NGHỊ QUYẾT
Về cơ chế, chính sách khuyến khích phát triển
kinh tế trang trại trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang
_________
HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN TỈNH TUYÊN QUANG
KHÓA XVII, KỲ HỌP THỨ 8
Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Uỷ ban nhân dân ngày 26 tháng 11 năm 2003;
Căn cứ Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng nhân dân, Uỷ ban nhân dân ngày 03 tháng 12 năm 2004;
Căn cứ Luật Ngân sách Nhà nước ngày 16 tháng 12 năm 2002;
Căn cứ Luật Đất đai ngày 29 tháng 11 năm 2013;
Căn cứ Nghị quyết số 03/2000/NQ-CP ngày 02 tháng 02 năm 2000 của Chính phủ về kinh tế trang trại;
Căn cứ Nghị định số 41/2010/NĐ-CP ngày 12 tháng 4 năm 2010 của Chính phủ về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn;
Căn cứ Thông tư số 27/2011/TT-BNNPTNT ngày 13 tháng 4 năm 2011 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về việc quy định về tiêu chí và thủ tục cấp Giấy chứng nhận kinh tế trang trại;
Xét đề nghị của Uỷ ban nhân dân tỉnh tại Tờ trình số 37/TTr-UBND ngày 10 tháng 7 năm 2014 về cơ chế, chính sách khuyến khích phát triển kinh tế trang trại trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang; Báo cáo thẩm tra số 58/BC-HĐND ngày 18 tháng 7 năm 2014 của Ban Kinh tế và Ngân sách Hội đồng nhân dân tỉnh và ý kiến của đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh,
QUYẾT NGHỊ:
Điều 1. Thông qua cơ chế, chính sách khuyến khích phát triển kinh tế trang trại trên địa bàn tỉnh như sau:
1. Phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng
Áp dụng cho các hộ gia đình, cá nhân, tổ chức sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh được cơ quan có thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận kinh tế trang trại theo quy định hiện hành (sau đây gọi chung là chủ trang trại).
2. Chính sách cụ thể
2.1. Chính sách về khuyến nông; khoa học kỹ thuật
a) Hàng năm, chủ trang trại được ưu tiên tham gia các chương trình đào tạo, tập huấn về kỹ năng sản xuất, tổ chức, quản lý sản xuất kinh doanh do các cơ quan chức năng của tỉnh tổ chức; kinh phí do ngân sách Nhà nước đảm bảo.
b) Các trang trại được ưu tiên thực hiện các đề tài ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật và các mô hình trình diễn phù hợp với điều kiện thực tế sản xuất, kinh doanh của trang trại.
2.2. Chính sách về tín dụng
Chủ trang trại được nhà nước hỗ trợ lãi suất 01 lần (50% lãi suất tiền vay) với mức vay tối đa 500 triệu đồng/trang trại để đầu tư vào sản xuất, kinh doanh.
(Chi tiết hỗ trợ tại Phụ lục 1 kèm theo)
2.3. Chính sách về lao động, đào tạo
a) Chủ trang trại được hỗ trợ kinh phí tham gia các chương trình đào tạo nghề tại địa phương.
b) Đối với lao động làm việc tại các trang trại chưa được đào tạo nghề phù hợp với việc làm được hỗ trợ kinh phí tham gia đào tạo, tập huấn theo các quy định hiện hành của Nhà nước.
2.4. Chính sách về thị trường
a) Hỗ trợ kinh phí xây dựng nhãn hiệu, đăng ký chất lượng sản phẩm.
b) Hỗ trợ tham gia hội chợ triển lãm, giới thiệu sản phẩm.
c) Hỗ trợ kinh phí tổ chức đánh giá và cấp chứng nhận sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP.
(Chi tiết hỗ trợ tại Phụ lục 2 kèm theo)
3. Ngoài những chính sách được thực hiện theo Nghị quyết này, chủ trang trại còn được hưởng các chính sách khác theo quy định hiện hành của Nhà nước.
Điều 2. Nghị quyết này thay thế Nghị quyết số 99/2006/NQ-HĐND ngày 08/12/2006 của Hội đồng nhân dân tỉnh khóa XVI, kỳ họp thứ 7, nhiệm kỳ 2004-2011 về cơ chế, chính sách khuyến khích phát triển kinh tế trang trại trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang.
Điều 3. Giao Ủy ban nhân nhân tỉnh tổ chức thực hiện Nghị quyết này theo đúng quy định của pháp luật.
Giao Thường trực Hội đồng nhân dân, các Ban Hội đồng nhân dân và đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh giám sát việc thực hiện Nghị quyết này.
Nghị quyết này có hiệu lực thi hành sau 10 ngày, kể từ ngày Hội đồng nhân dân tỉnh Tuyên Quang khoá XVII, kỳ họp thứ 8 thông qua ngày 22 tháng 7 năm 2014./.