Sign In

NGHỊ ĐỊNH

CỦA HỘI ĐỒNG BỘ TRƯỞNG SỐ 186/HĐBT NGÀY 9 - 11 - 1982 VỀ VIỆC BAN HÀNH ĐIỀU LỆ PHÁT HÀNH BÁO CHÍ

HỘI ĐỒNG BỘ TRƯỞNG

Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng bộ trưởng ngày 4 - 7 - 1981;

Căn cứ nghị định số 35-CP ngày 9-2-1981 quy định nhiệm vụ, quyền hạn của Bộ trưởng và chức năng của Bộ trong một số lĩnh vực quản lý Nhà nước;

Theo đề nghị của Tổng cục trưởng Tổng cục Bưu điện.

NGHỊ ĐỊNH

Điều 1.- Nay ban hành kèm theo nghị định này Điều lệ phát hành báo chí.

Điều 2.- Tổng cục trưởng Tổng cục Bưu điện có trách nhiệm hướng dẫn thi hành Điều lệ này.

Điều 3.- Nghị định này có hiệu lực kể từ ngày ban hành. Bãi bỏ những quy định trước đây trái với nghị định này.

Điều 4.- Bộ trưởng Tổng thư ký Hội đồng bộ trưởng, bộ trưởng các Bộ, chủ nhiệm các Uỷ ban Nhà nước, thủ trưởng các cơ quan khác thuộc Hội đồng bộ trưởng, chủ tịch Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố, đặc khu trực thuộc trung ương chịu trách nhiệm thi hành nghị định này.

 

ĐIỀU LỆ

PHÁT HÀNH BÁO CHÍ

(ban hành theo nghị định số 186-HĐBT ngày 9-11-1982
của Hội đồng Bộ trưởng).

 

Báo chí là công cụ tuyên truyền, giáo dục của Đảng và Nhà nước, là nhu cầu trong sinh hoạt tinh thần của nhân dân. Công tác phát hành báo chí là một công tác cách mạng, công tác vận động chính trị, có vị trí quan trọng trên mặt tư tưởng và văn hoá, góp phần phổ biến đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước, những tư tưởng tiến bộ, những kiến thức khoa học và kỹ thuật. Báo chí cần được phát hành rộng khắp, đúng phương hướng, đúng đối tượng.

Điều lệ này xác định trách nhiệm, mối quan hệ giữa ngành bưu điện với cơ quan xuất bản, với các ngành và các cơ quan khác có liên quan, giữa ngành bưu điện với người đọc nhằm thống nhất quản lý việc phát hành, phục vụ tốt yêu cầu của người đọc.

 

CHƯƠNG I
QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1.- Công tác phát hành báo chí do Nhà nước tập trung, thống nhất tổ chức và quản lý theo phương thức kinh doanh xã hội chủ nghĩa và chế độ hạch toán kinh tế.

Điều 2.- Đối với báo chí đã phát hành, không ai được đình chỉ lưu hành hoặc thu hồi, trừ trường hợp được pháp luật quy định.

Điều 3.- Báo chí trong thời gian bưu điện phát hành được coi là tài sản xã hội chủ nghĩa, mọi người có nghĩa vụ tôn trọng và bảo vệ.

 

CHƯƠNG II
TRÁCH NHIỆM CỦA NGÀNH BƯU ĐIỆN VÀ CỦA
CÁC NGÀNH, CÁC CƠ QUAN CÓ LIÊN QUAN ĐẾN
CÔNG TÁC PHÁT HÀNH BÁO CHÍ

Điều 4.- Trong công tác phát hành báo chí, ngành bưu điện có nhiệm vụ:

1. Giúp Hội đồng bộ trưởng thống nhất quản lý và tổ chức việc phát hành báo chí trong cả nước bao gồm tất cả các loại báo chí xuất bản trong nước (trừ các báo chí được phép lưu hành nội bộ ); tất cả các loại báo chí nước ngoài nhập khẩu in bằng tiếng Việt Nam và tiếng nước ngoài, phát hành rộng rãi hoặc phát hành trong phạm vi hẹp (bao gồm cả ấn phẩm phụ của báo chí xuất bản không định kỳ). Tổ chức hệ thống quản lý phát hành báo chí, cải tiến phương thức phát hành để đáp ứng yêu cầu phát triển báo chí và phục vụ người đọc.

2. Nghiên cứu trình Hội đồng bộ trưởng quy định, sửa đổi, bổ sung các chế độ, chính sách về phát hành báo chí.

3. Phối hợp với các ngành hữu quan xây dựng chỉ tiêu thời gian báo chí từ trung ương đến cơ sở; bảo đảm số lượng phát hành của từng loại báo chí theo chỉ tiêu kế hoạch Nhà nước.

4. Tổ chức nhận đặt mua, bán lẻ và chuyển phát báo đến người đọc, tăng cường cơ sở vật chất và các phương tiện cần thiết cho công tác phát hành báo chí.

5. Tuyên truyền, quảng cáo cho công tác phát hành báo chí và thông qua công tác phát hành thu thập dư luận của người đọc đối với công tác phát hành, bảo đảm quyền làm chủ tập thể của nhân dân lao động trong việc mua, đọc báo chí.

6. Thanh toán kịp thời, đầy đủ tiền mua báo chí với các cơ quan xuất bản theo các quy định của Nhà nước và hợp đồng kinh tế đã ký kết.

Điều 5.- Cơ quan xuất bản có nhiệm vụ:

1. Bảo đảm báo chí xuất bản đúng giờ, đúng kỳ hạn.

2. Phối hợp với ngành bưu điện tuyên truyền và vận động cán bộ, nhân dân mua, đọc báo chí.

3. Kiểm tra việc phát hành của ngành bưu điện nhất là về chỉ tiêu thời gian.

4. Thực hiện đúng thể thức xuất bản đã được thông báo với ngành bưu điện và đã được in trong mục lục báo chí hàng năm.

5. Ngoài số lượng báo chí giữ lại để làm công tác nghiệp vụ, hoặc biếu, trao đổi, không được tự tổ chức phát hành hoặc giao cho bất kỳ tổ chức hay tư nhân nào khác phát hành, dù là phát hành một phần hay toàn bộ số lượng in ra hoặc nhập khẩu.

Điều 6.- Các cơ quan có báo chí giao cho ngành bưu điện phát hành có nhiệm vụ phối hợp với ngành bưu điện chỉ đạo việc phát hành báo chí của mình đến đúng đối tượng.

Điều 7.- Các nhà máy in có trách nhiệm phối hợp với các cơ quan xuất bản và bưu điện, thực hiện đầy đủ hợp đồng đã ký kết để báo chí ra đúng giờ, đúng kỳ hạn, đủ số lượng. Bộ Văn hoá có trách nhiệm chỉ đạo tạo điều kiện để các nhà máy in bảo đảm kế hoạch in các báo chí đúng thời gian.

Điều 8.- Các ngành giao thông vận tải, hàng không, hàng hải có trách nhiệm vận chuyển báo chí, phải có chế độ ưu tiên để việc vận chuyển báo chí được nhanh chóng, an toàn và đúng kỳ hạn.

Điều 9.- Hàng năm các cơ quan xuất bản, bưu điện, vận tải và các cơ quan khác có liên quan đến phát hành báo chí phải ký hợp đồng kinh tế với nhau trên cơ sở những quy định về chế độ hợp đồng kinh tế và những quy định của điều lệ này. Cuối năm trước phải ký xong hợp đồng cho năm sau.

Điều 10.- Các cơ quan, xí nghiệp, trường học, hợp tác xã cần cử những cán bộ, nhân viên có tinh thần trách nhiệm làm thêm công tác phát hành báo chí trong đơn vị mình. Tổng cục Bưu điện quy định chế độ thù lao cho những người này.

Điều 11.- Tập thể hay cá nhân muốn làm đại lý phát hành báo chí, bán lẻ tại chỗ hoặc bán lưu động, v.v... đều phải được cơ quan bưu điện quận, huyện, thị xã thoả thuận và phải xin đăng ký kinh doanh theo pháp luật hiện hành.

Điều 12.- Trường hợp cần thay đổi tên báo chí, kỳ hạn xuất bản, số trang in, giá bán phải được cơ quan có thẩm quyền theo luật định cho phép và phải thông báo kịp thời cho ngành bưu điện.

Những thay đổi nói trên, nếu là lâu dài, thì phải thực hiện từ số xuất bản đầu năm hoặc giữa năm, và phải thông báo cho ngành bưu điện biết chậm nhất là hai tháng trước ngày bắt đầu có sự thay đổi để in vào mục lục báo chí hàng năm. Trường hợp sự thay đổi chỉ có tính chất nhất thời (số đặc biệt, đột xuất) thì phải thông báo cho ngành bưu điện biết trước ít nhất 15 ngày.

Điều 13.- Sau khi mục lục báo chí đã được công bố, nếu có quyết định tăng giá của cơ quan có thẩm quyền, hoặc có sự thay đổi thể thức xuất bản dẫn đến việc tăng giá đặt mua, thì ngành bưu điện chỉ thanh toán theo giá mới với cơ quan xuất bản kể từ ngày Tổng cục Bưu điện ra văn bản hướng dẫn thi hành văn bản quyết định tăng giá nói trên.

Điều 14.- Cơ quan xuất bản có trách nhiệm giao đủ số lượng, đúng thời gian ghi trong hợp đồng kinh tế nhưng không được chậm hơn những thời điểm sau đây:

1. Đối với các báo hàng ngày phát hành vào buổi sáng, thời điểm bắt đầu giao muộn nhất không quá hai giờ sáng và giao liên tục, chậm nhất là đến sáu giờ sáng phải giao xong. Đối với báo phát hành vào buổi chiều do hai bên thoả thuận và ghi vào hợp đồng.

2. Đối với các báo hàng tuần và báo xuất bản hai, ba kỳ một tháng, giao xong một ngày trước ngày xuất bản in trên báo chí.

3. Các tạp chí, tập san, giao đúng kỳ hạn xuất bản in trên tạp chí, tập san...

Trường hợp vì lý do chính đáng, bắt buộc phải ra chậm hơn thời gian đã quy định, cơ quan xuất bản phải thông báo cho ngành bưu điện và người đọc biết. Trên từng số báo, tạp chí, tập san, cơ quan xuất bản cho in số xuất bản, kỳ hạn xuất bản, chỉ số, giá bán, ngày in và đóng xong (tức là ngày xuất xưởng giao cho bưu điện).

Điều 15.- Báo chí được giao tại cơ quan phát hành và phải gói buộc đúng quy cách, nếu số lượng quá lớn không đếm nhận được từng bản thì thực hiện giao, nhận theo số lượng gói tiêu chuẩn. Trong trường hợp này hai bên sẽ ấn định một tỷ lệ bù hao và ghi vào hợp đồng.

Việc vận chuyển báo chí từ nơi in đến trụ sở cơ quan phát hành do cơ quan xuất bản đảm nhiệm. Trường hợp đặc biệt cần giao và nhận ngay tại nơi in, thì hai bên sẽ thoả thuận về phương thức giao nhận, chi phí tăng thêm, v.v...

Điều 16.- Cơ quan xuất bản chịu trách nhiệm vật chất về các báo chí bị thu hồi hoặc đình chỉ và tuỳ từng trường hợp cần thông báo cho người đọc biết.

Phí phát hành do các cơ quan xuất bản trả cho ngành bưu điện được xác định trên nguyên tắc đủ bù đắp chi phí cần thiết và hợp lý cho công tác phát hành.

 

CHƯƠNG III
QUAN HỆ GIỮA NGÀNH BƯU ĐIỆN VÀ NGƯỜI ĐỌC

Điều 17.- Ngành bưu điện cần mở rộng mạng lưới và thực hiện các phương thức phát hành; nhận đăng ký đặt mua theo thời hạn (gọi tắt là nhận đặt mua) và bán lẻ từng số hoặc từng hạn ngắn. Nội dung từng phương thức do Tổng cục Bưu điện quy định.

Điều 18.- Người đọc có thể đặt mua các báo chí nước ngoài nhập khẩu, báo chí xuất bản trong nước cho mình hoặc gửi cho người nhận ở nơi khác trong nước tại các cơ sở bưu điện gần nhất.

Thủ tục nhận đặt mua do Tổng cục Bưu điện quy định.

Điều 19.- Người đặt mua báo chí phải trả tiền ngay cho bưu điện theo số lượng và thời gian đặt mua. Khi chưa hết hạn đặt mua, nếu giá báo chí tăng người đặt mua không phải trả thêm tiền. Ngược lại nếu giá báo chí giảm thì được tính lại theo giá mới, tiền thừa được trả lại. Trong thời hạn một năm, kể từ khi hết hạn đặt mua nếu người đặt mua không đến lấy lại tiền thừa, hoặc chuyển tiền thừa sang mua tiếp một thời hạn mới, thì tiền thừa ấy sẽ nộp vào ngân sách Nhà nước.

Điều 20.- Người đặt mua có thể yêu cầu được nhận báo chí tại nhà riêng, tại nơi mình làm việc, học tập, hoặc tại cơ sở bưu điện nơi đặt mua; và có thể yêu cầu xin thay đổi địa chỉ, thời hạn mua theo quy định của Tổng cục Bưu điện.

Báo chí của tổ chức, cơ quan hay cá nhân trong tổ chức, cơ quan đặt mua, được phát cho nhân viên thường trực, nhân viên văn thư, nhân viên liên lạc, nhân viên phát hành của tổ chức cơ quan, hoặc bỏ vào hộp thư riêng của tổ chức, cơ quan. Các tổ chức, cơ quan cần bố trí việc nhận báo chí với bưu điện và chịu trách nhiệm về sự chậm trễ, mất mát xảy ra trong phạm vi tổ chức, cơ quan mình sau khi đã nhận đầy đủ với bưu điện.

Điều 21.- Báo chí không phát được do không có người nhận, hoặc người được nhận chuyển đi nơi khác không để lại địa chỉ mới, v.v... được giữ lại trong thời hạn là 3 tháng. Nếu quá thời hạn đó ngành bưu điện xử lý và tiền thu được nộp vào ngân sách Nhà nước.

Điều 22.- Nếu người đặt mua không nhận được báo chí một cách bình thường như bị mất, chậm trễ, không đủ số lượng v.v... thì trong phạm vi ba tháng, kể từ ngày phát hành số báo đó ở địa phương, có thể khiếu nại trực tiếp hay bằng thư (không phải dán tem) với bưu điện nơi đặt mua, hoặc nơi phát báo chí. Các cơ sở bưu điện này có trách nhiệm xét và giải quyết các khiếu nại đó, nếu người mua vẫn không đồng ý thì có quyền khiếu nại lên cấp trên trực tiếp của cơ sở đó.

Điều 23.- Nếu báo chí bị mất hay hư hỏng do lỗi của bưu điện, bưu điện phải bồi thường cho người đặt mua bằng những tờ báo, tạp chí cùng số với báo chí đã bị mất hay hư hỏng. Nếu không thể bồi thường được bằng hiện vật như trên, thì bồi thường bằng tiền từ một đến ba lần giá in trên những số báo chí đã bị mất hay hư hỏng, mức bồi thường cho từng báo chí do Tổng cục Bưu điện quy định.

Điều 24.- Trong thời hạn bảy ngày, kể từ ngày nhận được khiếu nại, cơ quan bưu điện phải trả lời hoặc bồi thường cho người mua. Trường hợp phải tiếp tục điều tra thì phải báo ngay cho người khiếu nại biết, trong trường hợp này việc trả lời cũng không thể để chậm quá một tháng kể từ ngày nhận được khiếu nại, tố cáo.

Điều 25.- Trường hợp việc điều tra nghiên cứu còn đang tiếp tục, mà bưu điện đã bồi thường rồi, nhưng sau đó xác minh báo chí bị mất hay hư hỏng không phải do lỗi của bưu điện, thì người đã nhận bồi thường phải trả lại bưu điện số báo chí hoặc số tiền đã bồi thường và chịu trách nhiệm về việc khiếu nại không đúng đó.

Điều 26.- Ngành bưu điện không phải bồi thường trong trường hợp báo chí bị mất mát, hư hỏng vì thiên tai, địch hoạ không thể lường trước được.

 

CHƯƠNG IV
VIỆC XỬ PHẠT

Điều 27.- Những người lấy cắp báo chí hoặc do thiếu tinh thần trách nhiệm, vi phạm những quy định của điều lệ này làm mất mát, chậm trễ, hư hỏng báo chí, thiệt hại đến tài sản Nhà nước, đến quyền lợi của người mua thì tuỳ theo lỗi nặng, nhẹ sẽ bị xử lý theo các hình thức sau đây:

- Kỷ luật hành chính,

- Bồi thường thiệt hại về mặt vật chất,

- Truy tố trước toà án.

 

CHƯƠNG V
ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH

Điều 28.- Điều lệ này có hiệu lực kể từ ngày ban hành. Bãi bỏ những quy định trước đây trái với điều lệ này.

Điều 29.- Bộ trưởng Tổng thư ký Hội đồng bộ trưởng, Tổng cục trưởng Tổng cục Bưu điện có trách nhiệm theo dõi, kiểm tra việc thi hành điều lệ này.

 

Hội đồng Bộ trưởng

Bộ trưởng

(Đã ký)

 

Tố Hữu