Sign In

 

 

 

 

 

 

NGHỊ ĐỊNH

CỦA HỘI ĐỒNG BỘ TRƯỞNG SỐ 155/HĐBT NGÀY 15-10-1988

QUY ĐỊNH CHỨC NĂNG, NHIỆM VỤ VÀ TỔ CHỨC BỘ MÁY

CỦA BỘ TÀI CHÍNH

HỘI ĐỒNG BỘ TRƯỞNG

Căn cứ Luật tổ chức Hội đồng Bộ trưởng ngày 4-7-1981;

Thực hiện Thông tri số 11-TT/TW ngày 12-8-1987 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về sắp xếp lại bộ máy của cơ quan Đảng, Nhà nước và đoàn thể;

Xét đề nghị của Bộ trưởng Bộ Tài chính,

NGHỊ ĐỊNH:

Điều 1

Bộ Tài chính là cơ quan của Hội đồng Bộ trưởng, có trách nhiệm thống nhất quản lý Nhà nước về lĩnh vực tài chính theo đúng đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, bảo đảm nhu cầu tài chính phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, an ninh và quốc phòng, thúc đẩy sản xuất kinh doanh phát triển, tăng thu nhập quốc dân và tăng tích luỹ xã hội.

Điều 2

Bộ Tài chính có những nhiệm vụ và quyền hạn chủ yếu sau đây:

1- Nghiên cứu, soạn thảo các luật lệ, chính sách, chế độ tài chính của Nhà nước, trình Hội đồng Bộ trưởng ban hành hoặc để Hội đồng Bộ trưởng trình Hội đồng Nhà nước ban hành; hướng dẫn, kiểm tra việc thực hiện các luật lệ, chính sách, chế độ ấy.

2- Tham gia ý kiến với các ngành có liên quan về các kế hoạch, các bảng cân đối tổng hợp, các chính sách và phương án cụ thể và giá cả, tiền lương, tín dụng, tiền tệ, bao gồm cả kế hoạch viện trợ, vay và trả nợ... và những vấn đề có liên quan đến công tác quản lý tài chính Nhà nước, bảo đảm thống nhất giữa kế hoạch hiện vật và kế hoạch tài chính, bảo đảm sử dụng có hiệu quả vốn tài chính Nhà nước.

3- Xây dựng các dự án tài chính dài hạn, kế hoạch tài chính và dự án ngân sách Nhà nước hàng năm trình Hội đồng Bộ trưởng cùng một lần với kế hoạch kinh tế - xã hội.

4- Tổ chức công tác thu nộp ngân sách, cấp phát vốn và kinh phí theo chỉ tiêu kế hoạch ngân sách Nhà nước đã được Quốc hội thông qua; trực tiếp tổ chức quản lý và cấp phát vốn đầu tư xây dựng cơ bản của ngân sách cho các công trình được Nhà nước duyệt ghi trong kế hoạch Nhà nước.

5- Đại diện Nhà nước trong những quan hệ với nước ngoài về lĩnh vực tài chính.

6- Tổ chức, quản lý việc in tiền, quỹ dự trữ tiền phát hành của Nhà nước, trực tiếp tổ chức và quản lý quỹ ngân sách (kho bạc Nhà nước), các quỹ dự trữ tài chính của Nhà nước (kể cả vàng bạc, kim khí quý, đá quý, ngoại hối, ngoại tệ của Nhà nước).

7- Ban hành các chế độ, thể lệ, sổ sách, biểu mẫu kế toán cho các ngành kinh tế quốc dân, các đơn vị quốc doanh, tập thể, cá thể; hướng dẫn, chỉ đạo, kiểm tra việc thực hiện các chính sách, chế độ, sổ sách, biểu mẫu kế toán đã ban hành.

8- Yêu cầu các Bộ, các ngành, Uỷ ban Nhân dân các địa phương, các đơn vị kinh tế quốc doanh, tập thể và cá thể cung cấp những tài liệu, số liệu cần thiết cho việc lập kế hoạch tài chính quốc gia, dự toán thu chi ngân sách Nhà nước, cho việc cấp phát, quản lý vốn, tài sản, ngoại tệ, thu nộp ngân sách.

9- Kiểm tra, thanh tra các Bộ, các ngành (kể cả quốc phòng và an ninh), các Uỷ ban Nhân dân địa phương và đơn vị cơ sở trong việc chấp hành luật lệ, chính sách, chế độ về quản lý kinh tế tài chính và thực hiện kế hoạch tài chính Nhà nước.

Trong trường hợp các Bộ, các ngành, các cấp hoặc các đơn vị vi phạm pháp luật, chính sách, chế độ quản lý tài chính và chế độ thu nộp ngân sách Nhà nước. Bộ Tài chính có quyền đình chỉ cấp phát vốn, ra lệnh nộp số thu và lệnh thu hồi số tiền đã chi sai trích từ tài khoản tiền gửi của các Bộ, các ngành, các cấp, các đơn vị nộp vào ngân sách Nhà nước.

10- Tổ chức công tác đào tạo, bồi thường cán bộ tài chính kế toán, đáp ứng yêu cầu của các ngành, các cấp và đơn vị cơ sở.

Điều 3

Cơ cấu tổ chức bộ máy của Bộ Tài chính gồm có:

a) Các cơ quan giúp việc Bộ trưởng thực hiện chức năng quản lý Nhà nước:

1- Vụ Ngân sách Nhà nước,

2- Vụ Cân đối tài chính,

3- Vụ Tài chính quốc phòng và an ninh (gọi tắt là Vụ I),

4- Vụ Tài chính Đối ngoại và quản lý ngoại tệ,

5- Vụ Tài chính công nghiệp và xây dựng,

6- Vụ Tài chính giao thông - bưu điệu và hàng không,

7- Vụ Tài chính nông, lâm nghiệp và thuỷ lợi,

8- Vụ Tài chính thương nghiệp và vật tư kỹ thuật,

9- Vụ Tài chính hành chính - văn xã,

10- Vụ đầu tư xây dựng cơ bản,

11- Vụ Chế độ kế toán và kiểm tra kế toán,

12- Vụ Tổ chức và cán bộ,

13- Ban Thanh tra tài chính,

14- Văn phòng Bộ.

b) Các tổ chức sự nghiệp và hạch toán kinh tế trực thuộc Bộ:

1- Cục Thuế nông nghiệp,

2- Cục Thu quốc doanh,

3- Cục Thuế công thương nghiệp,

4- Tổng công ty bảo hiểm Việt Nam và các Công ty trực thuộc ở các địa phương,

5- Ban tiếp nhận viện trợ,

6- Viện Khoa học tài chính và tạp chí tài chính,

7- Nhà in và nhà xuất bản tài chính.

8- Trường đại học Tài chính kế toán Hà Nội, trường đại học Tài chính kế toán thành phố Hồ Chí Minh và các trường trung học tài chính kế toán trực thuộc Bộ.

Các đơn vị khác thuộc thẩm quyền của Bộ trưởng, do Bộ trưởng Bộ Tài chính quyết định thành lập.

Về tổ chức cấp phát và quản lý vốn đầu tư xây dựng cơ bản, quản lý in tiền và quỹ dự trữ tiền phát hành của Nhà nước, quản lý quỹ ngân sách (kho bạc) và các quỹ dự trữ tài chính của Nhà nước sẽ có quyết định riêng khi chuyển những nhiệm vụ này từ Ngân sách Nhà nước sang Bộ Tài chính.

Nhiệm vụ cụ thể, tổ chức biên chế và quy chế làm việc của các đơn vị ở điểm a và điểm b nói trên do Bộ trưởng Bộ Tài chính quy định.

Điều 4

Bộ trưởng Bộ Tài chính chịu trách nhiệm trước Hội đồng Bộ trưởng quản lý Nhà nước về lĩnh vực tài chính theo nhiệm vụ và quyền hạn được giao. Giúp việc Bộ trưởng có một số Thứ trưởng, trong đó có một Thứ trưởng thứ nhất.

Điều 5

Nghị định này có hiệu lực thi hành từ ngày ban hành. Bãi bỏ Nghị định số 61-CP ngày 29-3-1974 ban hành Điều lệ tổ chức và hoạt động của Bộ Tài chính, Quyết định số 90-CP ngày 18-4-1978 và Nghị định số 132-HĐBT ngày 13-8-1982 sửa đổi tổ chức bộ máy của Bộ Tài chính và các quy định trong Nghị định số 53-HĐBT ngày 26-3-1988 về tổ chức bộ máy Ngân hàng Nhà nước trái với Nghị định này.

Điều 6

Bộ trưởng Bộ Tài chính, Thủ trưởng các Bộ, Tổng cục, Uỷ ban Nhà nước và Chủ tịch Uỷ ban Nhân dân các tỉnh, thành phố, đặc khu trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm thi hành Nghị định này.

 

Hội đồng Bộ trưởng

Chủ tịch

(Đã ký)

 

Đỗ Mười