Sign In

THÔNG TƯ

Hướng dẫn một số điều của Nghị định số 28/2012/NĐ-CP

ngày 10 tháng 4 năm 2012 của Chính phủ quy định chi tiết

và hướng dẫn thi hành một số điều của luật người khuyết tật

Căn cứ Luật người khuyết tật ngày 17 tháng 6 năm 2010;

Căn cứ Nghị định số 28/2012/NĐ-CP ngày 10 tháng 4 năm 2012 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật người khuyết tật (sau đây viết tắt là Nghị định số 28/2012/NĐ-CP);

Xét đề nghị của Cục trưởng Cục Bảo trợ xã hội;

Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội ban hành Thông tư hướng dẫn một số điều của Nghị định số 28/2012/NĐ-CP ngày 10 tháng 4 năm 2012 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật người khuyết tật như sau:

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

Thông tư này quy định về xác định tỷ lệ lao động là người khuyết tật; hồ sơ, thủ tục và trình tự để công nhận cơ sở sản xuất, kinh doanh sử dụng từ 30% tổng số lao động trở lên là người khuyết tật được hưởng ưu đãi; xác định mức trợ cấp xã hội, chăm sóc hàng tháng; mức hỗ trợ người khuyết tật sống trong cơ sở bảo trợ xã hội; Hội đồng xét duyệt trợ cấp xã hội cấp xã; điều kiện, thẩm quyền đưa người khuyết tật đang nuôi dưỡng và chăm sóc trong cơ sở bảo trợ xã hội về sống tại gia đình.

Điều 2. Xác định tỷ lệ lao động là người khuyết tật

1. Tỷ lệ % lao động là người khuyết tật được sử dụng tại cơ sở sản xuất, kinh doanh (sau đây được gọi tắt là CS SXKD) được tính bằng tổng số lao động là người khuyết tật bình quân trong năm chia cho tổng số lao động bình quân trong năm của cơ sở sản xuất, kinh doanh nhân với 100.

Tỷ lệ % lao động là người khuyết tật được sử dụng tại CS SXKD:

Ví dụ: Doanh nghiệp A có số lao động trên danh sách trả lương, trả công tháng 1 năm 2011 là 200 lao động (trong đó có 61 người khuyết tật); tháng 4 năm 2011 tuyển thêm 12 lao động (trong đó có 03 người khuyết tật); tháng 10 có 3 lao động nghỉ việc (trong đó có 01 người khuyết tật); tháng 12 có 3 lao động nghỉ việc.

Số lao động bình quân trong năm 2011 được xác định bằng:

= 200 lao động + 8 lao động = 208 lao động.

Số lao động là người khuyết tật bình quân trong năm 2011 được xác định bằng:

Như vậy, tỷ lệ % lao động là người khuyết tật được sử dụng tại doanh nghiệp A được tính bằng: (63 lao động : 208 lao động) x 100 = 30,28%.

2. Cơ sở sản xuất, kinh doanh sử dụng từ 30% tổng số lao động trở lên là người khuyết tật được hưởng một số chính sách ưu đãi của Nhà nước theo quy định tại Khoản 1 Điều 9 Nghị định số 28/2012/NĐ-CP.

Điều 3. Hồ sơ, thủ tục và trình tự công nhận cơ sở sản xuất, kinh doanh sử dụng từ 30% tổng số lao động trở lên là người khuyết tật được hưởng ưu đãi

1. Hồ sơ đề nghị công nhận bao gồm:

a) Văn bản đề nghị của cơ sở sản xuất, kinh doanh;

b) Bản sao Quyết định thành lập hoặc bản sao giấy phép hoạt động của cơ sở;

c) Danh sách lao động là người khuyết tật và bản sao Giấy xác nhận khuyết tật của những người khuyết tật có trong danh sách;

d) Bản sao hợp đồng lao động hoặc quyết định tuyển dụng của những người khuyết tật đang làm việc.

2. Thủ tục và trình tự công nhận:

a) Cơ sở sản xuất, kinh doanh sử dụng từ 30% tổng số lao động trở lên là người khuyết tật lập 01 bộ hồ sơ theo quy định tại khoản 1 Điều này, gửi (trực tiếp hoặc qua đường bưu điện) đến Sở Lao động - Thương binh và Xã hội.

b) Trong thời hạn 15 ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ theo quy định, Sở Lao động -Thương binh và Xã hội có trách nhiệm thẩm định và quyết định công nhận cơ sở sản xuất, kinh doanh sử dụng từ 30% tổng số lao động trở lên là người khuyết tật hoặc có văn bản thông báo lý do không đủ điều kiện để công nhận cơ sở sản xuất, kinh doanh sử dụng từ 30% tổng số lao động trở lên là người khuyết tật.

3. Gia hạn Quyết định công nhận:

a) Quyết định công nhận cơ sở sản xuất, kinh doanh sử dụng từ 30% tổng số lao động trở lên là người khuyết tật có thời hạn là 24 (hai mươi bốn) tháng.

b) Trong thời gian 01 (một) tháng trước khi hết thời hạn của Quyết định công nhận, Cơ sở sản xuất, kinh doanh gửi (trực tiếp hoặc qua đường bưu điện) 01 bộ hồ sơ đến Sở Lao động - Thương binh và Xã hội để đề nghị gia hạn Quyết định công nhận. Hồ sơ gồm:

- Quyết định công nhận đã được cấp (bản copy);

- Công văn đề nghị gia hạn, trong đó nêu rõ tổng số lao động hiện có của Cơ sở, số lượng lao động là người khuyết tật; kèm theo Danh sách lao động là người khuyết tật, có ghi chú rõ về những trường hợp là người khuyết tật mới vào làm việc tại Cơ sở kể từ sau khi Cơ sở được cấp Quyết định công nhận (nếu có);

- Bản sao Giấy xác nhận khuyết tật và Bản sao hợp đồng lao động hoặc quyết định tuyển dụng của những người khuyết tật mới vào làm việc tại Cơ sở kể từ sau khi Cơ sở được cấp Quyết định công nhận (nếu có).

c) Trong thời hạn 10 ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ theo quy định, Sở Lao động -Thương binh và Xã hội có trách nhiệm thẩm định và quyết định gia hạn cho Cơ sở, thời gian gia hạn là 24 (hai mươi bốn) tháng; hoặc có văn bản thông báo lý do không đủ điều kiện để gia hạn.

Điều 4. Xác định trợ cấp xã hội hàng tháng cho người khuyết tật sống tại gia đình, mức hỗ trợ kinh phí chăm sóc hàng tháng

1. Đối với tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Bộ, ngành, đoàn thể ở Trung ương áp dụng mức chuẩn trợ cấp xã hội hàng tháng đối với người khuyết tật theo quy định hiện hành.

Ví dụ 1: Ông Nguyễn Văn A, 25 tuổi bị khuyết tật đặc biệt nặng, cư trú tại tỉnh B có mức chuẩn trợ cấp xã hội hàng tháng là 180.000 đồng. Hệ số để tính trợ cấp xã hội hàng tháng của ông A là 2,0 (hệ số đối với người khuyết tật đặc biệt nặng). Mức trợ cấp hàng tháng của ông A là:

180.000 đồng x 2,0 = 360.000 đồng

Ví dụ 2: Ông Nguyễn Văn B, 81 tuổi bị khuyết tật đặc biệt nặng, cư trú tại tỉnh C có mức chuẩn trợ cấp xã hội hàng tháng là 180.000 đồng. Hệ số để tính trợ cấp xã hội hàng tháng của ông B là 2,5 (hệ số đối với người khuyết tật đặc biệt nặng là người cao tuổi). Mức trợ cấp hàng tháng của ông B là:

180.000 đồng x 2,5 = 450.000 đồng

Ví dụ 3: Cháu Nguyễn Văn D, 4 tuổi bị khuyết tật đặc biệt nặng cư trú tại tỉnh C có mức chuẩn trợ cấp xã hội hàng tháng là 180.000 đồng. Hệ số để tính trợ cấp xã hội hàng tháng của cháu D là 2,5 (hệ số đối với người khuyết tật đặc biệt nặng là trẻ em). Mức trợ cấp hàng tháng của cháu D là:

180.000 đồng x 2,5 = 450.000 đồng

Ví dụ 4: Ông Nguyễn B, 35 tuổi bị khuyết tật nặng, cư trú tại tỉnh H có mức chuẩn trợ cấp xã hội hàng tháng là 180.000 đồng. Hệ số để tính trợ cấp xã hội hàng tháng của ông B là 1,5 (hệ số đối với người khuyết tật nặng). Mức trợ cấp hàng tháng của ông B là: 180.000 đồng x 1,5 = 270.000 đồng

Ví dụ 5: Ông Nguyễn Văn Y, 80 tuổi bị khuyết tật nặng, cư trú tại tỉnh Y có mức chuẩn trợ cấp xã hội hàng tháng là 180.000 đồng. Hệ số để tính trợ cấp xã hội hàng tháng của ông Y là 2,0 (hệ số đối với người khuyết tật nặng là người cao tuổi). Mức trợ cấp hàng tháng của ông Y là:

180.000 đồng x 2,0 = 360.000 đồng

Ví dụ 6: Cháu Nguyễn Văn Đ, 5 tuổi bị khuyết tật nặng cư trú tại tỉnh C có mức chuẩn trợ cấp xã hội hàng tháng là 180.000 đồng. Hệ số để tính trợ cấp xã hội hàng tháng của cháu Đ là 2,0 (đối với người khuyết tật nặng là người cao tuổi, người khuyết tật nặng là trẻ em). Mức trợ cấp hàng tháng của cháu Đ là: 180.000 đồng x 2,0 = 360.000 đồng.

2. Đối với các địa phương áp dụng mức chuẩn do Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương quy định mức trợ cấp xã hội hàng tháng được xác định như sau:

Mức trợ cấp xã hội hàng tháng

=

Mức chuẩn của tỉnh, thành phố TW

x

Hệ số tương ứng quy định tại Nghị định số 28/2012/NĐ-CP

 

Ví dụ 1: Mức chuẩn trợ cấp xã hội hàng tháng của tỉnh Y là 200.000 đồng/người/tháng. Ông Trần Văn Ân, 66 tuổi, bị khuyết tật đặc biệt nặng, cư trú tại tỉnh Y. Ông Trần Văn Ân được hưởng hệ số trợ cấp xã hội cao nhất là 2,5 (hệ số đối với người khuyết tật đặc biệt nặng là người cao tuổi). Mức trợ cấp hàng tháng của ông Trần Văn Ân là: 200.000 đồng x 2,5 = 500.000 đồng.

Ví dụ 2: Bà Nguyễn Thanh An, 20 tuổi, bản thân bà An là người đáp ứng điều kiện quy định tại Điều 19 Nghị định 28/2012/NĐ-CP; nhận nuôi dưỡng, chăm sóc một người khuyết tật đặc biệt nặng cư trú tại tỉnh C có mức chuẩn trợ cấp xã hội hàng tháng là 200.000 đồng. Bà An được hưởng trợ cấp cho người nhận nuôi dưỡng, chăm sóc người khuyết tật đặc biệt nặng hệ số 1,5. Mức trợ cấp hàng tháng của bà An là:

200.000 đồng x 1,5 = 300.000 đồng

3. Mức hỗ trợ kinh phí chăm sóc hàng tháng đối với người khuyết tật đặc biệt nặng, người khuyết tật nặng đang mang thai hoặc nuôi con dưới 36 tháng tuổi:

Ví dụ 1: Bà Nguyễn Thị A, 22 tuổi bị khuyết tật đặc biệt nặng đang mang thai, cư trú tại tỉnh B có mức chuẩn trợ cấp xã hội hàng tháng là 180.000 đồng; cách tính như sau:

- Trợ cấp đối với người khuyết tật đặc biệt nặng

180.000 đồng x 2,0 = 360.000 đồng

- Trợ cấp đối với khuyết tật đặc biệt nặng đang mang thai hoặc nuôi 01 con dưới 36 tháng tuổi: 180.000 đồng x 1,5 = 270.000 đồng

Tống các khoản trợ cấp bà A được hưởng hàng tháng như sau:

360.000 đ + 270.000 đ = 630.000 đồng

Ví dụ 2: Bà Nguyễn Thị B, 30 tuổi, bản thân bà B là người khuyết tật nặng đang mang thai và nuôi con dưới 36 tháng tuổi, cư trú tại tỉnh C có mức chuẩn trợ cấp xã hội hàng tháng là 180.000 đồng. Bà B được hưởng 2 chế độ như sau:

- Trợ cấp đối với người khuyết tật nặng:

180.000 đồng x 1,5 = 270.000 đồng

- Trợ cấp đối với người khuyết tật đặc biệt nặng đang mang thai và nuôi con dưới 36 tháng tuổi:

180.000 đồng x 2,0 = 360.000 đồng

Tổng các khoản trợ cấp chị B được hưởng hàng tháng như sau:

270.000 đồng + 360.000 đồng = 630.000 đồng

Điều 5. Hỗ trợ mua sắm tư trang, vật dụng phục vụ cho sinh hoạt thường ngày đối với người khuyết tật đặc biệt nặng sống trong cơ sở bảo trợ xã hội

1. Người khuyết tật đặc biệt nặng sống trong cơ sở bảo trợ xã hội được cấp:

a) Chăn, màn sử dụng định kỳ 5 năm/lần;

b) Hàng năm, mỗi người được cấp hai chiếc chiếu, hai bộ quần mùa hè, một bộ quần áo mùa đông, hai bộ quần áo lót, hai khăn mặt, hai đôi dép nhựa, hai bàn chải đánh răng. Hàng quý, mỗi người được cấp một tuýp thuốc đánh răng và một kg (kilôgam) xà phòng.

c) Băng vệ sinh phụ nữ: 2 gói/người/tháng.

d) Thuốc chữa bệnh thông thường khi bị ốm.

e) Dụng cụ, phương tiện hỗ trợ phục hồi chức năng: Tuỳ thuộc dạng khuyết tật, mức độ khuyết tật, người khuyết tật được cấp:

- Nạng, nẹp: 1 năm/1 lần;

- Chân, tay giả: 3 năm/lần;

- Xe lăn, xe lắc: cấp một lần.

2. Căn cứ vào định mức hiện vật hỗ trợ tư trang, vật dụng phục vụ thường ngày, chi phí sửa chữa dụng cụ, phương tiện hỗ trợ phục hồi chức năng, cơ sở bảo trợ xã hội lập dự toán hàng năm trên cơ sở giá cả thực tế trình cấp có thẩm quyền phê duyệt.

Điều 6. Hội đồng xét duyệt trợ cấp xã hội cấp xã

1. Hội đồng xét duyệt trợ cấp xã hội do Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành lập. Thành phần Hội đồng bao gồm:

a) Chủ tịch (hoặc Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân) là Chủ tịch Hội đồng;

b) Công chức phụ trách công tác Lao động - Thương binh và Xã hội;

c) Trạm trưởng trạm y tế;

d) Người đứng đầu hoặc cấp phó của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, tổ chức của người khuyết tật (nếu có).

2. Hoạt động của Hội đồng xét duyệt trợ cấp xã hội cấp xã:

a) Khi có đơn đề nghị hưởng trợ cấp xã hội hoặc điều chỉnh mức hưởng trợ cấp xã hội của người khuyết tật hoặc người đại diện hợp pháp của người khuyết tật, Chủ tịch Hội đồng triệu tập các thành viên họp để tiến hành các quy trình, thủ tục xét duyệt trợ cấp xã hội đối với đối tượng;

b) Cuộc họp của Hội đồng do Chủ tịch Hội đồng chủ trì và chỉ có giá trị khi có ít nhất hai phần ba số thành viên của Hội đồng tham dự. Trong trường hợp Chủ tịch Hội đồng không tham dự được phải có trách nhiệm ủy quyền người thay thế;

c) Kết luận của Hội đồng được thông qua bằng cách biểu quyết theo đa số, trường hợp số phiếu ngang nhau thì quyết định theo ý kiến của Chủ tịch Hội đồng, ý kiến thiểu số được bảo lưu trong Biên bản họp của Hội đồng. Kết luận của Hội đồng được thể hiện bằng văn bản do Chủ tịch Hội đồng ký;

d) Thời gian hoạt động của Hội đồng theo nhiệm kỳ của Ủy ban nhân dân cấp xã;

đ) Hội đồng xét duyệt trợ cấp xã hội cấp xã được sử dụng con dấu của Ủy ban nhân dân cấp xã.

Điều 7. Điều kiện, thẩm quyền đưa người khuyết tật đặc biệt nặng đang nuôi dưỡng và chăm sóc trong cơ sở bảo trợ xã hội về sống tại gia đình

1. Người khuyết tật đặc biệt nặng đang sống trong cơ sở bảo trợ xã hội được đưa về sống tại gia đình khi thỏa mãn các điều kiện sau đây:

a) Người khuyết tật tự nguyện đề nghị được sống ở cộng đồng;

b) Có người nhận nuôi dưỡng, chăm sóc thỏa mãn điều kiện quy định tại Điều 19 Nghị định số 28/2012/NĐ-CP;

2. Thẩm quyền quyết định đưa người khuyết tật ra khỏi cơ sở bảo trợ xã hội thực hiện theo quy định tại Điều 24 Nghị định số 68/2008/NĐ-CP ngày 30 tháng 5 năm 2008 của Chính phủ về quy định điều kiện, thủ tục thành lập, tổ chức, hoạt động và giải thể cơ sở bảo trợ xã hội.

Điều 8. Tổ chức thực hiện

1. Ủy ban nhân dân cấp xã, Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội và Sở Lao động - Thương binh và Xã hội có trách nhiệm quản lý theo dõi thực hiện chế độ, báo cáo đối tượng người khuyết tật theo quy định hiện hành đối với đối tượng bảo trợ xã hội.

2. Ban hành kèm theo Thông tư này các mẫu sau:

a) Tờ khai thông tin của người khuyết tật (mẫu số 01);

b) Tờ khai thông tin của hộ gia đình có người khuyết tật (mẫu số 02);

c) Tờ khai thông tin người nhận nuôi dưỡng, chăm sóc người khuyết tật (mẫu số 03);

d) Đơn nhận nuôi dưỡng chăm sóc người khuyết tật (mẫu số 04);

đ) Quyết định công nhận cơ sở sản xuất, kinh doanh sử dụng từ 30% tổng số lao động trở lên là người khuyết tật (mẫu số 05).

Điều 9. Hiệu lực thi hành

1. Thông tư này có hiệu lực thi hành từ ngày 26 tháng 12 năm 2012

2. Những quy định có liên quan đến người khuyết tật và người tâm thần tại Thông tư số 24/2010/TTLT-BLĐTBXH-BTC ngày 18 tháng 8 năm 2010 về hướng dẫn thi hành một số điều của Nghị định số 67/2007/NĐ-CP ngày 13 tháng 4 năm 2007 của Chính phủ về chính sách trợ giúp các đối tượng bảo trợ xã hội và Nghị định số 13/2010/NĐ-CP ngày 27 tháng 02 năm 2010 của Chính phủ về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 67/2007/NĐ-CP của Chính phủ về chính sách trợ giúp các đối tượng bảo trợ xã hội hết hiệu lực khi Thông tư này có hiệu lực.

3. Trong quá trình thực hiện nếu có vướng mắc, đề nghị các đơn vị, địa phương phản ánh kịp thời về Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội để xem xét, hướng dẫn./.