THÔNG TƯ
Hướng dẫn việc thông quan hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu phải kiểm dịch
__________________________
Căn cứ Luật Hải quan số 29/2001/QH10 ngày 29/6/2001 và Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Hải quan số 42/2005/QH11 ngày 14/6/2005;
Căn cứ Pháp lệnh Thú y số 18/2004/PL-UBTVQH11 ngày 29/4/2004;
Căn cứ Pháp lệnh bảo vệ và kiểm dịch thực vật số 36/2001/PL-UBTVQH10 ngày 25/7/2001;
Căn cứ Nghị định số 154/2005/NĐ-CP ngày 15/12/2005 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Hải quan về thủ tục hải quan, kiểm tra, giám sát hải quan;
Căn cứ Nghị định số 33/2005/NĐ-CP ngày 15/3/2005 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Pháp lệnh Thú y; Nghị định số 119/2008/NĐ-CP ngày 28/11/2008 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 33/2005/NĐ-CP ngày 15/3/2005 của Chính phủ;
Căn cứ Nghị định số 02/2007/NĐ-CP ngày 05/01/2007 của Chính phủ về kiểm dịch thực vật;
Căn cứ Nghị định số 118/2008/NĐ-CP ngày 27/11/2008 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Tài chính.
Bộ Tài chính hướng dẫn việc thông quan hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu thuộc diện phải kiểm dịch như sau:
Điều 1. Phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng
1. Phạm vi điều chỉnh:
Thông tư này hướng dẫn việc thông quan hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu thuộc diện phải kiểm dịch động vật, kiểm dịch thực vật, kiểm dịch thủy sản (sau đây gọi chung là kiểm dịch).
2. Đối tượng áp dụng:
Thông tư này áp dụng đối với tổ chức, cá nhân xuất khẩu, nhập khẩu hàng hoá thuộc diện phải kiểm dịch (sau đây gọi tắt là chủ hàng); các Chi cục Hải quan, công chức hải quan làm thủ tục xuất khẩu, nhập khẩu hàng hóa (bao gồm cả làm thủ tục hải quan điện tử), các tổ chức, cá nhân khác có liên quan.
Điều 2. Thông quan hàng hóa nhập khẩu phải kiểm dịch
1. Trường hợp chủ hàng nộp Giấy thông báo miễn kiểm dịch hoặc Giấy chứng nhận kiểm dịch thì Chi cục Hải quan làm thủ tục và thông quan hàng hóa, không yêu cầu nộp Giấy đăng ký kiểm dịch.
2. Trường hợp chủ hàng nộp Giấy đăng ký kiểm dịch thì Chi cục Hải quan liên quan căn cứ vào địa điểm kiểm dịch ghi tại Giấy đăng ký kiểm dịch để thực hiện thông quan hàng hóa theo một trong 2 trường hợp sau:
2.1. Trường hợp địa điểm kiểm dịch tại cửa khẩu và cảng nội địa (ICD):
a) Đối với lô hàng đăng ký tờ khai tại Chi cục Hải quan cửa khẩu hoặc Chi cục Hải quan ICD: khi chủ hàng nộp Giấy chứng nhận kiểm dịch (bản chính) thì Chi cục Hải quan cửa khẩu hoặc Chi cục Hải quan ICD thông quan hàng hóa.
b) Đối với lô hàng đăng ký tờ khai tại Chi cục Hải quan ngoài cửa khẩu: khi chủ hàng xuất trình Giấy chứng nhận kiểm dịch (bản chính) thì Chi cục Hải quan cửa khẩu làm thủ tục chuyển cửa khẩu; khi chủ hàng nộp Giấy chứng nhận kiểm dịch (bản chính) thì Chi cục Hải quan ngoài cửa khẩu thông quan hàng hóa.
Trường hợp Chi cục Hải quan cửa khẩu kiểm tra thực tế hàng hóa theo đề nghị của Chi cục Hải quan ngoài cửa khẩu, khi chủ hàng nộp Giấy chứng nhận kiểm dịch thì Chi cục Hải quan cửa khẩu thực hiện thông quan hàng hóa và chuyển hồ sơ theo quy định đối với hàng hóa nhập khẩu chuyển cửa khẩu.
2.2. Trường hợp địa điểm kiểm dịch tại khu cách ly kiểm dịch, nhà máy, xí nghiệp, kho bảo quản, địa điểm kiểm tra hải quan ngoài khu vực cửa khẩu:
a) Đối với lô hàng đăng ký tờ khai tại Chi cục Hải quan cửa khẩu:
a.1) Khi chủ hàng nộp Giấy vận chuyển hàng hóa (bản chính) do cơ quan kiểm dịch cấp thì Chi cục Hải quan cửa khẩu làm thủ tục để chủ hàng đưa hàng về địa điểm kiểm dịch theo Giấy đăng ký kiểm dịch. Tại ô Ghi chép khác trên tờ khai hải quan (bản lưu hải quan và bản lưu người khai hải quan), công chức hải quan ghi “Hàng chờ kết quả kiểm dịch; ngày, tháng, năm”, ký tên, đóng dấu công chức.
a.2) Khi chủ hàng nộp Giấy chứng nhận kiểm dịch (bản chính) thì Chi cục Hải quan cửa khẩu hoàn thành việc thông quan hàng hóa.
b) Đối với lô hàng đăng ký tờ khai tại Chi cục Hải quan ngoài cửa khẩu:
b.1) Khi chủ hàng xuất trình Giấy vận chuyển hàng hóa (hoặc giấy tờ có liên quan đến việc cho phép vận chuyển hàng hóa về địa điểm kiểm dịch) do cơ quan kiểm dịch cấp thì Chi cục Hải quan cửa khẩu giải quyết thủ tục chuyển cửa khẩu theo quy định. Chủ hàng có trách nhiệm bảo quản nguyên trạng hàng hóa để thực hiện kiểm dịch.
b.2) Khi chủ hàng nộp Giấy chứng nhận kiểm dịch thì Chi cục Hải quan ngoài cửa khẩu thông quan hàng hóa.
c) Thời hạn chủ hàng phải nộp Giấy chứng nhận kiểm dịch chậm nhất 30 ngày, kể từ ngày mang hàng về địa điểm kiểm dịch. Trường hợp chủ hàng nộp chậm hoặc không nộp Giấy chứng nhận kiểm dịch thì bị xử lý theo quy định tại khoản 3 Điều 6 Thông tư này.
Điều 3. Thông quan hàng hóa xuất khẩu phải kiểm dịch
1. Khi làm thủ tục xuất khẩu hàng hoá thuộc diện phải kiểm dịch, chủ hàng nộp 01 bản sao, xuất trình bản chính Giấy chứng nhận kiểm dịch hoặc giấy tờ chứng minh đủ điều kiện kiểm dịch xuất khẩu (gọi chung là Giấy chứng nhận kiểm dịch) do cơ quan kiểm dịch cấp cho Chi cục Hải quan nơi đăng ký tờ khai để làm thủ tục xuất khẩu.
2. Đối với hàng hóa xuất khẩu chuyển cửa khẩu đã được kiểm dịch và cấp Giấy chứng nhận kiểm dịch trong nội địa, đến cửa khẩu được đổi Giấy chứng nhận kiểm dịch xuất khẩu theo đề nghị của người mua hàng hoặc quy định của nước nhập khẩu, chủ hàng phải nộp 01 bản photo coppy, xuất trình bản chính Giấy chứng nhận kiểm dịch xuất khẩu để Chi cục Hải quan cửa khẩu làm thủ tục xuất, xác nhận vào bản sao, chuyển cho Chi cục Hải quan ngoài cửa khẩu lưu theo dõi.
Điều 4. Thông quan hàng hoá phải kiểm dịch đối với một số trường hợp khác
1. Hàng hoá tạm nhập - tái xuất:
a) Khi làm thủ tục tạm nhập: thực hiện thông quan như đối với hàng nhập khẩu theo hướng dẫn tại Điều 2 Thông tư này.
b) Khi làm thủ tục tái xuất: Chi cục Hải quan cửa khẩu xuất căn cứ vào kết quả kiểm tra và xác nhận đủ điều kiện xuất khẩu của cơ quan kiểm dịch để làm thủ tục xuất khẩu hàng hoá.
2. Hàng hoá tạm xuất - tái nhập:
a) Khi làm thủ tục tạm xuất: thực hiện thông quan như đối với hàng xuất khẩu theo hướng dẫn tại Điều 3 Thông tư này.
b) Khi làm thủ tục tái nhập: Thực hiện thông quan như đối với hàng nhập khẩu theo hướng dẫn tại Điều 2 Thông tư này.
3. Hàng hóa quá cảnh, chuyển khẩu, trung chuyển:
a) Trường hợp hàng hoá được chuyển thẳng từ nước xuất khẩu đến nước nhập khẩu, không qua cửa khẩu Việt Nam thì không phải làm thủ tục hải quan.
b) Trường hợp hàng hóa quá cảnh, chuyển khẩu, trung chuyển có qua lãnh thổ Việt Nam hoặc có qua cửa khẩu Việt Nam và đưa vào kho ngoại quan, khu vực trung chuyển hàng hóa tại cảng biển Việt Nam thì thực hiện như đối với hàng tạm nhập - tái xuất theo hướng dẫn tại khoản 1 Điều này.
4. Hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu phi mậu dịch:
Hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu phi mậu dịch (bao gồm cả hàng hoá, hành lý mang theo người khi xuất cảnh, nhập cảnh) thuộc diện phải kiểm dịch: chủ hàng phải đăng ký kiểm dịch với cơ quan kiểm dịch, Chi cục Hải quan làm thủ tục hải quan chỉ thông quan hàng hoá, hành lý khi có Giấy chứng nhận kiểm dịch.
5. Hàng hóa trao đổi của cư dân biên giới:
Hàng hóa trao đổi của cư dân biên giới thực hiện kiểm dịch theo quy định tại điểm b, mục 3, phần I, Thông tư liên tịch số 01/2008/TTLT-BCT-BTC-BGTVT-BNNPTNT-BYT-NHNN ngày 31/01/2008 của liên Bộ Công thương, Tài chính, Giao thông vận tải, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Y tế, Ngân hàng nhà nước.
Điều 5. Trách nhiệm của chủ hàng
1. Thực hiện thủ tục hải quan theo quy định hiện hành và thông quan hàng hóa theo hướng dẫn tại Thông tư này khi xuất khẩu, nhập khẩu hàng hóa thuộc diện phải kiểm dịch.
2. Có trách nhiệm bảo quản nguyên trạng hàng hóa đối với lô hàng được đưa về địa điểm kiểm dịch ngoài địa bàn quản lý hải quan để thực hiện các yêu cầu về kiểm dịch.
3. Nộp Giấy chứng nhận kiểm dịch cho cơ quan hải quan để hoàn thành thủ tục thông quan hàng hóa theo đúng thời hạn quy định.
4. Thực hiện quyết định xử lý của cơ quan có thẩm quyền đối các hành vi vi phạm pháp luật có liên quan đến thủ tục kiểm dịch và thủ tục hải quan.
Điều 6. Trách nhiệm của Chi cục Hải quan
1. Thực hiện thủ tục hải quan theo quy định hiện hành và thông quan hàng hóa xuất khẩu nhập khẩu phải kiểm dịch theo hướng dẫn tại Thông tư này.
2. Theo dõi hồ sơ các lô hàng giao cho chủ hàng mang về bảo quản chờ kết quả kiểm dịch. Trước 05 ngày, ngày hết hạn nộp giấy chứng nhận kiểm dịch, có văn bản thông báo chủ hàng đến nộp Giấy chứng nhận kiểm dịch để hoàn thành việc thông quan hàng hóa.
3. Xử lý vi phạm quy định về nộp Giấy chứng nhận kiểm dịch:
a) Trường hợp chủ hàng nộp chậm Giấy chứng nhận kiểm dịch quy định tại điểm c khoản 2.2 Điều 2 Thông tư này thì lập biên bản, xử phạt vi phạm hành chính về hành vi nộp chậm chứng từ thuộc hồ sơ hải quan theo quy định tại khoản 3 Điều 1 Nghị định 18/2009/NĐ-CP ngày 18/02/2009 của Chính phủ, trừ trường hợp nộp chậm do phải kéo dài thời gian kiểm dịch, được cơ quan kiểm dịch thông báo bằng văn bản cho cơ quan hải quan làm thủ tục.
b) Trường hợp sau khi đã thông báo nhưng chủ hàng không nộp Giấy chứng nhận kiểm dịch theo quy định thì lập hồ sơ vi phạm (gồm: văn bản đề nghị điều tra lô hàng, văn bản thông báo chủ hàng nộp Giấy chứng nhận kiểm dịch, hồ sơ hải quan của lô hàng), chuyển cho lực lượng điều tra chống buôn lậu trực thuộc Cục Hải quan tỉnh, thành phố để điều tra, xử lý theo quy định của pháp luật.
c) Thông báo cho cơ quan kiểm dịch những chủ hàng vi phạm, bị xử lý theo quy định tại điểm a, hoặc điểm b khoản này để cơ quan kiểm dịch áp dụng biện pháp kiểm dịch hàng hóa tại cửa khẩu đối với những lần nhập khẩu sau của chủ hàng vi phạm. Việc thông báo được thực hiện chậm nhất trong 2 ngày làm việc kể từ ngày xử lý vụ việc.
4. Xử lý đối với hàng hóa không đáp ứng yêu cầu kiểm dịch:
a) Hàng hóa được phép tái chế: căn cứ quyết định của cơ quan có thẩm quyền cho chủ hàng mang hàng về tái chế, trên tờ khai ghi “hàng hoá được tái chế theo Quyết định số … ngày …”; trường hợp lô hàng được bảo quản tại khu cách ly hoặc kho bảo quản thì chủ hàng thực hiện tái chế theo quyết định của cơ quan có thẩm quyền. Khi chủ hàng nộp bản chính Giấy chứng nhận kiểm dịch hoặc văn bản xác nhận của cơ quan có thẩm quyền lô hàng đáp ứng yêu cầu nhập khẩu thì hoàn thành việc thông quan hàng hóa.
b) Hàng hóa buộc tiêu huỷ: căn cứ quyết định của cơ quan có thẩm quyền, xác nhận “Hàng hoá bị tiêu huỷ theo Quyết định số … ngày …, biên bản tiêu huỷ hàng hoá ngày …” lên tờ khai hàng hoá nhập khẩu để hoàn thành thủ tục hải quan lô hàng.
c) Hàng hóa buộc tái xuất: căn cứ quyết định của cơ quan có thẩm quyền, làm thủ tục tái xuất hàng hóa theo quy định đối với hàng hoá đã nhập khẩu nhưng phải xuất trả lại. Không giải quyết tái xuất hàng hóa vào khu phi thuế quan của Việt Nam. Hồ sơ hải quan, không yêu cầu phải có văn bản chấp thuận nhận lại hàng của chủ hàng nước ngoài. Khi làm xong thủ tục tái xuất, ghi số, ngày của quyết định buộc tái xuất lên tờ khai nhập khẩu và tờ khai xuất khẩu để thanh khoản tờ khai lô hàng.
5. Phối hợp với cơ quan chức năng trong việc cung cấp thông tin, hồ sơ hải quan; tham gia hội đồng tư vấn, xử lý và những việc liên quan khác khi có yêu cầu.
6. Hướng dẫn chủ hàng đăng ký kiểm dịch đối với trường hợp chủ hàng không xác định được hàng hóa thuộc diện phải kiểm dịch khi khai báo hải quan.
7. Phối hợp với cơ quan kiểm dịch cùng kiểm tra hàng hóa đối với lô hàng vừa phải kiểm tra hải quan vừa phải kiểm dịch, nhằm hạn chế việc chủ hàng phải xuất trình hàng hóa nhiều lần cho cơ quan chức năng.
Điều 7. Hiệu lực thi hành
1. Thông tư này có hiệu lực kể từ ngày 15/02/2012 và thay thế các nội dung hướng dẫn về thủ tục thông quan hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu phải kiểm dịch nêu tại Thông tư liên tịch số 17/2003/TTLT/BTC-BNN-BTS ngày 14/3/2003 của Bộ Tài chính, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Thủy sản (nay sát nhập với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn).
2. Trong quá trình thực hiện, nếu gặp vướng mắc phát sinh đề nghị các tổ chức, cá nhân phản ảnh về Bộ Tài chính (Tổng cục Hải quan) để xem xét giải quyết ./.