Sign In

NGHỊ QUYẾT

Sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị quyết số 24/2021/NQ-HĐND ngày 08 tháng 12 năm 2021 của Hội đồng nhân dân tỉnh Tiền Giang về nguyên tắc, tiêu chí, định mức phân bổ dự toán chi thường xuyên ngân sách địa phương tỉnh Tiền Giang năm 2022

_________________

 

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN TỈNH TIỀN GIANG

KHÓA X - KỲ HỌP THỨ 11

 

Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19 tháng 6 năm 2015; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 22 tháng 11 năm 2019;

Căn cứ Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật ngày 22 tháng 6 năm 2015; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật ngày 18 tháng 6 năm 2020;

Căn cứ Luật Ngân sách nhà nước ngày 25 tháng 6 năm 2015;

Căn cứ Nghị quyết số 01/2021/UBTVQH15 ngày 01 tháng 9 năm 2021 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội Khóa 15 quy định về các nguyên tắc, tiêu chí và định mức phân bổ dự toán chi thường xuyên ngân sách nhà nước năm 2022;

Căn cứ Nghị định số 34/2016/NĐ-CP ngày 14 tháng 5 năm 2016 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật; Nghị định số 154/2020/NĐ-CP ngày 31 tháng 12 năm 2020 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 34/2016/NĐ-CP ngày 14 tháng 5 năm 2016 của Chính phủ ngày 14 tháng 5 năm 2016 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật;

Căn cứ Nghị định số 163/2016/NĐ-CP ngày 21 tháng 12 năm 2016 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Ngân sách nhà nước;

Căn cứ Quyết định số 30/2021/QĐ-TTg ngày 10 tháng 10 năm 2021 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành các nguyên tắc, tiêu chí và định mức phân bổ dự toán chi thường xuyên ngân sách nhà nước năm 2022;

Xét Tờ trình số 470/TTr-UBND ngày 10 tháng 11 năm 2023 của Ủy ban nhân dân tỉnh đề nghị Hội đồng nhân dân tỉnh ban hành Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị quyết số 24/2021/NQ-HĐND ngày 08 tháng 12 năm 2021 của Hội đồng nhân dân tỉnh Tiền Giang về nguyên tắc, tiêu chí, định mức phân bổ dự toán chi thường xuyên ngân sách địa phương tỉnh Tiền Giang năm 2022; Báo cáo thẩm tra số 106/BC-HĐND ngày 30 tháng 11 năm 2023 của Ban Kinh tế - Ngân sách Hội đồng nhân dân tỉnh; ý kiến thảo luận của đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh tại kỳ họp.

QUYẾT NGHỊ:

Điều 1. Sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị quyết số 24/2021/NQ-HĐND ngày 08 tháng 12 năm 2021 của Hội đồng nhân dân tỉnh Tiền Giang về nguyên tắc, tiêu chí, định mức phân bổ dự toán chi thường xuyên ngân sách địa phương tỉnh Tiền Giang năm 2022

1. Sửa đổi, bổ sung điểm a khoản 1 Điều 4 như sau:

“a) Đối với các Trường Trung học phổ thông, các Trung tâm Giáo dục thường xuyên, Trung tâm Hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập: định mức chi theo cơ cấu chi con người tính theo số lượng người làm việc kế hoạch được cấp có thẩm quyền giao là 81% (bao gồm: tiền lương, phụ cấp và các khoản đóng góp theo lương tính trên mức lương cơ sở 1.490.000 đồng); chi công việc là 19%. Trên cơ sở tổng kinh phí được giao, Ủy ban nhân dân tỉnh thực hiện phân bổ cho các đơn vị trực thuộc theo nguyên tắc tuân thủ theo quy định tại Nghị định số 60/2021/NĐ-CP ngày 21 tháng 6 năm 2021 của Chính phủ quy định cơ chế tự chủ tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập và các văn bản hướng dẫn có liên quan.”.

2. Sửa đổi, bổ sung khoản 2 Điều 4 như sau:

“2. Cấp huyện

Định mức chi theo cơ cấu chi con người tính theo số lượng người làm việc theo kế hoạch được cấp có thẩm quyền giao là 81% (bao gồm: tiền lương, phụ cấp và các khoản đóng góp theo lương tính trên mức lương cơ sở 1.490.000 đồng); chi công việc là 19%. Trên cơ sở tổng kinh phí được giao, cơ quan có thẩm quyền cấp huyện thực hiện phân bổ cho các đơn vị trực thuộc theo nguyên tắc tuân thủ theo quy định tại Nghị định số 60/2021/NĐ-CP và các văn bản hướng dẫn có liên quan.

Định mức chi này bao gồm cả kinh phí để phục vụ các khoản chi nghiệp vụ chuyên môn, sửa chữa thường xuyên và mua sắm của ngành giáo dục.”.

3. Sửa đổi, bổ sung điểm b; bổ sung điểm c khoản 2 Điều 5 như sau:

“b) Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên cấp huyện: định mức chi theo cơ cấu chi con người tính theo số lượng người làm việc theo kế hoạch được cấp có thẩm quyền giao là 81% (bao gồm: tiền lương, phụ cấp và các khoản đóng góp theo lương tính trên mức lương cơ sở 1.490.000 đồng); chi công việc là 19%. Trên cơ sở tổng kinh phí được giao, cơ quan có thẩm quyền cấp huyện thực hiện phân bổ cho các đơn vị trực thuộc theo nguyên tắc tuân thủ theo quy định tại Nghị định số 60/2021/NĐ-CP và các văn bản hướng dẫn có liên quan;

c) Phân bổ kinh phí cho Trung tâm Chính trị trên cơ sở số lượng người làm việc theo kế hoạch được cấp có thẩm quyền giao với định mức là 145 triệu đồng/người/năm.”.

4. Sửa đổi điểm 2.2 khoản 2 Điều 6 như sau:

“2.2. Định mức theo tiêu chí dân số

Định mức chi hàng năm được tính là 101.500 đồng/người/năm (tính theo dân số của từng huyện, thành phố, thị xã) để chi công tác y tế dự phòng, dân số và gia đình cấp huyện bao gồm hệ dự phòng, Trạm Y tế thuộc Trung tâm Y tế cấp huyện. Ngoài định mức chi này, thành phố Mỹ Tho tăng thêm 10%, huyện Cái Bè, huyện Châu Thành mỗi địa phương tăng thêm 17%, huyện Cai Lậy tăng thêm 25%, huyện Gò Công Tây tăng thêm 40%; huyện Chợ Gạo và huyện Gò Công Đông mỗi địa phương tăng thêm 50%; thị xã Gò Công và thị xã Cai Lậy mỗi địa phương tăng thêm 70%; huyện Tân Phú Đông tăng thêm 100%, huyện Tân Phước tăng thêm 140%.

Định mức chi nêu trên đã bao gồm kinh phí chi cộng tác viên dân số, gia đình và trẻ em theo Nghị quyết số 26/2021/NQ-HĐND ngày 08 tháng 12 năm 2021 của Hội đồng nhân dân tỉnh Tiền Giang quy định mức hỗ trợ cộng tác viên dân số và chính sách khen thưởng tập thể, cá nhân trong công tác dân số trên địa bàn tỉnh Tiền Giang.”.

5. Sửa đổi, bổ sung khoản 1 Điều 9 như sau:

“1. Cấp tỉnh

Định mức chi được phân bổ theo quy định tại Nghị định số 60/2021/NĐ-CP và các văn bản hướng dẫn có liên quan.”.

6. Bổ sung điểm g khoản 4 Điều 10 như sau:

“g) Hàng năm, căn cứ khả năng cân đối ngân sách, Ủy ban nhân dân tỉnh phân bổ thêm kinh phí thăm, tặng quà, trợ cấp cho người có công, người cao tuổi, trẻ em mồ côi, hộ nghèo, các đơn vị đang chăm sóc người có công, đối tượng xã hội và một số cơ quan, đơn vị tập trung, đơn vị thuộc lực lượng vũ trang sẵn sàng chiến đấu, bảo vệ Tổ quốc trong các dịp lễ, Tết.”.

7. Sửa đổi, bổ sung điểm 1.3 khoản 1 Điều 12 như sau:

“1.3. Phân bổ kinh phí chi chế độ hợp đồng một số loại công việc trong cơ quan hành chính nhà nước theo Nghị định số 111/2022/NĐ-CP ngày 30 tháng 12 năm 2022 của Chính phủ về hợp đồng đối với một số loại công việc trong cơ quan hành chính và đơn vị sự nghiệp công lập theo số lượng người làm việc kế hoạch (trong tổng số người được cấp có thẩm quyền giao), cụ thể như sau:

a) Đối với hợp đồng lao động chuyển từ biên chế công chức hưởng lương từ ngân sách nhà nước tại cơ quan của Đảng Cộng sản Việt Nam, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, tổ chức chính trị - xã hội sang thực hiện hợp đồng theo Nghị định số 111/2022/NĐ-CP (theo Quyết định số 774-QĐ/TU ngày 31 tháng 5 năm 2023 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về phân bổ biên chế và hợp đồng lao động cho cơ quan Đảng, Mặt trận Tổ quốc, tổ chức chính trị - xã hội và đơn vị sự nghiệp cấp tỉnh, cấp huyện): mức chi bình quân là 140 triệu đồng/người/năm.   

b) Đối với hợp đồng lao động (trừ trường hợp hợp đồng lao động chuyển từ biên chế công chức hưởng lương từ ngân sách nhà nước sang thực hiện hợp đồng theo Nghị định số 111/2022/NĐ-CP) tại cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập, cơ quan của Đảng Cộng sản Việt Nam, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, tổ chức chính trị - xã hội: mức chi bình quân 90 triệu đồng/người/năm.”.

8. Sửa đổi, bổ sung điểm b khoản 2 Điều 12 như sau:

“b) Phân bổ kinh phí chi chế độ hợp đồng một số loại công việc trong cơ quan hành chính nhà nước theo Nghị định số 111/2022/NĐ-CP ngày 30 tháng 12 năm 2022 của Chính phủ về hợp đồng đối với một số loại công việc trong cơ quan hành chính và đơn vị sự nghiệp công lập theo số lượng người làm việc kế hoạch (trong tổng số người được cấp có thẩm quyền giao), cụ thể như sau:

- Đối với hợp đồng lao động chuyển từ biên chế công chức hưởng lương từ ngân sách nhà nước tại cơ quan của Đảng Cộng sản Việt Nam, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, tổ chức chính trị - xã hội sang thực hiện hợp đồng theo Nghị định số 111/2022/NĐ-CP (theo Quyết định số 774-QĐ/TU ngày 31/5/2023 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về phân bổ biên chế và hợp đồng lao động cho cơ quan Đảng, Mặt trận Tổ quốc, tổ chức chính trị - xã hội và đơn vị sự nghiệp cấp tỉnh, cấp huyện): Mức chi bình quân là 140 triệu đồng/người/năm.   

- Đối với hợp đồng lao động (trừ trường hợp hợp đồng lao động chuyển từ biên chế công chức hưởng lương từ ngân sách nhà nước sang thực hiện hợp đồng theo Nghị định số 111/2022/NĐ-CP) tại cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập, cơ quan của Đảng Cộng sản Việt Nam, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, tổ chức chính trị - xã hội: mức chi bình quân 90 triệu đồng/người/năm.”.

9. Sửa đổi khoản 3 Điều 12, như sau:

“3. Cấp xã                                                      

Kinh phí thực hiện tự chủ đối với cán bộ, công chức ở xã, phường, thị trấn và những người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã theo Nghị định số 117/2013/NĐ-CP ngày 07 tháng 10 năm 2013 của Chính phủ về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 130/2005/NĐ-CP ngày 17 tháng 10 năm 2005 của Chính phủ quy định chế độ tự chủ, tự chịu trách nhiệm về sử dụng biên chế và kinh phí quản lý hành chính đối với các cơ quan nhà nước, Nghị định số 33/2023/NĐ-CP ngày 10 tháng 6 năm 2023 của Chính phủ quy định về cán bộ, công chức cấp xã và người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, ở thôn, tổ dân phố, bao gồm:

3.1. Kinh phí chi thường xuyên giao tự chủ:

a) Mức phân bổ đối với cán bộ, công chức cấp xã định mức là 105 triệu đồng/người/năm;

b) Mức phân bổ đối với người hoạt động không chuyên trách cấp xã là 60 triệu đồng/người/năm.

Căn cứ vào định mức nêu trên, tùy theo tình hình thực tế của từng xã, phường, thị trấn, giao Hội đồng nhân dân cấp huyện quyết định phân bổ định mức chi cho phù hợp.

3.2. Kinh phí chi thường xuyên không giao tự chủ:

a) Tiền lương, phụ cấp, bồi dưỡng và các khoản đóng góp của những người làm việc còn lại của cấp xã, ở ấp, khu phố;

b) Chi hoạt động quản lý hành chính cấp xã, định mức bình quân 300 triệu đồng/đơn vị cấp xã/năm. Tùy theo địa bàn cấp xã và số lượng cán bộ, công chức, những người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, giao cho Hội đồng nhân dân cấp huyện quyết định phân bổ định mức chi cho phù hợp với từng xã, phường, thị trấn nhưng phải nằm trong khung từ 250 triệu đồng/đơn vị cấp xã/năm đến 350 triệu đồng/đơn vị cấp xã/năm. Các nội dung chi cụ thể như sau:

- Bố trí cho hoạt động các đoàn thể cấp xã theo Nghị quyết số 12/2023/NQ-HĐND ngày 08 tháng 12 năm 2023 của Hội đồng nhân dân tỉnh Tiền Giang quy định chức danh, kiêm nhiệm chức danh và một số chế độ, chính sách đối với người hoạt động không chuyên trách, người trực tiếp tham gia hoạt động ở cấp xã, ở ấp, khu phố; mức khoán kinh phí đối với các tổ chức chính trị - xã hội cấp xã trên địa bàn tỉnh Tiền Giang;

- Bố trí cho hoạt động của Hội đồng nhân dân cấp xã theo Nghị quyết số 08/2019/NQ-HĐND ngày 12 tháng 7 năm 2019 của Hội đồng nhân dân tỉnh Tiền Giang quy định về chế độ, chính sách và các điều kiện bảo đảm hoạt động của đại biểu Hội đồng nhân dân cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã (gọi chung là các cấp) trên địa bàn tỉnh Tiền Giang;

- Bố trí cho Ban Thanh tra nhân dân cấp xã theo Nghị quyết số 08/2018/NQ-HĐND ngày 13 tháng 7 năm 2018 của Hội đồng nhân dân tỉnh Tiền Giang quy định mức kinh phí hỗ trợ hoạt động của Ban Thanh tra nhân dân xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh Tiền Giang;

- Các nhiệm vụ quản lý hành chính khác ở cấp xã theo quy định.”.

10. Sửa đổi Điều 17 như sau:

Điều 17. Định mức dự phòng ngân sách

Định mức chi cho đầu thời kỳ ổn định ngân sách năm 2022 cho từng cấp ngân sách như sau:

1. Đối với ngân sách cấp xã: tính 2% trên tổng chi (không bao gồm số bổ sung có mục tiêu để thực hiện các chương trình, dự án, nhiệm vụ, các chính sách an sinh xã hội).

2. Đối với ngân sách cấp huyện: tính 2% trên tổng chi (không bao gồm số bổ sung có mục tiêu để thực hiện các chương trình, dự án, nhiệm vụ, các chính sách an sinh xã hội).

3. Đối với ngân sách cấp tỉnh: sau khi phân bổ quỹ dự phòng cho ngân sách cấp huyện và cấp xã nêu trên, số còn lại phân bổ cho ngân sách cấp tỉnh.”.

11. Sửa đổi khoản 3, khoản 4 Điều 18 như sau:

“3. Các khoản chi con người bao gồm tiền lương, phụ cấp và các khoản đóng góp theo lương trong tổng số biên chế, số lượng người làm việc được cấp thẩm quyền giao được giao khoán hàng năm cho cơ quan, đơn vị, tổ chức. Trường hợp cấp có thẩm quyền điều chỉnh tăng hoặc giảm biên chế, số lượng người làm việc của cơ quan, đơn vị, tổ chức; tinh giản biên chế và thôi việc theo quy định hoặc Trung ương điều chỉnh chế độ, chính sách liên quan đến chi cho con người, ngân sách nhà nước sẽ thực hiện điều chỉnh cho phù hợp với quy định hiện hành.

4. Khoản chi công việc được quy định tại các Điều 4, Điều 5, Điều 6, Điều 7, Điều 8, Điều 10, Điều 12, Điều 14 và Điều 15 của Nghị quyết này phải đảm bảo sử dụng cho các nội dung chi phục vụ hoạt động thường xuyên của cơ quan, đơn vị, tổ chức (chưa bao gồm chi phục vụ công tác thu phí, lệ phí).”.

12. Sửa đổi, bổ sung Điều 19 như sau:

Điều 19. Phân bổ dự toán chi các lĩnh vực sự nghiệp

1. Căn cứ mức độ tự chủ của các đơn vị sự nghiệp công lập theo Nghị định số 60/2021/NĐ-CP và các quy định của pháp luật về việc giao nhiệm vụ, đặt hàng, đấu thầu cung cấp sản phẩm dịch vụ sự nghiệp công, giao Ủy ban nhân dân tỉnh xác định phân bổ dự toán theo quy định.

2. Thực hiện phân bổ chi thường xuyên ngân sách nhà nước năm 2022 cho các lĩnh vực sự nghiệp căn cứ chức năng, nhiệm vụ được giao, định hướng đổi mới khu vực sự nghiệp công lập theo Nghị quyết số 19-NQ/TW ngày 25 tháng 10 năm 2017 của Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương khóa XII về tiếp tục đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập, Nghị định số 60/2021/NĐ-CP, Thông tư hướng dẫn xây dựng dự toán hàng năm và các quy định của pháp luật về việc giao nhiệm vụ, đặt hàng, đấu thầu cung cấp sản phẩm dịch vụ sự nghiệp công.”.

3. Ngân sách nhà nước giảm cấp chi thường xuyên cho các đơn vị sự nghiệp công lập đối với các khoản chi đã được kết cấu vào giá dịch vụ theo lộ trình điều chỉnh giá dịch vụ của từng lĩnh vực sự nghiệp công; dành kinh phí để tăng nguồn bảo đảm chính sách hỗ trợ người nghèo, đối tượng chính sách tiếp cận các dịch vụ sự nghiệp công, tạo nguồn thực hiện cải cách tiền lương và tăng chi đầu tư phát triển.

4. Đối với đơn vị sự nghiệp công lập đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt Đề án vị trí việc làm, ngân sách nhà nước hỗ trợ kinh phí chi thực hiện hợp đồng với mức chi bình quân là 75 triệu/người/năm.”. 

13. Bổ sung Điều 20 như sau:

“Trường hợp các văn bản dẫn chiếu tại Nghị quyết này được sửa đổi, bổ sung, thay thế thì áp dụng theo các văn bản sửa đổi, bổ sung, thay thế.”.

14. Bãi bỏ các quy định sau: điểm b khoản 1 Điều 5, khoản 5 Điều 18.

Điều 2. Tổ chức thực hiện

1. Giao Ủy ban nhân dân tỉnh tổ chức triển khai thực hiện Nghị quyết.

2. Giao Thường trực Hội đồng nhân dân, các Ban của Hội đồng nhân dân, Tổ đại biểu và đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh giám sát thực hiện Nghị quyết.

Nghị quyết này đã được Hội đồng nhân dân tỉnh Tiền Giang Khóa X, Kỳ họp thứ 11 thông qua ngày 08 tháng 12 năm 2023 và có hiệu lực từ ngày 01 tháng 01 năm 2024./.

Hội đồng Nhân dân tỉnh Tiền Giang

Chủ tịch

(Đã ký)

 

Võ Văn Bình