THÔNG TƯ
Quy định việc tổ chức xét, đề nghị và thẩm định hồ sơ
đề nghị tạm đình chỉ, giảm thời hạn chấp hành án phạt tù
Căn cứ Luật Thi hành án hình sự ngày 14 tháng 6 năm 2019;
Căn cứ Nghị định số 01/2018/NĐ-CP ngày 06 tháng 8 năm 2018 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Công an;
Theo đề nghị của Cục trưởng Cục Cảnh sát quản lý trại giam, cơ sở giáo dục bắt buộc, trường giáo dưỡng;
Bộ trưởng Bộ Công an ban hành Thông tư quy định việc tổ chức xét, đề nghị và thẩm định hồ sơ đề nghị tạm đình chỉ, giảm thời hạn chấp hành án phạt tù.
Chương I
QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Phạm vi điều chỉnh
Thông tư này quy định việc xét, đề nghị và thẩm định hồ sơ đề nghị tạm đình chỉ, giảm thời hạn chấp hành án phạt tù đối với phạm nhân đang chấp hành án phạt tù trong các trại giam, trại tạm giam thuộc Bộ Công an, trại tạm giam thuộc Công an tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, Cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp huyện (gọi chung là cơ sở giam giữ phạm nhân).
Điều 2. Đối tượng áp dụng
Thông tư này áp dụng đối với Công an các đơn vị, địa phương; phạm nhân đang chấp hành án tại các cơ sở giam giữ phạm nhân; người đã có quyết định thi hành án phạt tù của Tòa án đang ở trong trại tạm giam, Cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp huyện chờ đưa đi chấp hành án (gọi chung là người đang chờ đưa đi chấp hành án) và các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan.
Điều 3. Nguyên tắc trong xét, đề nghị và thẩm định hồ sơ đề nghị tạm đình chỉ, giảm thời hạn chấp hành án phạt tù
1. Tuân thủ Hiến pháp và pháp luật.
2. Bảo đảm đúng đối tượng, khách quan, công bằng, phù hợp với chính sách khoan hồng, nhân đạo của Nhà nước đối với người phạm tội.
3. Bảo đảm chặt chẽ, không để ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự.
Chương II
XÉT, ĐỀ NGHỊ VÀ THẨM ĐỊNH HỒ SƠ ĐỀ NGHỊ
TẠM ĐÌNH CHỈ CHẤP HÀNH ÁN PHẠT TÙ
Điều 4. Hội đồng xét, đề nghị tạm đình chỉ chấp hành án phạt tù
1. Các trại giam thành lập Hội đồng xét, đề nghị tạm đình chỉ chấp hành án phạt tù do Giám thị làm Chủ tịch; Phó Giám thị phụ trách công tác giáo dục, hồ sơ làm Ủy viên Thường trực; Đội trưởng Giáo dục và hồ sơ làm Ủy viên Thư ký; các Ủy viên gồm: Các Phó Giám thị, các Đội trưởng, các Trưởng phân trại.
2. Trại tạm giam thuộc Bộ Công an, trại tạm giam thuộc Công an cấp tỉnh thành lập Hội đồng xét, đề nghị tạm đình chỉ chấp hành án phạt tù do Giám thị làm Chủ tịch Hội đồng, Phó Giám thị phụ trách phân trại quản lý phạm nhân trong trại tạm giam làm Ủy viên Thường trực, Đội trưởng Đội Tham mưu (đối với trại tạm giam thuộc Bộ Công an) hoặc Đội trưởng Đội Tham mưu - Hậu cần (đối với trại tạm giam thuộc Công an cấp tỉnh) làm Ủy viên Thư ký và các Ủy viên gồm: Các Phó Giám thị, các Đội trưởng.
3. Cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp huyện không thành lập Hội đồng xét, đề nghị tạm đình chỉ chấp hành án phạt tù mà tổ chức họp, xét đề nghị tạm đình chỉ chấp hành án phạt tù do Thủ trưởng Cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp huyện chủ trì; tham gia cuộc họp có chỉ huy Đội Cảnh sát thi hành án hình sự và hỗ trợ tư pháp, cán bộ quản giáo, cán bộ y tế và một cán bộ tổng hợp của Cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp huyện là Thư ký.
Điều 5. Xét, đề nghị và thẩm định hồ sơ đề nghị tạm đình chỉ chấp hành án phạt tù
1. Việc xét, đề nghị và thẩm định hồ sơ đề nghị tạm đình chỉ chấp hành án phạt tù thực hiện theo quy định tại Điều 5, Điều 6 và Điều 8 Thông tư liên tịch số 02/2021/TTLT-TANDTC-VKSNDTC-BCA-BQP ngày 12 tháng 8 năm 2021 của Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Bộ Công an, Bộ Quốc phòng quy định quan hệ phối hợp trong việc thực hiện trình tự, thủ tục tạm đình chỉ và giảm thời hạn chấp hành án phạt tù.
2. Việc xét, đề nghị và thẩm định hồ sơ đề nghị tạm đình chỉ chấp hành án phạt tù đối với phạm nhân phạm tội xâm phạm an ninh quốc gia và phạm nhân bị kết án tù chung thân chưa được giảm xuống tù có thời hạn được thực hiện như sau:
a) Đối với phạm nhân thuộc một trong các trường hợp quy định tại điểm a, b khoản 1 Điều 67 của Bộ luật Hình sự, nếu bị kết án về các tội ít nghiêm trọng, nghiêm trọng, rất nghiêm trọng xâm phạm an ninh quốc gia thì sau khi nhận được hồ sơ đề nghị tạm đình chỉ chấp hành án phạt tù do cơ sở giam giữ phạm nhân chuyển đến, Cục Cảnh sát quản lý trại giam, cơ sở giáo dục bắt buộc, trường giáo dưỡng có văn bản xin ý kiến các Cục an ninh có liên quan, sau đó, xin ý kiến đồng chí Thứ trưởng, Thủ trưởng Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an và đồng chí Thứ trưởng, Thủ trưởng Cơ quan Quản lý thi hành án hình sự thuộc Bộ Công an; tổng hợp ý kiến và báo cáo Bộ trưởng xem xét việc đề nghị tạm đình chỉ chấp hành án phạt tù đối với phạm nhân.
Sau khi có văn bản đồng ý của Bộ trưởng Bộ Công an, cơ sở giam giữ phạm nhân làm văn bản đề nghị Tòa án có thẩm quyền xem xét, quyết định tạm đình chỉ chấp hành án phạt tù.
b) Đối với phạm nhân thuộc một trong các trường hợp quy định tại điểm a, b khoản 1 Điều 67 của Bộ luật Hình sự, nếu bị kết án về các tội đặc biệt nghiêm trọng xâm phạm an ninh quốc gia thì sau khi nhận được hồ sơ đề nghị tạm đình chỉ chấp hành án phạt tù do cơ sở giam giữ phạm nhân chuyển đến, Cục Cảnh sát quản lý trại giam, cơ sở giáo dục bắt buộc, trường giáo dưỡng có văn bản xin ý kiến các Cục an ninh có liên quan, sau đó, xin ý kiến đồng chí Thứ trưởng, Thủ trưởng Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an và đồng chí Thứ trưởng, Thủ trưởng Cơ quan Quản lý thi hành án hình sự thuộc Bộ Công an; tổng hợp ý kiến và báo cáo Bộ trưởng ký văn bản đề nghị Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao cho ý kiến về việc tạm đình chỉ chấp hành án phạt tù đối với phạm nhân.
Sau khi có văn bản đồng ý của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Cục Cảnh sát quản lý trại giam, cơ sở giáo dục bắt buộc, trường giáo dưỡng có văn bản thông báo cho cơ sở giam giữ phạm nhân để làm văn bản đề nghị Tòa án có thẩm quyền xem xét, quyết định tạm đình chỉ chấp hành án phạt tù.
c) Đối với phạm nhân thuộc một trong các trường hợp quy định tại điểm a, b khoản 1 Điều 67 của Bộ luật Hình sự, nếu bị kết án tù chung thân chưa được giảm xuống tù có thời hạn thì sau khi nhận được hồ sơ đề nghị tạm đình chỉ chấp hành án phạt tù do cơ sở giam giữ phạm nhân chuyển đến, Cục Cảnh sát quản lý trại giam, cơ sở giáo dục bắt buộc, trường giáo dưỡng xin ý kiến đồng chí Thứ trưởng, Thủ trưởng Cơ quan Quản lý thi hành án hình sự thuộc Bộ Công an trước khi báo cáo Bộ trưởng ký văn bản đề nghị Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao cho ý kiến về việc tạm đình chỉ chấp hành án phạt tù đối với phạm nhân.
Sau khi có văn bản đồng ý của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Cục Cảnh sát quản lý trại giam, cơ sở giáo dục, trường giáo dưỡng có văn bản thông báo cho cơ sở giam giữ phạm nhân để làm văn bản đề nghị Tòa án có thẩm quyền xem xét, quyết định tạm đình chỉ chấp hành án phạt tù.
Chương III
XÉT, ĐỀ NGHỊ VÀ THẨM ĐỊNH HỒ SƠ ĐỀ NGHỊ
GIẢM THỜI HẠN CHẤP HÀNH ÁN PHẠT TÙ
Điều 6. Hội đồng xét, đề nghị giảm thời hạn chấp hành án phạt tù và Hội đồng thẩm định hồ sơ đề nghị giảm thời hạn chấp hành án phạt tù
1. Các trại giam thành lập Hội đồng xét, đề nghị giảm thời hạn chấp hành án phạt tù với thành phần như quy định tại khoản 1 Điều 4 Thông tư này.
Trại giam có từ hai phân trại trở lên thì thành lập Tiểu ban xét, đề nghị giảm thời hạn chấp hành án phạt tù của phân trại do Phó Giám thị phụ trách phân trại (đối với phân trại có Phó Giám thị phụ trách trực tiếp) hoặc Trưởng phân trại làm Trưởng Tiểu ban; Trưởng phân trại (đối với phân trại có Phó Giám thị phụ trách trực tiếp) hoặc Phó Trưởng phân trại làm Ủy viên Thường trực; cán bộ giáo dục phân trại làm Ủy viên Thư ký; các Ủy viên khác gồm: Tổ trưởng Cảnh sát quản giáo, Trung đội trưởng Cảnh sát bảo vệ, cán bộ trinh sát, cán bộ y tế của phân trại.
2. Trại tạm giam thuộc Bộ Công an, trại tạm giam thuộc Công an cấp tỉnh thành lập Hội đồng xét, đề nghị giảm thời hạn chấp hành án phạt tù với thành phần như quy định tại khoản 2 Điều 4 Thông tư này.
3. Cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp huyện không thành lập Hội đồng xét, đề nghị giảm thời hạn chấp hành án phạt tù mà tổ chức họp, xét đề nghị giảm thời hạn chấp hành án phạt tù với thành phần như quy định tại khoản 3 Điều 4 Thông tư này.
4. Cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp tỉnh thành lập Hội đồng thẩm định hồ sơ đề nghị giảm thời hạn chấp hành án phạt tù cho phạm nhân đang chấp hành án tại trại tạm giam thuộc Công an cấp tỉnh và Cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp huyện do Thủ trưởng Cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp tỉnh làm Chủ tịch Hội đồng; Phó Thủ trưởng Thường trực Cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp tỉnh làm Ủy viên Thường trực; Đội trưởng Đội Hướng dẫn thi hành án hình sự và hòa nhập cộng đồng thuộc Phòng Cảnh sát thi hành án hình sự và hỗ trợ tư pháp làm Ủy viên Thư ký; các Ủy viên gồm: Một Phó Thủ trưởng Cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp tỉnh được phân công theo dõi, chỉ đạo công tác thi hành án hình sự; một lãnh đạo Văn phòng Cơ quan Cảnh sát điều tra và một lãnh đạo Phòng An ninh điều tra.
5. Cơ quan Quản lý thi hành án hình sự thuộc Bộ Công an thành lập Hội đồng thẩm định hồ sơ đề nghị giảm thời hạn chấp hành án phạt tù của các trại giam, trại tạm giam thuộc Bộ Công an do một Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát quản lý trại giam, cơ sở giáo dục bắt buộc, trường giáo dưỡng được phân công chỉ đạo công tác chính sách phạm nhân làm Chủ tịch; Trưởng phòng Phòng Công tác Chính sách phạm nhân thuộc Cục Cảnh sát quản lý trại giam, cơ sở giáo dục bắt buộc, trường giáo dưỡng làm Ủy viên Thường trực; một Phó Trưởng phòng Phòng Công tác Chính sách phạm nhân thuộc Cục Cảnh sát quản lý trại giam, cơ sở giáo dục bắt buộc, trường giáo dưỡng được phân công theo dõi, chỉ đạo công tác giảm thời hạn chấp hành án phạt tù làm Ủy viên Thư ký; một lãnh đạo Phòng Trinh sát thuộc Cục Cảnh sát quản lý trại giam, cơ sở giáo dục bắt buộc, trường giáo dưỡng làm Ủy viên.
Điều 7. Xét, đề nghị và thẩm định hồ sơ đề nghị giảm thời hạn chấp hành án phạt tù cho phạm nhân
Việc xét, đề nghị và thẩm định hồ sơ đề nghị giảm thời hạn chấp hành án phạt tù đối với phạm nhân thực hiện theo quy định tại Điều 12, Điều 13, Điều 15 Thông tư liên tịch số 02/2021/TTLT-TANDTC-VKSNDTC-BCA-BQP ngày 12 tháng 8 năm 2021 của Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Bộ Công an, Bộ Quốc phòng quy định quan hệ phối hợp trong việc thực hiện trình tự, thủ tục tạm đình chỉ và giảm thời hạn chấp hành án phạt tù.
Chương IV
ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH
Điều 8. Hiệu lực thi hành
Thông tư này có hiệu lực từ ngày 01 tháng 02 năm 2022.
Điều 9. Trách nhiệm thi hành
1. Thủ trưởng các đơn vị trực thuộc Bộ, Giám đốc Công an tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, Thủ trưởng cơ sở giam giữ phạm nhân và các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Thông tư này.
2. Cục Cảnh sát quản lý trại giam, cơ sở giáo dục bắt buộc, trường giáo dưỡng chịu trách nhiệm giúp Bộ trưởng theo dõi, hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc việc triển khai thực hiện Thông tư này.
3. Quá trình tổ chức thực hiện, nếu có khó khăn, vướng mắc, Công an các đơn vị, địa phương báo cáo về Bộ Công an (qua Cục Cảnh sát quản lý trại giam, cơ sở giáo dục bắt buộc, trường giáo dưỡng) để kịp thời hướng dẫn./.