Sign In

 

 

THÔNG TƯ

CỦA BỘ KINH TẾ ĐỐI NGOẠI SỐ 10/KTĐN-XNK
NGÀY 7 THÁNG 8 NĂM 1989 HƯỚNG DẪN THI HÀNH NGHỊ ĐỊNH
SỐ 64/HĐBT NGÀY 10-6-1989 CỦA HỘI ĐỒNG BỘ TRƯỞNG VỀ CHẾ ĐỘ VÀ TỔ CHỨC QUẢN LÝ HOẠT ĐỘNG KINH DOANH XUẤT NHẬP KHẨU

Căn cứ Điều 27 của Bản Quy định ban hành kèm theo Nghị định số 64/HĐBT ngày 10-6-1989 của Hội đồng Bộ trưởng ban hành bản quy định về chế độ và tổ chức quản lý hoạt động kinh doanh xuất nhập khẩu, các Bộ, các cơ quan Nhà nước có liên quan sẽ tuỳ theo chức năng nhiệm vụ giải thích và hướng dẫn thi hành các điều quy định cụ thể; theo công văn số 1348/KTĐN ngày 8-7-1989 của Văn phòng Hội đồng Bộ trưởng.

Bộ Kinh tế đối ngoại hướng dẫn thi hành những vấn đề cụ thể trong phạm vi chức năng của Bộ gồm những việc dưới đây:

1. Phần hướng dẫn của Bộ Kinh tế đối ngoại chủ yếu là những quy định chưa cụ thể, còn những vấn đề đã rõ và cụ thể trong qui định thì phải dựa vào Qui định của Hội đồng Bộ trưởng mà thực hiện là chính, còn các Bộ chỉ hướng dẫn cụ thể và làm rõ hơn để dễ thực hiện. Do đó các cấp, các ngành, các đơn vị kinh doanh xuất nhập khẩu phải dựa vào Nghị định số 64/HĐBT và qui định của Hội đồng Bộ trưởng ban hành kèm theo Nghị định 64/HĐBT ngày 10-6-1989 mà thi hành là chủ yếu.

2. Đối tượng và phạm vi áp dụng Bản Qui định này gồm các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, dịch vụ xuất nhập khẩu của các đơn vị kinh tế quốc doanh và ngoài quốc doanh, cụ thể như sau:

a) Xuất khẩu, nhập khẩu hàng hoá dưới các hình thức mua, bán, trao đổi, hợp tác kinh tế, hợp tác khoa học kỹ thuật, gia công quốc tế.

b) Tạm nhập tái xuất, tạm xuất tái nhập, chuyển khẩu.

- Tạm nhập tái xuất là hàng của nước ngoài đưa vào Việt Nam, sau đó lại đưa ra khỏi Việt Nam, như hàng của nước ngoài đưa vào Việt Nam để trưng bầy ở hội chợ, triển lãm, quảng cáo, sau đó đưa ra khỏi Việt Nam.

- Tạm xuất tái nhập là hàng của Việt Nam đưa ra nước ngoài sau đó lại đưa trở về Việt Nam, như thiết bị, phương tiện của Việt Nam đưa ra nước ngoài sửa chữa, khi hoàn thành sửa chữa lại đưa trở về Việt Nam sử dụng.

- Chuyển khẩu là hàng Việt Nam mua của một nước để bán lại cho một nước khác mà không làm thủ tục nhập khẩu vào Việt Nam.

c) Các dịch vụ xuất khẩu, nhập khẩu gồm: Sửa chữa, sản xuất hàng chưa hoàn chỉnh cho nước ngoài, thuế nước ngoài trong các dịch vụ sửa chữa, sản xuất, đại lý bán hàng cho nước ngoài tại Việt Nam, nhận uỷ thác xuất khẩu, nhập khẩu cho nước ngoài.

d) Mua bán trao đổi hàng hoá và hợp tác kinh tế giữa các đơn vị kinh tế nước ta với các đơn vị kinh tế nước láng giềng.

Các loại dịch vụ khác như du lịch cung ứng tàu biển, hàng không, vận tải biển, vận tải bộ, ngân hàng, bảo hiểm bưu điện và việc trao đổi hàng hoá của cư dân hai bên biên giới nước ta và các nước láng giềng được quản lý theo quy chế riêng.

3. Nhà nước quản lý việc xuất nhập khẩu hàng hoá thông qua việc cấp hạn ngạch đối với một số mặt hàng xuất khẩu, nhập khẩu quan trọng trong từng thời gian nhất định và bằng việc cấp giấy phép xuất khẩu, nhập khẩu hàng hoá theo Quyết định số 305/CT ngày 30-11-1988 của Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng và Thông tư số 03/TTLB/KTĐN-TCHQ ngày 4-2-1989 của Liên bộ Bộ Kinh tế đối ngoại và Tổng cục Hải Quan hướng dẫn thi hành Quyết định này.

Sau thời gian thi hành Quyết định 305/CT đã có những tác động tích cực đối với tình hình xuất nhập khẩu, đồng thời cũng phát sinh nhiều thiếu sót tác động đến tình hình sản xuất, đời sống trong nước. Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng đã có chỉ thị sơ kết thi hành Quyết định 305/CT để có những bổ sung cần thiết. Trước mắt cần lưu ý chấn chỉnh một số vấn đề cụ thể dưới đây trong việc cấp giấy phép xuất nhập khẩu. a) Giấy phép xuất nhập khẩu từng chuyến hàng chỉ được cấp cho những đơn vị kinh tế đã được Bộ Kinh tế đối ngoại cấp đăng ký kinh doanh xuất nhập khẩu trực tiếp thường xuyên. Khi xin giấy phép, các đơn vị phải xuất trình đăng ký kinh doanh xuất nhập khẩu.

b) Đối với những mặt hàng xuất khẩu, nhập khẩu nằm trong danh mục quy định hạn ngạch, chỉ cấp giấy phép xuất khẩu, nhập khẩu trong phạm vi hạn ngạch đã quy định cho từng mặt hàng được Bộ kinh tế đối ngoại đã duyệt cấp. Tuyệt đối không được cấp giấy phép vượt hạn ngạch qui định đối với từng mặt hàng, nếu không được Bộ Kinh tế đối ngoại cấp hạn ngạch bổ sung.

c) Đồng chí Bộ trưởng, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố, đặc khu trực thuộc Trung ương có thể uỷ quyền cho cán bộ cấp Vụ, hoặc cấp lãnh đạo Sở ký cấp giấy phép xuất nhập khẩu từng chuyến hàng nhưng đồng chí Bộ trưởng, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố, đặc khu trực thuộc trung ương vẫn phải chịu trách nhiệm về các giấy phép đã cấp. Những người được uỷ quyền cấp giấy phép phải đăng ký chữ ký với Tổng cục Hải quan và Bộ Kinh tế đối ngoại. Người không đăng ký chữ ký và không được uỷ quyền nhất thiết không được ký giấy phép xuất nhập khẩu.

Các giấy phép xuất khẩu hàng hoá vượt quá hạn ngạch hoặc không do người có thẩm quyền ký đều không có giá trị thực hiện và bị xử lý theo pháp luật hiện hành.

4. Nhà nước khuyến khích các đơn vị sản xuất hàng xuất khẩu được trực tiếp tham gia hoạt động xuất nhập khẩu, dưới các hình thức thích hợp, để tiếp cận với khách hàng nước ngoài, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm, phát triển sản xuất hàng xuất khẩu và nâng cao chất lượng hàng xuất khẩu.

a) Đối với các đơn vị sản xuất, không phân biệt cấp quản lý và thành phần kinh tế, nếu đủ các điều kiện sau đây được Bộ Kinh tế đối ngoại cấp đăng ký kinh doanh xuất nhập khẩu thường xuyên:

a.1. Sản phẩm xuất khẩu do đơn vị sản xuất ra hoặc do liên doanh, hợp tác đầu tư sản xuất, chấp hành tốt chính sách và luật pháp của Nhà nước.

a.2. Có thị trường tiêu thụ ổn định và xuất khẩu có hiệu quả.

a.3. Có cán bộ hiểu biết nghiệp vụ kinh doanh xuất nhập khẩu, trước hết là thông thạo việc giao dịch ký kết hợp đồng xuất nhập khẩu và thanh toán đối ngoại.

a.4. Đạt kim ngạch xuất khẩu từ 5 triệu R/USD/năm trở lên.

b) Đối với các đơn vị kinh doanh thương nghiệp, ngoài các điều kiện (a.2, a.3), chấp hành tốt chính sách và Pháp luật Nhà nước như đối với các đơn vị sản xuất thì chỉ có các tổ chức kinh tế quốc doanh do cấp Trung ương, tỉnh, thành phố, đặc khu hoặc quận, huyện quản lý mới được tham gia hoạt động xuất nhập khẩu. Nếu sản phẩm xuất khẩu do thu gom mà có thì phải được chính quyền cấp tỉnh, thành phố, đặc khu trực thuộc trung ương của 2 địa phương chấp thuận cho ký kết hợp đồng và phải đạt được kim ngạch xuất khẩu từ 20 triệu R/USD/năm trở lên. Riêng các tỉnh miền núi phía Bắc và Tây Nguyên sẽ có hướng dẫn riêng.

Nếu các đơn vị sản xuất và kinh doanh thương nghiệp chưa đạt đủ các điều kiện nêu trên thì được uỷ thác xuất khẩu, hoặc nhập khẩu, hoặc được cấp đăng ký kinh doanh có thời hạn, hoặc cấp giấy phép xuất khẩu, nhập khẩu từng chuyến. Giấy phép xuất khẩu, nhập khẩu từng chuyến là giấy phép cấp cho một lượng hàng, một mặt hàng cụ thể, theo một hợp đồng giao một lần hoặc nhiều lần.

Riêng đối với các đơn vị hoạt động dịch vụ thu ngoại tệ, hàng năm sẽ được xét cấp đăng ký kinh doanh nhập khẩu. Hồ sơ xin kinh doanh xuất nhập khẩu trực tiếp theo phụ lục số 1.

5. Về tổ chức chỉ đạo thực hiện:

- Các đơn vị đang kinh doanh xuất nhập khẩu (theo phụ lục số 01) gửi hồ sơ về Bộ Kinh tế đối ngoại để được cấp đăng ký tiếp tục kinh doanh xuất nhập khẩu.

- Các đơn vị kinh tế được cấp giấy phép kinh doanh xuất nhập khẩu phải chấp hành nghiêm túc chế độ báo cáo thống kê hàng tháng, hàng quý, báo cáo sơ kết tình hình thực hiện kế hoạch 6 tháng và cả năm theo chế độ qui định. Cụ thể:

+ Báo cáo hàng tháng gửi về Bộ kinh tế đối ngoại vào ngày 5 của tháng sau.

+ Báo cáo hàng quý gửi về Bộ kinh tế đối ngoại vào ngày 10 của tháng đầu quí sau.

+ Báo cáo 6 tháng gửi về Bộ Kinh tế đối ngoại vào ngày 15 của tháng 7.

+ Báo cáo năm gửi về Bộ Kinh tế đối ngoại vào ngày 15 tháng 1 năm sau.

Đối với những đơn vị quá 3 tháng không có báo cáo theo qui định trên thì Bộ Kinh tế đối ngoại sẽ thông báo huỷ bỏ giấy phép kinh doanh xuất nhập khẩu hoặc không duyệt cấp hạn ngạch bổ sung hay đăng ký hàng năm.

Trong quá trình thực hiện bản Qui định về chế độ tổ chức quản lý hoạt động kinh doanh xuất nhập khẩu ban hành kèm theo Nghị định số 64/HĐBT, Bộ Kinh tế đối ngoại sẽ bổ sung và hướng dẫn tiếp những vấn đề cụ thể mà thực tiễn hoạt động kinh doanh xuất nhập khẩu của các đơn vị đặt ra.

 

 

PHỤ LỤC SỐ I

Ban hành kèm theo Thông tư số 10/KTĐN-XNK ngày 7 tháng 8 năm 1989
của Bộ Kinh tế đối ngoại về lập hồ sơ xin kinh doanh xuất nhập khẩu trực tiếp

Hồ sơ xin kinh doanh xuất nhập khẩu trực tiếp gồm có:

- Đơn xin kinh doanh xuất nhập khẩu trực tiếp.

- Điều lệ về tổ chức và hoạt động kinh doanh xuất nhập khẩu của đơn vị.

 

I - NỘI DUNG ĐƠN XIN KINH DOANH XUẤT NHẬP KHẨU
TRỰC TIẾP

1. Tên xí nghiệp hoặc công ty ...

2. Cơ quan quản lý trực tiếp ...

3. Địa chỉ...

Số điện thoại ...

4. Quyết định thành lập số.... ngày.... tháng... năm... do cấp nào ký. Nhiệm vụ được quy định...

5. Kim ngạch xuất khẩu đến cuối năm trước năm kế hoạch và kế hoạch năm kế hoạch (tính bằng Rúp và USD)...

Số lượng và trị giá những mặt hàng đã uỷ thác hoặc bán cho đơn vị nào xuất khẩu...

a) Phần hàng xuất khẩu do đơn vị tự sản xuất (phân tích giá trị của từng mặt hàng ngoại tệ Rúp là bao nhiêu và giá trị ngoại tệ đô-la là bao nhiêu).

b) Phần hàng xuất khẩu do liên doanh hợp tác sản xuất với các đơn vị kinh tế khác (ghi theo nội dung (a) ở trên).

c) Phần hàng xuất khẩu mua ở thị trường (ghi theo nội dung (a) ở trên).

6. Mặt hàng xin xuất khẩu, nhập khẩu:

- Xuất khẩu: Kê ra những mặt hàng xin xuất khẩu, ghi rõ số lượng, trị giá rúp nếu xuất qua thị trường xã hội chủ nghĩa hoặc đô-la Mỹ nếu xuất qua thị trường ngoài xã hội chủ nghĩa.

- Nhập khẩu: Kê rõ những mặt hàng xin nhập khẩu, ghi rõ số lượng, trị giá như đối với mặt hàng xuất khẩu.

7. Vốn pháp định (gồm vốn cố định và vốn lưu động bằng tiền Việt Nam và ngoại tệ).

8. Thị trường xin giao dịch (kê rõ nước).

9. Tổ chức bộ máy của đơn vị:

- Số tổ chức trực thuộc đơn vị: trạm, trại, phân xưởng, cửa hàng nói chung, trong đó:

a) Số tổ chức trực thuộc (phân xưởng, xí nghiệp, nông trường, lâm trường...) có sản xuất ra hàng hoá xuất khẩu. Giá trị hàng xuất khẩu của từng tổ chức, chế độ hạch toán kinh doanh của từng tổ chức.

b) Tổ chức kinh doanh xuất nhập khẩu của đơn vị (là công ty, xí nghiệp hay phòng).

- Ban lãnh đạo của đơn vị: giám đốc, mấy phó giám đốc, phân công các phó giám đốc.

10. Trình độ nghiệp vụ ngoại thương, kể cả trình độ ngoại ngữ của cán bộ làm công tác ngoại thương.

- Qua trường lớp ngoại thương (đại học, trung học) mấy người?

- Đã qua công tác ngoại thương mấy người? Trong bao nhiêu năm?

- Số cán bộ có trình độ ngoại ngữ, mấy người biết tiếng Nga, Anh, Pháp... có bằng tốt nghiệp đại học, trung học, trình độ B, C.

11. Phân tích hiệu quả kinh tế nếu được kinh doanh xuất nhập khẩu trực tiếp (lợi ích về tài chính, tận dụng công suất, thiết bị, khai thác tiềm năng lao động, tài nguyên v.v...)

Ngày....tháng......năm 19

Giám đốc

(ký tên, đóng dấu)

Ý kiến của Bộ, Uỷ ban Nhân dân tỉnh về các đề nghị của đơn vị nêu trong đơn.

 

Đ/c Bộ trưởng hoặc

Thứ trưởng thường trực

(Ký tên, đóng dấu)

Đ/c Chủ tịch hoặc phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh

(Ký tên, đóng dấu)

 

 

II - ĐIỀU LỆ VỀ TỔ CHỨC, HOẠT ĐỘNG KINH DOANH
XUẤT NHẬP KHẨU TRỰC TIẾP:

a) Đối với các đơn vị kinh tế được bộ Kinh tế đối ngoại có văn bản chấp nhận được kinh doanh xuất nhập khẩu trực tiếp thường xuyên hay có thời hạn phải xây dựng Điều lệ tổ chức và hoạt động kinh doanh xuất nhập khẩu trực tiếp, trình Bộ hoặc Uỷ ban nhân dân tỉnh chủ quản phê duyệt, sau khi có ý kiến thoả thuận của Bộ Kinh tế đối ngoại. Các đơn vị Kinh tế đăng ký bản Điều lệ tại Bộ Kinh tế đối ngoại để Bộ Kinh tế đối ngoại cấp đăng ký kinh doanh xuất nhập khẩu trực tiếp.

b) Đối với các đơn vị kinh tế được Hội đồng Bộ trưởng cho phép kinh doanh xuất nhập khẩu trực tiếp phải xây dựng Điều lệ theo quy định trên để Bộ Kinh tế đối ngoại cấp đăng ký kinh doanh xuất nhập khẩu trực tiếp.

c) Đối với các đơn vị kinh tế đang kinh doanh xuất nhập khẩu trực tiếp chưa có điều lệ, phải xây dựng Điều lệ theo qui định trên để Bộ Kinh tế đối ngoại cấp đăng ký kinh doanh xuất nhập khẩu trực tiếp. Qua ngày 30 tháng 9 năm 1989, nếu đơn vị không gửi Điều lệ cho Bộ Kinh tế đối ngoại để cấp đăng ký kinh doanh xuất nhập khẩu trực tiếp thì được coi là đơn vị không tiếp tục kinh doanh xuất nhập khẩu trực tiếp nữa.

d) Đăng ký kinh doanh xuất nhập khẩu trực tiếp được cấp hàng năm. Các đơn vị xuất nhập khẩu trực tiếp muốn được cấp đăng ký kinh doanh xuất nhập khẩu cho năm sau cần làm đầy đủ hồ sơ gửi về Bộ Kinh tế đối ngoại gồm:

1. Giấy đăng ký kinh doanh xuất nhập khẩu trực tiếp của năm trước.

2. Báo cáo tình hình và số liệu xuất khẩu, nhập khẩu trong năm trước, có phân tích từng mặt hàng, từng khu vực thị trường, phần trực tiếp xuất khẩu hoặc nhập khẩu, phần uỷ thác xuất khẩu hoặc nhập khẩu. Riêng xuất khẩu cần phân tích phần hàng do đơn vị tự sản xuất, phần hàng do đơn vị mua ở thị trường hoặc hợp tác sản xuất với các đơn vị khác, phần hàng nhập uỷ thác cho đơn vị khác. Hàng nhập khẩu cần phân tích phần phục vụ cho sản xuất kinh doanh của đơn vị, phần nhận uỷ thác nhập khẩu cho đơn vị khác.

Phân tích hiệu quả kinh tế của hoạt động xuất nhập khẩu:

- Tỉ giá bình quân hàng xuất khẩu (tỉ giá cụ thể của một số mặt hàng chính).

- Tỷ giá bình quân hàng nhập khẩu (tỉ giá cụ thể của một số mặt hàng chính).

- Lãi về ngoại tệ.

- Tình hình tự cân đối về ngoại tệ (nợ ngoại tệ nước ngoài).

- Lỗ lãi bằng tiền Việt Nam.

- Tổng số các khoản nộp cho Nhà nước (thuế, nộp ngân sách trung ương, nộp ngân sách địa phương).

 

Bộ Kinh tế đối ngoại

Bộ trưởng

(Đã ký)

 

Tạ Cả