Sign In

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN TỈNH BẮC NINH

KHÓA XIX , KỲ HỌP THỨ 13

 

Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19 tháng 6 năm 2015; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 22 tháng 11 năm 2019;

Căn cứ Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật ngày 22 tháng 6 năm 2015;Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật ngày 18 tháng 6 năm 2020;

Căn cứ Luật Ngân sách nhà nước ngày 25 tháng 6 năm 2015; Luật Quản lý ngoại thương ngày 12 tháng 6 năm 2017; Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa ngày 12 tháng 6 năm 2017;

Căn cứ Luật Sở hữu trí tuệ ngày 29 tháng 11 năm 2005; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ ngày 19 tháng 6 năm 2009, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Kinh doanh bảo hiểm, Luật Sở hữu trí tuệ ngày 14 tháng 6 năm 2019; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ ngày 16 tháng 6 năm 2022;

Căn cứ Nghị định số 28/2018/NĐ-CP ngày 01 tháng 3 năm 2018 của Chính phủ quy định chi tiết Luật quản lý ngoại thương về một số biện pháp phát triển ngoại thương;

Căn cứ Quyết định số 30/2019/QĐ-TTg ngày 08 tháng 10 năm 2019 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Quy chế xây dựng, quản lý, thực hiện Chương trình Thương hiệu quốc gia Việt Nam;

Căn cứ Thông tư số 75/2021/TT-BTC ngày 09 tháng 9 năm 2021 của Bộ Tài chính quy định về quản lý tài chính thực hiện Chương trình phát triển tài sản trí tuệ đến năm 2030;

Xét Tờ trình số 293/TTr-UBND ngày 19 tháng 9 năm 2023 của Ủy ban nhân dân tỉnh Bắc Ninh về việc Quy định hỗ trợ xây dựng và phát triển thương hiệu cho các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh đến năm 2030; Báo cáo thẩm tra số 57/BC-KTNS ngày 29 tháng 9 năm 2023 của Ban Kinh tế - Ngân sách và ý kiến thảo luận của đại biểu.

QUYẾT NGHỊ:

Điều 1.  Quy định hỗ trợ xây dựng và phát triển thương hiệu cho các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh đến năm 2030. Cụ thể như sau:

1. Phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng

a) Quy định này quy định đối tượng, nguyên tắc, nội dung, mức chi từ ngân sách nhà nước và trình tự xây dựng, quản lý, thực hiện hỗ trợ xây dựng, phát triển thương hiệu cho các doanh nghiệp; các hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh đến năm 2030 (sau đây gọi là Chương trình).

b) Quy định này áp dụng đối với các đơn vị chủ trì thực hiện Chương trình, đơn vị tham gia thực hiện Chương trình, cơ quan quản lý Chương trình và các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã và cá nhân khác liên quan.

2. Giải thích từ ngữ

a) Cơ quan quản lý Chương trình: Sở Công Thương là cơ quan được giao trách nhiệm quản lý Chương trình.

b) Đơn vị chủ trì thực hiện Chương trình: Là các tổ chức, đơn vị có chức năng hỗ trợ doanh nghiệp thực hiện xúc tiến thương mại, xây dựng phát triển thương hiệu thuộc các Sở, ban, ngành; Liên minh các Hợp tác xã; Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa tỉnh trên địa bàn tỉnh.

c) Đơn vị tham gia thực hiện Chương trình: Là các doanh nghiệp nhỏ và vừa, Hợp tác xã, Liên hiệp hợp tác xã (sau đây gọi tắt là doanh nghiệp) thuộc mọi thành phần kinh tế được thành lập theo quy định của pháp luật, có trụ sở chính đặt trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh.

3. Kinh phí thực hiện Chương trình

a) Ngân sách tỉnh bố trí từ nguồn kinh phí chi thường xuyên hằng năm đối với các nội dung hỗ trợ: Tuyên truyền, phổ biến, đào tạo, tập huấn nâng cao nhận thức về xây dựng và phát triển thương hiệu; giới thiệu, quảng bá thương hiệu trên các phương tiện truyền thông, báo điện tử, các website thương mại điện tử; các hoạt động, sự kiện tổ chức hằng năm hưởng ứng Ngày thương hiệu Việt Nam (20/4); biên tập, xuất bản các ấn phẩm, tài liệu về thương hiệu; khảo sát, điều tra, xây dựng dữ liệu về thương hiệu; tổ chức đánh giá, xếp hạng, tôn vinh thương hiệu; hợp tác với các tổ chức trong và ngoài nước, các tổ chức trung gian xây dựng và phát triển thương hiệu.

b) Ngân sách tỉnh bố trí từ nguồn kinh phí chi sự nghiệp khoa học và công nghệ đối với nội dung hỗ trợ doanh nghiệp đăng ký bảo hộ sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, nhãn hiệu và công nhận giống cây trồng mới.

c) Đóng góp của các tổ chức, doanh nghiệp tham gia Chương trình.

d) Tài trợ của các tổ chức, cá nhân trong nước và nước ngoài.

đ) Nguồn kinh phí hợp pháp khác theo quy định của pháp luật.

4. Nguyên tắc hỗ trợ kinh phí từ ngân sách nhà nước

a) Kinh phí ngân sách nhà nước thực hiện Chương trình thông qua đơn vị chủ trì, được bố trí vào nguồn kinh phí sự nghiệp của đơn vị chủ trì Chương trình theo quy định của Luật Ngân sách và các văn bản hướng dẫn hiện hành; không trùng lặp với chương trình, dự án, nhiệm vụ khác.

b) Mỗi doanh nghiệp được chọn nhiều nội dung hỗ trợ đăng ký bảo hộ, nhưng chỉ được hỗ trợ một (01) nhãn hiệu/sáng chế/kiểu dáng công nghiệp/công nhận giống cây trồng mới; trường hợp đã được hỗ trợ ở các chính sách khác có cùng nội dung thì không được hỗ trợ theo quy định này.

c) Kinh phí hỗ trợ phải được sử dụng đúng mục đích, tiết kiệm, có hiệu quả và chịu sự kiểm tra, kiểm soát của cơ quan có thẩm quyền theo quy định của pháp luật.

5. Ngành hàng, sản phẩm ưu tiên hỗ trợ xây dựng và phát triển thương hiệu

a) Điện tử, cơ khí, công nghệ thông tin, phần mềm.

b) Dệt may, da giầy, giấy, nhựa, vật liệu xây dựng, thủ công mỹ nghệ.

c) Chế biến nông sản, thực phẩm, đồ uống.

d) Sản phẩm công nghiệp hỗ trợ, công nghiệp nông thôn.

đ) Sản phẩm nông nghiệp, nông nghiệp công nghệ cao, sản phẩm OCOP.

e) Sản phẩm tiết kiệm năng lượng, năng lượng tái tạo.

g) Sản phẩm tái chế, xử lý chất thải, bảo vệ môi trường.

h) Sản phẩm bảo vệ và chăm sóc sức khỏe.

i) Sản phẩm xuất khẩu.

k) Các sản phẩm thân thiện với môi trường và sản phẩm khác.

6. Nội dung hỗ trợ

a) Tuyên truyền, phổ biến, đào tạo, tập huấn nâng cao nhận thức về xây dựng và phát triển thương hiệu.

b) Giới thiệu, quảng bá thương hiệu trên các phương tiện truyền thông, báo điện tử, các website thương mại điện tử.

c) Hằng năm tổ chức các hoạt động, sự kiện hưởng ứng Ngày thương hiệu Việt Nam (20/4).

d) Biên tập, xuất bản các ấn phẩm, tài liệu về thương hiệu.

đ) Khảo sát, điều tra, xây dựng dữ liệu về thương hiệu.

e) Tổ chức đánh giá, xếp hạng, tôn vinh thương hiệu.

g) Hợp tác với các tổ chức trong và ngoài nước, các tổ chức trung gian xây dựng và phát triển thương hiệu.

h) Hỗ trợ doanh nghiệp đăng ký bảo hộ sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, nhãn hiệu và công nhận giống cây trồng mới.

7. Mức hỗ trợ từ ngân sách nhà nước

a) Hỗ trợ 100% kinh phí thực hiện, mức tối đa 100 triệu đồng/năm đối với các nội dung: Tuyên truyền, phổ biến, đào tạo, tập huấn nâng cao nhận thức về xây dựng và phát triển thương hiệu; Biên tập, xuất bản các ấn phẩm, tài liệu về thương hiệu; Hợp tác với các tổ chức trong và ngoài nước, các tổ chức trung gian xây dựng và phát triển thương hiệu.

b) Hỗ trợ 100% kinh phí thực hiện, mức tối đa 600 triệu đồng/năm đối với nội dung: Giới thiệu, quảng bá thương hiệu trên các phương tiện truyền thông, báo điện tử, các website thương mại điện tử.

c) Hỗ trợ 100% kinh phí thực hiện, mức tối đa 500 triệu đồng/năm đối với nội dung: Tổ chức các hoạt động, sự kiện hưởng ứng Ngày thương hiệu Việt Nam (20/4) hằng năm.

d) Hỗ trợ 2 lần/giai đoạn 2024-2030, mức hỗ trợ tối đa 100 triệu đồng/lần đối với nội dung: Khảo sát, điều tra, xây dựng dữ liệu về thương hiệu.

đ) Hỗ trợ 2 lần/giai đoạn 2024-2030, mức hỗ trợ tối đa 300 triệu đồng/lần đối với nội dung: Tổ chức đánh giá, xếp hạng, tôn vinh thương hiệu.

e) Hỗ trợ doanh nghiệp đăng ký bảo hộ sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, nhãn hiệu và công nhận giống cây trồng mới như sau:

- Đối với đăng ký bảo hộ trong nước: Đăng ký bảo hộ sáng chế và đăng ký bảo hộ công nhận giống cây trồng mới (30 triệu đồng/văn bằng bảo hộ). Đăng ký bảo hộ kiểu dáng công nghiệp và nhãn hiệu (15 triệu đồng/văn bằng bảo hộ).

- Đối với đăng ký bảo hộ ở nước ngoài: Đăng ký bảo hộ sáng chế và đăng ký bảo hộ công nhận giống cây trồng mới; Đăng ký bảo hộ kiểu dáng công nghiệp và nhãn hiệu (60 triệu đồng/đơn, khi được chấp nhận hợp lệ về các văn bản tương ứng theo quy định của tổ chức quốc tế hoặc quốc gia nộp đơn).

8. Xây dựng, thẩm định và phê duyệt Chương trình

a)  Điều kiện đề xuất xây dựng Chương trình:

-  Đơn vị đề xuất xây dựng Chương trình là các tổ chức, đơn vị có chức năng hỗ trợ doanh nghiệp thực hiện xúc tiến thương mại, xây dựng phát triển thương hiệu thuộc các Sở, ban, ngành; Liên minh các Hợp tác xã; Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa trên địa bàn tỉnh.

- Nội dung Chương trình phải phù hợp với chức năng, nhiệm vụ, năng lực của đơn vị chủ trì và phù hợp với ngành hàng, sản phẩm ưu tiên hỗ trợ xây dựng và phát triển thương hiệu.

b) Hồ sơ đề xuất Chương trình:

- Công văn đề xuất (Mẫu 2).

- Nội dung chi tiết Chương trình (Mẫu 3).

- Dự toán kinh phí chi tiết Chương trình (Mẫu 4) .

- Báo cáo kết quả thực hiện năm trước (nếu có).

c) Trình tự thực hiện:

- Hằng năm, căn cứ các quy hoạch, kế hoạch, đề án, chương trình phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, các đơn vị chủ trì đề xuất xây dựng Chương trình gửi cơ quan quản lý Chương trình (qua Trung tâm hành chính công tỉnh), trước ngày 30 tháng 8 của năm trước năm kế hoạch.

- Cơ quan quản lý Chương trình tiếp nhận, đánh giá, thẩm định Chương trình của các đơn vị chủ trì; lấy ý kiến tham gia của các cơ quan, đơn vị liên quan và tổng hợp trước ngày 30 tháng 10 của năm trước năm kế hoạch trình Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt Chương trình.

9. Điều kiện, hồ sơ và trình tự, nguyên tắc thực hiện hỗ trợ

a) Đối với các nội dung hỗ trợ: Tuyên truyền, phổ biến, đào tạo, tập huấn nâng cao nhận thức về xây dựng và phát triển thương hiệu; Giới thiệu, quảng bá thương hiệu trên các phương tiện truyền thông, báo điện tử, các website thương mại điện tử; Tổ chức các hoạt động, sự kiện hưởng ứng Ngày thương hiệu Việt Nam (20/4); Biên tập, xuất bản các ấn phẩm, tài liệu về thương hiệu; Khảo sát, điều tra, xây dựng dữ liệu về thương hiệu; Tổ chức đánh giá, xếp hạng, tôn vinh thương hiệu; Hợp tác với các tổ chức trong và ngoài nước, các tổ chức trung gian xây dựng và phát triển thương hiệu. Các đơn vị chủ trì thực hiện Chương trình thực hiện hỗ trợ theo đúng quy trình về Xây dựng, thẩm định và phê duyệt Chương trình trong quy định này và các quy định của Luật Ngân sách, văn bản hướng dẫn hiện hành.

b) Đối với nội dung hỗ trợ doanh nghiệp đăng ký bảo hộ sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, nhãn hiệu và công nhận giống cây trồng mới. Các đơn vị tham gia thực hiện Chương trình đã được cơ quan có thẩm quyền cấp văn bằng bảo hộ (đối với đăng ký bảo hộ trong nước); đơn được chấp nhận hợp lệ, các văn bản tương ứng theo quy định của tổ chức quốc tế hoặc quốc gia nộp đơn (đối với đăng ký bảo hộ ở nước ngoài) trong năm thực hiện Chương trình cung cấp đầy đủ các hồ sơ đề nghị hỗ trợ, gồm:

- Đơn đề nghị hỗ trợ (Mẫu 1).

- Bản sao công chứng văn bằng bảo hộ (đối với đăng ký bảo hộ trong nước); đơn được chấp nhận hợp lệ, các văn bản tương ứng theo quy định của tổ chức quốc tế hoặc quốc gia nộp đơn (đối với đăng ký bảo hộ ở nước ngoài).

c) Trình tự thực hiện hỗ trợ doanh nghiệp đăng ký bảo hộ sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, nhãn hiệu và công nhận giống cây trồng mới:

- Hằng năm, trên cơ sở Chương trình chung được Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt, đơn vị chủ trì thực hiện Chương trình công khai trên phương tiện thông tin truyền thông và website của đơn vị về nội dung, số lượng, kinh phí hỗ trợ để các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh biết và nộp hồ sơ đề nghị hỗ trợ.

- Doanh nghiệp đề nghị hỗ trợ đăng ký bảo hộ sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, nhãn hiệu và công nhận giống cây trồng mới lập hồ sơ theo quy định và nộp một (01) bộ hồ sơ về đơn vị chủ trì thực hiện Chương trình trước ngày 30 tháng 11 của năm thực hiện Chương trình.

- Trong thời hạn năm (05) ngày làm việc kể từ ngày tiếp nhận hồ sơ, đơn vị chủ trì thực hiện Chương trình có trách nhiệm kiểm tra tính đầy đủ, hợp lệ của hồ sơ. Trường hợp hồ sơ chưa đầy đủ, hợp lệ đơn vị chủ trì thông báo bằng văn bản để doanh nghiệp sửa đổi, bổ sung hồ sơ và nộp trước ngày 10 tháng 12 của năm thực hiện Chương trình.

- Trường hợp doanh nghiệp không sửa đổi, bổ sung hồ sơ theo yêu cầu, đơn vị chủ trì thực hiện Chương trình thông báo bằng văn bản chấm dứt việc xem xét đề nghị hỗ trợ.

- Thẩm định hồ sơ và trả kết quả cho doanh nghiệp: Trong thời hạn mười (10) ngày làm việc kể từ ngày tiếp nhận hồ sơ, đơn vị chủ trì thực hiện Chương trình có trách nhiệm thẩm định hồ sơ. Nội dung thẩm định về các tài liệu trong hồ sơ đề nghị hỗ trợ đảm bảo phù hợp với Quy định này. (Trường hợp hồ sơ của doanh nghiệp không đáp ứng đầy đủ điều kiện quy định, đơn vị chủ trì thực hiện Chương trình thông báo trả lại hồ sơ cho doanh nghiệp bằng văn bản, trong đó nêu rõ lý do trả lại hồ sơ. Trường hợp hồ sơ của doanh nghiệp đáp ứng đủ điều kiện quy định, đơn vị chủ trì thực hiện Chương trình ban hành quyết định hỗ trợ theo quy định).

- Trong thời hạn năm (05) ngày làm việc kể từ ngày ban hành quyết định hỗ trợ, đơn vị chủ trì thực hiện Chương trình chuyển kinh phí hỗ trợ vào tài khoản của doanh nghiệp được hỗ trợ.

- Nguyên tắc thực hiện: Trường hợp dự toán kinh phí hỗ trợ được phê duyệt trong năm thực hiện Chương trình thấp hơn so với nhu cầu thực tế thì đơn vị chủ trì thực hiện Chương trình xem xét hỗ trợ theo thứ ưu tiên: Các doanh nghiệp nộp hồ sơ hợp lệ trước; Trường hợp các doanh nghiệp cùng nộp hồ sơ hợp lệ thì xem xét theo thứ tự ưu tiên hỗ trợ tại Quy định này; Các trường hợp còn lại đơn vị chủ trì lập dự toán đề nghị hỗ trợ thực hiện vào năm tiếp theo.

Điều 2. Giao Ủy ban nhân dân tỉnh chỉ đạo, tổ chức thực hiện Nghị quyết này. Hằng năm báo cáo kết quả thực hiện tại kỳ họp thường lệ của Hội đồng nhân dân tỉnh.

Trong quá trình thực hiện, nếu có khó khăn, vướng mắc, Ủy ban nhân dân tỉnh trình Hội đồng nhân dân tỉnh xem xét, sửa đổi, bổ sung cho phù hợp.

Điều 3. Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh, các Ban của Hội đồng nhân dân tỉnh, các Tổ đại biểu và đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh có trách nhiệm đôn đốc, kiểm tra, giám sát việc thực hiện Nghị quyết này.

Nghị quyết này thay thế Nghị quyết số 134/2009/NQ-HĐND16 ngày 23 tháng 4 năm 2009 của Hội đồng nhân dân tỉnh Bắc Ninh khóa XVI, nhiệm kỳ 2004-2011 về việc hỗ trợ xây dựng và phát triển thương hiệu cho các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh; Nghị quyết số 124/2014/NQ-HĐND17 ngày 24 tháng 4 năm 2014 của Hội đồng nhân dân tỉnh Bắc Ninh khóa XVII, nhiệm kỳ 2011-2016 về việc sửa đổi Nghị quyết số 134/2009/NQ-HĐND16.

Nghị quyết được Hội đồng nhân dân tỉnh Bắc Ninh Khóa XIX, kỳ họp  thứ 13 thông qua ngày 05 tháng 10 năm 2023 và có hiệu lực thi hành từ ngày 15 tháng 10 năm 2023 đến ngày 31 tháng 12 năm 2030./.

 

HĐND tỉnh Bắc Ninh

Chủ tịch

(Đã ký)

 

Nguyễn Quốc Chung