Sign In

 

 

 

 

CHỈ THỊ

CỦA CHỦ TỊCH HỘI ĐỒNG BỘ TRƯỞNG SỐ 191-CT NGÀY 6-8-1986

VỀ VIỆC GIẢI QUYẾT MỘT SỐ VẤN ĐỀ VỀ HÀNG NHẬP KHẨU

PHI MẬU DỊCH CỦA NHỮNG NGƯỜI VIỆT NAM

ĐI CÔNG TÁC, LAO ĐỘNG, HỌC TẬP Ở NƯỚC NGOÀI MANG VỀ HAY GỬI VỀ NƯỚC.

Xét kiến nghị của các Bộ, Tổng cục, Uỷ ban Nhân dân các thành phố về một số vấn đề xung quanh hàng nhập khẩu phi mậu dịch của những người Việt Nam đi công tác, học tập, lao động ở nước ngoài mang về hay gửi về nước cho gia đình. Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng chỉ thị thêm một số điểm dưới đây để thi hành đúng nội dung Chỉ thị số 202-HĐBT ngày 10-7-1985 của Hội đồng Bộ trưởng và Chỉ thị số 89-CT ngày 7-4-1986 của Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng:

1. Việc tổ chức mua lại hàng hoá của những người đi công tác, học tập, lao động ở nước ngoài mang về hay gửi về nước, Chỉ thị số 202- HĐBT của hội đồng Bộ trưởng đã xác định: "Các tổ chức thu mua quốc doanh thuộc các ngành Nội thương, Y tế, Vật tư nhất là những nơi có sân bay, hải cảng có đông người đi công tác, lao động, học tập ở nước ngoài, phải tổ chức mạng lưới và có phương thức thu mua thuận tiện ngay tại cửa khẩu và ở những địa điểm khác trong thành phố, thị xã để mua hết nguồn hàng này, không để lọt vào tay tư thương".

Hiện nay, số hàng hoá của các đối tượng này chưa nhiều, để sắp xếp lại trật tự trong việc tổ chức thu mua tại các của khẩu, sân bay, hải cảng, tại các điểm trả hàng, trước mắt giao cho Uỷ ban Nhân dân tỉnh, thành phố sở tại chỉ đạo các tổ chức thương nghiệp quốc doanh (nội thương, y tế, vật tư) trực thuộc Uỷ ban Nhân dân địa phương tổ chức thu mua theo sự hướng dẫn của các Bộ chủ quản về phương thức thu mua và giá cả.

Giá mua các loại hàng hoá phải được niêm yết công khai tại các điểm thu mua theo đúng quy định tại Chỉ thị số 202 -HĐBT của Hội đồng Bộ trưởng và Chỉ thị số 89 -CT của chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng. Các tổ chức thu mua không được ép cấp, ép giá, đối với các loại hàng hoá này, phải có ý thức tranh thủ khai thác các nguồn hàng này về nước ngày càng nhiều (trừ các loại hàng cấm và các loại hàng Nhà nước không khuyến khích nhập khẩu); phải có tổ chức và phương thức thu mua thuận tiện để thương nghiệp quốc doanh nắm được tuyệt đại bộ phận nguồn hàng hoá này.

Các loại hàng hoá thu mua được ở các cửa khẩu phải ghi chép sổ sách cập nhật, có chứng từ hoá đơn, phải được nhập kho và bổ sung vào quỹ hàng hoá của địa phương; việc bán ra phải thực hiện theo phương thức chỉ đạo do Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố quy định thích hợp với từng loại hàng hoá.

Nghiêm cấm các tổ chức thu mua hàng hoá nhập khẩu phi mậu dịch của các đối tượng nói trên đem bán lại tại chỗ để thu chênh lệch giá, nhất là các loại hàng hoá Nhà nước không khuyến khích nhập khẩu mà chủ hàng mang về hay gửi về vượt định mức quy định, buộc phải bán cho thương nghiệp quốc doanh; hoặc đem phân phối các loại hàng hoá mua được cho nội bộ các công ty, cửa hàng bất cứ theo giá nào.

Hải quan cửa khẩu, sân bay, hải cảng có trách nhiệm giám sát chặt chẽ việc thu mua tại chỗ các loại hàng hoá nhập khẩu phi mậu dịch theo đúng chủ chương, chính sách của Hội đồng Bộ trưởng.

2. Theo chính sách hiện hành, các loại hàng hoá nhập khẩu phi mậu dịch của những người đi công tác, lao động, học tập ở nước ngoài mang về hay gửi về nước cho gia đình đều được miễn thuế nhập khẩu phi mậu dịch. Các loại hàng cấm thì phải tịch thu và xử lý theo luật pháp hiện hành.

Riêng đối với các loại hàng hoá không khuyến khích nhập khẩu, nếu chủ hàng mang về hay gửi về vượt định mức quy định thì chủ hàng phải bán lại cho thương nghiệp quốc doanh phần vượt mức đó theo mức giá đã quy định tại Chỉ thị số 89 - CT ngày 7 -4 -1986 của chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng, mà không thu thuế dưới bất cứ hình thức nào.

Hiện nay, chính sách thuế xuất nhập khẩu mậu dịch và phi mậu dịch đang được soạn thảo để trình Hội đồng Bộ trưởng. Nếu các bộ, tổng cục, Uỷ ban nhân dân xét thấy có kiến nghị mới thì yêu cầu trao đổi nhất trí với Bộ Tài chính và Tổng cục hải quan để trình Hội đồng Bộ trưởng xem xét, quyết định sau.

3. Xe gắn máy cũng như các loại hàng hoá khác thuộc danh mục những hàng hoá Nhà nước không khuyến khích nhập khẩu phi mậu dịch mà những người Việt Nam đi công tác, học tập, lao động ở nước ngoài mang về hay gửi về nước trong phạm vi định mức và thời hạn quy định, Chỉ thị số 89 -CT ngày 7 -4 -1986 của Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng đã quy định: "đối với những loại hàng hoá quy định tại điểm 1 và điểm 2 trên đây, những người đi công tác lao động, học tập ở nước ngoài có thể trực tiếp mang về nước hoặc ký gửi về nước bằng đường biển, đường hàng không, đường bưu điện để dùng hoặc làm quà biếu cho gia đình.

Đối với những loại hàng quy định tại điểm 3 trên đây thì những người có hàng trực tiếp mang về nước khi nhập cảnh, không được ký gửi bằng các con đường nói trên".

Riêng đối với xe gắn máy là loại hành mà người chủ sở hữu phải đăng ký lưu hành với cơ quan Công an giao thông, nếu trong thời gian người chủ hàng đang ở nước ngoài gửi xe máy về nước mà chỉ ghi địa chỉ người nhận hộ ở trong nước, không có giấy tờ gì chứng minh là quà biếu và xác định rõ người được hưởng quà biếu thì thực hiện phương thức quản lý theo công văn số 434 - TCHQ/PC ngày 12-4-1986 của tổng cục hải quan.

Trong thời gian đang ở nước ngoài mà chủ hàng gửi xe gắn máy về nước làm quà biếu cho thân nhân ở trong nước, nếu chủ hàng đã có giấy tờ nói rõ là quà biếu, cùng với họ, tên, địa chỉ người được hưởng quà biếu đó thì người được nhận quà biếu được hải quan cấp giấy chứng nhận hoàn thành thủ tục hải quan và cơ quan công an cấp giấy đăng ký lưu hành xe một cách hợp pháp.

Yêu cầu Tổng cục Hải quan hướng dẫn thêm điều quy định nói trên về việc dùng xe gắn máy làm quà biếu cho thân nhân trong nước khi chủ hàng đang ở nước ngoài, đồng thời có phương thức quản lý thích hợp đối với các loại xe gắn máy dùng làm quà biếu.

Yêu cầu các Bộ, Tổng cục, Uỷ ban Nhân dân các tỉnh, thành phố có sân bay, hải cảng, cửa khẩu chỉ đạo các cơ quan, đơn vị trực thuộc thi hành đúng Chỉ thị này.

 

Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng

Chủ tịch hội đồng bộ trưởng

(Đã ký)

 

Võ Chí Công