V/v: hướng dẫn triển khai
Quyết định số 118/2008/QĐ-BNN
Kính gửi:
|
|
|
- Sở NN & PTNT các tỉnh, thành phố trực thuộc TW;
|
|
- Các Trung tâm Chất lượng nông lâm thủy sản vùng.
|
Ngày 11/12/2008, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã ban hành Quy chế kiểm tra và chứng nhận chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm hàng hóa thủy sản theo Quyết định số 118/2008/QĐ-BNN (gọi tắt là Quy chế 118). Quy chế này được đăng trên Công báo ngày 30/12/2008 và có hiệu lực thực hiện từ ngày 15/01/2009.
Cục Quản lý Chất lượng Nông Lâm sản và Thủy sản hướng dẫn và đề nghị các đơn vị triển khai một số nội dung như sau:
1. Điều 4, Khoản 1, Điểm b, Điểm c: Hình thức kiểm tra
- Hiện tại, các thị trường có yêu cầu kiểm tra chứng nhận chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm bởi cơ quan thẩm quyền Việt Nam gồm: EU, Nauy, Thụy Sỹ, Serbia, Trung Quốc, Hàn Quốc, Liên bang Nga, French Polynesia, Braxin, Đài Loan (đối với cua sống). Canada yêu cầu kiểm hóa chất kháng sinh trong sản phẩm thủy sản nuôi đối với doanh nghiệp có tên trong danh sách đăng ký được kiểm tra chứng nhận theo thỏa thuận.
- Thị trường mà Bộ NN&PTNT có quy định phải kiểm tra, chứng nhận đối với thuỷ sản xuất khẩu: Hiện tại có thị trường Nhật Bản
Danh sách sẽ được Cục cập nhật và thông báo khi có thay đổi.
2. Điều 5: Cơ quan kiểm tra
- Các Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chỉ định cơ quan chuyên môn được giao nhiệm vụ kiểm tra, công nhận điều kiện đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm cơ sở sản xuất kinh doanh thủy sản theo Quy chế 117, thực hiện kiểm tra chứng nhận chất lượng đối với hàng hóa thủy sản trước khi đưa ra thị trường tiêu thụ nội địa theo Quy chế 118.
- Cục Quản lý Chất lượng Nông lâm sản và Thủy sản giao cho các Trung tâm Chất lượng nông lâm thủy sản vùng thực hiện kiểm tra, chứng nhận chất lượng đối với hàng hóa thủy sản xuất khẩu; hàng hóa thủy sản nhập khẩu để chế biến, triệu hồi và bị trả về theo quy định tại Khoản 2, Điều 5, Quy chế 118.
- Cơ quan kiểm tra nêu tại Khoản 1, Khoản 2, Điều 5 và các cơ quan kiểm tra được chỉ định theo quy định của pháp luật (Khoản 11, Điều 3) thực hiện kiểm tra chứng nhận hàng hóa thủy sản đối với các trường hợp kiểm tra chứng nhận theo yêu cầu (Khoản 2, Điều 4). Các cơ quan kiểm tra được chỉ định theo quy định của pháp luật có trách nhiệm thông báo cho các cơ quan kiểm tra, công nhận các cơ sở sản xuất, kinh doanh thuỷ sản theo quy địn.h tại Điều 5, Quy chế 117 để xử lý đối với các trường hợp phát hiện lô hàng thuỷ sản không đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm.
3. Điều 9: Thông tin trên bao bì, nhãn sản phẩm
- Quy định hiện hành của Việt Nam về ghi nhãn sản phẩm là Nghị định số 89/2006/NĐ-CP ngày 30/8/2006 của Chính phủ về ghi nhãn hàng hóa và Thông tư số 09/2007/TT-BKHCN ngày 6/4/2007 của Bộ Khoa học và Công nghệ về hướng dẫn thi hành một số điều của Nghị định 89/2006/NĐ-CP và Thông tư số 14/2007/TT-BKHCN ngày 25/7/2007 của Bộ Khoa học và Công nghệ về bổ sung thông tư số 09/2007/TT-BKHCN.
- Đối với hàng hóa thủy sản xuất khẩu ngoài các quy định chung nêu trên việc ghi nhãn cần đáp ứng các yêu cầu bổ sung nêu tại Khoản 2, Điều 9, Quy chế 118. Do cần có thời gian để các doanh nghiệp chuẩn bị việc ghi nhãn trên bao bì sản phẩm theo yêu cầu mới nên thời hạn bắt buộc áp dụng sẽ tính từ ngày 01/5/2009.
4. Điều 27, Khoản 1, Điểm i: Chế độ báo cáo:
Trước ngày 22 của tháng đầu mỗi quý, cơ quan kiểm tra (nêu tại Điều 5) gửi báo cáo tổng hợp về hoạt động kiểm tra, chứng nhận chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm hàng hóa thủy sản; các khó khăn, vướng mắc và các đề xuất, kiến nghị gửi về Cục Quản lý Chất lượng Nông lâm sản và Thủy sản để xử lý và tổng hợp báo cáo Bộ.
5. Lỗi in ấn trong Quy chế 118:
Điểm c, Khoản 1, Điều 10 Quy chế ghi là “ … quy định tại Điều 12 Quy chế này” được sửa thành “… quy định tại Điều 15 Quy chế này”.
Trong quá trình thực hiện, nếu có khó khăn, vướng mắc, đề nghị các đơn vị phản ánh về Cục Quản lý Chất lượng Nông lâm sản và Thủy sản để được hướng dẫn bổ sung.