất;

Căn cứ Nghị định số 01/2017/NĐ-CP ngày 06/01/2017 của Chính phủ về Sửa đổi, bổ sung một số Nghị định quy định chi tiết thi hành Luật Đất đai;

Căn cứ Thông tư số 36/2014/TT-BTNMT ngày 30 tháng 6 năm 2014 của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Quy định chi tiết phương pháp định giá đất; xây dựng, điều chỉnh bảng giá đất; định giá đất cụ thể và tư vấn xác định giá đất;

Căn cứ Thông tư số 37/2014/TT-BTNMT ngày 30 tháng 6 năm 2014 của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Quy định chi tiết về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư  khi Nhà nước thu hồi đất;

Căn cứ Thông tư số 33/2017/TT-BTNMT ngày 29/9/2017 của Bộ Tài nguyên và Môi trường Quy định chi tiết Nghị định số 01/2017/NĐ-CP ngày 06/01/2017 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số nghị định quy định chi tiết thi hành Luật Đất đai và sửa đổi, bổ sung một số điều của các thông tư hướng dẫn thi hành Luật Đất đai;

Theo đề nghị của Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường.

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy định về bồi thường, hỗ trợ và tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất trên địa bàn tỉnh Tiền Giang ban hành kèm theo Quyết định số 40/2014/QĐ-UBND ngày 16/12/2014 của Uỷ ban nhân dân tỉnh:

1. Khoản 3 Điều 5 được sửa đổi, bổ sung như sau:

“3. Xác định giá đất cụ thể làm căn cứ tính bồi thường, hỗ trợ

Ủy ban nhân dân cấp huyện giao nhiệm vụ cho Tổ chức làm nhiệm vụ bồi thường thực hiện điều tra, khảo sát giá đất phổ biến trên thị trường, hoặc lựa chọn, ký hợp đồng thuê tổ chức có chức năng tư vấn xác định giá đất cụ thể, thông qua Hội đồng bồi thường, hỗ trợ và tái định cư cấp huyện, Ủy ban nhân dân cấp huyện đề xuất mức giá cụ thể để Sở Tài nguyên và Môi trường tổ chức kiểm tra và thông qua Hội đồng thẩm định giá đất, thẩm định bảng giá đất tỉnh trước khi trình Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt.

Việc tổ chức thực hiện xác định giá đất cụ thể hoặc thuê tổ chức có chức năng tư vấn xác định giá đất cụ thể được thực hiện theo quy định tại Nghị định số 44/2014/NĐ-CP ngày 15/5/2014 của Chính phủ quy định về giá đất và Thông tư số 36/2014/TT-BTNMT ngày 30/6/2014 của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường quy định chi tiết phương pháp định giá đất; xây dựng, điều chỉnh bảng giá đất; định giá đất cụ thể và tư vấn xác định giá đất.

2. Điều 7 được sửa đổi, bổ sung như sau:

Điều 7. Bồi thường chi phí đầu tư vào đất còn lại khi Nhà nước thu hồi đất vì mục đích quốc phòng, an ninh; phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng

Thực hiện theo Điều 76 của Luật Đất đai năm 2013; Điều 3 của Nghị định số 47/2014/NĐ-CP; Điều 3 của Thông tư số 37/2014/TT-BTNMT.

Căn cứ vào tình hình thực tế tại địa phương đối với từng dự án cụ thể, Ủy ban nhân dân cấp huyện đề xuất, gửi Sở Tài nguyên và Môi trường (Thường trực Hội đồng thẩm định tỉnh) báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh xem xét, quyết định đối với các trường hợp chi phí đầu tư vào đất còn lại không có hồ sơ, chứng từ chứng minh.”

3. Điều 8 được sửa đổi, bổ sung như sau:

Điều 8. Bồi thường, hỗ trợ khi Nhà nước thu hồi đất nông nghiệp vượt hạn mức do nhận chuyển quyền sử dụng đất đối với hộ gia đình, cá nhân

Thực hiện theo quy định tại điểm c Khoản 1 Điều 77 của Luật Đất đai năm 2013, Điều 4 của Nghị định số 47/2014/NĐ-CP.

Đối với trường hợp hộ gia đình, cá nhân đang sử dụng đất nông nghiệp quy định tại khoản 1 Điều 4 Nghị định số 47/2014/NĐ-CP nhưng không có Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất hoặc không đủ điều kiện để được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất theo quy định của Luật Đất đai thì chỉ được bồi thường đối với diện tích đất trong hạn mức giao đất nông nghiệp. Đối với phần diện tích đất nông nghiệp vượt hạn mức giao đất nông nghiệp thì không được bồi thường về đất nhưng được xem xét hỗ trợ. Mức hỗ trợ bằng 80% giá đất bồi thường do Ủy ban nhân dân tỉnh quyết định tại thời điểm có quyết định thu hồi đất”.

  4. Tiêu đề Điều 12, Khoản 1 Điều 12 và khoản 3 Điều 12 được sửa đổi, bổ sung như sau:

  “Điều 12. Xử lý một số trường hợp cụ thể về đất ở và đất nông nghiệp

1. Trường hợp người có đất thu hồi có văn bản đề nghị Nhà nước thu hồi và bồi thường phần diện tích đất sau khi thu hồi còn lại thì Nhà nước xem xét thu hồi và bồi thường như sau:

a) Đối với đất ở: diện tích đất ở sau khi thu hồi còn lại nhỏ hơn hạn mức diện tích đất ở tối thiểu được phép tách thửa theo quy định của Ủy ban nhân dân tỉnh, không thể xây dựng nhà ở theo quy chuẩn kỹ thuật quốc gia của Bộ Xây dựng.

b) Đối với đất nông nghiệp: diện tích đất nông nghiệp sau khi thu hồi còn lại nhỏ hơn hoặc bằng 100m2.

c) Đối với trường hợp diện tích đất còn lại sau khi thu hồi không thuộc trường hợp quy định tại điểm a, b khoản 1 Điều này thì Ủy ban nhân dân cấp huyện đề xuất từng trường hợp cụ thể để Hội đồng thẩm định tỉnh xem xét, trình Ủy ban nhân dân tỉnh quyết định.

d) Phần diện tích sau khi thu hồi được quy định tại điểm b và điểm c khoản 1 Điều này (trừ đất ở) được bồi thường theo giá đất cụ thể, hỗ trợ chuyển đổi nghề và tạo việc làm bằng tiền bằng 1,0 lần giá đất nông nghiệp cùng loại trong bảng giá đất do Ủy ban nhân dân tỉnh quy định.

đ) Việc thu hồi diện tích đất theo quy định tại điểm a, b, c khoản 1 Điều này không phải điều chỉnh quy mô dự án đầu tư. Kinh phí bồi thường cho diện tích thu hồi này được tính vào kinh phí bồi thường, hỗ trợ, tái định cư của công trình, dự án thực hiện.

e) Đất đã thu hồi theo quy định tại điểm a, b, c khoản 1 Điều này thì giao cho Ủy ban nhân dân cấp huyện tổ chức quản lý.

3. Việc xác định thời điểm hình thành đất ở: thực hiện theo quy định tại Điều 21 của Nghị định số 43/2014/NĐ-CP.”

5. Khoản 2 Điều 15 được sửa đổi, bổ sung như sau:

“2. Trường hợp không làm thay đổi mục đích sử dụng đất nhưng làm hạn chế khả năng sử dụng đất: thực hiện theo quy định tại khoản 2 Điều 10 của Nghị định số 47/2014/NĐ-CP như sau:

a) Đối với đất ở, các loại đất khác trong cùng thửa với đất ở của một chủ sử dụng trong hành lang bảo vệ an toàn đường dây dẫn điện trên không điện áp đến 220 KV thuộc diện Nhà nước không thu hồi đất thì chủ sử dụng đất được bồi thường thiệt hại do hạn chế khả năng sử dụng đất. Việc bồi thường được thực hiện một lần như sau:

- Đất ở bồi thường thiệt hại do hạn chế khả năng sử dụng đất là loại đất ở được quy định tại các văn bản pháp luật về đất đai;

- Diện tích đất ở được bồi thường thiệt hại do hạn chế khả năng sử dụng đất là diện tích đất ở thực tế trong hành lang bảo vệ an toàn đường dây dẫn điện trên không. Mức bồi thường bằng 80% đơn giá bồi thường đất ở cụ thể, tính trên diện tích đất nằm trong hành lang;

- Trên cùng một thửa đất, bao gồm đất ở và các loại đất khác của một chủ sử dụng đất, khi bị hành lang bảo vệ an toàn đường dây dẫn điện trên không chiếm dụng khoảng không lớn hơn hạn mức đất ở thì phần diện tích các loại đất khác trên cùng thửa đất trong hành lang cũng được bồi thường. Mức bồi thường bằng 80 % đơn giá bồi thường của đất cùng loại, tính trên diện tích các loại đất khác nằm trong hành lang.

b) Đất trồng cây lâu năm trong hành lang bảo vệ an toàn đường dây dẫn điện trên không thì chủ sử dụng đất được bồi thường thiệt hại do hạn chế khả năng sử dụng đất. Việc bồi thường được thực hiện một lần, bằng 60% mức bồi thường thu hồi đất đối với đất trồng cây lâu năm, tính trên diện tích đất trong hành lang bảo vệ an toàn đường dây dẫn điện trên không.

c) Đất rừng sản xuất trong hành lang bảo vệ an toàn đường dây dẫn điện trên không thì chủ sử dụng đất được bồi thường thiệt hại do hạn chế khả năng sử dụng đất. Việc bồi thường được thực hiện một lần, bằng 30% mức bồi thường thu hồi đất đối với đất rừng sản xuất, tính trên diện tích đất trong hành lang bảo vệ an toàn đường dây dẫn điện trên không.

d) Đối với đất cây hàng năm trong hành lang bảo vệ an toàn đường dây dẫn điện trên không thì chủ sử dụng đất được hỗ trợ một lần bằng 60% mức bồi thường đất trồng cây hàng năm của thửa đất đó.

e) Kinh phí chi trả bồi thường, hỗ trợ, tái định cư theo Điều này từ nguồn vốn đầu tư của chủ đầu tư công trình lưới điện cao áp.”

6. Bổ sung Điều 15a như sau:

“15a. Bồi thường, hỗ trợ đối với công trình đường dây dẫn điện trên không điện áp đến 500kV

Việc bồi thường, hỗ trợ nhà ở, công trình, đất và cây trong hành lang bảo vệ an toàn đường dây dẫn điện trên không điện áp đến 500kV được áp dụng bằng mức bồi thường, hỗ trợ đường dây dẫn điện trên không điện áp 220kV.”

7. Điều 16 được sửa đổi, bổ sung như sau:

“Điều 16. Bồi thường, hỗ trợ về đất khi Nhà nước thu hồi đối với đất được giao không đúng thẩm quyền trước ngày 01 tháng 7 năm 2004 nhưng đã nộp tiền để được sử dụng đất mà chưa được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất

Thực hiện theo quy định tại Điều 11 của Nghị định số 47/2014/NĐ-CP (được sửa đổi, bổ sung theo quy định tại khoản 1 Điều 4 của Nghị định số 01/2017/NĐ-CP). Việc xác định giấy tờ về việc đã nộp tiền để được sử dụng đất đối với trường hợp giao không đúng thẩm quyền trước ngày 01 tháng 7 năm 2004 theo Điều 7 của Thông tư số 37/2014/TT-BTNMT”.

8. Khoản 2, 3 và khoản 6 Điều 20 được sửa đổi, bổ sung như sau:

“2. Đối với nhà, công trình xây dựng khác nhằm mục đích sản xuất kinh doanh (đường ống nước, đường điện, cây xăng, nhà trọ, nhà máy xay xát, nhà xưởng, nhà kho, tường rào, sân đường, tường kè…) gắn liền với đất không thuộc trường hợp quy định tại khoản 1 Điều này được bồi thường như sau:

 Mức bồi thường bằng tổng giá trị hiện có của nhà, công trình bị thiệt hại và khoản tiền tính bằng tỷ lệ phần trăm theo giá trị hiện có của nhà, công trình đó.

- Giá trị hiện có của nhà, công trình bị thiệt hại được xác định bằng (=) tỷ lệ phần trăm chất lượng còn lại của nhà, công trình đó nhân (x) với giá trị xây dựng mới của nhà, công trình có tiêu chuẩn kỹ thuật tương đương do Bộ quản lý chuyên ngành ban hành được xác định theo công thức sau:

Trong đó:

Tgt: Giá trị hiện có của nhà, công trình bị thiệt hại.

G1: Giá trị xây mới nhà, công trình bị thiệt hại có tiêu chuẩn kỹ thuật tương đương do Bộ quản lý chuyên ngành ban hành;

T: Thời gian khấu hao áp dụng đối với nhà, công trình bị thiệt hại;

T1: Thời gian mà nhà, công trình bị thiệt hại đã qua sử dụng.

- Khoản tiền tính bằng tỷ lệ phần trăm theo giá trị hiện có của nhà, công trình được tính bằng 30 %, nhưng mức bồi thường tối đa không quá 100% giá trị xây dựng mới của nhà, công trình có tiêu chuẩn kỹ thuật tương đương với nhà, công trình bị thiệt hại.”

“3. Chi phí để sửa chữa, hoàn thiện phần còn lại theo tiêu chuẩn kỹ thuật tương đương của nhà, công trình trước khi bị phá dỡ được quy định tại Khoản 1 Điều này, thực hiện như sau:

- Bằng 100 % giá trị bồi thường phần nhà ở, công trình bị phá dỡ đối với phần diện tích nhà ở, công trình bị phá dỡ đến ranh giải tỏa (không đền bù phần nhà ở, công trình bị phá dỡ thêm ngoài ranh giải tỏa tới bước cột gần nhất).

- Hoặc bằng 50 % giá trị bồi thường phần nhà ở, công trình bị phá dỡ đối với nhà ở, công trình có diện tích phá dỡ lớn hơn diện tích giải tỏa (do phải phá dỡ thêm ngoài ranh giải tỏa tới bước cột gần nhất, khi xác định theo cách hỗ trợ này thì tính hỗ trợ trên toàn phần diện tích phải phá dỡ).

Phần bồi thường và chi phí sửa chữa không vượt quá giá trị căn nhà.”

“6. Trường hợp công trình (không phải nhà ở) không đạt tiêu chuẩn kỹ thuật về quy mô diện tích, chiều cao (thấp nhỏ) như lều, quán kinh doanh, tiệm hớt tóc, tiệm sửa xe,…thì Hội đồng bồi thường cấp huyện xem xét tỷ lệ bồi thường cho phù hợp nhưng tối đa không quá 80 % giá của công trình có tiêu chuẩn kỹ thuật tương đương”.

9. Điều 24 được sửa đổi, bổ sung như sau:

Điều 24. Bồi thường đối với cây trồng trong và ngoài hành lang bảo vệ an toàn đường dây điện trên không

1. Cây trồng có trước khi thông báo thu hồi đất thực hiện dự án và trong hành lang bảo vệ an toàn đường dây dẫn điện trên không, nếu phải chặt bỏ và cấm trồng mới theo quy định tại Khoản 3 Điều 12 của Nghị định số 14/2014/NĐ-CP thì được bồi thường.

2. Cây trồng có trước khi thông báo thu hồi đất thực hiện dự án và trong hành lang bảo vệ an toàn đường dây dẫn điện trên không thuộc loại không phải chặt bỏ và cấm trồng mới theo quy định tại Khoản 3 Điều 12 của Nghị định số 14/2014/NĐ-CP hoặc cây ngoài hành lang có nguy cơ vi phạm khoảng cách an toàn quy định tại Khoản 2 Điều 12 của Nghị định số 14/2014/NĐ-CP thì đơn vị quản lý vận hành có quyền kiểm tra, chặt tỉa cây để đảm bảo an toàn cho đường dây dẫn điện trên không và được bồi thường một lần, mức bồi thường bằng 50% mức bồi thường đối với cây cùng loại”. 

10. Điều 30a được bổ sung như sau:

Điều 30a. Bồi thường, hỗ trợ, tái định cư đối với các trường hợp thu hồi đất ở trong khu vực bị ô nhiễm môi trường có nguy cơ đe dọa tính mạng con người; đất ở có nguy cơ sạt lở, sụt lún, bị ảnh hưởng bởi hiện tượng thiên tai khác đe doạ tính mạng con người

Thực hiện theo quy định tại khoản 3 Điều 87 của Luật Đất đai và Điều 16 của Nghị định số 47/2014/NĐ-CP.

1. Việc bồi thường, hỗ trợ, tái định cư đối với trường hợp thu hồi đất ở của hộ gia đình, cá nhân trong khu vực bị ô nhiễm môi trường có nguy cơ đe dọa tính mạng con người; đất ở có nguy cơ sạt lở, sụt lún, bị ảnh hưởng bởi hiện tượng thiên tai khác đe dọa tính mạng con người được thực hiện theo quy định tại Điều 11, Điều 12, Điều 34 của Quy định này.

2. Đối với trường hợp đất ở của hộ gia đình, cá nhân bị sạt lở, sụt lún bất ngờ toàn bộ diện tích thửa đất hoặc một phần diện tích thửa đất mà phần còn lại không còn khả năng tiếp tục sử dụng thì hộ gia đình, cá nhân được bố trí đất ở tái định cư theo quy định sau đây:

a) Ủy ban nhân dân cấp huyện căn cứ điều kiện cụ thể của địa phương đề xuất UBND tỉnh quyết định diện tích đất ở tái định cư nhưng không vượt quá hạn mức giao đất ở tại địa phương.

Trường hợp địa phương không có khu tái định cư hoặc hộ gia đình, cá nhân có đất ở bị sạt lở, sụt lún không có nhu cầu tái định cư bằng đất thì được tái định cư bằng tiền theo quy định tại khoản 5 Điều 34 của Quy định này.

b) Việc nộp tiền sử dụng đất, miễn giảm tiền sử dụng đất và ưu đãi khác thực hiện theo quy định của Nghị định về thu tiền sử dụng đất.

3. Tiền bồi thường, hỗ trợ đối với diện tích đất thu hồi để bố trí tái định cư được giải quyết như sau:

a) Ngân sách nhà nước chi trả trong trường hợp thu hồi đất ở do thiên tai gây ra;

b) Doanh nghiệp chi trả trong trường hợp thu hồi đất ở trong khu vực bị ô nhiễm môi trường có nguy cơ đe dọa tính mạng con người do doanh nghiệp đó gây ra; trường hợp doanh nghiệp đã giải thể, phá sản thì tiền bồi thường, hỗ trợ do ngân sách nhà nước chi trả.”

11. Điều 31 được sửa đổi, bổ sung như sau:         

Điều 31. Hỗ trợ ổn định đời sống và ổn định sản xuất khi Nhà nước thu hồi đất

Thực hiện theo quy định Điều 19 của Nghị định số 47/2014/NĐ-CP (được sửa đổi, bổ sung theo quy định tại khoản 5 Điều 4 của Nghị định số 01/2017/NĐ-CP).

1. Đối tượng và điều kiện được hỗ trợ ổn định đời sống và ổn định sản xuất: theo quy định tại khoản 1 Điều 19 của Nghị định số 47/2014/NĐ-CP (được sửa đổi, bổ sung theo quy định tại khoản 5 Điều 4 Nghị định số 01/2017/NĐ-CP).

2. Diện tích đất nông nghiệp để tính hỗ trợ ổn định đời sống khi Nhà nước thu hồi đất: thực hiện theo quy định tại điểm a, b khoản 3 Điều 19 của Nghị định số 47/2014/NĐ-CP và Điều 5 của Thông tư số 37/2014/TT-BTNMT.

 Mức hỗ trợ ổn định đời sống cho 01 nhân khẩu theo quy định tại điểm c, khoản 3 Điều 19 Nghị định số 47/2014/NĐ-CP (được sửa đổi, bổ sung theo quy định tại khoản 5 Điều 4 Nghị định số 01/2017/NĐ-CP) được tính bằng tiền tương đương 30kg gạo/tháng, chi trả một lần khi thực hiện chi trả tiền bồi thường, hỗ trợ. Cơ quan tài chính cấp huyện căn cứ vào giá gạo trung bình ở địa phương đề xuất Hội đồng bồi thường, hỗ trợ, tái định cư cùng cấp xem xét, quyết định.

3. Tổ chức kinh tế, hộ gia đình, cá nhân sản xuất, kinh doanh, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài mà bị ngừng sản xuất, kinh doanh khi Nhà nước thu hồi đất thì được hỗ trợ ổn định sản xuất bằng tiền, cụ thể như sau: 

a) Tổ chức kinh tế, hộ gia đình, cá nhân sản xuất, kinh doanh, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài sản xuất kinh doanh có đăng ký kinh doanh, có hạch toán, kê khai theo quy định hoặc nộp thuế khoán:

- Di dời đi nơi khác: mức hỗ trợ 30 % một năm thu nhập sau thuế, theo mức thu nhập bình quân của 03 năm liền kề trước đó;

- Không phải di dời đi nơi khác: mức hỗ trợ 15 % một năm thu nhập sau thuế, theo mức thu nhập bình quân của 03 năm liền kề trước đó.

b) Hộ gia đình, cá nhân không có giấy phép đăng ký kinh doanh nhưng có nộp thuế:

- Di dời đi nơi khác: mức hỗ trợ 20 % một năm thu nhập sau thuế, theo mức thu nhập bình quân của 03 năm liền kề trước đó;

- Không phải di dời đi nơi khác: mức hỗ trợ 10 % một năm thu nhập sau thuế, theo mức thu nhập bình quân của 03 năm liền kề trước đó.

Trường hợp sản xuất, kinh doanh chưa đủ 3 năm thì tính thu nhập bình quân của thời gian hoạt động.

Thu nhập sau thuế được xác định căn cứ vào báo cáo tài chính đã được kiểm toán hoặc được cơ quan thuế chấp thuận; trường hợp chưa được kiểm toán hoặc chưa được cơ quan thuế chấp thuận thì việc xác định thu nhập sau thuế được căn cứ vào thu nhập sau thuế do đơn vị kê khai tại báo cáo tài chính, báo cáo kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh cuối mỗi năm đã gửi cơ quan thuế.

Cơ quan thuế chịu trách nhiệm xác nhận mức thu nhập sau thuế để làm cơ sở cho Hội đồng bồi thường xác định trình cơ quan có thẩm quyền quyết định đối với khoản hỗ trợ này.

4. Người lao động do tổ chức kinh tế, hộ gia đình, cá nhân sản xuất, kinh doanh, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài thuộc đối tượng quy định tại điểm đ khoản 1 Điều 19 của Nghị định số 47/2014/NĐ-CP (được sửa đổi, bổ sung tại khoản 5 Điều 4 của Nghị định số 01/2017/NĐ-CP), thuê lao động theo hợp đồng lao động thì được áp dụng hỗ trợ chế độ trợ cấp ngừng việc theo quy định của pháp luật về lao động như sau: Tiền trợ cấp ngừng việc theo quy định của pháp luật về lao động. Thời gian tính trợ cấp là thời gian ngừng sản xuất kinh doanh nhưng không quá 06 tháng/lao động.”

  12. Điều 32 được sửa đổi, bổ sung như sau:

Điều 32. Hỗ trợ đào tạo, chuyển đổi nghề và tìm kiếm việc làm đối với trường hợp Nhà nước thu hồi đất nông nghiệp của hộ gia đình, cá nhân trực tiếp sản xuất nông nghiệp

Thực hiện theo quy định tại Điều 20 của Nghị định số 47/2014/NĐ-CP (được sửa đổi, bổ sung theo quy định tại khoản 6 Điều 4 Nghị định số 01/2017/NĐ-CP), Điều 6 của Thông tư số 37/2014/TT-BTNMT.

1. Các đối tượng không được hỗ trợ đào tạo, chuyển đổi nghề và tìm kiếm việc làm:

a) Cán bộ, công chức, viên chức (đang làm việc hoặc đã nghỉ hưu, nghỉ mất sức lao động, thôi việc được hưởng trợ cấp) đang sử dụng đất nông nghiệp do nhận chuyển quyền sử dụng đất nông nghiệp theo quy định của pháp luật.

b) Trong hộ gia đình có tất cả nhân khẩu đều là cán bộ, công chức, viên chức Nhà nước (đang làm việc hoặc đã nghỉ hưu, nghỉ mất sức lao động, thôi việc được hưởng trợ cấp).

c) Con của cán bộ, công chức, viên chức Nhà nước chưa đủ 15 tuổi  (chưa đủ tuổi lao động theo quy định của Bộ luật lao động) tại thời điểm có Quyết định thu hồi đất hoặc đủ 15 tuổi đã có việc làm; đủ 15 tuổi và không có hộ khẩu thường trú tại địa phương.

d) Hộ gia đình, cá nhân không thuộc đối tượng trực tiếp sản xuất nông nghiệp quy định tại các điểm a, b, c Khoản 1 Điều 19 của Nghị định số 47/2014/NĐ-CP (được sửa đổi, bổ sung tại khoản 5 Điều 4 của Nghị định 01/2017/NĐ-CP của Chính phủ).

đ) Hộ gia đình, cá nhân là cán bộ, công nhân viên của nông, lâm trường quốc doanh, của công ty nông, lâm được chuyển đổi từ các nông, lâm trường quốc doanh đã nghỉ hưu, nghỉ mất sức lao động, thôi việc được hưởng trợ cấp.

Các trường hợp không thuộc đối tượng quy định tại Khoản 1 Điều này thì được hỗ trợ đào tạo, chuyển đổi nghề và tìm kiếm việc làm bằng tiền bằng 3,0 lần giá đất nông nghiệp cùng loại trong bảng giá đất do Ủy ban nhân dân tỉnh quy định đối với toàn bộ diện tích đất nông nghiệp thu hồi; diện tích được hỗ trợ không vượt quá hạn mức giao đất nông nghiệp tại địa phương.

2. Đối với các trường hợp cụ thể thuộc đối tượng được hỗ trợ đào tạo, chuyển đổi nghề và tìm kiếm việc làm khi nhà nước thu hồi đất để xây dựng các công trình phục vụ lợi ích công cộng, y tế, hạ tầng kinh tế - xã hội tại địa phương, Ủy ban nhân dân cấp huyện xem xét đề xuất mức hỗ trợ phù hợp nhưng tối đa không quá 3,0 lần giá đất nông nghiệp cùng loại trong bảng giá đất do Ủy ban nhân dân tỉnh quy định đối với toàn bộ diện tích đất nông nghiệp thu hồi; diện tích được hỗ trợ không vượt quá hạn mức giao đất nông nghiệp tại địa phương để thông qua Hội đồng thẩm định các phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư tỉnh thẩm định, trình Ủy ban nhân dân tỉnh quyết định cho từng trường hợp.

3. Phương án đào tạo, chuyển đổi nghề và tìm kiếm việc làm.

a) Căn cứ cơ chế, chính sách giải quyết việc làm đã được Thủ tướng Chính phủ quyết định, Sở Lao động Thương binh và Xã hội hướng dẫn Ủy ban nhân dân cấp huyện lập và tổ chức thực hiện phương án đào tạo, chuyển đổi nghề và tìm kiếm việc làm cho người trong độ tuổi lao động có đất thu hồi;

  b) Phương án đào tạo, chuyển đổi nghề và tìm kiếm việc làm được lập và phê duyệt đồng thời với phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư. Trong quá trình lập phương án đào tạo, chuyển đổi nghề và tìm kiếm việc làm phải lấy ý kiến của người bị thu hồi đất.”

13. Điều 33 được sửa đổi, bổ sung như sau:

Điều 33. Hỗ trợ đào tạo, chuyển đổi nghề và tìm kiếm việc làm đối với trường hợp Nhà nước thu hồi đất ở kết hợp kinh doanh, dịch vụ của hộ gia đình, cá nhân mà phải di chuyển chỗ ở

1. Hộ gia đình, cá nhân khi Nhà nước thu hồi đất ở kết hợp kinh doanh, dịch vụ mà phải di chuyển chỗ ở thì được hỗ trợ đào tạo, chuyển đổi nghề và tìm kiếm việc làm theo quy định tại điểm b khoản 2 Điều 83 của Luật Đất đai; Điều 21 của Nghị định số 47/2014/NĐ-CP và các quy định pháp luật có liên quan.

2. Sở Lao động - Thương binh và Xã hội căn cứ chính sách giải quyết việc làm và đào tạo nghề đã được Thủ tướng Chính phủ quyết định và điều kiện thực tế tại địa phương, tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh quy định mức hỗ trợ cụ thể cho phù hợp đối với từng loại hộ gia đình, cá nhân có đất thu hồi.”

14. Khoản 2, Khoản 5, khoản 6 Điều 34 được sửa đổi, bổ sung như sau:

“2. Giá đất tính thu tiền sử dụng đất tại nơi tái định cư: thực hiện theo quy định tại khoản 3, Điều 86 và điểm b Khoản 4 Điều 114 của Luật Đất đai năm 2013, Điều 4 và Điều 18 của Nghị định số 44/2014/NĐ-CP.

Giá đất tái định cư từng dự án do Ủy ban nhân dân cấp huyện đề xuất, thông qua Hội đồng thẩm định giá đất, thẩm định bảng giá đất tỉnh trước khi trình Ủy ban nhân dân tỉnh xem xét, quyết định.”  

“5.Trường hợp hộ gia đình, cá nhân, người Việt Nam định cư ở nước ngoài tự lo chỗ ở thì ngoài việc được bồi thường về đất còn được nhận khoản tiền hỗ trợ tái định cư là 100.000.000 đồng (Một trăm triệu đồng) trừ trường hợp đã được nhận khoản tiền hỗ trợ tái định cư quy định tại khoản 4 Điều 34 Quy định này.”

“6. Xử lý trường hợp đặc biệt

Trường hợp sau khi đã nhận bồi thường, hỗ trợ chênh lệch mà tổng số tiền bồi thường, hỗ trợ trong phương án vẫn chưa đủ nộp tiền sử dụng đất cho suất tái định cư, nếu có nguyện vọng và có đơn đề nghị thì được giải quyết như sau:

Hộ gia đình, cá nhân được Nhà nước giao đất tái định cư mà có khó khăn về tài chính, có nguyện vọng ghi nợ thì được ghi nợ số tiền sử dụng đất phải nộp trên Giấy chứng nhận sau khi có đơn đề nghị kèm theo hồ sơ xin cấp Giấy chứng nhận hoặc hồ sơ giao đất tái định cư hoặc có đơn xin ghi nợ khi nhận thông báo nộp tiền sử dụng đất. Việc trả nợ được thực hiện theo quy định tại khoản 1 Điều 16 của Nghị định số 45/2014/NĐ-CP.”

15. Khoản 3, khoản 5, khoản 7, khoản 8 Điều 37 được sửa đổi, bổ sung như sau:

         “3. Trường hợp hộ gia đình, cá nhân phải di chuyển chỗ ở thuộc diện hộ nghèo (có sổ hộ nghèo) thì được hỗ trợ để vượt chuẩn nghèo; mức hỗ trợ bằng tiền tương đương 30 kg gạo/tháng/hộ, thời gian hỗ trợ 60 tháng.”

“5. Trường hợp hộ gia đình, cá nhân sử dụng đất quy định tại Khoản 3 Điều 5 của Thông tư số 37/2014/TT-BTNMT bị thu hồi dưới 30% diện tích đất nông nghiệp đang sử dụng: mức hỗ trợ ổn định đời sống, sản xuất bằng 50 % so với mức hỗ trợ cho hộ gia đình, cá nhân bị thu hồi từ 30% đến 70% diện tích đất nông nghiệp đang sử dụng quy định tại Điểm a, Khoản 3, Điều 19 của Nghị định số 47/2014/NĐ-CP.”

“7. Hỗ trợ cho đối tượng thực hiện bàn giao mặt bằng sớm

 a) Đối với trường hợp thu hồi đất để thực hiện dự án và thực hiện bồi thường, hỗ trợ về đất, tài sản trên đất:

Nhằm khuyến khích hộ gia đình, cá nhân, cơ sở tôn giáo, tổ chức hoạt động không sử dụng vốn ngân sách nhà nước bàn giao mặt bằng sớm để thi công công trình. Sau khi nhận tiền bồi thường trong thời gian 20 ngày, hộ gia đình, cá nhân, cơ sở tôn giáo, tổ chức hoạt động không sử dụng vốn ngân sách nhà nước bị ảnh hưởng chấp hành tốt chủ trương, chính sách của Nhà nước và bàn giao mặt bằng đúng kế hoạch, thời gian theo cam kết khi nhận tiền thì được hỗ trợ với các mức sau:

- Hỗ trợ 5.000.000 đồng/hộ đối với hộ bị ảnh hưởng nhà ở và đất;

- Hỗ trợ 3.000.000 đồng/hộ đối với hộ bị ảnh hưởng nhà ở;

- Hỗ trợ 2.000.000 đồng/hộ đối với hộ bị ảnh hưởng đất; cây trái; hoa màu; vật kiến trúc (không ảnh hưởng nhà) hoặc bị ảnh hưởng đất, cây trái, hoa màu, vật kiến trúc.

Mức hỗ trợ không vượt quá giá trị bồi thường, hỗ trợ, tiền hỗ trợ chỉ được chi trả sau khi các hộ dân bàn giao mặt bằng để thực hiện dự án (có chính quyền địa phương xác nhận bằng văn bản).

b) Đối với trường hợp không thu hồi đất (bồi thường, hỗ trợ do hạn chế khả năng sử dụng; hiến đất; giao lại đất cho Nhà nước; không thực hiện bồi thường, hỗ trợ về đất nhưng có bồi thường tài sản trên đất), mà hộ gia đình, cá nhân, cơ sở tôn giáo, tổ chức hoạt động không sử dụng vốn ngân sách nhà nước bàn giao mặt bằng theo đúng kế hoạch thì được hỗ trợ với mức:

- Hỗ trợ 5.000.000 đồng/hộ đối với hộ ảnh hưởng nhà ở và đất;

- Hỗ trợ 3.000.000 đồng/hộ đối với hộ ảnh hưởng nhà ở;

- Hỗ trợ 2.000.000 đồng/hộ đối với hộ bị ảnh hưởng đất; cây trái; hoa màu; vật kiến trúc (không ảnh hưởng nhà) hoặc bị ảnh hưởng đất, cây trái, hoa màu, vật kiến trúc.

Mức hỗ trợ không vượt quá giá trị để tính bồi thường, hỗ trợ (đối với trường hợp hiến đất, giá đất tính theo Bảng giá đất do UBND tỉnh quy định), tiền thưởng chỉ được chi trả sau khi các hộ dân bàn giao mặt bằng để thực hiện dự án (có chính quyền địa phương xác nhận bằng văn bản).”

“8. Hỗ trợ phần chênh lệch tiền bồi thường giữa đất trồng cây lâu năm so với đất trồng cây hàng năm, đất nuôi trồng thủy sản của hộ gia đình, cá nhân được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất là đất trồng cây hàng năm, đất nuôi trồng thủy sản nhưng theo hiện trạng sử dụng là đất trồng cây lâu năm. Việc sử dụng đất trong trường hợp này phải phù hợp với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất.”

16. Bổ sung khoản 9 Điều 37 như sau:

“ 9. Hỗ trợ chi phí tôn tạo nền nhà

 Trường hợp thửa đất có nhà ở bị thu hồi một phần đất ở, phải di chuyển nhà ở trên phần đất nông nghiệp còn lại do bị giải tỏa trắng nhà ở; hộ gia đình, cá nhân bị thu hồi một phần đất nông nghiệp, phải di chuyển nhà ở trên phần đất còn lại (cất nhà trên đất nông nghiệp, giải tỏa trắng nhà ở) phù hợp với quy hoạch khu dân cư thì được hỗ trợ chi phí tôn tạo nền nhà, mức hỗ trợ bằng tiền bằng 40.000.000 đồng/hộ (Bốn mươi triệu đồng).”

17. Bổ sung khoản 10 Điều 37 như sau:

“10. Hỗ trợ tái định cư không đủ điều kiện

 Hỗ trợ tái định cư đối với trường hợp hộ gia đình, cá nhân phải di chuyển chỗ ở nhưng không đủ điều kiện tái định cư gồm các đối tượng sau:

- Hộ gia đình, cá nhân bị thu hồi hết thửa đất nông nghiệp, có xây dựng nhà trước thời gian công bố quy hoạch xây dựng phải di chuyển chỗ ở mà không còn nơi ở nào khác trên địa bàn xã, phường, thị trấn nơi có đất bị thu hồi, có hộ khẩu tại nơi có đất bị thu hồi;

- Hộ gia đình, cá nhân bị giải tỏa hết nhà ở nhưng không đủ điều kiện được bồi thường về đất do có nhà ở trên kênh rạch, có nhà ở trên đất của người khác, phải di chuyển chỗ ở mà không còn nơi ở nào khác trên địa bàn xã, phường, thị trấn nơi có đất bị thu hồi, có hộ khẩu tại nơi có đất bị thu hồi.

Mức hỗ trợ bằng 80.000.000 đồng/hộ (tám mươi triệu đồng).” 

 18. Bổ sung khoản 11 Điều 37 như sau:

 “11. Hỗ trợ đất nông nghiệp mượn tạm khi chủ đầu tư thực hiện dự án

Đối với đất nông nghiệp mượn tạm để làm mặt bằng thi công dự án thì được hỗ trợ như sau:

a) Hỗ trợ 15.000 đồng/m2/năm đối với huyện Tân Phước và huyện Tân Phú Đông.

b) Hỗ trợ 20.000 đồng/m2/năm đối với các huyện còn lại, thị xã Cai Lậy, thị xã Gò Công và thành phố Mỹ Tho.

  Chủ đầu tư có trách nhiệm xác định thời gian mượn tạm đất của các hộ gia đình, cá nhân.”

19. Đoạn 1 Khoản 2 Điều 38 được sửa đổi, bổ sung như sau:

“- Chủ tịch hoặc Phó chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện là Chủ tịch Hội đồng.”

  20. Điều 45 được sửa đổi, bổ sung, như sau:

“Điều 45. Chi phí tổ chức thực hiện bồi thường, hỗ trợ, tái định cư và công tác cưỡng chế thu hồi đất

1. Mức trích kinh phí bảo đảm cho việc tổ chức thực hiện bồi thường, hỗ trợ, tái định cư và cưỡng chế kiểm đếm, cưỡng chế thu hồi đất:

a. Mức trích kinh phí cho tổ chức thực hiện bồi thường, hỗ trợ, tái định cư (bao gồm cả các dự án thực hiện theo phương châm nhà nước và nhân dân cùng làm và các dự án do người dân hiến đất, giá đất tính theo Bảng giá đất do Ủy ban nhân dân tỉnh quy định) theo khoản 1, Điều 3 của Thông tư số 74/2015/TT-BTC ngày 15/5/2015 của Bộ Tài chính về hướng dẫn việc lập dự toán, sử dụng và thanh quyết toán kinh phí tổ chức thực hiện bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất: bằng 2% tổng kinh phí bồi thường, hỗ trợ của dự án. 

b. Mức trích kinh phí cho tổ chức thực hiện bồi thường, hỗ trợ, tái định cư đối với các dự án, tiểu dự án thực hiện trên địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn hoặc đặc biệt khó khăn; dự án, tiểu dự án xây dựng công trình hạ tầng theo tuyến theo quy định tại khoản 2, Điều 3 của Thông tư số 74/2015/TT-BTC: không khống chế tỷ lệ 2% tổng kinh phí bồi thường, hỗ trợ, tái định cư của dự án, tiểu dự án.

Tổ chức thực hiện bồi thường, hỗ trợ, tái định cư căn cứ theo khối lượng công việc thực tế để lập dự toán kinh phí theo Thông tư số 74/2015/TT-BTC ngày 15/5/2015 của Bộ Tài chính trình Ủy ban nhân dân cấp huyện xem xét đề xuất mức trích kinh phí cho phù hợp gửi Sở Tài chính có ý kiến, trình Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt.

Tổ chức thực hiện bồi thường, hỗ trợ, tái định cư chịu trách nhiệm về số liệu trong việc lập dự toán kinh phí bồi thường, hỗ trợ và tái định cư của dự án, hạng mục.

c. Đối với kinh phí tổ chức thực hiện cưỡng chế kiểm đếm và cưỡng chế thu hồi đất: bằng 10% kinh phí quy định tại điểm a hoặc điểm b nêu trên.

2. Kinh phí tổ chức thực hiện bồi thường, hỗ trợ, tái định cư được trích tại điểm a, điểm b hoặc điểm c, khoản 1, Điều này sẽ quy thành 100% và được phân bổ như sau:

a) Hội đồng thẩm định các phương án bồi thường tỉnh do Sở Tài nguyên và Môi trường làm Chủ tịch Hội đồng (kiểm tra giá đất, chính sách bồi thường, hỗ trợ, tái định cư): 3%.

b) Hội đồng thẩm định giá đất, thẩm định bảng giá đất tỉnh do Sở Tài chính làm thường trực Hội đồng: 2%.

c) Hội đồng bồi thường, hỗ trợ và tái định cư các huyện, thành, thị (giao Trung tâm phát triển quỹ đất cấp huyện quản lý, sử dụng và thanh quyết toán theo qui định): 10%. Trường hợp không thành lập Hội đồng bồi thường, hỗ trợ và tái định cư các huyện, thành, thị thì các phòng, ban, ngành tham gia của cấp huyện được hưởng phần kinh phí này: 10% (giao Trung tâm phát triển quỹ đất cấp huyện quản lý, sử dụng và thanh quyết toán theo qui định).

d) Tổ chức thực hiện bồi thường, hỗ trợ và tái định cư:  83%. Trường hợp có thành lập Ban Chỉ đạo giải phóng mặt bằng tỉnh thì Tổ chức thực hiện bồi thường, hỗ trợ và tái định cư là 80%, Ban Chỉ đạo giải phóng mặt bằng tỉnh là 3%.

đ) Chủ đầu tư: 2%.

Đối với dự án vận động nhân dân hiến đất, không thu hồi đất, chính sách bồi thường, hỗ trợ, tái định cư thực hiện theo quy định (không thông qua Hội đồng thẩm định các phương án bồi thường tỉnh và Hội đồng thẩm định giá đất) thì kinh phí Tổ chức thực hiện bồi thường, hỗ trợ và tái định cư là 88%.

3. Căn cứ vào mức trích và tỷ lệ phân chia kinh phí tại khoản 1, khoản 2 nêu trên, Tổ chức làm nhiệm vụ bồi thường lập dự toán kinh phí tổ chức thực hiện bồi thường, hỗ trợ, tái định cư và cưỡng chế kiểm đếm, cưỡng chế thu hồi đất theo quy định tại khoản 1, Điều 6 của Thông tư số 74/2015/TT-BTC gửi cơ quan có thẩm quyền xem xét, quyết định.

4. Chi cho công tác đo đạc, chỉnh lý biến động đối với diện tích còn lại của thửa đất:

a) Đối với các dự án thuộc khoản 1 Điều 3 của Thông tư số 74/2015/TT-BTC: Công tác đo đạc, chỉnh lý biến động đối với phần đất, thửa đất còn lại sau khi thực hiện dự án (phần diện tích không thu hồi nằm ngoài ranh dự án), kinh phí được chi từ nguồn vốn đầu tư của dự án.

b) Đối với các dự án thuộc khoản 2 Điều 3 của Thông tư số 74/2015/TT-BTC: Công tác đo đạc, chỉnh lý biến động đối với phần đất, thửa đất còn lại sau khi thực hiện dự án (phần diện tích không thu hồi nằm ngoài ranh dự án), kinh phí được chi từ kinh phí tổ chức thực hiện bồi thường, hỗ trợ, tái định cư.

5. Nội dung và mức chi tổ chức thực hiện bồi thường, hỗ trợ, tái định cư và cưỡng chế kiểm đếm, cưỡng chế thu hồi đất:

a) Nội dung tổ chức thực hiện bồi thường, hỗ trợ, tái định cư và cưỡng chế kiểm đếm, cưỡng chế thu hồi đất thực hiện theo quy định tại Điều 4 Thông tư số 74/2015/TT-BTC.

b) Đối với các nội dung chi đã có định mức, tiêu chuẩn, đơn giá do cơ quan nhà nước có thẩm quyền quy định thì thực hiện theo quy định hiện hành.

- Đối với các nội dung chi chưa có tiêu chuẩn, định mức, đơn giá do cơ quan nhà nước có thẩm quyền quy định thì tùy theo nguồn kinh phí được duyệt và kết quả thực hiện công việc, người đứng đầu Tổ chức thực hiện bồi thường, hỗ trợ, tái định cư quyết định mức chi cụ thể.

c) Tùy theo tình hình, mức độ công tác giải phóng mặt bằng của địa phương và nguồn kinh phí được trích, Chủ tịch Hội đồng, Trưởng Ban Chỉ đạo quyết định mức khoán gọn cho từng thành viên (không thực hiện chấm công) nhưng không quá 3.000.000 đồng/người/tháng đối với cán bộ kiêm nhiệm đã hưởng lương từ ngân sách, không quá 1.000.000 đồng/người/tháng đối với cán bộ hỗ trợ. Đối với cán bộ không hưởng lương từ ngân sách thì trả theo hợp đồng lao động đã ký kết theo quy định pháp luật. Đối với trường hợp làm công tác ngoài giờ làm việc được thanh toán chế độ làm thêm ngoài giờ theo quy định hiện hành.

6. Trường hợp phải thực hiện cưỡng chế thu hồi đất thì Tổ chức làm nhiệm vụ bồi thường, giải phóng mặt bằng lập dự toán kinh phí tổ chức thực hiện cưỡng chế trình cơ quan có thẩm quyền phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ và tái định cư quyết định. Kinh phí tổ chức thực hiện cưỡng chế thu hồi đất được thực hiện theo khoản 3, Điều 31 của Nghị định số 47/2014/NĐ-CP.

7. Việc quyết toán kinh phí tổ chức thực hiện bồi thường, hỗ trợ, tái định cư và cưỡng chế kiểm đếm, cưỡng chế thu hồi đất thực hiện theo khoản 3, Điều 6 của Thông tư số 74/2015/TT-BTC.”

21. Điều 55 được sửa đổi, bổ sung như sau:

“Điều 55. Trách nhiệm tổ chức thực hiện

1. Giao cho Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với Sở Tài chính, Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Xây dựng và các Sở, ngành có liên quan tổ chức triển khai thực hiện Quy định này, giải quyết các vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện hoặc tham mưu sửa đổi, bổ sung quy định này cho phù hợp thực tế phát sinh. Báo cáo, đề xuất Ủy ban nhân dân tỉnh giải quyết các trường hợp vượt thẩm quyền.

2. Chủ đầu tư phối hợp Hội đồng bồi thường, hỗ trợ và tái định cư của dự án có trách nhiệm phổ biến, giải thích, hướng dẫn cụ thể về nội dung phương án bồi thường, hỗ trợ và tái định cư được phê duyệt đến các đối tượng thuộc diện bị thu hồi đất biết để thực hiện.”

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành từ ngày 16 tháng 10 năm 2018. Bãi bỏ Quyết định số 18/2016/QĐ-UBND ngày 28/4/2016 của Ủy ban nhân dân tỉnh về sửa đổi, bổ sung một số nội dung Quy định về bồi thường, hỗ trợ và tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất trên địa bàn tỉnh Tiền Giang ban hành kèm theo Quyết định số 40/2014/QĐ-UBND ngày 16/12/2014 của Ủy ban nhân dân tỉnh Tiền Giang.

Điều 3. Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh, Thủ trưởng các sở, ban  ngành tỉnh, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố Mỹ Tho và các tổ chức, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

Ủy ban nhân dân tỉnh Tiền Giang

Phó Chủ tịch

(Đã ký)

 

Phạm Anh Tuấn