THÔNG TƯ LIÊN TỊCH
Hướng dẫn thực hiện việc giảm thuế nhập khẩu hàng hoá có xuất xứ từ Lào qui định tại thoả thuận giữa
Chính phủ Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Chính phủ Cộng hoà dân chủ nhân dân Lào
(Thoả thuận Cửa Lò năm 1999) về việc tạo điều kiện thuận lợi cho người,
phương tiện và hàng hoá qua lại biên giới giữa 2 nước
____________________________
Căn cứ thoả thuận giữa Chính phủ Cộng hoà xã hội Chủ nghĩa Việt nam và Chính phủ Cộng hoà dân chủ nhân dân Lào ngày 23/8/1999 tại thị xã Cửa lò, tỉnh Nghệ an - Việt nam;
Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại các công văn số 1384/CP-QHQT ngày 30/12/1999 của Chính phủ về việc thực hiện các thoả thuận thương mại với Lào, công văn số 2252/VPCP-QHQT ngày 6/5/2000 của Văn phòng Chính phủ về việc miễn thuế, giảm thuế đối với hàng hoá có xuất xứ và sản xuất tại Lào nhập vào Việt nam; công văn số 261/CP-QHQT ngày 5/4/2001 của Chính phủ về việc tăng cường quan hệ thương mại với Lào;
Liên Bộ Tài chính - Thương mại - Tổng cục Hải quan hướng dẫn thực hiện giảm thuế nhập khẩu hàng hoá có xuất xứ từ Lào như sau:
I- PHẠM VI ÁP DỤNG
A. Hàng hoá sản xuất tại nước Cộng hoà dân chủ nhân dân Lào nhập khẩu vào Việt nam được áp dụng thuế suất thuế nhập khẩu bằng 50% mức thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi qui định tại Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi, nếu thoả mãn các điều kiện sau:
1- Là mặt hàng có trong Danh mục các mặt hàng được giảm 50% (năm mươi phần trăm) thuế nhập khẩu ban hành kèm theo Thông tư này. Số lượng cụ thể từng chủng loại hàng nhập khẩu từ Lào được giảm 50% thuế nhập khẩu theo thông báo hàng năm của Bộ Thương mại trên cơ sở số lượng đã được thống nhất với Bộ Thương mại Lào.
Trường hợp hàng hoá có đủ điều kiện để được áp dụng giảm 50% thuế nhập khẩu, đồng thời có đủ điều kiện được hưởng theo mức thuế suất ưu đãi CEPT thì được áp dụng theo mức thuế suất thấp hơn trong hai mức thuế suất này.
2- Có giấy chứng nhận xuất xứ (C/O) do Bộ Thương mại hoặc Phòng Thương mại hoặc Sở thương mại các tỉnh, thành phố Vientiane và đặc khu Saysomboun của Lào cấp.
3- Có giấy xác nhận là hàng hoá thuộc chương trình hưởng ưu đãi thuế theo thoả thuận giữa hai Chính phủ do Bộ Thương mại hoặc Sở Thương mại các tỉnh, thành phố Vientiane và đặc khu Saysomboun của Lào cấp.
4- Hàng được nhập khẩu vào Việt nam qua các cửa khẩu được mở chính thức trên biên giới Việt nam - Lào.
B. Thủ tục xuất trình, kiểm tra giấy chứng nhận xuất xứ hàng hoá (C/O):
Doanh nghiệp nhập khẩu hàng hoá của Lào thuộc Danh mục các mặt hàng được giảm 50% thuế nhập khẩu ban hành kèm theo Thông tư này muốn được hưởng ưu đãi giảm thuế nhập khẩu phải nộp cho cơ quan Hải quan bản chính Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hoá kèm theo bộ chứng từ nhập khẩu theo qui định khi làm thủ tục nhập khẩu.
Trường hợp doanh nghiệp chưa có C/O để nộp khi làm thủ tục nhập khẩu, khi tính thuế, cơ quan Hải quan áp dụng theo mức thuế suất thông thường hoặc theo mức thuế suất ưu đãi CEPT (nếu đủ điều kiện) và chấp nhận cho nợ C/O, thời hạn tối đa 30 ngày tính từ ngày nộp tờ khai Hải quan. Sau khi nộp C/O doanh nghiệp sẽ được xem xét hoàn lại số thuế đã nộp thừa (phần chênh lệch giữa số thuế tính theo mức thuế suất thông thường hoặc theo mức thuế suất ưu đãi CEPT đã nộp và số thuế tính theo thuế suất đã được giảm 50% mức thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi qui định tại Biểu thuế nhập khẩu).
Doanh nghiệp nhập khẩu chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính hợp pháp, hợp lệ của C/O đã nộp. Nếu phát hiện có sự gian lận về C/O thì doanh nghiệp nhập khẩu sẽ bị xử lý theo qui định của pháp luật hiện hành.
Khi có sự nghi ngờ về tính trung thực và chính xác của giấy chứng nhận xuất xứ thì cơ quan Hải quan có thể yêu cầu doanh nghiệp cung cấp các tài liệu để chứng minh. Thời gian qui định tối đa để doanh nghiệp nộp bổ sung chứng từ là 30 ngày kể từ ngày nộp C/O. Trong khi chờ kết quả kiểm tra lại, tạm thời chưa giải quyết giảm 50% mức thuế suất đối với lô hàng đó và áp dụng theo mức thuế suất thông thường hoặc theo mức thuế suất ưu đãi CEPT (nếu đủ điều kiện). Đồng thời tiếp tục thực hiện các thủ tục giải phóng hàng nếu các mặt hàng này không phải là hàng cấm hoặc hạn chế nhập khẩu và không có sự nghi ngờ man khai về hàng hoá. Trường hợp chủ hàng có đủ tài liệu chứng minh đúng là hàng có xuất xứ từ Lào thì được xem xét hoàn lại số thuế đã nộp thừa (phần chênh lệch giữa số thuế tính theo mức thuế suất thông thường hoặc theo mức thuế suất ưu đãi CEPT đã nộp và số thuế tính theo thuế suất đã được giảm 50% mức thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi qui định tại Biểu thuế nhập khẩu).
II- CÁC QUI ĐỊNH KHÁC
Các qui định về căn cứ tính thuế, chế độ thu nộp thuế, kế toán tiền thuế, báo cáo kết quả thu nộp thuế, chế độ giảm thuế nhập khẩu, chế độ hoàn thuế, truy thu thuế và xử lý vi phạm, được thực hiện theo các qui định của Luật thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu và các văn bản hướng dẫn hiện hành.
III- TỔ CHỨC THỰC HIỆN
Định kỳ 3 tháng (chậm nhất đến ngày 15 tháng kế tiếp) và hàng năm (chậm nhất đến ngày 15/2 của năm sau), Tổng cục Hải quan tổng hợp báo cáo về số lượng, trị giá (theo giá tính thuế nhập khẩu) hàng hoá nhập khẩu thuộc đối tượng qui định tại Thông tư này với Bộ Thương mại và Bộ Tài chính. Trường hợp phát hiện có tình trạng phía Lào cấp giấy xác nhận vượt quá số lượng đã thoả thuận, Bộ Thương mại sẽ làm việc với Bộ Thương mại Lào để có biện pháp giải quyết phù hợp.
Thông tư này có hiệu lực từ ngày ký.
Thông tư này thay thế Thông tư liên tịch Bộ Tài chính, Bộ Thương mại và Tổng cục Hải quan số 77/1999/TTLT-BTC-BTM-TCHQ ngày 22/6/1999 hướng dẫn thi hành Quyết định số 181/1998/QĐ-TTg ngày 21/9/1998 của Thủ tướng Chính phủ về việc giảm thuế nhập khẩu cho hàng hoá sản xuất tại nước Cộng hoà dân chủ nhân dân Lào.
Trong quá trình thực hiện, nếu có vướng mắc, đề nghị các đơn vị phản ánh về Bộ Tài chính, Bộ Thương mại, Tổng cục Hải quan để nghiên cứu, hướng dẫn, bổ sung kịp thời.