Sign In

THÔNG TƯ

Quy định kỹ thuật về quan trắc và cung cấp thông tin, dữ liệu quan trắc khí tượng thủy văn đối với trạm khí tượng thủy văn chuyên dùng

Căn cứ Luật Khí tượng thủy văn ngày 23 tháng 11 năm 2015;

Căn cứ Nghị định số 38/2016/NĐ-CP ngày 15 tháng 5 năm 2016 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Khí tượng thủy văn;

Căn cứ Nghị định số 48/2020/NĐ-CP ngày 15 tháng 4 năm 2020 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 38/2016/NĐ-CP ngày 15 tháng 5 năm 2016 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Khí tượng thủy văn;

Căn cứ Nghị định số 68/2022/NĐ-CP ngày 22 tháng 9 năm 2022 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Tài nguyên và Môi trường;

Theo đề nghị của Tổng cục trưởng Tổng cục Khí tượng Thủy văn, Vụ trưởng Vụ Khoa học và Công nghệ và Vụ trưởng Vụ Pháp chế;

Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường ban hành Thông tư quy định kỹ thuật về quan trắc và cung cấp thông tin, dữ liệu quan trắc khí tượng thủy văn đối với trạm khí tượng thủy văn chuyên dùng.

Chương I

QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

Thông tư này quy định kỹ thuật về quan trắc và cung cấp thông tin, dữ liệu quan trắc khí tượng thủy văn đối với trạm khí tượng thủy văn chuyên dùng.

Điều 2. Đối tượng áp dụng

Thông tư này áp dụng đối với cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến hoạt động quan trắc và cung cấp thông tin, dữ liệu quan trắc khí tượng thủy văn của trạm khí tượng thủy văn chuyên dùng.

Điều 3. Giải thích từ ngữ

Trong Thông tư này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:

1. Trạm khí tượng thủy văn chuyên dùng là nơi được lựa chọn xây dựng, lắp đặt một hoặc nhiều công trình quan trắc các yếu tố khí tượng thu văn theo yêu cầu, mục đích riêng của Bộ, ngành, địa phương, tổ chức, cá nhân xây dựng, quản lý và khai thác.

2. Công trình phải quan trắc khí tượng thủy văn là công trình được quy định tại khoản 1 Điều 3 Nghị định số 38/2016/NĐ-CP ngày 15 tháng 5 năm 2016 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Khí tượng thủy văn (Nghị định số 38/2016/NĐ-CP) được sửa đổi, bổ sung tại khoản 1 Điều 1 Nghị định số 48/2020/NĐ-CP ngày 15 tháng 4 năm 2020 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 38/2016/NĐ-CP ngày 15 tháng 5 năm 2016 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Khí tượng thủy văn (Nghị định số 48/2020/NĐ-CP).

3. Phương tiện đo khí tượng thủy văn là phương tiện kỹ thuật để thực hiện phép đo các yếu tố khí tượng thủy văn.

4. FTP (viết tắt của File Transfer Protocol) là giao thức truyền tải tập tin từ một máy tính đến máy tính khác thông qua mạng TCP/IP hoặc qua mạng Internet.

5. Thời gian quan trắc, cung cấp thông tin, dữ liệu khí tượng thủy văn trong Thông tư này theo giờ Hà Nội (giờ GMT+7).

Chương II

QUY ĐỊNH KỸ THUẬT

Mục 1. QUAN TRẮC KHÍ TƯỢNG THỦY VĂN CHUYÊN DÙNG

Điều 4. Nội dung quan trắc

1. Nội dung quan trắc khí tượng thủy văn tối thiểu đối với từng loại công trình phải quan trắc khí tượng thủy văn cụ thể như sau:

a) Sân bay dân dụng quan trắc theo quy định của Bộ Giao thông vận tải;

b) Đập, hồ chứa loại quan trọng đặc biệt, loại lớn, loại vừa quan trắc theo quy định của Chính phủ về quản lý an toàn đập, hồ chứa; đập, hồ chứa thuộc phạm vi điều chỉnh của quy trình vận hành liên hồ chứa quan trắc theo quy định của quy trình vận hành liên hồ chứa;

c) Bến cảng quan trắc hướng và tốc độ gió, mực nước biển, sóng, tầm nhìn xa phía biển, tần suất 04 lần/ngày vào 01 giờ, 07 giờ, 13 giờ và 19 giờ;

d) Cầu có khẩu độ thông thuyền từ 500 mét trở lên quan trắc hướng và tốc độ gió, tần suất 04 lần/ngày vào 01 giờ, 07 giờ, 13 giờ và 19 giờ;

đ) Tháp thu phát sóng phát thanh, truyền hình có kết hợp khai thác tham quan, kinh doanh phục vụ khách trên tháp quan trắc hướng và tốc độ gió, tần suất 03 lần/ngày vào 07 giờ, 13 giờ và 19 giờ;

e) Cáp treo phục vụ hoạt động tham quan, du lịch quan trắc hướng và tốc độ gió, tần suất từng giờ trong thời gian vận hành;

g) Vườn quốc gia quan trắc lượng mưa, nhiệt độ, độ ẩm không khí, hướng và tốc độ gió, tần suất 04 lần/ngày vào 01 giờ, 07 giờ, 13 giờ và 19 giờ;

h) Tuyến đường cao tốc quan trắc theo tiêu chuẩn kỹ thuật quốc gia về hệ thống giám sát điều hành giao thông trên đường cao tốc;

i) Cảng thủy nội địa tổng hợp loại I trở lên quan trắc tầm nhìn xa, mực nước, hướng và tốc độ gió, tần suất 04 lần/ngày vào 01 giờ, 07 giờ, 13 giờ và 19 giờ;

k) Công trình mang tính chất đ c thù gồm các đảo thuộc quần đảo Trường Sa, nhà giàn thuộc các cụm Dịch vụ Kinh tế - Kỹ thuật (DK1) và sân bay quân sự phục vụ mục đích quốc phòng, an ninh quan trắc theo quy định của Bộ Quốc phòng.

2. Khi có bản tin dự báo, cảnh báo các hiện tượng khí tượng thủy văn nguy hiểm của Hệ thống dự báo, cảnh báo khí tượng thủy văn quốc gia và dự báo khả năng ảnh hưởng trực tiếp tới tỉnh, thành phố nơi đặt công trình, tùy theo mục đích yêu cầu sử dụng công trình, người có thẩm quyền hoặc tổ chức, cá nhân xây dựng, quản lý công trình quyết định:

a) Tăng tần suất quan trắc 01 giờ/lần đối với các công trình quy định tại các điểm c, d, đ, g và i khoản 1 Điều này;

b) Tăng tần suất quan trắc 30 phút/lần trong thời gian vận hành đối với công trình quy định tại điểm e khoản 1 Điều này.

3. Chủ công trình phải quan trắc khí tượng thủy văn thực hiện nội dung quan trắc theo quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này. Đối với tổ chức, cá nhân thành lập trạm khí tượng thủy văn chuyên dùng quan trắc theo nhu cầu riêng không thuộc công trình phải quan trắc khí tượng thủy văn tự quyết định nội dung quan trắc cho phù hợp.

Điều 5. Phương pháp quan trắc

1. Đối với trạm khí tượng thủy văn chuyên dùng thuộc các công trình phải quan trắc khí tượng thủy văn quy định tại các điểm b, c, d, đ, e, g và i khoản 1 Điều 4 Thông tư này, chủ công trình áp dụng phương pháp quan trắc cho phù hợp với thiết bị, công nghệ quan trắc nhưng phải bảo đảm độ chính xác các yếu tố quan trắc theo quy định kỹ thuật, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về quan trắc khí tượng thủy văn.

2. Đối với công trình quy định tại các điểm a, h và k khoản 1 Điều 4 Thông tư này, chủ công trình áp dụng theo quy định của Bộ, ngành.

3. Đối với trạm khí tượng thủy văn chuyên dùng do tổ chức, cá nhân thành lập để quan trắc theo nhu cầu riêng không thuộc công trình phải quan trắc khí tượng thủy văn tự quyết định phương pháp quan trắc cho phù hợp.

Điều 6. Công trình và phương tiện đo khí tượng thủy văn

1. Xây dựng, thiết kế, lắp đặt công trình khí tượng thủy văn:

Chủ công trình khí tượng thủy văn chuyên dùng căn cứ mục đích, yêu cầu khai thác sử dụng thông tin, dữ liệu khí tượng thủy văn để lựa chọn xây dựng, thiết kế, lắp đặt công trình khí tượng thủy văn cho phù hợp và bảo đảm hành lang kỹ thuật; có thể áp dụng tiêu chuẩn kỹ thuật quốc gia về công trình quan trắc khí tượng thủy văn.

2. Lựa chọn và kiểm định, hiệu chuẩn phương tiện đo khí tượng thủy văn:

a) Chủ công trình quan trắc khí tượng thủy văn căn cứ mục đích, yêu cầu sử dụng thông tin, dữ liệu khí tượng thủy văn có thể áp dụng tiêu chuẩn kỹ thuật quốc gia về quan trắc khí tượng thủy văn để lựa chọn phương tiện đo cho phù hợp;

b) Kiểm định, hiệu chuẩn phương tiện đo khí tượng thủy văn thực hiện theo quy định tại Điều 19 Luật Khí tượng thủy văn.

Điều 7. Mật độ trạm quan trắc

1. Đối với các công trình phải quan trắc khí tượng thủy văn quy định tại các điểm b, c, d, đ, e, g và i khoản 1 Điều 4 Thông tư này:

a) Đập, hồ chứa: Mật độ trạm đo mưa trên lưu vực bảo đảm nhỏ hơn hoặc bằng 100 km2/trạm; khoảng cách giữa hai trạm liền kề không vượt quá 15 km;

b) Vườn quốc gia: Mật độ trạm khí tượng trên vườn quốc gia bảo đảm nhỏ hơn hoặc bằng 700 km2/trạm; khoảng cách giữa hai trạm liền kề không vượt quá 30 km;

c) Công trình cầu có khẩu độ thông thuyền từ 500 mét trở lên; tháp thu phát sóng phát thanh, truyền hình có kết hợp khai thác tham quan, kinh doanh phục vụ khách trên tháp; cáp treo phục vụ hoạt động tham quan, du lịch; bến cảng thuộc cảng biển loại I và loại II; cảng thủy nội địa tổng hợp loại I trở lên không áp dụng quy định về mật độ trạm quan trắc mà do chủ đầu tư hoặc tổ chức, cá nhân khai thác tự quyết định số lượng trạm nhưng phải bảo đảm vị trí quan trắc theo quy định tại Điều 4 Nghị định số 38/2016/NĐ-CP được sửa đổi, bổ sung tại khoản 2 Điều 1 Nghị định số 48/2020/NĐ-CP và khoản 3 Điều 8 Thông tư này.

2. Đối với các công trình không thuộc công trình phải quan trắc khí tượng thủy văn, người có thẩm quyền, tổ chức, cá nhân căn cứ vào mục đích, nhu cầu khai thác, sử dụng công trình tự quyết định mật độ trạm quan trắc khí tượng thủy văn chuyên dùng.

Điều 8. Lựa chọn vùng đại diện điều kiện tự nhiên quan trắc khí tượng thủy văn

1. Không áp dụng lựa chọn vùng đại diện điều kiện tự nhiên đối với công trình đã quy định cụ thể mật độ trạm tại điểm a và điểm b khoản 1 Điều 7 Thông tư này và công trình đã quy định cụ thể vị trí quan trắc tại Điều 4 Nghị định số 38/2016/NĐ-CP được sửa đổi, bổ sung tại khoản 2 Điều 1 Nghị định số 48/2020/NĐ-CP.

2. Lựa chọn vùng đại diện quan trắc đối với cảng biển và cảng thủy nội địa tổng hợp loại I trở lên:

a) Vùng đại diện quan trắc mực nước là vùng nước thuộc phạm vi cảng mà tại đó các giá trị mực nước quan trắc được có tính tương đồng cao, có mức độ tác động như nhau đến hoạt động, vận hành của bến cảng;

b) Vùng đại diện quan trắc hướng và tốc độ gió là vùng không gian thuộc phạm vi cảng mà tại đó các giá trị hướng thịnh hành và tốc độ gió quan trắc được có tính tương đồng cao, có mức độ tác động như nhau đến hoạt động, vận hành của bến cảng;

c) Vùng đại diện quan trắc sóng biển là vùng biển thuộc phạm vi cảng biển mà tại đó các giá trị độ cao sóng, hướng sóng và chu kỳ sóng quan trắc được có tính tương đồng cao, có mức độ tác động như nhau đến hoạt động, vận hành của bến cảng;

d) Vùng đại diện quan trắc tầm nhìn xa phía biển là vùng không gian thuộc phạm vi cảng mà tại đó các giá trị về tầm nhìn xa quan trắc được có tính tương đồng cao, có mức độ tác động như nhau đến hoạt động, vận hành của bến cảng;

đ) Căn cứ quy định tại các điểm a, b, c và d khoản này và mục đích, nhu cầu sử dụng thông tin, dữ liệu, chủ công trình xác định vùng đại diện quan trắc khí tượng thủy văn. Mỗi khu vực cảng có thể có một hoặc nhiều vùng đại diện đối với một yếu tố quan trắc.

3. Trường hợp một yếu tố quan trắc có nhiều vùng đại diện thì chủ công trình phải tiến hành phân vùng đại diện để xác định ranh giới các vùng không gian cảng có các đặc trưng khí tượng thủy văn và mức độ tác động của chúng khác nhau đến hoạt động, vận hành bến cảng. Căn cứ vào điều kiện địa hình, địa vật, kết quả thống kê, điều tra và kết quả quan trắc, chủ công trình tiến hành phân vùng đại diện, công bố vùng đại diện đối với từng yếu tố, tổ chức quan trắc các yếu tố theo vùng đại diện; mỗi vùng đại diện phải lắp đặt tối thiểu một trạm quan trắc.

4. Trường hợp cảng biển có nhiều bến cảng, việc lựa chọn vùng đại diện của cảng biển do Giám đốc Cảng vụ hàng hải chủ trì tổ chức việc xác định vùng đại diện, quan trắc, cung cấp thông tin, dữ liệu và chia sẻ khai thác thông tin, dữ liệu cho các chủ công trình bến cảng thuộc cảng biển theo quy định tại điểm c khoản 1 Điều 3 Nghị định số 38/2016/NĐ-CP được sửa đổi, bổ sung tại khoản 1 Điều 1 Nghị định số 48/2020/NĐ-CP.

Mục 2. CUNG CẤP THÔNG TIN, DỮ LIỆU QUAN TRẮC KHÍ TƯỢNG THỦY VĂN CHUYÊN DÙNG

Điều 9. Nội dung cung cấp thông tin, dữ liệu

1. Chủ sở hữu, tổ chức quản lý trực tiếp, chủ đầu tư hoặc tổ chức, cá nhân khai thác công trình khí tượng thủy văn chuyên dùng cung cấp thông tin, dữ liệu quan trắc khí tượng thủy văn theo quy định tại Điều 5 Nghị định số 38/2016/NĐ-CP được sửa đổi, bổ sung tại khoản 3 Điều 1 Nghị định số 48/2020/NĐ-CP, trong đó nội dung thông tin, dữ liệu, gồm: tên trạm, mã trạm, địa chỉ trạm, vị trí (tọa độ) trạm; số liệu quan trắc hoặc tính toán của các yếu tố tại trạm khí tượng thủy văn chuyên dùng. Cung cấp 01 lần cho đơn vị thu nhận thông tin, dữ liệu về mã trạm, tên trạm, địa chỉ trạm, vị trí trạm và phải thông báo kịp thời khi có thay đổi.

2. Yêu cầu về cung cấp thông tin, dữ liệu quan trắc tại trạm khí tượng thủy văn chuyên dùng:

Nội dung, cấu trúc và kiểu thông tin, dữ liệu khí tượng thủy văn cung cấp cho cơ quan thu nhận, thực hiện theo quy định tại các Phụ lục 01, 02 và 03 ban hành kèm theo Thông tư số 40/2017/TT-BTNMT ngày 23 tháng 10 năm 2017 của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường quy định kỹ thuật chuẩn bộ dữ liệu về quan trắc, điều tra, khảo sát khí tượng, thủy văn, hải văn, môi trường không khí và nước.

Điều 10. Định dạng tệp thông tin, dữ liệu

1. Định dạng tệp thông tin, dữ liệu của trạm khí tượng thủy văn chuyên dùng thuộc các công trình phải quan trắc khí tượng thủy văn thực hiện theo quy định tại Phụ lục I ban hành kèm theo Thông tư này.

2. Định dạng tệp thông tin, dữ liệu của trạm khí tượng thủy văn chuyên dùng phục vụ nhu cầu riêng của tổ chức, cá nhân không thuộc các công trình phải quan trắc khí tượng thủy văn thực hiện theo quy định tại Phụ lục II ban hành kèm theo Thông tư này.

3. Trường hợp các trạm khí tượng thủy văn chuyên dùng có sử dụng định dạng thông tin, dữ liệu riêng phải có văn bản thông báo mô tả về cấu trúc, định dạng của thông tin dữ liệu tại trạm cho đơn vị thu nhận biết và phối hợp tiếp nhận.

Điều 11. Phương thức cung cấp thông tin, dữ liệu

1. Việc cung cấp thông tin, dữ liệu quan trắc khí tượng thủy văn thực hiện theo quy định tại khoản 4 Điều 5 Nghị định số 38/2016/NĐ-CP được sửa đổi, bổ sung tại khoản 3 Điều 1 Nghị định số 48/2020/NĐ-CP, trong đó:

a) Đối với phương thức cung cấp thông tin, dữ liệu quan trắc khí tượng thủy văn qua mạng Internet, thực hiện theo một trong các phương thức sau: Sử dụng giao thức truyền tải tập tin FTP để truyền tải thông tin, dữ liệu quan trắc khí tượng thủy văn hoặc qua hộp thư điện tử do Tổng cục Khí tượng Thủy văn cung cấp. Chủ sở hữu, tổ chức quản lý trực tiếp, chủ đầu tư hoặc tổ chức, cá nhân khai thác công trình quy định tại khoản 1 Điều 1 Nghị định số 48/2020/NĐ-CP, cơ quan, tổ chức, cá nhân là chủ trạm khí tượng thủy văn chuyên dùng khác có trách nhiệm phối hợp, thống nhất với cơ quan thu nhận thông tin, dữ liệu (qua hộp thư điện tử) để được cung cấp địa chỉ IP, cấu hình máy chủ và hướng dẫn kết nối với hệ thống truyền số liệu;

b) Đối với phương thức cung cấp thông tin, dữ liệu quan trắc khí tượng thủy văn bằng văn bản, vật mang tin thực hiện giao nộp trực tiếp tại cơ quan thu nhận thông tin, dữ liệu. Mẫu giấy giao nộp thông tin, dữ liệu được thực hiện theo quy định tại Phụ lục III ban hành kèm theo Thông tư này.

2. Trong quá trình cung cấp thông tin, dữ liệu, trường hợp g p sự cố, chủ công trình phải chủ động khắc phục và thông báo cho cơ quan thu nhận thông tin, dữ liệu bằng văn bản hoặc thư điện tử (email) về nguyên nhân và các biện pháp khắc phục sự cố, nêu rõ kế hoạch thực hiện, thời gian khắc phục sự cố gián đoạn này.

Điều 12. Cơ quan thu nhận thông tin, dữ liệu

1. Tổng cục Khí tượng Thủy văn, Bộ Tài nguyên và Môi trường thu nhận thông tin, dữ liệu quan trắc khí tượng thủy văn chuyên dùng cung cấp cho hệ thống dự báo, cảnh báo khí tượng thủy văn quốc gia và cơ sở dữ liệu khí tượng thủy văn quốc gia.

2. Cơ quan quản lý tài nguyên và môi trường cấp tỉnh thu nhận thông tin, dữ liệu quan trắc khí tượng thủy văn chuyên dùng trên địa bàn.

3. Cơ quan thu nhận thông tin, dữ liệu có trách nhiệm:

a) Cung cấp và công khai trên trang thông tin điện tử các thông tin về địa chỉ, phương thức, tần số, cổng thông tin điện tử hoặc phương tiện liên lạc khác;

b) Tổ chức thu nhận thông tin, dữ liệu, kiểm tra danh mục, số lượng, cấu trúc, định dạng, mức độ an toàn của thông tin, dữ liệu;

c) Khi phát hiện thông tin, dữ liệu không bảo đảm an toàn, chưa đúng thời gian cung cấp, cấu trúc, định dạng, không đúng danh mục, khối lượng theo quy định, cơ quan thu nhận thông tin, dữ liệu thông báo ngay cho tổ chức, cá nhân cung cấp thông tin để có biện pháp khắc phục;

d) Định kỳ trước ngày 31 tháng 5 hằng năm, công khai trên trang thông tin điện tử của cơ quan thu nhận thông tin, dữ liệu về danh sách các tổ chức, cá nhân đã cung cấp và kết quả thu nhận thông tin, dữ liệu quan trắc khí tượng thủy văn chuyên dùng của năm trước.

Chương III

TỔ CHỨC THỰC HIỆN

Điều 13. Hiệu lực thi hành

Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01 tháng 12 năm 2023 và thay thế Thông tư số 30/2018/TT-BTNMT ngày 26 tháng 12 năm 2018 của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường quy định kỹ thuật về quan trắc và cung cấp thông tin, dữ liệu khí tượng thủy văn đối với trạm khí tượng thủy văn chuyên dùng.

Điều 14. Trách nhiệm thi hành

1. Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thực hiện Thông tư này.

2. Tổng cục trưởng Tổng cục Khí tượng Thủy văn có trách nhiệm tổ chức thực hiện Thông tư này.

 

Bộ Tài nguyên và Môi trường

Thứ trưởng

(Đã ký)

 

Lê Công Thành