Sign In

QUYẾT ĐỊNH

Quy định việc thực hiện một số nội dung chi, mức chi,

lập dự toán và quyết toán kinh phí phục vụ công tác bảo đảm

trật tự an toàn giao thông trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên

___________________

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH THÁI NGUYÊN

Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19 tháng 6 năm 2015;

Căn cứ Luật Ngân sách Nhà nước ngày 25 tháng 6 năm 2015;

Căn cứ Luật Xử phạt vi phạm hành chính ngày 20 tháng 6 năm 2012;

Căn cứ Nghị định số 163/2016/NĐ-CP ngày 21 tháng 12 năm 2016 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Ngân sách nhà nước;

Căn cứ Nghị định số 46/2016/NĐ-CP ngày 26 tháng 5 năm 2016 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt;

Căn cứ Thông tư số 01/2018/TT-BTC ngày 02 tháng 01 năm 2018 của Bộ trưởng Bộ Tài chính quy định việc quản lý và sử dụng kinh phí bảo đảm trật tự an toàn giao thông; Quyết định số 901/QĐ-BTC ngày 13 tháng 6 năm 2018 của Bộ trưởng Bộ Tài chính về việc đính chính Thông tư số 01/2018/TT-BTC ngày 02 tháng 01 năm 2018 của Bộ trưởng Bộ Tài chính quy định việc quản lý và sử dụng kinh phí bảo đảm trật tự an toàn giao thông;

Căn cứ Nghị quyết số 13/NQ-HĐND ngày 08 tháng 11 năm 2018 của Hội đồng nhân dân tỉnh Quy định mức phân bổ kinh phí ngân sách Trung ương bổ sung có mục tiêu cho ngân sách tỉnh Thái Nguyên từ nguồn thu xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an toàn giao thông và một số nội dung chi, mức chi đặc thù phục vụ công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên;

Theo đề nghị của Sở Tài chính tại Tờ trình số 4655/TTr-STC ngày 11 tháng 12 năm 2018, Báo cáo số 368/BC-STP ngày 11 tháng 12 năm 2018 của Sở Tư pháp.

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phạm vi và đối tượng điều chỉnh

1. Phạm vi điều chỉnh 

Quyết định này quy định việc tổ chức thực hiện các quy định về nội dung chi, mức chi; Lập dự toán và quyết toán kinh phí phục vụ công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên.

2. Đối tượng áp dụng

a) Ban An toàn giao thông tỉnh;

b) Công an tỉnh Thái Nguyên;

c) Ban An toàn giao thông các huyện, thành phố Sông Công, thành phố Thái Nguyên,thị xã Phổ Yên (sau đây viết tắt là Ban ATGT cấp huyện);

d) Thanh tra sở Giao thông vận tải;

đ) Các lực lượng trực tiếp tham gia đảm bảo TTATGT trực thuộc tỉnh;

e) Các cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân khác có liên quan đến việc quản lý, sử dụng kinh phí bảo đảm TTATGT.

Điều 2. Nguồn kinh phí

Nguồn kinh phí để thực hiện các nội dung chi, mức chi phục vụ công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên, bao gồm các nguồn như sau:

1. Kinh phí từ nguồn thu xử phạt hành chính trong lĩnh vực an toàn giao thông  được ngân sách Trung ương bổ sung cho ngân sách tỉnh Thái Nguyên giai đoạn 2018-2020 thực hiện theo quy định tại Điều 2 Thông tư số 01/2018/TT-BTC ngày 02/01/2018 của Bộ Tài chính.

2. Kinh phí được bố trí trong dự toán chi ngân sách địa phương hàng năm, được giao dự toán cho các cơ quan, tổ chức, đơn vị để thực hiện nhiệm vụ công tác đảm bảo TTATGT trên địa bàn tỉnh.

Điều 3. Hướng dẫn thực hiện một số nội dung chi

Ngoài các nội dung chi chung được quy định tại Khoản 1, Điều 3 và nội dung chi đặc thù bảo đảm trật tự an toàn giao thông quy định tại Điểm a, b, c, d, đ, Khoản 4, Điều 3 tại Thông tư số 01/2018/TT-BTC ngày 02/01/2018 của Bộ Tài chính, một số nội dung chi cụ thể phục vụ công tác đảm bảo TTATGT được thực hiện theo quy định tại Khoản 1, Khoản 2,  Điều 3 Nghị quyết số 13/2018/NQ-HĐND ngày 08/12/2018 của Hội đồng nhân dân tỉnh, như sau:

1. Chi thực hiện nhiệm vụ khác phục vụ trực tiếp công tác bảo đảm TTATGT tại cấp tỉnh:

a) Chi bồi dưỡng cho các thành viên của Ban An toàn giao thông tỉnh;

b) Chi bồi dưỡng cho tổ giúp việc của Ban An toàn giao thông tỉnh;

c) Chi đầu tư trang bị hạ tầng, thiết bị, phương tiện phục vụ cho công tác bảo đảm TTATGT theo quyết định của cấp có thẩm quyền, bao gồm các nội dung: Làm mới, sửa chữa các panô tuyên truyền an toàn giao thông; trang bị áo và phao cứu sinh;

d) Chi bồi dưỡng cho lực lượng Thanh tra Sở Giao thông vận tải tham gia công tác bảo đảm TTATGT;

đ) Chi hỗ trợ cơ quan, đơn vị, hội, đoàn thể các hoạt động phối hợp trong lĩnh vực đảm bảo TTATGT;

e) Chi các nhiệm vụ khác do Chủ tịch UBND tỉnh - Trưởng Ban ATGT tỉnh giao.

2. Chi đảm bảo TTATGT của cấp huyện

a) Chi xây dựng kế hoạch phối hợp các cơ quan, đơn vị trực thuộc UBND cấp huyện và UBND các xã, phường, thị trấn (sau đây viết tắt là UBND cấp xã) trong việc thực hiện công tác đảm bảo TTATGT;

b) Chi tuyên truyền, phổ biến pháp luật về an toàn giao thông;

c) Chi công tác chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc việc phối hợp hoạt động của các cơ quan, các tổ chức và các đoàn thể trực thuộc UBND cấp huyện, UBND cấp xã trong lĩnh vực bảo đảm TTATGT; cứu hộ, cứu nạn, khắc phục, hạn chế hậu quả các vụ tai nạn giao thông trên địa bàn;

d) Chi khắc phục sự cố đảm bảo ATGT, xử lý các điểm mất ATGT;

đ) Chi hỗ trợ cơ quan, đơn vị, hội, đoàn thể  các hoạt động phối hợp trong lĩnh vực đảm bảo TTATGT;

e) Chi hội nghị sơ kết, tổng kết công tác ATGT;

g) Chi bồi dưỡng thành viên tham gia Ban An toàn giao thông cấp huyện;

h) Chi bồi dưỡng cho tổ giúp việc của Ban an toàn giao thông cấp huyện;

i) Chi hỗ trợ cho các lực lượng không hưởng lương từ ngân sách nhà nước tham gia công tác giải tỏa hành lang đường bộ;

k) Chi các nhiệm vụ khác do Chủ tịch UBND cấp huyện - Trưởng Ban ATGT cấp huyện giao.

Điều 4. Hướng dẫn thực hiện một số mức chi

Chi cho công tác bảo đảm TTATGT được thực hiện theo định mức, chế độ chi tiêu tài chính hiện hành; một số mức chi có tính chất hỗ trợ đặc thù theo quy định tại Điều 4 Nghị quyết số 13/2018/NQ-HĐND ngày 08/12/2018 của HĐND tỉnh, như sau:

1. Chi thăm hỏi, hỗ trợ nạn nhân tai nạn giao thông, gia đình nạn nhân bị chết:

a) Trong các vụ tai nạn giao thông đặc biệt nghiêm trọng: Chi hỗ trợ  3.000.000 đồng/người bị tử vong; 2.000.000 đồng/người bị thương nặng; 1.000.000 đồng/người bị thương đang điều trị tại bệnh viện có hoàn cảnh khó khăn;

b) Trong các dịp Tết Nguyên đán, “Ngày thế giới tưởng niệm các nạn nhân tử vong do tai nạn giao thông”: Chi thăm hỏi 1.000.000 đồng/người đối với nạn nhân bị thương nặng, gia đình nạn nhân bị chết do tai nạn giao thông có hoàn cảnh khó khăn (mỗi nạn nhân, gia đình không quá 01 lần thăm hỏi/năm).

2. Chi hỗ trợ ban đầu cho cán bộ, công chức, viên chức bị thương hoặc bị chết khi đang làm nhiệm vụ đảm bảo TTATGT:

a) Trường hợp bị thương được hỗ trợ 2.000.000 đồng/người. Thủ trưởng đơn vị được giao dự toán xem xét, quyết định việc thăm hỏi trên cơ sở mức độ thương tích và tỷ lệ thương tật cho phù hợp, đảm bảo công bằng và tự chịu trách nhiệm về quyết định của mình;

b) Trường hợp bị chết: Gia đình cán bộ, công chức, viên chức được nhận mức hỗ trợ 5.000.000 đồng/người;

c) Trường hợp đặc biệt khác do Chủ tịch UBND tỉnh xem xét quyết định.

3. Chi bồi dưỡng cho cán bộ, công chức, viên chức thuộc lực lượng khác (cơ quan, tổ chức, đơn vị) tham gia trực tiếp công tác phối hợp bảo đảm trật tự an toàn giao thông vào ban đêm theo yêu cầu của Trưởng Ban ATGT tỉnh; Trưởng Ban ATGT cấp huyện là 100.000 đồng/người/ca (01 ca đủ từ 04 giờ trở lên).

4. Hỗ trợ tiền công và tiền xăng xe cho các lực lượng không hưởng lương từ ngân sách trực tiếp tham gia công tác giải tỏa hàng lang đường bộ:

a) Tiền công mức chi: 100.000 đồng/người/ngày;

b) Tiền xăng xe máy mức chi: 2.000 đồng/km.

5. Chi bồi dưỡng hàng tháng cho thành viên Ban ATGT tỉnh và tổ chuyên viên giúp việc, cụ thể như sau:

a) Trưởng Ban ATGT: Mức bồi dưỡng 1.000.000 đồng/người/tháng;

b) Phó Trưởng ban ATGT, Ủy viên chuyên trách: Mức bồi dưỡng 800.000 đồng/người/tháng;

c) Các thành viên Ban ATGT tỉnh: Mức bồi dưỡng 500.000 đồng/người/tháng;

d) Tổ chuyên viên giúp việc: Mức bồi dưỡng 600.000 đồng/người/tháng.

6. Chi bồi dưỡng hàng tháng cho thành viên Ban ATGT cấp huyện và tổ chuyên viên giúp việc, cụ thể như sau:

a) Trưởng Ban ATGT: Mức bồi dưỡng 700.000 đồng/người/tháng;

b) Phó Trưởng ban ATGT, Ủy viên chuyên trách: Mức bồi dưỡng 500.000 đồng/người/tháng;

c) Các thành viên Ban ATGT cấp huyện: Mức bồi dưỡng 300.000 đồng/người/tháng;

d) Tổ chuyên viên giúp việc: Mức bồi dưỡng 400.000 đồng/người/tháng.

7. Chi bồi dưỡng cho lực lượng Thanh tra Sở Giao thông vận tải tham gia công tác bảo đảm trật tự ATGT, mức bồi dưỡng 700.000 đồng/người/tháng. Số lượng, đối tượng tham gia trực tiếp do Thủ trưởng đơn vị được giao dự toán phân công, tự chịu trách nhiệm.

Điều 5. Lập dự toán; quản lý, sử dụng và thanh, quyết toán kinh phí bảo đảm TTATGT

1. Việc lập, phân bổ, chấp hành và quyết toán kinh phí bảo đảm TTATGT thực hiện theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước và các văn bản hướng dẫn Luật.

2. Hàng năm, cùng với thời gian lập dự toán thu- chi ngân sách nhà nước năm; các cơ quan, đơn vị được giao nhiệm vụ bảo đảm TTATGT lập dự toán kinh phí bảo đảm TTATGT và tổng hợp chung vào dự toán thu, chi ngân sách nhà nước hàng năm của  cơ quan, đơn vị gửi cơ quan tài chính cùng cấp để tổng hợp báo cáo cấp có thẩm quyền phê duyệt theo quy định; cụ thể:

a) Sở Giao thông vận tải, Công an tỉnh, Ban An toàn giao thông tỉnh, cơ quan, đơn vị cấp tỉnh lập dự toán kinh phí đảm bảo TTATGT theo nhiệm vụ được giao gửi Sở Tài chính xem xét, tổng hợp chung vào dự toán chi ngân sách hàng năm báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh, để trình Hội đồng nhân dân tỉnh theo quy định. Riêng đối với Công an tỉnh lập dự toán bao gồm cả kinh phí thực hiện nhiệm vụ đảm bảo TTATGT của Công an huyện, quận, thị xã, thành phố, Công an phường, thị trấn gửi Sở Tài chính, đồng gửi Bộ Công an để theo dõi, quản lý chung lực lượng của ngành Công an.

b) Ban An toàn giao thông huyện, thị xã, thành phố lập dự toán kinh phí đảm bảo TTATGT theo nhiệm vụ được giao gửi Phòng Tài chính- Kế hoạch xem xét, tổng hợp chung vào dự toán chi ngân sách hàng năm báo cáo Ủy ban nhân dân huyện, thị xã, thành phố, để trình Hội đồng nhân dân cùng cấp theo quy định.

3. Các tổ chức, cá nhân sử dụng kinh phí bảo đảm TTATGT phải chi theo nội dung được cấp có thẩm quyền phê duyệt và trong dự toán chi ngân sách nhà nước đã được giao, đảm bảo đúng chế độ chi hiện hành của nhà nước; chịu sự kiểm tra, kiểm soát của cơ quan chức năng có thẩm quyền; thực hiện thanh toán, quyết toán kinh phí hàng năm theo quy định pháp luật hiện hành.

4. Ban An toàn giao thông tỉnh, Sở Giao thông vận tải, Công an tỉnh, có trách nhiệm phối hợp với Sở Tài chính kiểm tra định kỳ, đột xuất các cơ quan, đơn vị về tình hình thực hiện nhiệm vụ và kinh phí bảo đảm TTATGT.

Điều 6. Tổ chức thực hiện

1. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày 01/01/2019 và thay thế Quyết định số 15/2014/QĐ-UBND ngày 10/6/2014 của UBND tỉnh ban hành quy định quản lý, sử dụng và thanh quyết toán kinh phí bảo đảm trật tự an toàn giao thông do ngân sách nhà nước cấp trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên; Quyết định số 15/2017/QĐ-UBND ngày 05/7/2017 của UBND tỉnh về việc sửa đổi, bổ sung nội dung Quyết định số 15/2014/QĐ-UBND ngày 10/6/2014 của UBND tỉnh ban hành quy định quản lý, sử dụng và thanh quyết toán kinh phí bảo đảm trật tự an toàn giao thông do ngân sách nhà nước cấp trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên.

2. Chánh Văn phòng UBND tỉnh; Thủ trưởng các sở, ban, ngành, đoàn thể; Chủ tịch UBND các huyện, thành phố, thị xã và các cơ quan, đơn vị liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

Ủy ban nhân dân tỉnh Thái Nguyên

Phó Chủ tịch

(Đã ký)

 

Nhữ Văn Tâm