Sign In

QUYẾT ĐỊNH

QUY ĐỊNH NGUYÊN TẮC, TIÊU CHÍ, ĐỊNH MỨC PHÂN BỔ VỐN NGÂN SÁCH TRUNG ƯƠNG VÀ TỶ LỆ VỐN ĐỐI ỨNG CỦA NGÂN SÁCH ĐỊA PHƯƠNG THỰC HIỆN CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI GIAI ĐOẠN 2021 - 2030, GIAI ĐOẠN I: TỪ NĂM 2021 ĐẾN NĂM 2025

Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 19 tháng 6 năm 2015; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 22 tháng 11 năm 2019;

Căn cứ Luật Đầu tư công ngày 13 tháng 6 năm 2019;

Căn cứ Luật Ngân sách nhà nước ngày 25 tháng 6 năm 2015;

Căn cứ Nghị quyết số 120/2020/QH14 ngày 19 tháng 6 năm 2020 của Quốc hội về việc phê duyệt chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030;

Căn cứ Nghị quyết số 973/2020/UBTVQH14 ngày 08 tháng 7 năm 2020 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định về các nguyên tắc, tiêu chí và định mức phân bổ vốn đầu tư công nguồn ngân sách nhà nước giai đoạn 2021 - 2025;

Theo đề nghị của Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc;

Thủ tướng Chính phủ quy định nguyên tắc, tiêu chí, định mức phân bổ vốn ngân sách trung ương và tỷ lệ vốn đối ứng của ngân sách địa phương thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030, giai đoạn I: từ năm 2021 đến năm 2025.

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

Quyết định này quy định các nguyên tắc, tiêu chí, định mức phân bổ vốn ngàn sách trung ương và tỷ lệ vốn đối ứng của ngân sách địa phương thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030, giai đoạn I: từ năm 2021 đến năm 2025 (sau đây gọi tắt là Chương trình); là căn cứ để lập kế hoạch đầu tư trung hạn và hằng năm nguồn ngân sách nhà nước của Chương trình cho các cấp, các ngành và đơn vị sử dụng vốn ngân sách nhà nước.

Điều 2. Đối tượng áp dụng

1. Bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, các cơ quan khác ở trung ương, các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, cấp huyện, xã và các đơn vị sử dụng vốn ngân sách nhà nước để thực hiện Chương trình (sau đây gọi tắt là bộ, cơ quan trung ương và địa phương).

2. Cơ quan, tổ chức tham gia hoặc có liên quan đến lập kế hoạch đầu tư trung hạn và hằng năm nguồn ngân sách nhà nước của Chương trình trong giai đoạn 2021 - 2025.

Điều 3. Nguyên tắc phân bổ vốn

1. Tuân thủ quy định của Luật Đầu tư công, Luật Ngân sách nhà nước, Nghị quyết số 973/2020/UBTVQH14 ngày 08 tháng 7 năm 2020 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định về các nguyên tắc, tiêu chí và định mức phân bổ vốn đầu tư công nguồn ngân sách nhà nước giai đoạn 2021 - 2025 và các văn bản pháp luật khác có liên quan.

2. Bám sát các mục tiêu và chỉ tiêu cụ thể của Chương trình giai đoạn 2021 - 2025 nhằm hoàn thành các mục tiêu, chỉ tiêu đề ra; bảo đảm không vượt quá tổng mức vốn đầu tư, vốn sự nghiệp và không thay đổi cơ cấu nguồn vốn của Chương trình đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

3. Ưu tiên bố trí vốn thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm, quan trọng phù hợp với các mục tiêu phân bổ nguồn vốn đầu tư công giai đoạn 2021 - 2025, các nhiệm vụ được cấp có thẩm quyền phê duyệt giai đoạn trước nhưng chưa đủ nguồn lực thực hiện đã được tích hợp tại nội dung Chương trình; các địa phương chỉ đạo điểm được Thủ tướng Chính phủ hoặc cấp có thẩm quyền phê duyệt; tập trung đầu tư, hỗ trợ các xã, thôn, bản khó khăn nhất, giải quyết các vấn đề bức xúc, cấp bách nhất; ưu tiên hỗ trợ hộ nghèo, các nhóm dân tộc thiểu số còn gặp nhiều khó khăn và có khó khăn đặc thù; ưu tiên cho các địa bàn còn thiếu hụt cơ sở hạ tầng thiết yếu; phân bổ vốn đầu tư Chương trình tập trung, không phân tán, dàn trải, bảo đảm hiệu quả sử dụng vốn đầu tư.

4. Ưu tiên bố trí ngân sách trung ương đầu tư các công trình giao thông cho các xã chưa có đường ô tô đến trung tâm xã được rải nhựa hoặc bê tông; đầu tư công trình giao thông kết nối (hệ thống cầu, đường giao thông), công trình điện lưới quốc gia phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh cho các huyện nghèo có nhiều xã biên giới, xã khu vực III và thôn đặc biệt khó khăn; đầu tư trường dân tộc nội trú cho huyện có đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống, có nhiều xã đặc biệt khó khăn nhưng chưa có địa điểm hoặc phải thuê địa điểm hoạt động.

5. Đáp ứng yêu cầu quản lý tập trung, thống nhất về mục tiêu, cơ chế, chính sách của Chương trình; tăng cường phân cấp cho cơ sở để tạo sự chủ động, linh hoạt cho các địa phương, các cấp, các ngành trong triển khai, thực hiện Chương trình trên cơ sở nội dung, định hướng, lĩnh vực cần ưu tiên, phù hợp với đặc thù, điều kiện, tiềm năng lợi thế từng địa phương, từng vùng theo quy định của pháp luật, đảm bảo công khai, minh bạch, dễ thực hiện.

6. Ngân sách trung ương phân bổ vốn kế hoạch hằng năm cho các địa phương thực hiện Chương trình theo kết quả giải ngân của năm trước năm kế hoạch; ưu tiên phân bổ cho các địa phương, các dự án, tiểu dự án, nội dung của Chương trình bảo đảm tiến độ giải ngân.

7. Ngân sách trung ương chỉ hỗ trợ các địa phương nhận bổ sung cân đối từ ngân sách trung ương và các tỉnh: Quảng Nam, Quảng Ngãi, Khánh Hòa.

8. Phân bổ vốn của Chương trình bảo đảm công khai, minh bạch, đơn giản, dễ hiểu, dễ tính toán, dễ áp dụng, góp phần đẩy mạnh cải cách hành chính và tăng cường phòng, chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.

Điều 4. Nguyên tắc phân bổ vốn ngân sách trung ương trung hạn và hằng năm

1. Tổng nguồn vốn ngân sách trung ương trung hạn và hằng năm để thực hiện Chương trình phân bổ cho các cơ quan trung ương và địa phương theo quy định tại Luật Ngân sách nhà nước, Luật Đầu tư công, các văn bản hướng dẫn về nội dung này.

2. Các bộ, cơ quan trung ương và các địa phương tham gia thực hiện Chương trình căn cứ kế hoạch vốn ngân sách trung ương được giao xây dựng kế hoạch thực hiện, xác định mục tiêu, nhiệm vụ cụ thể, xây dựng phương án phân bổ vốn ngân sách trung ương gửi Ủy ban Dân tộc để tổng hợp gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính theo quy định.

3. Nguồn vốn phân bổ hằng năm của Chương trình phải phù hợp với kế hoạch trung hạn được cấp có thẩm quyền thông qua và khả năng cân đối ngân sách hằng năm; ưu tiên bố trí vốn để hoàn thành các chương trình, dự án chuyển tiếp từ kế hoạch năm trước sang năm sau; ưu tiên các địa phương giải ngân nhanh để tạo điều kiện sớm hoàn thành các mục tiêu, nhiệm vụ của Chương trình.

Điều 5. Tiêu chí, định mức và phương pháp phân bổ nguồn vốn ngân sách trung ương

Tiêu chí, định mức và phương pháp tính toán, xác định nguồn vốn ngân sách trung ương (vốn đầu tư và vốn sự nghiệp) phân bổ cho các bộ, cơ quan trung ương và địa phương thực hiện Chương trình được quy định chi tiết theo 10 Phụ lục ban hành kèm theo Quyết định này.

Tổng số vốn phân bổ cho địa phương thứ k (Tk) được tổng hợp từ vốn phân bổ của các dự án, tiểu dự án thành phần thứ i (Vk,i) của địa phương đó:

Trong đó:

- i là dự án, tiểu dự án thứ i

- k là tỉnh thứ k

Phương pháp tính toán, xác định vốn phân bổ của địa phương (k) theo tiêu chí của từng dự án, tiểu dự án thành phần (i):

Vk,i = Qi.Xk,i

Trong đó:

- Vk,i: Vốn phân bổ của dự án, tiểu dự án thứ i cho địa phương thứ k.

- Xk,i: Số điểm dự án, tiểu dự án thứ i của địa phương thứ k.

- Qi: Vốn định mức cho 01 điểm phân bổ của dự án, tiểu dự án thứ i

Gi: Vốn ngân sách trung ương để phân bổ cho dự án, tiểu dự án thứ i.

Điều 6. Quy định tỷ lệ vốn đối ứng của ngân sách địa phương thực hiện Chương trình

1. Quy định chung:

a) Tổng vốn đối ứng từ nguồn vốn ngân sách địa phương của các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương giai đoạn 2021 - 2025 phải bảo đảm mức quy định tại Nghị quyết số 120/2020/QH14 ngày 19 tháng 6 năm 2020 của Quốc hội phê duyệt chủ trương đầu tư Chương trình.

b) Các địa phương bố trí đủ vốn ngân sách địa phương giai đoạn 2021 - 2025 để thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ đã được cấp thẩm quyền phê duyệt.

Đối với các địa phương không bố trí đủ vốn đối ứng trong năm kế hoạch theo quy định, khi phân bổ kế hoạch năm sau, ngân sách trung ương sẽ trừ tương ứng với số vốn đối ứng còn thiếu của địa phương.

2. Quy định cụ thể:

a) Đối với các địa phương tự cân đối được ngân sách (trừ 03 địa phương có huyện nghèo và nhiều xã, thôn, bản đặc biệt khó khăn gồm: Quảng Nam, Quảng Ngãi và Khánh Hòa): 100% vốn thực hiện Chương trình từ nguồn ngân sách địa phương và các nguồn vốn huy động hợp pháp khác, đảm bảo Kế hoạch thực hiện Chương trình trong giai đoạn 05 năm và hằng năm của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh theo quy định tại Quyết định số 1719/QĐ-TTg ngày 14 tháng 10 năm 2021 của Thủ tướng Chính phủ, trong đó định mức đầu tư, hỗ trợ đối với từng dự án, tiểu dự án không thấp hơn định mức bình quân của Chương trình.

b) Đối với các địa phương nhận hỗ trợ từ ngân sách trung ương:

Các địa phương nhận hỗ trợ từ ngân sách trung ương từ 70% trở lên: Hằng năm, ngân sách địa phương bố trí đối ứng tối thiểu bằng 05% tổng ngân sách trung ương hỗ trợ thực hiện Chương trình cho địa phương.

Các địa phương nhận hỗ trợ từ ngân sách trung ương từ 50% đến dưới 70%: Hằng năm, ngân sách địa phương bố trí đối ứng tối thiểu bằng 10% tổng ngân sách trung ương hỗ trợ thực hiện Chương trình cho địa phương.

Các địa phương nhận hỗ trợ từ ngân sách trung ương dưới 50% và các tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi, Khánh Hòa: Hằng năm, ngân sách địa phương bố trí đối ứng tối thiểu bằng 15% tổng ngân sách trung ương hỗ trợ thực hiện Chương trình cho địa phương.

c) Danh sách các địa phương tự cân đối được ngân sách và tỷ lệ hỗ trợ từ ngân sách trung ương cho các địa phương được căn cứ trên cơ sở dự toán thu, chi ngân sách năm 2022 của từng địa phương đã được Quốc hội quyết định, Thủ tướng Chính phủ giao.

Điều 7. Tổ chức thực hiện

1. Trách nhiệm của Ủy ban Dân tộc

a) Chủ trì, phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính và các bộ, cơ quan trung ương, các địa phương tổng hợp phương án phân bổ kế hoạch vốn đầu tư phát triển và vốn sự nghiệp nguồn ngân sách trung ương trung hạn và hằng năm thực hiện các dự án, tiểu dự án, nội dung thành phần thuộc Chương trình của các bộ, cơ quan trung ương và địa phương theo đúng nguyên tắc, tiêu chí và định mức quy định tại Quyết định này.

b) Chịu trách nhiệm về tính chính xác của các thông tin, số liệu và mức vốn phân bổ cho các dự án, tiểu dự án thành phần do Ủy ban Dân tộc được phân công chủ trì, quản lý.

c) Trong quá trình tổ chức thực hiện nếu có khó khăn, vướng mắc, giao Ủy ban Dân tộc chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành có liên quan tham mưu sửa đổi, bổ sung cho phù hợp.

2. Trách nhiệm của Bộ Kế hoạch và Đầu tư

a) Chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính và Ủy ban Dân tộc đề xuất phương án cân đối, trình cấp có thẩm quyền phê duyệt vốn đầu tư phát triển nguồn ngân sách trung ương hằng năm cho Chương trình.

b) Tổng hợp phương án phân bổ vốn đầu tư phát triển nguồn ngân sách trung ương trung hạn và hằng năm trong giai đoạn 2021 - 2025 cho các bộ, cơ quan trung ương và địa phương thực hiện Chương trình trên cơ sở đề xuất của Ủy ban Dân tộc, bảo đảm đúng nguyên tắc, tiêu chí và định mức quy định tại Quyết định này.

3. Trách nhiệm của Bộ Tài chính

a) Tổng hợp phương án phân bổ vốn sự nghiệp nguồn ngân sách trung ương hằng năm cho các bộ, cơ quan trung ương và địa phương thực hiện Chương trình để trình cấp có thẩm quyền xem xét quyết định;

b) Phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư cân đối vốn đầu tư phát triển nguồn ngân sách trung ương trung hạn và hằng năm giai đoạn 2021-2025 của Chương trình.

4. Trách nhiệm của các bộ, cơ quan trung ương chủ trì, quản lý các dự án, tiểu dự án, nội dung thành phần của Chương trình

a) Chủ trì, phối hợp với Ủy ban Dân tộc, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính và các địa phương xây dựng phương án phân bổ kế hoạch vốn ngân sách trung ương trung hạn và hằng năm thực hiện dự án, tiểu dự án, nội dung thành phần thuộc Chương trình do bộ, cơ quan trung ương quản lý theo đúng nguyên tắc, tiêu chí và định mức quy định tại Quyết định này, gửi Ủy ban Dân tộc tổng hợp;

b) Chịu trách nhiệm về tính chính xác của các thông tin, số liệu và mức vốn phân bổ cho các dự án, tiểu dự án thành phần do bộ, cơ quan trung ương được giao chủ trì, quản lý.

5. Trách nhiệm của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh

a) Căn cứ nguyên tắc, tiêu chí, định mức phân bổ vốn ngân sách trung ương và tỷ lệ vốn đối ứng của ngân sách địa phương được quy định tại Quyết định này, đặc điểm tình hình thực tế của địa phương, xây dựng các nguyên tắc, tiêu chí và định mức phân bổ nguồn ngân sách nhà nước trung hạn và hằng năm cho các ngành, các cấp của địa phương, trình Hội đồng nhân dân cấp tỉnh quyết định;

b) Lập kế hoạch vốn đầu tư phát triển và kinh phí sự nghiệp nguồn ngân sách nhà nước trung hạn và hằng năm thuộc Chương trình theo đúng các nguyên tắc, tiêu chí và định mức do địa phương quy định;

c) Chịu trách nhiệm về tính chính xác các thông tin, số liệu và mức vốn phân bổ cho các dự án trong kế hoạch vốn đầu tư phát triển và sự nghiệp nguồn ngân sách nhà nước trung hạn và hằng năm thuộc Chương trình do địa phương quản lý.

Điều 8. Hiệu lực thi hành

1. Quyết định này có hiệu lực từ ngày ký ban hành.

2. Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, các cơ quan liên quan ở trung ương, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị sử dụng vốn ngân sách nhà nước thực hiện Chương trình giai đoạn 2021 - 2025 chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này.

 

KT. THỦ TƯỚNG

Phó Thủ tướng Chính phủ

(Đã ký)

 

Phạm Bình Minh