Sign In

CHỈ THỊ

V/V TIẾP TỤC THỰC HIỆN CHỈ THỊ 200/TTg

CỦA THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ VỀ ĐẢM BẢO NƯỚC SẠCH

VÀ VỆ SINH MÔI TRƯỜNG NÔNG THÔN.

 

Gần ba năm thực hiện Chỉ thị 200/TTg ngày 29/4/1994 của Thủ tướng Chính phủ và Chỉ thị 01/CT-UB ngày 08/02/1995 của UBND tỉnh, tỉnh ta đã đạt được một số kết quả bước đầu. Tuy nhiên, kết quả đạt được còn rất hạn chế so với yêu cầu, nguyên nhân chủ yếu là công tác tổ chức quản lý và kiểm tra chưa đổng bộ, thiếu thường xuyên, thiếu liên tục và kiên trì. Trong tổ chức thực hiện còn nôn nóng, cầu toàn, trông chờ, thiếu thực tế, xây chậm hơn xoá, nên có nhiều nơi tình hình tái diễn lại như cũ. Mặt khác, ảnh hưởng của lũ lụt, chưa tổ chức được cụm và tuyến dân cư, điều kiện khách quan cũng rất khó khăn như: Mặt bằng đất đai phần lớn là thấp, đời sống dân cư còn nghèo và ảnh hưởng sâu sắc của tập quán cũ.

Để tiếp tục thực hiện Chỉ thị 200/TTg của Thủ tướng Chính phủ và Chỉ thị 01/CT-UB của UBND tỉnh nói trên và dựa vào tình hình thực trạng của Tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh Chỉ thị thực hiện những vấn đề chủ yếu như sau:

1- Ban Chỉ đạo Tỉnh giúp UBND tỉnh tổ chức sơ kết và kiểm điểm tình hình thực hiện Chỉ thị 200/TTg trong thời gian qua, đánh giá ưu khuyết điểm, tìm nguyên nhân và rút kinh nghiệm trong chi đạo điều hành và tổ chức thực hiện. Trên cơ sở đó và yêu cầu nhiệm vụ, kế hoạch chung của Tỉnh trong năm tới, để xây dựng kế hoạch tiếp tục thực hiện cụ thể ở từng lĩnh vực, từng địa bàn dân cư trong năm 1997. Qua đó, tổ chức triển khai quán triệt hơn nữa Chỉ thị 200/TTg, Chỉ thị 12/CT.TU, Chỉ thị 01/CT-UB làm cho các cấp, các ngành, các đoàn thể và nhân dân nhận thức đầy đủ ý nghĩa, mục đích chương trình nước sạch và vệ sinh môi trường là vì lợi ích của mọi người, mọi nhà và gương mẫu hành động. Vì vậy, cần huy động nguồn lực của toàn xã hội là chủ yếu để thực hiện các mục tiêu đã đề ra.

2- Sở KHCN & MT và các ngành chức năng phối hợp với Mặt trận, Đoàn thể, các cơ quan thông tin đại chúng, đẩy mạnh công tác tuyên truyền giáo dục, vận động nhân dân thực hiện phát động từng hộ, cam kết thực hiện “không xả rác, xây dựng cầu tiêu hợp vệ sinh, uống nước qua lắng lọc đun sôi”. Các tổ chức đoàn thể cần đưa nội dung sử dụng nước sạch và vệ sinh môi trường vào quy chế, vào chương trình hoạt động thường xuyên, nhắc nhở, phê bình, đấu tranh, ngăn chặn, đẩy lùi, tiến tới xoá bỏ thói quen sinh hoạt không hợp vệ sinh môi trường trong cộng đồng dân cư. Trong năm 1997 tiếp tục xoá các loại cầu tiêu không hợp vệ sinh và ở những vị trí không phù hợp, đi đôi với việc xoá là việc xây các loại cầu tiêu hợp vệ sinh, tránh tình trạng xoá, xây mất cân đối sẽ dẫn đến ô nhiễm môi trường trầm trọng hơn.

3- Các Sở Kế hoạch - đầu tư, Tài chính - vật giá, Khoa học – công nghệ - môi trường, Nông nghiệp và phát triển nông thôn, Xây dựng, Công nghiệp, Y tế, Giáo dục và các ngành có liên quan, phải đề ra chương trình hành động cụ thể của ngành và phối hợp các địa phương để tổ chức triển khai thực hiện, đồng thời phân công trong ban lãnh đạo và chuyên viên của ngành đi sâu sát ở cơ sở để đôn đốc nhắc nhở và cũng tham gia tuyên truyền, vận động quần chúng thực hiện theo chức năng nhiệm vụ của ngành. Mặt khác, phải sử dụng có hiệu quả nguồn vốn từ ngân sách cấp và tích cực tranh thủ vốn từ các ngành Trung ương, vốn viện trợ quốc tế, vốn vay trong và ngoài nước để đầu tư xây dựng theo yêu cầu mục tiêu nước sạch  và vệ sinh môi trường của tỉnh. Ngoài ra, phải có kế hoạch hướng dẫn cụ thể phương pháp xử lý nước, rác, mô hình cầu vệ sinh gia đình để nhân dân lựa chọn và áp dụng rộng rãi. Cụ thể một số nhiệm vụ của những ngành có chức năng liên quan như sau:

+ Sở Y tế: Chú trọng thực hiện kế hoạch xử lý nước thải, rác thải ở các bệnh viện trung tâm, các trạm y tế xã, phường. Đẩy mạnh việc triển khai hệ thống cung cấp nước sạch, cầu tiêu hợp vệ sinh xuống những xã còn lại, tiến tới dứt điểm trong thời gian ngắn nhất. Phối hợp với Sở Xây dựng, UBND các Huyện, Thị xã sẽ tiếp tục triển khai đến các khu dân cư, khu công cộng, khóm ấp, hộ gia đình. Trong quá trình triển khai thực hiện phải gắn với kế hoạch, kiểm tra chất lượng môi trường (nước, rác) ở một số điểm đặc trưng và kịp thời báo cáo cho địa phương xử lý.

+ Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn phối hợp với Sở KHCN & MT, Sở Xây dựng mở rộng triển khai rộng rãi hơn nữa mô hình cung cấp nước sạch, như: giếng khoan, bể lọc chậm, bể chứa nước mưa, hệ thống xử lý nước cho cụm dân cư còn lại và các điểm thiếu nước ở vùng sâu, vùng xa, đồng thời giám sát các loại mô hình đã triển khai, đánh giá hiệu quả sử dụng, lên kế hoạch phục hồi, cải tiến, đồng thời gắn việc xây dựng mới các cụm, tuyến dân cư ở nông thôn với việc bảo đảm vệ sinh môi trường, trong đó đặc biệt quan tâm đến vấn đề xây cầu tiêu hợp vệ sinh.

+ Sở Giáo dục cố gắng huy động nguồn vốn tự có hoặc huy động từ nhân dân triển khai hệ thống cung cấp nước sạch, cầu tiêu hợp vệ sinh chưa được trang bị cho các trường trong thời gian qua và hoàn thành với thời gian sớm nhất. Mặt khác lên kế hoạch tập huấn cho đội ngũ giáo viên (phối hợp với Sở Y tế hoặc Sở KHCN & MT) đưa chương trình vệ sinh môi trương vào giờ giảng ngoại khoá thêm cho học sinh.

+ Sở Xây dựng lên kế hoạch cùng với UBND địa phương xây dựng các loại mô hình cầu tiêu hợp vệ sinh tại các xã, phường, thị trấn trong tỉnh.

+ Hội phụ nữ, Hội nông dân, Đoàn Thanh niên, Đài phát thanh, truyền hình, Báo An Giang phối hợp với Sở KHCN & MT, Sở Y tế và các ngành có liên quan để xây dựng kế hoạch tuyên truyền về chương trình vệ sinh môi trường trong toàn tỉnh.

+ Sở KHCN & MT được giao trách nhiệm là thường trực ban chỉ đạo chương trình, tổng hợp báo cáo thường xuyên cho thường thực UBND tỉnh. Đồng thời, đẩy mạnh hơn nữa việc triển khai mô hình bình lọc nước hợp vệ sinh. Mặt khác, tiếp tục nghiên cứu các mô hình nước sạch, cầu tiêu hợp vệ sinh ở các tỉnh bạn trong điều kiện phù hợp. Theo dõi tư vấn kỹ thuật xử lý ô nhiễm môi trường từ sản xuất nông nghiệp, công nghiệp, khu dân cư, đô thị, các bệnh viện...

+ UBND các huyện, thị xã củng cố tổ chức Ban chỉ đạo; giao trách nhiệm thường trực cho Trung tâm Y tế xây dựng kế hoạch triển khai chương trình nước sạch và vệ sinh môi trường tại địa phương, giúp các đơn vị khác hoàn thành trách nhiệm công việc của mình, đồng thời kết hợp với những đơn vị trên xử lý tình trạng vệ sinh môi trường các khu quy hoạch, khu dân cư, khu công nghiệp..., hoặc tiến hành xử phạt nghiêm khắc đối với các đối tượng vi phạm.

4- Phát động phong trào thi đua thực hiện chương trình nước sạch và vệ sinh môi trường, gắn với xây dựng nếp sống văn minh ở từng địa bàn dân cư. Qua từng đợt thi đua có sơ tổng kết, biểu dương khen thưởng kịp thời và nhân rộng ra toàn tỉnh những nhân tố mới.

5- Các ngành, các cấp báo cáo kế hoạch và kết quả thực hiện về Sở KH, CN & MT để tổng hợp báo cáo cho UBND tỉnh.

 

                                                                                    ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH AN GIANG

                                                                                                       KT. CHỦ TỊCH

                                                                                                     PHÓ CHỦ TỊCH

Nơi nhận:

- TT TU “b/c”

- Các Sở, Ban ngành, Đoàn thể cấp tỉnh

- UBND các huyện, thị                                                                        Đã ký

- Lưu.

 

                                                                                              Nguyễn Hoàng Việt

 

Ủy ban nhân dân tỉnh An Giang

Phó Chủ tịch

(Đã ký)

 

Nguyễn Hoàng Việt