Sign In

THÔNG TƯ

Ban hành định mức kinh tế - kỹ thuật dịch vụ sự nghiệp công sử dụng ngân sách nhà nước về thẩm định cấp Giấy chứng nhận hoạt động ứng dụng công nghệ cao, doanh nghiệp thành lập mới từ dự án đầu tư sản xuất sản phẩm công nghệ cao, doanh nghiệp công nghệ cao, hoạt động nghiên cứu và phát triển công nghệ cao, cơ sở ươm tạo công nghệ cao, ươm tạo doanh nghiệp công nghệ cao

_________________________

Căn cứ Luật Công nghệ cao ngày 13 tháng 11 năm 2008;

Căn cứ Nghị định số 95/2017/NĐ-CP ngày 16 tháng 8 năm 2017 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Khoa học và Công nghệ;

Căn cứ Nghị định số 60/2021/NĐ-CP ngày 21 tháng 6 năm 2021 của Chính phủ quy định cơ chế tự chủ của đơn vị sự nghiệp công lập;

Thực hiện Quyết định số 2099/QĐ-TTg ngày 27 tháng 12 năm 2017 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Danh mục dịch vụ sự nghiệp công sử dụng ngân sách nhà nước thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ Khoa học và Công nghệ;

Theo đề nghị của Giám đốc Văn phòng Đăng ký hoạt động khoa học và công nghệ và Vụ trưởng Vụ Pháp chế;

Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ ban hành Thông tư Ban hành định mức kinh tế - kỹ thuật dịch vụ sự nghiệp công sử dụng ngân sách nhà nước về thẩm định cấp Giấy chứng nhận hoạt động ứng dụng công nghệ cao, doanh nghiệp thành lập mới từ dự án đầu tư sản xuất sản phẩm công nghệ cao, doanh nghiệp công nghệ cao, hoạt động nghiên cứu và phát triển công nghệ cao, cơ sở ươm tạo công nghệ cao, ươm tạo doanh nghiệp công nghệ cao.  

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

1. Thông tư này ban hành định mức kinh tế - kỹ thuật đối với 05 (năm) dịch vụ sự nghiệp công sử dụng ngân sách nhà nước sau:

a) Thẩm định cấp Giấy chứng nhận hoạt động ứng dụng công nghệ cao;

b) Thẩm định cấp Giấy chứng nhận doanh nghiệp thành lập mới từ dự án đầu tư sản xuất sản phẩm công nghệ cao;

c) Thẩm định cấp Giấy chứng nhận doanh nghiệp công nghệ cao;

d) Thẩm định cấp Giấy chứng nhận hoạt động nghiên cứu và phát triển công nghệ cao;

đ) Thẩm định cấp Giấy chứng nhận cơ sở ươm tạo công nghệ cao, ươm tạo doanh nghiệp công nghệ cao.

2. Định mức kinh tế - kỹ thuật tại Phụ lục ban hành kèm theo Thông tư này được áp dụng chung cho 05 (năm) dịch vụ sự nghiệp công sử dụng ngân sách nhà nước quy định tại khoản 1 Điều này.

Điều 2. Đối tượng áp dụng

1. Cơ quan, tổ chức, cá nhân sử dụng ngân sách nhà nước để thực hiện các dịch vụ sự nghiệp công quy định tại Điều 1 Thông tư này.

2. Cơ quan, tổ chức, cá nhân liên quan đến hoạt động quản lý, sử dụng ngân sách nhà nước thực hiện dịch vụ sự nghiệp công quy định tại Điều 1 Thông tư này.

Điều 3. Giải thích từ ngữ

1. Dịch vụ sự nghiệp công sử dụng ngân sách nhà nước về thẩm định cấp Giấy chứng nhận hoạt động ứng dụng công nghệ cao, doanh nghiệp thành lập mới từ dự án đầu tư sản xuất sản phẩm công nghệ cao, doanh nghiệp công nghệ cao, hoạt động nghiên cứu và phát triển công nghệ cao, cơ sở ươm tạo công nghệ cao, ươm tạo doanh nghiệp công nghệ cao (sau đây gọi chung là thẩm định cấp Giấy chứng nhận hoạt động công nghệ cao) là dịch vụ công thuộc lĩnh vực khoa học và công nghệ, do đơn vị sự nghiệp công lập thực hiện, được Nhà nước bảo đảm toàn bộ kinh phí thực hiện.

2. Định mức kinh tế - kỹ thuật dịch vụ sự nghiệp công sử dụng ngân sách nhà nước về thẩm định cấp Giấy chứng nhận hoạt động công nghệ cao (sau đây gọi chung là định mức kinh tế - kỹ thuật) là mức hao phí cần thiết về lao động, máy móc, thiết bị, vật tư trong một điều kiện cụ thể, theo quy trình thực hiện dịch vụ tương ứng để hoàn thành một đơn vị sản phẩm (hoặc một khối lượng công việc nhất định) đạt được các tiêu chí, tiêu chuẩn do cơ quan có thẩm quyền ban hành.

3. Thẩm định cấp Giấy chứng nhận hoạt động ứng dụng công nghệ cao dành cho tổ chức, cá nhân là quá trình tiếp nhận, thẩm định hồ sơ đề nghị cấp Giấy chứng nhận hoạt động ứng dụng công nghệ cao của tổ chức, cá nhân và theo dõi, kiểm tra việc đáp ứng các điều kiện theo quy định của Giấy chứng nhận đã được cấp.

4. Thẩm định cấp Giấy chứng nhận doanh nghiệp thành lập mới từ dự án đầu tư sản xuất sản phẩm công nghệ cao là quá trình tiếp nhận, thẩm định hồ sơ đề nghị cấp Giấy chứng nhận doanh nghiệp thành lập mới từ dự án đầu tư sản xuất sản phẩm công nghệ cao và theo dõi, kiểm tra việc đáp ứng các điều kiện theo quy định của Giấy chứng nhận đã được cấp.

5. Thẩm định cấp Giấy chứng nhận doanh nghiệp công nghệ cao là quá trình tiếp nhận, thẩm định hồ sơ đề nghị cấp Giấy chứng nhận doanh nghiệp công nghệ cao và theo dõi, kiểm tra việc đáp ứng các điều kiện theo quy định của Giấy chứng nhận đã được cấp.

6. Thẩm định cấp Giấy chứng nhận hoạt động nghiên cứu và phát triển công nghệ cao là quá trình tiếp nhận, thẩm định hồ sơ đề nghị cấp Giấy chứng nhận hoạt động nghiên cứu và phát triển công nghệ cao và theo dõi, kiểm tra việc đáp ứng các điều kiện theo quy định của Giấy chứng nhận đã được cấp.

7. Thẩm định cấp Giấy chứng nhận cơ sở ươm tạo công nghệ cao, ươm tạo doanh nghiệp công nghệ cao là quá trình tiếp nhận, thẩm định hồ sơ đề nghị cấp Giấy chứng nhận cơ sở ươm tạo công nghệ cao, ươm tạo doanh nghiệp công nghệ cao và theo dõi, kiểm tra việc đáp ứng các điều kiện theo quy định của Giấy chứng nhận đã được cấp.

Điều 4. Phương pháp, cơ sở xây dựng định mức kinh tế - kỹ thuật

1. Xây dựng định mức thành phần trong định mức kinh tế-kỹ thuật áp dụng quy định tại các văn bản quy phạm pháp luật sau đây:

a) Luật Công nghệ cao ngày 13 tháng 11 năm 2008; Quyết định số 55/2010/QĐ-TTg ngày 10 tháng 9 năm 2010 của Thủ tướng Chính phủ quy định về thẩm quyền, trình tự, thủ tục chứng nhận tổ chức, cá nhân hoạt động ứng dụng công nghệ cao, chứng nhận tổ chức, cá nhân nghiên cứu và phát triển công nghệ cao và doanh nghiệp công nghệ cao; Thông tư số 32/2011/TT-BKHCN ngày 15 tháng 11 năm 2011 của Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ về việc xác định tiêu chí dự án ứng dụng công nghệ cao, dự án đầu tư sản xuất sản phẩm công nghệ cao và thẩm định hồ sơ đề nghị cấp Giấy chứng nhận hoạt động ứng dụng công nghệ cao, doanh nghiệp thành lập mới từ dự án đầu tư sản xuất sản phẩm công nghệ cao, doanh nghiệp công nghệ cao; Thông tư số 04/2020/TT-BKHCN ngày 28 tháng 9 năm 2020 của Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 32/2011/TT-BKHCN ngày 15 tháng 11 năm 2011 của Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ về việc xác định tiêu chí dự án ứng dụng công nghệ cao, dự án đầu tư sản xuất sản phẩm công nghệ cao và thẩm định hồ sơ đề nghị cấp Giấy chứng nhận hoạt động ứng dụng công nghệ cao, doanh nghiệp thành lập mới từ dự án đầu tư sản xuất sản phẩm công nghệ cao, doanh nghiệp công nghệ cao;

b) Nghị định số 204/2004/NĐ-CP ngày 14 tháng 12 năm 2004 của Chính phủ quy định về chế độ tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang và Nghị định số 117/2016/NĐ-CP ngày 21 tháng 7 năm 2016 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 204/2004/NĐ-CP ngày 14 tháng 12 năm 2004 của Chính phủ về chế độ tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang;

c) Nghị định số 38/2019/NĐ-CP ngày 09 tháng 5 năm 2019 của Chính phủ quy định mức lương cơ sở đối với cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang;

d) Quyết định số 50/2017/QĐ-TTg ngày 31 tháng 12 năm 2017 của Thủ tướng Chính phủ quy định tiêu chuẩn, định mức sử dụng máy móc, thiết bị;

đ) Thông tư số 45/2018/TT-BTC ngày 07 tháng 5 năm 2018 của Bộ trưởng Bộ Tài chính hướng dẫn chế độ quản lý, tính hao mòn, khấu hao tài sản cố định tại cơ quan, tổ chức, đơn vị và tài sản cố định do Nhà nước giao cho doanh nghiệp quản lý không tính thành phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp;

e) Thông tư liên tịch số 24/2014/TTLT-BKHCN-BNV ngày 01 tháng 10 năm 2014 của Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ và Bộ trưởng Bộ Nội vụ quy định mã số và tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp viên chức chuyên ngành khoa học và công nghệ; Thông tư số 01/2020/TT-BKHCN ngày 20 tháng 01 năm 2020 của Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư liên tịch số 24/2014/TTLT-BKHCN-BNV;

g) Thông tư số 03/2023/TT-BTC ngày 10 tháng 01 năm 2023 của Bộ trưởng Bộ Tài chính quy định lập dự toán, quản lý sử dụng và quyết toán kinh phí ngân sách nhà nước thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ;

h) Thông tư số 107/2017/TT-BTC ngày 10 tháng 10 năm 2017 của Bộ trưởng Bộ Tài chính về hướng dẫn chế độ kế toán hành chính, sự nghiệp.

2. Xây dựng định mức kinh tế - kỹ thuật chưa có quy định cụ thể

Đối với các định mức kinh tế - kỹ thuật chưa có văn bản quy phạm pháp luật quy định cụ thể, phương pháp xây dựng thực hiện theo quy định tại Điều 10 Thông tư số 21/2019/TT-BKHCN ngày 18 tháng 12 năm 2019 của Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ quy định quy trình xây dựng định mức kinh tế - kỹ thuật dịch vụ sự nghiệp công sử dụng ngân sách nhà nước thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ Khoa học và Công nghệ (sau đây gọi tắt là Thông tư số 21/2019/TT-BKHCN).

3. Cơ sở xây dựng định mức kinh tế - kỹ thuật

Định mức kinh tế-kỹ thuật quy định tại Thông tư này xây dựng trên cơ sở “Quy trình thẩm định cấp Giấy chứng nhận hoạt động ứng dụng công nghệ cao, doanh nghiệp thành lập mới từ dự án đầu tư sản xuất sản phẩm công nghệ cao, doanh nghiệp công nghệ cao, hoạt động nghiên cứu và phát triển công nghệ cao, cơ sở ươm tạo công nghệ cao, ươm tạo doanh nghiệp công nghệ cao” đã được phê duyệt.

Điều 5. Nội dung định mức kinh tế - kỹ thuật

1. Nội dung định mức kinh tế - kỹ thuật thực hiện theo quy định tại Điều 14 Thông tư số 21/2019/TT-BKHCN, bao gồm các định mức thành phần như sau:

a) Định mức lao động bao gồm thời gian lao động trực tiếp (thực hiện) và gián tiếp (quản lý, phục vụ), trong đó:

Định mức lao động

=

Định mức lao động trực tiếp (thực hiện)

+

Định mức lao động gián tiếp (quản lý, phục vụ)

- Định mức lao động trực tiếp là thời gian thực hiện xong một dịch vụ sự nghiệp công về thẩm định cấp Giấy chứng nhận hoạt động công nghệ cao đạt được các tiêu chí, tiêu chuẩn theo quy định.

- Định mức lao động gián tiếp (quản lý, phục vụ) thực hiện một dịch vụ sự nghiệp công về thẩm định cấp Giấy chứng nhận hoạt động công nghệ cao được tính bằng 15% của định mức lao động trực tiếp.

Mức hao phí thời gian lao động trong định mức được tính bằng công (01 (một) công quy đổi bằng 08 (tám) giờ).

b) Định mức máy móc, thiết bị là thời gian sử dụng cần thiết đối với từng loại máy móc, thiết bị để hoàn thành một dịch vụ sự nghiệp công về thẩm định cấp Giấy chứng nhận hoạt động công nghệ cao đạt được các tiêu chí, tiêu chuẩn theo quy định.

Mức hao phí máy móc, thiết bị trong định mức được tính bàng ca (01 (một) ca quy đổi bằng 08 (tám) giờ).

c) Định mức vật tư là mức tiêu hao từng loại nguyên, nhiên liệu, số lượng vật tư cần thiết được sử dụng để hoàn thành một dịch vụ sự nghiệp công về thẩm định cấp Giấy chứng nhận hoạt động công nghệ cao đạt được các tiêu chí, tiêu chuẩn theo quy định.

2. Tổng định mức và áp dụng định mức kinh tế-kỹ thuật

a) Định mức kinh tế - kỹ thuật dịch vụ sự nghiệp công sử dụng ngân sách nhà nước về thẩm định cấp Giấy chứng nhận hoạt động công nghệ cao là mức tối đa các chi phí, tiêu hao các yếu tố về lao động, máy móc, thiết bị và vật tư để hoàn thành một dịch vụ sự nghiệp công đạt được các tiêu chí, tiêu chuẩn theo quy định.

b) Định mức kinh tế - kỹ thuật dịch vụ sự nghiệp công sử dụng ngân sách nhà nước về thẩm định cấp Giấy chứng nhận hoạt động công nghệ cao phục vụ xây dựng dự toán và đơn giá cho các dịch vụ sự nghiệp công nêu tại Điều 1 Thông tư này.

Điều 6. Tổ chức thực hiện

1. Giám đốc Văn phòng Đăng ký hoạt động khoa học và công nghệ có trách nhiệm tổ chức hướng dẫn, phổ biến và triển khai thực hiện Thông tư này.

2. Trường hợp các văn bản được viện dẫn trong Thông tư này được sửa đổi, bổ sung hoặc thay thế thì thực hiện theo văn bản mới được ban hành.

Điều 7. Điều khoản thi hành

1. Thông tư này có hiệu lực từ ngày 15 tháng 6 năm 2023.

2. Các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và các tổ chức, cá nhân liên quan chịu trách nhiệm thi hành Thông tư này.

3. Trong quá trình thực hiện, nếu phát sinh vướng mắc, tổ chức, cá nhân phản ánh bằng văn bản về Bộ Khoa học và Công nghệ để được hướng dẫn hoặc nghiên cứu sửa đổi, bổ sung cho phù hợp./.

Bộ Khoa học và Công nghệ

Thứ trưởng

(Đã ký)

 

Lê Xuân Định