Sign In

QUYẾT ĐỊNH

CỦA THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ SỐ 133/TTG NGÀY 6-6-1981
VỀ TRIỆT ĐỂ THỰC HIỆN TIẾT KIỆM XĂNG DẦU VÀ
CHỐNG LẤY CẮP XĂNG DẦU

 

Để triệt để thực hiện việc tiết kiệm xăng dầu, khắc phục có hiệu quả những thiếu sót trong việc quản lý sử dụng xăng dầu, ngăn chặn tệ nạn lấy cắp xăng dầu của Nhà nước;

Thủ tướng Chính phủ quyết định thi hành các biện pháp sau đây;

1. Quản lý chặt chẽ kế hoạch cấp phát và sử dụng xăng dầu.

Thủ trưởng các ngành, Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố và thủ trưởng cơ quan, đơn vị dùng xăng dầu có trách nhiệm quản lý chặt chẽ xăng dầu ngay từ khâu lập kế hoạch cho đến khâu phân phối, sử dụng; tổ chức quyết toán việc tiêu dùng xăng dầu trong từng ngành, từng địa phương và từng đơn vị. Phải soát xét các công việc dùng xăng dầu, việc gì cần thì cho dùng, việc không cần hoặc có thể dùng phương tiện khác thay thế thì kiên quyết không cho dùng xăng dầu.

Uỷ ban Kế hoạch Nhà nước cùng Bộ Vật tư có trách nhiệm phối hợp thẩm tra xem xét cụ thể nhu cầu xăng dầu của các ngành, các địa phương và các đơn vị dùng nhiều xăng dầu để duyệt kế hoạch chặt chẽ và phân phối chính xác. Bộ Vật tư có trách nhiệm chỉ cung ứng xăng dầu theo kế hoạch được duyệt, không cấp phát xăng dầu ngoài kế hoạch nếu không có quyết định của Thủ tướng Chính phủ, đồng thời có quyền đình chỉ cấp phát hoặc cắt giảm kế hoạch xăng dầu đối với những đơn vị vi phạm chính sách hoặc tiêu chuẩn định mức sử dụng xăng dầu.

2. Tiết kiệm xăng dầu trong các ngành sản xuất.

Ngoài những công việc được ưu tiên cấp xăng dầu như đã quy định trong Chỉ thị số 9-TTg ngày 8-1-1981 của Thủ tướng Chính phủ, Nhà nước chỉ phân phối xăng dầu theo khả năng thực tế cho các nhu cầu sau đây:

- Trong sản xuất nông nghiệp, chỉ dành xăng dầu cho số diện tích thật sự phải làm đất bằng máy kéo vì thiếu trâu, bò hoặc vì nhu cầu tăng vụ, cho những nơi cần chống úng, hạn lớn không thể giải quyết được bằng thủ công. Việc đầu tư thêm thiết bị cho nông nghiệp phải được tính toán cân nhắc về khả năng cân đối xăng dầu.

- Trong sản xuất công nghiệp, các Bộ, các địa phương phải soát lại các định mức xăng dầu và áp dụng các biện pháp kinh tế - kỹ thuật để hạ định mức tiêu dùng xăng dầu cho một đơn vị sản phẩm, trước hết là định mức cho các máy phát điện, các lò hơi, lò nung chạy dầu, các xe tải và thiết bị trong công nghiệp khai thác...

Không cấp xăng dầu cho những mặt hàng không có hiệu quả kinh tế. Đối với những cơ sở sản xuất có nồi hơi, lò nung chạy bằng nhiên liệu lỏng có thể cải tạo thiết bị để chuyển sang dùng than thì Nhà nước cấp vốn đầu tư để cải tạo thiết bị.

- Trong xây dựng, ưu tiên dành xăng dầu cho các công trình trọng điểm của Nhà nước. Cắt giảm xăng dầu ở những khâu có thể dùng lao động thủ công thay cho máy móc, nhất là vận chuyển vật liệu ở gần.

- Trong các ngành vận tải, sản xuất điện, khai thác cá, các Bộ Giao thông vận tải, Điện lực, Hải sản căn cứ Chỉ thị số 78-TTg ngày 2-3-1979 và Nghị đinh số 14-CP ngày 27-5-1960 của Hội đồng Chính phủ và quyết định này để quy định cụ thể những việc trong ngành được sử dụng xăng dầu, đồng thời phải đề ra các biện pháp hạ định mức tiêu dùng xăng dầu.

3. Về quản lý xăng dầu trong lưu thông cung ứng.

Các đơn vị vận tải xăng dầu và cung ứng xăng dầu phải phấn đấu giảm đến mức thấp nhất mức hao hụt trong quá trình tiếp nhận, bảo quản, vận chuyển và cấp phát xăng dầu; cải tiến mạng lưới và phương thức cung ứng hợp lý để tiết kiệm xăng dầu cho cơ quan được cung ứng.

Các cơ quan quản lý vận tải và cung ứng phải quy định rõ định mức hao hụt và trách nhiệm quản lý cụ thể trong từng khâu, từng đơn vị vận tải và cung ứng xăng dầu.

Tăng cường công tác kiểm ta và bảo quản tốt các dụng cụ, phương tiện. thiết bị, các kho bể và đường ống dẫn xăng dầu khỏi hư hỏng, rò rỉ, hao hụt quá mức.

Cơ quan đo lường thuộc Uỷ ban Khoa học và kỹ thuật có trách nhiệm giúp các ngành kinh tế chấn chỉnh công tác đo lường xăng dầu nhằm bảo đảm cân đong chính xác, thống nhất và có căn cứ để thực hiện các định mức.

4. Tiết kiệm xăng dầu trong quân đội và lực lượng an ninh.

Các Bộ Quốc phòng, Nội vụ cần quy định rõ định mức xăng dầu dành cho từng nhiệm vụ thường xuyên và nhiệm vụ đặc biệt, như bảo đảm sẵn sàng chiến đấu, tuần tra... đồng thời phải quản lý chặt chẽ việc thực hiện.

5. Tiết kiệm xăng dầu trong khu vực hành chính sự nghiệp và dân dụng.

Việc sử dụng ô-tô con phải theo đúng quy định của Chỉ thị số 293-TTg ngày 5-9-1975. Trong phạm vi số lượng xe được trang bị theo tiêu chuẩn, từng cơ quan, đơn vị có trách nhiệm tổ chức sử dụng xe hợp lý và tiết kiệm nhất.

Việc cấp xăng dầu cho xe ô-tô con sẽ tuỳ theo khả năng xăng dầu hàng năm mà xác định chặt chẽ nhu cầu và số lượng cấp cho từng cơ quan.

Nghiêm cấm lấy xăng dầu của sản xuất để dùng cho xe con các cơ quan hành chính sự nghiệp.

Cấm lưu hành những loại xe du lịch của Mỹ sản xuất có mức tiêu hao xăng dầu trên 20 lít/100 kilômét. Cơ quan có loại xe này phải giao lại cho Bộ Vật tư. Nếu các loại xe này chạy trái phép trên đường thì công an có trách nhiệm giữ lại để xử lý.

Vận động nhân dân và công nhân, viên chức có mô-tô và xe gắn máy tạm thời sử dụng những loại phương tiện khác để tiết kiệm xăng dầu (như đi xe ô-tô công cộng, xe đạp, đi bộ...).

6. Chống lấy cắp và mua bán xăng dầu trái phép.

Tất cả các cơ quan, bộ phận có liên quan đến quảm lý xăng dầu, từ có quan bảo quản đến cơ quan vận chuyển, phân phối, sử dụng xăng dầu đều phải định rõ chức năng, nhiệm vụ và phạm vi quyền hạn cho từng đơn vị, từng người quản lý xăng dầu; phải chấn chỉnh và theo dõi chặt chẽ chế độ sổ sách, biên nhận để có căn cứ kiểm tra, kiểm soát và quy rõ trách nhiệm khi xảy ra mất mát, hao hụt quá mức.

Uỷ ban nhân dân các cấp có trách nhiệm phối hợp với các ngành có liên quan để bảo vệ tốt các kho chứa xăng dầu và các đường ống dẫn xăng dầu nằm trong địa phương mình.

Nghiêm cấm mua bán xăng dầu trên thị trường. Nghiêm cấm các cơ quan, xí nghiệp dùng săng dầu để đổi chác hàng hoá. (Trừ cơ quan làm chức năng thu mua nông sản được Nhà nước cho phép)

Cơ quan công an các địa phương có trách nhiệm tổ chức bắt giữ và xử lý các vụ mua bán xăng dầu trái phép, kể cả cơ quan Nhà nước mua bán trái phép; tổ chức các đội kiểm ta, kiểm soát lưu động kết hợp với lực lượng quần chúng để vây quét bọn ăn cắp và buôn bán xăng dầu trái phép.

7. Khen thưởng và xử phạt.

a) Khen thưởng:

Tập thể hoặc cá nhân nào tiết kiệm dưới định mức tiêu dùng trong sản xuất hoặc định mức hao hụt trong lưu thông, cung ứng thì cứ mỗi kilôgam xăng dầu tiết kệm được sẽ thưởng 50% giá trị xăng dầu tính theo giá đã điều chỉnh. Thủ trưởng các đơn vị cùng ban chấp hành công đoàn xem xét để quyết định việc thưởng được chính xác.

Người hoặc đơn vị có sáng kiến cải tiến thiết bị làm giảm lượng tiêu hao xăng dầu thì ngoài việc được thưởng lần đầu theo quy định ở điều này còn được xét theo chế độ khen thưởng sáng kiến sáng chế đã ban hành.

Lượng xăng dầu tiết kiệm được do cơ quan cấp phát xăng dầu thu hồi lại để phân phối vào mục đích sản xuất.

Người có công báo cho cơ quan công an hoặc cơ quan quản lý xăng dầu biết các vụ lấy cắp hoặc mua bán trái phép xăng dầu, được thưởng 30% số tiền phạt thu được từ kẻ vi phạm (tối đa không thưởng quá 10.000 đồng).

- Cán bộ, nhân viên trực tiếp làm nhiệm vụ quản lý, bảo vệ xăng dầu có thành tích hạ thấp mức hao hụt xăng dầu dưới mức quy định hoặc có công bảo vệ xăng dầu thì được thưởng tiền theo chế đệ do Bộ trưởng Bộ Vật tư quy định sau khi có sự thoả thuận của Bộ Tài chính.

- Khuyến khích các đơn vị vận tải và các lái xe tải tìm hàng để vận chuyển hai chiều. Người lái xe chở hàng một chiều tự tìm được hàng chở hai chiều sẽ được thưởng một phần tiền vận chuyển thu được thêm. Bộ giao thông vận tải, Bộ Tài chính hướng dẫn cụ thể việc thực hiện chủ trương này.

b) Xử phạt:

Cá nhân, đơn vị có trách nhiệm quản lý sử dụng xăng dầu mà sử dụng không đúng chế độ hoặc để xăng dầu hao hụt quá định mức mà không chứng minh được là do nguyên nhân khách quan thì ngoài việc bị xử phạt về hành chính còn phải bồi thường thiệt hại do lỗi của mình gây ra. Mức bồi thường tính bằng giá xăng dầu bán lẻ của Nhà nước.

Nếu đã bị xử phạt mà còn tiếp tục vi phạm thì phạt gấp hai lần giá trị của xăng dầu.

Người có hành động ăn cắp, phá hoại, gây tổn thất xăng dầu của Nhà nước thì xử lý theo pháp luật về các tội đó.

Bộ Tài chính hướng dẫn cụ thể việc thưởng và phạt, bồi thường vật chất theo quy định của điều này.

8. Trách nhiệm thi hành quyết định.

Thủ trưởng các ngành, các cấp, các đơn vị phải tổ chức một cuộc vận động rộng rãi về triệt để tiết kiệm và chống lấy cắp xăng dầu. Phải làm cho cán bộ, công nhân viên và toàn thể nhân dân thấy rõ Nhà nước có khó khăn về xăng dầu, động viên mọi người ra sức tiết kiệm và có ý thức bảo vệ, bảo quản tốt xăng dầu; phải dựa vào quần chúng để phát động các hiện tượng lấy cắp hoặc gây lãng phí xăng dầu. Tổ chức đoàn thể ở các cấp phải tăng cường công tác giáo dục đảng viên, quần chúng thực hành tiết kiệm, đưa vấn đề tiết kiệm xăng dầu thành một nội dung thi đua ở từng đơn vị cơ sở.

Các cơ quan báo chí, phát thanh, vô tuyến truyền hình cần tuyên truyền sâu rộng về chính sách tiết kiệm và chống lấy cắp xăng dầu trong nhân dân, khen ngợi những người tốt, việc tốt, phê phán những hành vi sai trái và thái độ thiếu trách nhiệm gây lãng phí và mất mát, hao hụt xăng dầu quá mức.

Bộ Vật tư chủ trì có sự phối hợp của Uỷ ban Thanh tra của Chính phủ và các ngành có liên quan tổ chức trong quý II năm 1981 một đợt kiểm tra tình hình quản lý và sử dụng xăng dầu, tập trung vào một số trọng điểm để rút kinh nghiệm hướng dẫn cho các ngành, các địa phương chấn chỉnh công tác quản lý, góp phần thực hiện chính sách tiết kiệm xăng dầu ngay trong năm 1981.

Bộ trưởng các Bộ Vật tư, Giao thông vận tải, Điện lực, Quốc phòng, Nôi vụ, Tài chính... trong phạm vi quyền hạn của mình chịu trách nhiệm hướng dẫn cụ thể việc thi hành quyết định này.

Các đồng chí Bộ trưởng, thủ trưởng các cơ quan ngang Bộ, cơ quan trực thuộc Hội đồng Chính phủ và Chủ tịch Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố, đặc khu trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này.

Thủ tướng Chính phủ

Đang cập nhật

(Đã ký)

 

Đỗ Mười