QUYẾT ĐỊNH
Ban hành Quy định về quản lý sản xuất, gia công, nhập khẩu, kinh doanh và sử dụng phân bón trên địa bàn tỉnh An Giang
______________________
ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH AN GIANG
Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân ngày 26 tháng 11 năm 2003;
Căn cứ Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân ngày 03 tháng 12 năm 2004;
Căn cứ Nghị định số 113/2003/NĐ-CP ngày 07 tháng 10 năm 2003 của Chính phủ về quản lý sản xuất, kinh doanh phân bón;
Căn cứ Nghị định 191/2007/NĐ-CP ngày 31 tháng 12 năm 2007 của Chính phủ về việc sửa đổi bổ sung một số điều của Nghị định 113/2003/NĐ-CP ngày 07 tháng 10 năm 2003 của Chính phủ về quản lý sản xuất, kinh doanh phân bón;
Căn cứ Quyết định 100/2008/QĐ-BNN ngày 15 tháng 10 năm 2008 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về việc ban hành Quy định sản xuất, kinh doanh và sử dụng phân bón;
Theo đề nghị của Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tại tờ trình số 03/TTr.SNN-TTr ngày 06 tháng 01 năm 2009,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Quy định về quản lý sản xuất, gia công, nhập khẩu, kinh doanh và sử dụng phân bón trên địa bàn tỉnh An Giang.
Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành sau 10 ngày kể từ ngày ký.
Điều 3. Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Thủ trưởng các Sở, ban ngành có liên quan, Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện, thị xã, thành phố và các tổ chức, cá nhân sản xuất, gia công, nhập khẩu, kinh doanh và sử dụng phân bón chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
TM. ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH
KT.CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH
(Đã ký)
Huỳnh Thế Năng
UỶ BAN NHÂN DÂN CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
TỈNH AN GIANG Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
_____________ ____________________
___
QUY ĐỊNH
Quản lý sản xuất, gia công, nhập khẩu, kinh doanh và sử dụng phân bón
trên địa bàn tỉnh An Giang
(Ban hành kèm theo Quyết định số 06/2009/QĐ-UBND
ngày 21/01/2009 của UBND tỉnh An Giang)
Chương I:
NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Phạm vi điều chỉnh.
Quy định này áp dụng trong lĩnh vực quản lý nhà nước về sản xuất, gia công, nhập khẩu, kinh doanh và sử dụng phân bón trên địa bàn tỉnh An Giang.
Điều 2. Đối tượng áp dụng
1. Tổ chức, cá nhân trong nước và ngoài nước có hoạt động trong các lĩnh vực tại Điều 1 của Quy định này.
2. Phân bón nêu trong Quy định này là những loại phân bón được quy định tại Khoản 2, Khoản 3 Điều 1 Nghị định 191/2007/NĐ-CP ngày 31/12/2007 của Chính phủ, sửa đổi bổ sung một số điều của Nghị định 113/2003/NĐ-CP ngày 07/10/2003 của Chính phủ về quản lý sản xuất, kinh doanh phân bón (sau đây gọi tắt là Nghị định 191/2007/NĐ-CP).
Chương II:
SẢN XUẤT, KINH DOANH PHÂN BÓN
Điều 3. Điều kiện sản xuất phân bón
1. Áp dụng theo quy định tại Khoản 4 Điều 1 Nghị định số 191/2007/NĐ-CP.
2. Tổ chức, cá nhân sản xuất, gia công, nhập khẩu phân bón phải tự kiểm tra chất lượng phân bón đối với tất cả các lô sản phẩm, nếu phân bón đạt chất lượng mới được đưa vào kinh doanh; Kết quả kiểm tra này được lưu tại đơn vị ít nhất 01 năm để phục vụ yêu cầu kiểm tra của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
Điều 4. Điều kiện kinh doanh phân bón.
1. Tổ chức, cá nhân đảm bảo các điều kiện theo quy định tại Điều 13 của Nghị định 113/2003/NĐ-CP ngày 07 tháng 10 năm 2003 của Chính phủ về quản lý sản xuất, kinh doanh phân bón (gọi tắt là Nghị định 113/2003/NĐ-CP); được quyền kinh doanh các loại phân bón có tên trong Danh mục phân bón được phép sản xuất, kinh doanh và sử dụng tại Việt Nam (gọi tắt là Danh mục phân bón).
2. Kho chứa phân bón phải đảm bảo các yêu cầu về kỹ thuật nhằm ổn định chất lượng phân bón.
Điều 5. Nhập khẩu phân bón.
Tổ chức, cá nhân được phép nhập các loại phân bón có tên trong Danh mục phân bón, phải chịu trách nhiệm về chất lượng phân bón nhập khẩu và tuân theo các điều kiện tại Điều 11 của Quy định ban hành kèm theo Quyết định 100/2008/QĐ-BNN ngày 15 tháng 10 năm 2008 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về việc ban hành Quy định sản xuất, kinh doanh và sử dụng phân bón (gọi tắt là Quyết định 100/2008/QĐ-BNN).
Điều 6. Nhãn hàng hóa.
1. Phân bón lưu hành trên thị trường phái có nhãn hàng hóa phù hợp Nghị định số 89/2006/NĐ-CP ngày 30 tháng 8 năm 2006 của Chính phủ về nhãn hàng hóa;
2. Mỗi loại phân bón chỉ có một tên thương mại duy nhất, là tên đã đăng ký trong Danh mục phân bón và phải được ghi bằng dòng chữ lớn nhất trên phần chính của nhãn hàng hóa;
3. Thành phần phân bón: Phải được ghi rõ trên nhãn cùng với hàm lượng mỗi hoạt chất cụ thể và đúng với thành phần đã đăng ký trong Danh mục phân bón. Nếu diện tích nhãn không đủ để ghi hết các thành phần đã đăng ký thì được phép ghi những thành phần chính của loại phân đó, nhưng không được ghi thêm thành phần hay ghi tăng, giảm hàm lượng;
4. Công dụng của phân bón: Phải ghi đúng thực chất của loại phân bón đó và theo đúng hồ sơ khảo nghiệm đã được Hội đồng Khoa học Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn công nhận.
Chương III:
HỘI THẢO QUẢNG CÁO VÀ QUẢN LÝ CHẤT LƯỢNG PHÂN BÓN
Điều 7. Hội thảo quảng cáo phân bón
Tổ chức, cá nhân muốn tổ chức hội thảo, quảng cáo phân bón phải tuân theo Pháp lệnh Quảng cáo; Thông tư liên tịch số 96/2004/TTLT/BVHTT-BNN và PTNT ngày 03/11/2004 giữa Bộ Văn hóa Thông tin và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hướng dẫn về quảng cáo một số hàng hóa trong lĩnh vực nông nghiệp; Khoản 4 Điều 9 Quyết định 100/2008/QĐ-BNN.
Điều 8. Quản lý chất lượng phân bón
1. Quản lý chất lượng phân bón được thực hiện theo Pháp lệnh của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội số 18/1999/PL-UBTVQH10 ngày 24 tháng 12 năm 1999 về chất lượng hàng hóa và Nghị định 179/2004/NĐ-CP ngày 21 tháng 10 năm 2004 của Chính phủ về quản lý nhà nước về chất lượng sản phẩm, hàng hóa.
2. Chỉ tiêu bắt buộc kiểm tra, mức sai số cho phép trong kiểm tra chất lượng phân bón được xác định theo Quyết định 100/2008/QĐ-BNN.
Chương IV:
PHÂN CÔNG TRÁCH NHIỆM VÀ XỬ LÝ VI PHẠM
Điều 9. Phân công trách nhiệm.
1. Cơ quan nhà nước cấp tỉnh
a) Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thực hiện chức năng quản lý nhà nước về sản xuất, kinh doanh, quản lý chất lượng phân bón. Tổ chức kiểm tra, thanh tra và xử lý các vi phạm về điều kiện sản xuất, kinh doanh phân bón (trừ sản xuất phân bón vô cơ), các vi phạm về chất lượng và sử dụng phân bón trong phạm vi toàn tỉnh theo quy định của pháp luật;
b) Sở Công Thương chủ trì, phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các đơn vị liên quan kiểm tra, thẩm định điều kiện sản xuất của đơn vị sản xuất phân bón vô cơ trên địa bàn.
c) Các Sở, ngành có liên quan trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được giao có trách nhiệm phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thực hiện việc quản lý nhà nước về phân bón.
2. Cơ quan nhà nước cấp huyện:
a) Ủy ban nhân dân các huyện, thị, thành phố có trách nhiệm phối hợp tổ chức, kiểm tra việc thực hiện công tác quản lý phân bón trong phạm vi địa bàn mình quản lý.
b) Định kỳ tháng 11 hàng năm, phòng Kinh tế, phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cấp huyện có trách nhiệm tổng hợp báo cáo danh sách các cơ sở sản xuất,gia công, nhập khẩu, kinh doanh phân bón gởi về Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
Điều 10. Trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân trong việc sản xuất, gia công, nhập khẩu, kinh doanh phân bón.
Áp dụng theo Điều 16 Quyết định 100/2008/QĐ-BNN.
Điều 11. Xử lý vi phạm
1. Tổ chức, cá nhân vi phạm các Quy định về sản xuất, kinh doanh phân bón thì tuỳ theo tính chất và mức độ vi phạm mà bị xử lý theo quy định của pháp luật.
2. Phân bón sau hai lần kiểm tra liên tục trong một năm có thành phần, hàm lượng các chất dinh dưỡng không đạt tiêu chuẩn chất lượng, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn loại ra khỏi Danh mục phân bón; Đồng thời, UBND tỉnh ban hành quyết định đình chỉ lưu thông có thời hạn toàn bộ sản phẩm phân bón của đơn vị sản xuất phân bón kém chất lượng.
3. Doanh nghiệp sản xuất phân bón kém chất lượng, ngoài việc bị xử phạt vi phạm hành chính theo quy định, phải bồi thường tổn thất và thiệt hại cho người sử dụng, mức bồi thường bằng hai lần mức thiệt hại thực tế và được xác định theo công thức:
M = (A x B) + C
Trong đó:
M: Mức bồi thường;
A: Tỷ lệ kém chất lượng;
B: Số lượng hàng hóa vi phạm;
C: Khoản thiệt hại thực tế do sử dụng phân bón kém chất lượng.
Trong trường hợp không xác định được người bị thiệt hại, thì khoản thu được nộp vào ngân sách nhà nước để sử dụng đầu tư các công trình phục vụ nông dân.
4. Tổ chức, cá nhân tái phạm từ hai lần trở lên về hành vi kinh doanh phân bón không có tên trong Danh mục phân bón (thuộc nhóm hàng hóa cấm kinh doanh), ngoài việc bị xử phạt vi phạm hành chính theo quy định, còn bị áp dụng thêm hình thức xử phạt bổ sung là đình chỉ hoạt động kinh doanh có thời hạn.
5. Tổ chức, cá nhân sản xuất phân bón có thành phần, hàm lượng các chất dinh dưỡng không đạt tiêu chuẩn chất lượng hoặc kinh doanh phân bón kém chất lượng khi phát hiện đều phải thông báo rộng rãi trên phương tiện thông tin đại chúng.
Chương V
ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH
Điều 12. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với các Sở, ngành liên quan, Ủy ban nhân dân các huyện, thị, thành phố tổ chức triển khai và hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện Quy định này.
Điều 13. Giải quyết phát sinh, vướng mắc
Trong quá trình thực hiện, nếu có phát sinh, vướng mắc đề nghị tổ chức, cá nhân báo cáo bằng văn bản gửi về Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để trình UBND tỉnh chỉnh sửa, bổ sung./.
TM. ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH
(Đã ký)
Huỳnh Thế Năng