Sign In

QUYẾT ĐỊNH

Về việc ban hành quy định về quản lý trật tự đô thị, vệ sinh môi trường

__________________

ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ RẠCH GIÁ

 

Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân ngày 26 tháng 11 năm 2003;

Căn cứ Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân ngày 03 tháng 12 năm 2004;

Căn cứ Luật Xây dựng ngày 26 tháng 11 năm 2003;

Căn cứ Luật Giao thông đường bộ ngày 29 tháng 6 năm 2001;

Căn cứ Luật Bảo vệ môi trường ngày 29 tháng 11 năm 2005;

Căn cứ Nghị định số 150/2005/NĐ-CP ngày 12 tháng 12 năm 2005 của Chính phủ về việc quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh và trật tự, an toàn xã hội;

Căn cứ Nghị định số 175/2004/NĐ-CP ngày 10 tháng 10 năm 2004 của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thương mại;

Xét Tờ trình số 88/TTr-QLĐT ngày 09 tháng 7 năm 2007 của Phòng Quản lý đô thị thành phố Rạch Giá về việc ban hành quy định về quản lý trật tự đô thị, vệ sinh môi trường trên địa bàn thành phố Rạch Giá,

 

QUYẾT ĐỊNH:

 

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này bản “Quy định về quản lý trật tự đô thị, vệ sinh môi trường trên địa bàn thành phố Rạch Giá”.

Điều 2. Giao Trưởng phòng Quản lý đô thị, Trưởng phòng Tài nguyên-Môi trường, Trưởng phòng Văn hóa - Thông tin - Thể thao, Trưởng Công an thành phố Rạch Giá phối hợp với các phòng, ban, ngành, phường, xã theo dõi và tổ chức thực hiện Quyết định này.

Điều 3. Chánh Văn phòng HĐND-UBND thành phố, Trưởng các phòng, ban, ngành cấp thành phố, Chủ tịch UBND các phường, xã, Trưởng khu phố, ấp chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này. Những quy định trước đây trái với quy định này đều bãi bỏ.

Quyết định có hiệu lực sau 07 ngày kể từ ngày ký./.

 

TM. UBND THÀNH PHỐ RẠCH GIÁ

CHỦ TỊCH

(Đã ký)

 

Phạm Hoàng Nam

 

 

QUY ĐỊNH

Về quản lý trật tự đô thị, vệ sinh môi trường

(Ban hành kèm theo Quyết định số 936/2007/QĐ-UBND

ngày 12/7/2007 của UBND thành phố Rạch Giá)

_______________

 

Chương I

QUY ĐỊNH CHUNG

 

Điều 1. Phạm vi và đối tượng điều chỉnh

1. Quy định này điều chỉnh việc quản lý trật tự đô thị (viết tắt: TTĐT) và vệ sinh môi trường (viết tắt: VSMT) gồm: quản lý lòng lề đường, vỉa hè; quản lý trật tự an toàn giao thông đường bộ; quản lý trật tự mua bán; quản lý trật tự xây dựng; quản lý vệ sinh môi trường, quản lý công viên, cây xanh và điện chiếu sáng công cộng.

2. Các cơ quan, tổ chức và cán bộ, công chức, viên chức phải gương mẫu chấp hành và vận động gia đình, cộng đồng dân cư chấp hành thực hiện Quy định này.

3. Mọi gia đình, cá nhân có trách nhiệm thực hiện quy định về quản lý trật tự đô thị, vệ sinh môi trường.

 

Điều 2. Nguyên tắc phân cấp quản lý TTĐT, VSMT

1. Ủy ban nhân dân thành phố quản lý toàn diện về trật tự đô thị, vệ sinh môi trường trên địa bàn thành phố. Chỉ đạo thực hiện thanh tra, kiểm tra, xử lý các vi phạm theo thẩm quyền. Chủ tịch UBND thành phố chịu trách nhiệm trước Chủ tịch UBND tỉnh trong công tác quản lý trật tự đô thị, vệ sinh môi trường trên địa bàn thành phố.

2. Các phòng, ban chuyên môn có trách nhiệm giúp UBND thành phố quản lý nhà nước trên lĩnh vực do cơ quan, đơn vị mình phụ trách; trực tiếp quản lý, kiểm tra, xử lý theo thẩm quyền hoặc kiến nghị cơ quan có thẩm quyền xử lý các vi phạm theo quy định của pháp luật. Thủ trưởng các cơ quan chuyên môn chịu trách nhiệm trước Chủ tịch UBND thành phố trong phạm vi nhiệm vụ được giao tại Quy định này.

3. Ủy ban nhân dân phường, xã quản lý toàn diện về trật tự đô thị, vệ sinh môi trường trên địa bàn phường, xã. Trực tiếp quản lý, kiểm tra, xử lý theo thẩm quyền hoặc kiến nghị cơ quan có thẩm quyền xử lý các vi phạm theo quy định của pháp luật. Chủ tịch UBND phường, xã chịu trách nhiệm trước Chủ tịch UBND thành phố về quản lý TTĐT, VSMT trên địa bàn phường, xã mình.

4. Trưởng Công an phường, xã, Trưởng khu phố, ấp trực tiếp quản lý địa bàn theo phạm vi trách nhiệm được phân công. Kịp thời phát hiện, ngăn chặn các hành vi vi phạm; lập biên bản, xử lý theo thẩm quyền hoặc kiến nghị cơ quan có thẩm quyền lập biên bản, xử lý đối với các hành vi vi phạm theo quy định. Trưởng công an phường, xã, Trưởng khu phố, ấp chịu trách nhiệm trước Chủ tịch UBND phường, xã về trách nhiệm quản lý TTĐT, VSMT trên địa bàn mình.

 

Chương II

NHỮNG QUY ĐỊNH CỤ THỂ

 

Mục 1

QUẢN LÝ LÒNG, LỀ ĐƯỜNG, VỈA HÈ

 

Điều 3. Nội dung quản lý lòng, lề đường, vỉa hè

1. Quản lý và đảm bảo cho lòng, lề đường, vỉa hè thông suốt, hoạt động bình thường, không để lấn chiếm dưới mọi hình thức, ngăn chặn không để xảy ra các hành vi phá hoại, gây hư hỏng kết cấu lòng, lề đường, vỉa hè; các trường hợp hư hỏng, xuống cấp phải được sửa chữa, nâng cấp kịp thời. Đường phải thông, hè phải thoáng và vỉa hè chủ yếu dành cho người đi bộ.

2. Việc dặm vá những hư hỏng nhỏ vỉa hè trước nhà dân do UBND phường, xã, khu phố vận động nhân dân thực hiện, việc xây dựng, nâng cấp hẻm do UBND phường, xã vận động nhân dân hoặc cơ quan, đơn vị thực hiện theo phương châm nhà nước và nhân dân cùng làm.

3. Nghiêm cấm việc chiếm dụng lòng, lề đường, vỉa hè làm nơi mua bán, kinh doanh, để vật tư, hàng hóa, cây kiểng, che chắn làm hàng rào, xây cất lấn chiếm vỉa hè; đậu xe dưới lòng đường, trên vỉa hè trái quy định, đục phá gờ lề làm bục dẫn xe lên, xuống vỉa hè.

4. Các trường hợp sử dụng tạm thời lòng, lề đường phải xin phép UBND thành phố thông qua Phòng Quản lý đô thị thành phố kiểm tra lập tờ trình đề nghị; việc sử dụng vỉa hè phải xin phép UBND phường, xã cho phép theo quy định. Các trường hợp vi phạm phải được ngăn chặn, xử lý kịp thời theo quy định pháp luật.

 

Điều 4. Trách nhiệm quản lý lòng, lề đường, vỉa hè                                          

1. Trưởng Phòng Quản lý đô thị chịu trách nhiệm quản lý chuyên ngành về lòng, lề đường, vỉa hè, đảm bảo sự vận hành bình thường của kết cấu hạ tầng và lòng, lề đường, vỉa hè; có trách nhiệm kiểm tra phát hiện, ngăn chặn và lập biên bản đề nghị UBND thành phố ra quyết định xử lý kịp thời các hành vi vi phạm theo quy định của pháp luật. Giúp UBND thành phố thực hiện trách nhiệm quản lý nhà nước về trật tự lòng, lề đường, vỉa hè theo phân cấp.

2. Chủ tịch UBND phường, xã chịu trách nhiệm quản lý về trật tự lòng, lề đường, vỉa hè trên địa bàn theo nội dung tại Điều 3 quy định này; khi phát hiện lòng, lề đường, vỉa hè bị hư hỏng, xuống cấp thì lập kế hoạch để nâng cấp, sửa chữa hoặc kiến nghị UBND thành phố ghi kế hoạch nâng cấp, sửa chữa hàng năm; UBND phường, xã phải có kế hoạch thường xuyên tổ chức kiểm tra, lập biên bản xử lý vi phạm hoặc kiến nghị cấp có thẩm quyền xử lý theo quy định; thực hiện việc kẻ vạch nước sơn hoặc lát gạch khác màu phần vỉa hè dành cho người đi bộ, phần vỉa hè tạm thời cho phép sử dụng theo Chỉ thị số 05/2002/CT-UB ngày 01/10/2002 của UBND thị xã (nay là UBND thành phố) về việc tăng cường các biện pháp đảm bảo trật tự đô thị và vệ sinh môi trường.

3. Trưởng công an phường, xã, Trưởng khu phố, ấp chịu trách nhiệm quản lý lòng lề, đường, vỉa hè trong phạm vi địa bàn mình quản lý, tuyên truyền giáo dục nhân dân chấp hành quy định về trật tự đô thị; ngăn chặn không để xảy ra các vi phạm về lòng, lề đường, vỉa hè giúp UBND phường, xã vận động nhân dân dặm vá vỉa hè, làm vệ sinh, xây dựng hẻm công cộng; lập biên bản, xử lý vi phạm hoặc kiến nghị cấp có thẩm quyền xử lý theo quy định của pháp luật.

4. Tổ trưởng Tổ NDTQ có trách nhiệm tuyên truyền, vận động nhân dân chấp hành thực hiện tốt các quy định về trật tự lòng, lề đường, vỉa hè, yêu cầu chấm dứt các hành vi vi phạm, khi phát hiện vi phạm phải kịp thời báo cho Trưởng khu phố, ấp, Chủ tịch UBND, Trưởng công an phường, xã xử lý theo quy định.

 

Mục 2

QUẢN LÝ TRẬT TỰ AN TOÀN GIAO THÔNG ĐƯỜNG BỘ

 

Điều 5. Nội dung quản lý trật tự an toàn giao thông đường bộ

1. Đảm bảo các hoạt động giao thông diễn ra bình thường, thông suốt, giảm thiểu ùn tắc, tai nạn giao thông, khắc phục nguy cơ xảy ra tai nạn giao thông ở một số khu vực, nâng cấp, bảo dưỡng hạ tầng kỹ thuật giao thông; bảo vệ các công trình giao thông;

2. Hệ thống biển báo, tín hiệu phải được lắp đặt đủ, đúng vị trí để phát huy tác dụng, hiệu lực. Thực hiện việc đặt mới, sửa chữa, bổ sung biển báo, tín hiệu bị hư, thiếu; xử lý các hành vi phá hoại, tự ý di dời biển báo, tín hiệu giao thông trái quy định.

3. Phải thường xuyên tổ chức tuần tra, kiểm soát, hướng dẫn giao thông nhất là ở các khu vực, tuyến đường trọng điểm. Phối kết hợp việc tuần tra, kiểm soát của các lực lượng chuyên trách với việc tuần tra, kiểm soát tại chỗ của lực lượng Công an phường, khu phố, ấp, lực lượng Thanh niên tình nguyện; tuyên truyền vận động những người tham gia giao thông tự giác chấp hành đúng Luật Giao thông đường bộ.

4. Kịp thời giải quyết ùn tắc giao thông và tai nạn giao thông. Chủ động ngăn chặn nguy cơ ùn tắc giao thông nhất là trong khu vực xe đậu, đỗ trái phép. Thực hiện tốt việc phân luồng, phân tuyến, hạn chế một số phương tiện xe lưu hành vào giờ cao điểm trong nội ô theo quy định của tỉnh; điều hòa giao thông tại một số điểm trường vào giờ cao điểm; thực hiện tốt Quyết định số 61/2004/QĐ-UB ngày 30/9/2004 của UBND tỉnh Kiên Giang về việc cấm xe thô sơ lưu hành trên một số tuyến đường chính thị xã Rạch Giá (nay là thành phố Rạch Giá); Quyết định số 62/2004/QĐ-UB ngày 30/9/2004 của UBND tỉnh Kiên Giang về việc cấm xe lam, xe gắn máy kéo thùng và mô tô kéo thùng tự chế tạo lưu hành trên đường giao thông công cộng trong phạm vi tỉnh Kiên Giang; tổ chức các lực lượng canh gác, hướng dẫn tại một số khu vực có tín hiệu giao thông trọng điểm, những nơi thường xảy ra ùn tắc giao thông.

5. Các hành vi vi phạm an toàn giao thông đường bộ phải được phát hiện, ngăn chặn kịp thời và xử lý nghiêm theo đúng quy định pháp luật. Các trường hợp không chấp hành quyết định xử phạt phải kiên quyết cưỡng chế thực hiện.

 

Điều 6. Trách nhiệm quản lý trật tự an toàn giao thông đường bộ

1. Phòng Quản lý đô thị có trách nhiệm quản lý hệ thống tín hiệu, biển báo hiệu giao thông trên địa bàn. Kịp thời phát hiện, đề nghị Sở Giao thông - Vận tải tỉnh lắp đặt mới, bổ sung, điều chỉnh, sửa chữa hệ thống tín hiệu, biển báo đảm bảo đủ, đúng vị trí, phát huy hiệu lực, tác dụng; đề nghị sửa chữa hệ thống kỹ thuật hạ tầng giao thông ở các khu vực thường xuyên xảy ra tai nạn; quy hoạch các bãi đỗ xe trong nội ô.

2. Công an thành phố chịu trách nhiệm tuần tra, kiểm soát trật tự an toàn giao thông; tổ chức gác, điều hòa, hướng dẫn giao thông tại một số khu vực có tín hiệu đèn và một số khu vực trọng điểm nhất là ở một số điểm trường vào giờ cao điểm; kiểm tra xử lý các vi phạm về an toàn giao thông, giải quyết nhanh chóng, kịp thời ùn tắc giao thông và tai nạn giao thông trên địa bàn; kiểm tra xử lý các trường hợp vi phạm Quyết định số 61/2004/QĐ-UB ngày 30/9/2004, Quyết định số 62/2004/QĐ-UB ngày 30/9/2004 của UBND tỉnh Kiên Giang; phối hợp với Phòng Quản lý đô thị và Thanh tra giao thông tỉnh, Phòng Cảnh sát giao thông đường bộ tỉnh tổ chức giải tỏa các trường hợp lấn chiếm, xử lý các hành vi vi phạm kết cấu hạ tầng giao thông; cưỡng chế thực hiện các quyết định xử phạt vi phạm hành chính về trật tự an toàn giao thông theo quyết định của cơ quan có thẩm quyền.

3. UBND phường, xã thực hiện trách nhiệm tuyên truyền, vận động nhân dân chấp hành luật giao thông; bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông trên địa bàn; quản lý đường giao thông theo phân cấp; chống lấn chiếm hành lang bảo vệ an toàn giao thông; kịp thời thông báo cho cơ quan Công an đến giải quyết các vụ tai nạn, tổ chức cứu chữa, giúp đỡ người bị nạn, bảo vệ hiện trường, bảo vệ tài sản của người bị nạn; kiểm tra xử lý theo thẩm quyền các vi phạm về an toàn giao thông.

4. Công an phường, xã, khu phố, ấp, chịu trách nhiệm tuần tra, kiểm tra trật tự an toàn giao thông trên địa bàn mình quản lý (trừ trường hợp chặn xe, dừng xe phải theo đúng quy định), phối hợp theo yêu cầu lực lượng cấp trên để giải quyết ùn tắc giao thông và tai nạn giao thông trên địa bàn; giáo dục nhắc nhở và xử lý theo thẩm quyền hoặc lập biên bản đề nghị cơ quan có thẩm quyền xử lý theo quy định và phối hợp thực hiện quyết định xử lý đó.

 

Mục 3

QUẢN LÝ TRẬT TỰ MUA BÁN

 

Điều 7. Nội dung quản lý trật tự mua bán

1. Thực hiện việc chỉnh trang, nâng cấp, xây dựng các chợ trung tâm, các chợ khu vực; sắp xếp, tạo điều kiện cho những người có nhu cầu mua bán vào các chợ; vận động những người mua bán hàng rong lấn chiếm lòng lề đường, vỉa hè chuyển đổi ngành nghề hoặc sắp xếp mua bán vào các chợ đã bố trí.

2. Quản lý hoạt động mua bán: các hoạt động mua bán, kinh doanh phải có giấy phép hoặc theo quy định, đồng thời phải chấp hành đúng các quy định về đảm bảo an ninh trật tự, an toàn xã hội, vệ sinh phòng bệnh, môi trường, phòng cháy chữa cháy, trật tự an toàn giao thông; không cho phép mua bán, trưng bày, giới thiệu hàng hóa trên lòng, lề đường, vỉa hè, họp nhóm chợ khi chưa được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép. Cấm dùng loa phóng thanh, chiêng, trống, còi, kèn và các phương tiện tăng âm khác rao bán rong, rao làm dịch vụ lưu động, cổ động, ăn xin gây ồn tại nơi công cộng và ảnh hưởng đến sự yên tĩnh chung.

Đối với các hoạt động hội chợ, triển lãm, lễ hội, giữ xe, các hình thức tổ chức khác có sử dụng lòng, lề đường, vỉa hè phải xin phép và khi cơ quan có thẩm quyền cho phép mới được thực hiện.

Đối với cá nhân hoạt động thương mại độc lập, thường xuyên không phải đăng ký kinh doanh phải thực hiện đúng theo Nghị định số 39/2007/NĐ-CP ngày 16/3/2007 của Chính phủ.

3. Xử lý các vi phạm về trật tự mua bán: các hình thức mua bán lấn chiếm lòng lề, đường, vỉa hè vi phạm phải kiên quyết xử lý nghiêm.

 

Điều 8. Trách nhiệm quản lý trật tự mua bán

1. Phòng Công thương - Khoa học công nghệ có trách nhiệm quản lý hoạt động mua bán, kinh doanh trên địa bàn; phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan giúp UBND thành phố thực hiện chỉnh trang, xây dựng, nâng cấp các chợ trung tâm, chợ khu vực.

2. Ban Quản lý các chợ chịu trách nhiệm quản lý các hoạt động mua bán, kinh doanh trong phạm vi quản lý của mình, tuyên truyền vận động các hộ mua bán, kinh doanh chấp hành đúng quy định, thực hiện văn minh thương nghiệp trong mua bán; niêm yết giá và bán theo giá niêm yết; quản lý không để xảy ra tình trạng mua bán vi phạm trật tự đô thị, vệ sinh môi trường, phối hợp với chính quyền địa phương lập biên bản xử lý các vi phạm theo quy định.

3. UBND các phường, xã có trách nhiệm sắp xếp chỗ nơi mua bán cho các hộ có nhu cầu vào các chợ, thực hiện quản lý chặt chẽ địa bàn không để mua bán lấn chiếm lòng lề đường, vỉa hè, họp nhóm chợ trái phép, đồng thời chịu trách nhiệm kiểm tra, xử lý các vi phạm theo quy định.

4. Trưởng khu phố, ấp, Tổ trưởng tổ NDTQ có trách nhiệm giáo dục, nhắc nhở hộ gia đình, cá nhân không mua bán lấn chiếm lòng, lề đường, vỉa hè, họp nhóm chợ trái phép. Trưởng khu phố, ấp chịu trách nhiệm lập biên bản ngăn chặn các hành vi vi phạm thuộc địa bàn mình quản lý và đề nghị Chủ tịch UBND phường, xã, xử phạt theo quy định.

 

Mục 4

QUẢN LÝ TRẬT TỰ XÂY DỰNG

 

Điều 9. Nội dung quản lý trật tự xây dựng

1. Thực hiện tốt việc quản lý quy hoạch tổng thể thành phố và quy hoạch chi tiết các phường, xã, công bố công khai các quy hoạch đã được duyệt, không để tình trạng xây dựng không phép, trái phép của các tổ chức, cá nhân vi phạm quy hoạch.

2. Về cấp phép xây dựng: (trừ các trường hợp không phải xin phép xây dựng theo khoản 1 Điều 62 Luật Xây dựng: công trình thuộc bí mật nhà nước; công trình xây dựng theo lệnh khẩn cấp; công trình tạm phục vụ xây dựng công trình chính; các công trình sửa chữa, cải tạo, lắp đặt thiết bị bên trong không làm thay đổi kiến trúc, kết cấu chịu lực và an toàn công trình). Các trường hợp khác trước khi khởi công xây dựng công trình, chủ đầu tư phải có giấy phép xây dựng theo quy định.

3. Về quản lý xây dựng: tuyên truyền, vận động tổ chức, cá nhân chấp hành tốt Luật Xây dựng; thực hiện hướng dẫn xây dựng theo giấy phép, kiểm tra các hoạt động xây dựng, đình chỉ thi công các công trình xây dựng trái phép, các công trình không đảm bảo an toàn; kiểm tra trách nhiệm cơ quan quản lý chuyên ngành và quản lý địa bàn; từng bước chỉnh trang một số khu vực, tuyến đường để đảm bảo cảnh quan, kiến trúc phù hợp. Kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý nghiêm các vi phạm, kiên quyết cưỡng chế tháo dỡ, khôi phục hiện trạng đối với các trường hợp vi phạm mà theo quy hoạch hoặc theo quy định không thể cho phép tồn tại.

4. Nghiêm cấm việc xây dựng công trình nằm trong khu vực cấm xây dựng; xây dựng công trình lấn chiếm hành lang bảo vệ công trình giao thông, thủy lợi, đê điều, năng lượng, khu di tích lịch sử - văn hóa và khu vực bảo vệ các công trình khác theo quy định của pháp luật; xây dựng công trình ở khu vực có nguy cơ sạt lở, lũ quét; xây dựng công trình vi phạm quy hoạch, vi phạm chỉ giới, công trình không có giấy phép xây dựng (đối với công trình phải có giấy phép) hoặc xây dựng sai giấy phép; nhà thầu hoạt động xây dựng không đủ điều kiện năng lực hành nghề xây dựng; xây dựng công trình không tuân thủ quy chuẩn, tiêu chuẩn xây dựng; vi phạm các quy định về an toàn lao động, tài sản và vệ sinh môi trường trong xây dựng; cơi nới, lấn chiếm không gian, khu vực công cộng, lối đi, mương, cống thoát nước, lòng sông, kênh rạch...

           

Điều 10. Trách nhiệm quản lý trật tự xây dựng

1. Phòng Quản lý đô thị giúp UBND thành phố quản lý quy hoạch xây dựng, cấp phép xây dựng, chất lượng công trình xây dựng trên địa bàn theo quy định; hướng dẫn, đôn đốc, kiểm tra việc chấp hành pháp luật về xây dựng; giải quyết các thủ tục hành chính về xây dựng, tham mưu Chủ tịch UBND thành phố xử phạt hành chính theo thẩm quyền trong lĩnh vực xây dựng và tổ chức thực hiện quyết định.

2. UBND phường, xã có trách nhiệm hướng dẫn và xác minh hồ sơ về hiện trạng và nguồn gốc nhà, đất khi cá nhân, tổ chức có yêu cầu xin xây dựng, sửa chữa. Chủ tịch UBND phường, xã là người chịu trách nhiệm chính về việc phát hiện và xử lý theo thẩm quyền các vi phạm về xây dựng trên địa bàn mình quản lý, nếu vượt thẩm quyền thì lập biên bản, chuyển hồ sơ lên Phòng Quản lý đô thị trình Chủ tịch UBND thành phố xử lý theo thẩm quyền; tổ chức cưỡng chế thực hiện các quyết định do mình xử phạt; phối hợp với các cơ quan chức năng tổ chức thực hiện các quyết định xử lý theo quy định của pháp luật.

3. Trưởng khu phố, ấp, Tổ trưởng tổ NDTQ chịu trách nhiệm quản lý địa bàn, tuyên truyền vận động nhân dân khi xây dựng, sửa chữa phải xin phép và thực hiện theo giấy phép, kịp thời phát hiện, ngăn chặn các trường hợp xây dựng, sửa chữa trái phép, yêu cầu đình chỉ thi công và báo cáo Chủ tịch UBND phường, xã lập biên bản, xử phạt theo quy định.

 

Mục 5

QUẢN LÝ VỆ SINH MÔI TRƯỜNG,

CÂY XANH VÀ ĐIỆN CHIẾU SÁNG CÔNG CỘNG

 

Điều 11. Nội dung quản lý vệ sinh môi trường

1. Việc quét, thu gom rác và xử lý rác thải

Các tuyến đường trên địa bàn thành phố và các khu dân cư đều phải được quét dọn và thu gom rác thải; các khu vực công cộng và ở một số khu dân cư có nhu cầu phải bố trí thùng rác công cộng; bố trí các điểm tập kết rác và trung chuyển rác hợp lý, không gây ô nhiễm môi trường; việc vận chuyển rác về bãi và xử lý rác phải đảm bảo đúng quy trình, thời gian hợp lý; không để hình thành tự phát các điểm đổ rác trong khu dân cư.

2. Quản lý việc đảm bảo vệ sinh môi trường của tổ chức, hộ gia đình, cơ sở sản xuất kinh doanh.

- Tổ chức, hộ gia đình, cá nhân có trách nhiệm bảo vệ môi trường, chấp hành các quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường, phát hiện và tố giác các hành vi vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường, hợp đồng với đơn vị chuyên trách thu gom rác sản xuất, sinh hoạt. Tổ chức, hộ gia đình, cá nhân gây tổn hại về môi trường do hành vi, hoạt động của mình phải bồi thường thiệt hại theo quy định pháp luật;

- Tổ chức, cá nhân, hộ gia đình có trách nhiệm bảo vệ nguồn nước, hệ thống cấp nước, thoát nước, công trình vệ sinh, thực hiện các quy định về vệ sinh công cộng ở đô thị, khu dân cư. Hộ gia đình, cơ quan, tổ chức phải xử lý hợp lý rác thải và nước sinh hoạt gia đình. Rác thải phải bỏ vào túi nilon và để vào thùng rác công cộng hoặc mang ra vào giờ xe lấy rác đến thu gom; thường xuyên quét, thu gom, làm vệ sinh trước, trong và xung quanh nhà, vỉa hè, cơ quan, tổ chức mình; không được đổ chất thải, phóng uế bừa bãi; vứt hoặc để bao bì, dụng cụ gói đựng hàng, giấy, rác, hàng hóa, chất béo, mỡ động vật và các đồ vật khác ra đường giao thông, xuống sông, cống rãnh hoặc bất kỳ khu vực nào gây ô nhiễm, môi trường;

- Các cơ sở sản xuất kinh doanh: tổ chức, cá nhân trong sản xuất kinh doanh phải thực hiện các biện pháp đảm bảo vệ sinh môi trường, không được gây ô nhiễm, gây tiếng ồn, độ rung vượt quá giới hạn cho phép. Cơ sở phải có thiết bị kỹ thuật để xử lý chất thải, nước thải đảm bảo tiêu chuẩn môi trường, phòng chống suy thoái môi trường, sự cố môi trường. Đối với nước thải, rác thải có chứa chất độc hại, nguồn gây dịch bệnh, chất dễ cháy, nổ, các chất không phân hủy được phải có biện pháp xử lý trước khi thải.

3. Xây dựng, sửa chữa, nạo vét và khai thông mương, cống, rãnh, hố ga.

Thực hiện xây dựng, sửa chữa hệ thống thoát nước ở những nơi chưa có hoặc bị hư hỏng xuống cấp, đồng thời phải thực hiện tốt việc nạo vét, khai thông mương, cống rãnh, hố ga đảm bảo dòng chảy thông suốt, không bị ứ đọng.

4. Nghiêm cấm các hành vi sau đây:

- Các hành vi làm suy thoái môi trường, gây ô nhiễm môi trường, gây sự cố môi trường;

- Thải khói, bụi, khí có chất hoặc mùi độc hại vào không khí;

- Thải dầu mỡ, hóa chất độc hại, chất phóng xạ quá giới hạn cho phép, các chất thải, xác động vật, thực vật, vi khuẩn độc hại và gây dịch bệnh vào nguồn nước, chôn vùi, thải vào đất các chất độc hại quá giới hạn cho phép;

- Cấm phơi quần áo tại công viên, khu vực công cộng, tiêu, tiểu không đúng nơi quy định; để súc vật phóng uế trên đường, vỉa hè, nơi công cộng.

5. Việc an táng, quàn, ướp, chôn, hỏa táng, di chuyển thi hài, hài cốt phải chấp hành đúng quy định của Luật Bảo vệ chăm sóc sức khỏe nhân dân và Điều lệ vệ sinh ban hành kèm theo Nghị định số 23/HĐBT ngày 24/11/1991 của Hội đồng Bộ trưởng (nay là Chính phủ).

 

Điều 12. Trách nhiệm quản lý vệ sinh môi trường           

1. Công ty công trình đô thị chịu trách nhiệm quét, thu gom rác ở các tuyến đường nội ô, vận chuyển rác về bãi và xử lý theo quy trình, hợp đồng với các hộ dân thu gom rác thải, rác sinh hoạt. Việc quét, thu gom rác trong các hẻm, khu dân cư ở những nơi chưa có hợp đồng với Công ty công trình đô thị do UBND phường, khu phố, ấp, tổ NDTQ vận động nhân dân thực hiện việc thu gom và bỏ vào các thùng rác công cộng. UBND phường, khu phố, tổ NDTQ chịu trách nhiệm tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện nếp sống văn hóa, văn minh đô thị, phát động phong trào toàn cộng đồng tham gia giữ gìn vệ sinh chung quản lý rác thải, xóa dần các tập quán lạc hậu như đốt rải vàng mã, quét, đổ rác ra đường, vận động cá nhân, tổ chức, cơ sở sản xuất kinh doanh chấp hành, thực hiện các nội dung quản lý nêu trên.

2. Trách nhiệm, xây dựng, sửa chữa, nạo vét, khai thông mương, cống rãnh, hố ga.

- Phòng Quản lý đô thị có trách nhiệm phối hợp với Phòng Tài chính - Kế hoạch xây dựng kế hoạch hàng năm trình UBND thành phố phê duyệt. Việc xây dựng, sửa chữa hệ thống thoát nước của các tuyến đường nội ô nếu là đường hẻm, đường nội bộ do UBND phường, xã vận động nhân dân đóng góp kinh phí, công lao động thực hiện theo phương châm nhà nước và nhân dân cùng làm.

- Công ty công trình đô thị thực hiện việc nạo vét mương, cống thoát nước, khai thông cống rãnh, hố ga trên các tuyến đường nội ô. Đối với các đường hẻm, đường nội bộ trong khu vực dân cư thì UBND phường, khu phố vận động nhân dân thực hiện.

3. Phòng Tài nguyên - Môi trường giúp UBND thành phố quản lý nhà nước về vệ sinh môi trường, có trách nhiệm thực hiện các nhiệm vụ, biện pháp bảo vệ môi trường; kiểm tra, lập biên bản các vi phạm về vệ sinh môi trường, đề nghị Chủ tịch UBND thành phố xử lý theo quy định.

4. UBND phường, xã chịu trách nhiệm chính về việc phát hiện và xử lý theo thẩm quyền các vi phạm về VSMT, nếu vượt thẩm quyền thì lập biên bản chuyển hồ sơ đề nghị Chủ tịch UBND thành phố xử lý theo quy định.

5. Trưởng khu phố, Tổ trưởng tổ NDTQ chịu trách nhiệm quản lý trực tiếp địa bàn, kịp thời phát hiện các trường hợp vi phạm, yêu cầu chấm dứt hành vi vi phạm và báo cáo Chủ tịch UBND phường, xã lập biên bản, quyết định xử lý hoặc đề nghị cơ quan có thẩm quyền xử lý.

6. Công ty công trình đô thị, các Ban Quản lý chợ và Trung tâm thương mại kịp thời phát hiện và thông báo cho các cơ quan, người có thẩm quyền lập biên bản xử phạt các hành vi vi phạm vệ sinh môi trường theo quy định hiện hành.

           

Điều 13. Nội dung quản lý cây xanh trong đô thị

1. Xây dựng quy hoạch hệ thống cây xanh trong đô thị.

2. Thực hiện trồng mới, trồng dặm, thay thế cây xanh công cộng trong đô thị.

3. Khuyến khích các cơ quan, đơn vị và nhân dân trồng cây xanh trong khu nhà ở, trường học, cơ quan, công trình công cộng.

4. Thực hiện tốt việc quản lý, chăm sóc cây xanh trong đô thị. Tuyên truyền, vận động các tổ chức, cá nhân tham gia quản lý, chăm sóc, bảo vệ cây xanh; kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý các hành vi làm hư hỏng cây xanh, cây cảnh, vườn hoa, thảm cỏ, chăn thả súc vật trong công viên, vườn hoa; chặt phá, đốn cành, treo biển quảng cáo vào cây xanh ở đường phố và các hành vi phá hoại khác.

5. Cây cổ thụ có trong các vườn tự nhiên, biệt thự, chùa đền, am, miếu, nhà thờ, các di tích lịch sử - văn hóa, công trình công cộng đô thị phải được bảo tồn. Cơ quan quản lý cây xanh đô thị phối hợp với chủ sở hữu lập danh sách để bảo vệ, quản lý, chăm sóc theo quy định.

 

Điều 14. Trách nhiệm quản lý cây xanh trong đô thị

1. Phòng Quản lý đô thị giúp UBND thành phố quản lý cây xanh trong đô thị. Xây dựng và thực hiện quy hoạch cây xanh trong đô thị theo Quyết định số 01/2006/QĐ-BXD ngày 05/01/2006 của Bộ trưởng Bộ Xây dựng; kiểm tra, đề nghị Chủ tịch UBND thành phố xử lý các hành vi vi phạm việc bảo vệ cây xanh trong đô thị.

2. Công ty công trình đô thị giúp UBND thành phố thực hiện kế hoạch trồng mới, trồng dặm, thay thế, quản lý, chăm sóc cây xanh trong đô thị. Thực hiện việc chặt cây, tỉa nhánh, chống đổ, ngả cây xanh theo quy định.

3. Các cơ quan, tổ chức, hộ gia đình có trách nhiệm tham gia quản lý, bảo vệ, chăm sóc cây xanh do cơ quan quản lý cây xanh trồng; thực hiện trồng cây xanh trong khuôn viên cơ quan, đơn vị, nhà ở để tạo bóng mát, cảnh quang môi trường.

4. UBND phường quản lý cây xanh công cộng trên địa bàn mình; kịp thời phát hiện, ngăn chặn, lập biên bản, xử lý vi phạm theo quy định.

5. Khu phố, tổ NDTQ có trách nhiệm tuyên truyền, vận động các hộ dân, cơ quan, đơn vị trên địa bàn mình tham gia quản lý, bảo vệ, chăm sóc cây xanh, kịp thời phát hiện ngăn chặn các vi phạm, báo cáo UBND phường kiểm tra, xử lý theo quy định.

 

Điều 15. Nội dung quản lý điện chiếu sáng công cộng

1. Đầu tư, cải tạo, nâng cấp hệ thống chiếu sáng công cộng.

2. Thực hiện bảo dưỡng, sửa chữa, duy trì hoạt động của hệ thống chiếu sáng công cộng, đảm bảo cho hệ thống chiếu sáng vận hành an toàn, tiết kiệm và hiệu quả.

3. Tuyên truyền, vận động cơ quan, đơn vị và nhân dân thực hiện tốt Luật Điện lực, tham gia quản lý, bảo vệ hệ thống chiếu sáng công cộng, tham gia đầu tư xây dựng điện chiếu sáng trong các hẻm và khu dân cư.

4. Phát hiện, ngăn chặn, xử lý các hành vi vi phạm hệ thống chiếu sáng công cộng.

5. Nghiêm cấm các hành vi sau đây:

- Vào trạm điện, tháo gỡ hoặc leo trèo lên các bộ phận của công trình lưới điện khi không có phận sự;

- Trộm cắp, ném bắn, gây hư hỏng các bộ phận của công trình lưới điện;

- Sử dụng điện để bẫy, bắt động vật, làm phương tiện bảo vệ trái quy định;

- Thả diều, vật bay gần công trình lưới điện cao áp, thả bất kỳ vật gì có khả năng gây hư hại đến công trình lưới điện cao áp;

- Lắp đặt ăng ten, dây phơi, giàn giáo, biển, hộp đèn quảng cáo và các vật dụng khác tại các vị trí mà khi bị đổ, rơi có thể va quẹt vào công trình lưới điện cao áp;

- Trồng cây hoặc để cành cây, dây leo vi phạm khoảng cách an toàn đối với đường điện trên không, trạm điện, để cây đổ vào đường dây điện khi phát quang tuyến;

- Bắn chim đậu trên dây điện, trạm điện; tháo gỡ dây kéo, dây tiếp địa và các phụ kiện khác của cột điện; đào đất gây lún sụt công trình lưới điện cao áp; đắp đất vi phạm khoảng cách an toàn; sử dụng cột điện, trạm điện để làm nhà, lều quán, buộc trâu, bò hoặc gia súc khác.

 

Điều 16. Trách nhiệm quản lý điện chiếu sáng công cộng

1. Phòng Quản lý đô thị giúp UBND thành phố quản lý hệ thống chiếu sáng công cộng trên địa bàn. Phối hợp với các ngành liên quan lập các dự án đầu tư, cải tạo, nâng cấp hệ thống chiếu sáng công cộng. Kiểm tra, lập biên bản đề nghị Chủ tịch UBND thành phố xử lý các hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực điện lực.

2. Công ty công trình đô thị phối hợp với Chi nhánh điện lực thành phố và các đơn vị liên quan thực hiện việc bảo dưỡng, sửa chữa, duy trì hoạt động của hệ thống chiếu sáng công cộng, đảm bảo hệ thống chiếu sáng công cộng vận hành an toàn; thực hiện tốt chủ trương của Chính phủ và UBND tỉnh về tiết kiệm điện. Kịp thời phát hiện, báo cáo UBND thành phố xử lý các trường hợp vi phạm theo quy định.

3. UBND phường, xã có trách nhiệm quản lý hệ thống chiếu sáng công cộng trên địa bàn mình; vận động nhân dân, cơ quan, đơn vị trên địa bàn tham gia đầu tư, sửa chữa hệ thống chiếu sáng công cộng ở khu dân cư theo phương châm nhà nước và nhân dân cùng làm, kịp thời phát hiện, lập biên bản xử lý hoặc đề nghị Chủ tịch UBND thành phố xử lý vi phạm hành chính về điện lực theo quy định.

 

Mục 6

QUẢN LÝ QUẢNG CÁO TRONG ĐÔ THỊ

 

Điều 17. Nội dung quản lý quảng cáo trong đô thị

1. Thực hiện quy hoạch các khu vực, đường phố, địa điểm được phép quảng cáo; quy hoạch về quy mô, kích cỡ, số lượng các loại hình quảng cáo cho từng khu vực đảm bảo an toàn giao thông, mỹ quan đô thị, an toàn về phòng cháy chữa cháy và kết cấu xây dựng.

2. Tổ chức, hướng dẫn thực hiện các quy định của pháp luật về quảng cáo trên địa bàn.

- Các hoạt động quảng cáo phải tuân thủ các quy định của Pháp lệnh quảng cáo, Nghị định số 24/2003/NĐ-CP ngày 13/3/2003 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Pháp lệnh quảng cáo.

- Đối với quảng cáo trên bảng, panô, màn hình, băng rôn, vật phát quang; vật thể trên không, dưới nước, vật thể di động khác và các hình thức tương tự treo, đặt, dán, dựng ở ngoài trời hoặc tại điểm công cộng phải thực hiện theo các quy định sau:

+ Không được che khuất trên mười phần trăm diện tích sản phẩm quảng cáo đã đặt trước chưa hết thời hạn, theo hướng phía trước;

+ Không được đặt trong hành lang an toàn giao thông, lưới điện quốc gia; không được che khuất biển báo, đèn tín hiệu giao thông, bảng chỉ dẫn công cộng;

+ Hạn chế quảng cáo có diện tích lớn ngoài trời không phù hợp với quy hoạch đô thị, an toàn xã hội, mỹ quan và cảnh quan môi trường.

3. Kiểm tra, xử lý các hành vi vi phạm về quảng cáo.

 

Điều 18. Trách nhiệm quản lý quảng cáo trong đô thị

1. Phòng Văn hóa - Thông tin - Thể thao giúp UBND thành phố thực hiện quản lý nhà nước đối với hoạt động quảng cáo trên địa bàn. Hướng dẫn tổ chức, cá nhân thực hiện đúng các quy định về quảng cáo; kiểm tra, đề nghị Chủ tịch UBND thành phố xử lý các hành vi vi phạm về quảng cáo, trọng tâm là các vi phạm quy định tại các Điều 48, Điều 49, Điều 50, Điều 51 Nghị định số 56/2006/NĐ-CP ngày 06/6/2006 của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động văn hóa thông tin.

2. UBND phường thực hiện quản lý đối với các quảng cáo trên địa bàn. Kịp thời phát hiện, lập biên bản, xử lý hoặc đề nghị Chủ tịch UBND thành phố xử lý vi phạm theo quy định.

Chương III

TRÁCH NHIỆM CỦA MẶT TRẬN TỔ QUỐC VÀ CÁC ĐOÀN THỂ

NHÂN DÂN TRONG THỰC HIỆN CÁC QUY ĐỊNH VỀ TRẬT TỰ

ĐÔ THỊ, VỆ SINH MÔI TRƯỜNG

 

Điều 19.

1. Tuyên truyền, giáo dục sâu rộng trong hệ thống tổ chức và thành viên của mình hiểu rõ các quy định về trật tự đô thị, vệ sinh môi trường, nâng lên ý thức tự giác trong thực hiện.

2. Xây dựng, nhân rộng những điển hình, mô hình tiêu biểu, gương mẫu của đoàn viên, hội viên trong thực hiện quy định. Cụ thể hóa các quy định về TTĐT, VSMT thành các tiêu chí thi đua, đánh giá hiệu quả hoạt động của từng tổ chức đoàn thể quần chúng.

3. Thường xuyên giám sát việc thực hiện quy định, đề xuất, kiến nghị các cấp chính quyền biện pháp quản lý, thực hiện.

 

Chương IV

KIỂM TRA, XỬ LÝ VI PHẠM VỀ TRẬT TỰ ĐÔ THỊ,

VỆ SINH MÔI TRƯỜNG

 

Điều 20.

1. Ban Chỉ đạo trật tự đô thị, vệ sinh môi trường, Ban An toàn giao thông thành phố tăng cường kiểm tra trách nhiệm của các cơ quan, ban ngành thành phố và UBND phường, xã trong thực hiện quy định, đề xuất UBND thành phố kiểm điểm, xử lý trách nhiệm đối với Thủ trưởng cơ quan, đơn vị, cá nhân không thực hiện hoặc vi phạm các quy định.

2. Các cơ quan, ban ngành, đoàn thể thành phố, UBND phường, xã trong phạm vi trách nhiệm của mình tăng cường kiểm tra các đơn vị trực thuộc và cán bộ, công chức, viên chức do mình quản lý, với yêu cầu:

- Tất cả các cơ quan, ban ngành, đoàn thể, UBND phường, xã và cán bộ, công chức, viên chức phải nghiêm chỉnh chấp hành và gương mẫu trong thực hiện quy định;

- Việc xét các danh hiệu đơn vị văn hóa, thi đua khen thưởng hàng năm và các danh hiệu khác của tập thể, cá nhân phải gắn với việc xem xét trách nhiệm trong thực hiện các quy định về trật tự đô thị, vệ sinh môi trường.

           

Điều 21. Thực hiện tốt trách nhiệm quản lý theo ngành và theo địa bàn, thường xuyên kiểm tra, xử lý nghiêm các vi phạm về trật tự đô thị, vệ sinh môi trường theo các quy định sau:

- Nghị định số 152/2005/NĐ-CP ngày 15/12/2005 của Chính phủ về xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ;

- Nghị định số 09/2005/NĐ-CP ngày 27/01/2005 của Chính phủ xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường thủy nội địa;

- Nghị định số 126/2004/NĐ-CP ngày 26/5/2004 của Chính phủ về xử lý vi phạm hành chính trong hoạt động xây dựng, quản lý công trình hạ tầng đô thị và quản lý sử dụng nhà;

- Nghị định số 05/2007/NĐ-CP ngày 09/01/2007 của Chính phủ về phòng, chống bệnh dại ở động vật;

- Nghị định số 29/2007/NĐ-CP ngày 27/02/2007 của Chính phủ về quản lý kiến trúc đô thị;

- Nghị định số 74/2003/NĐ-CP ngày 26/6/2003 của Chính phủ về xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực điện lực.

- Nghị định số 39/2007/NĐ-CP ngày 16/3/2007 của Chính phủ về cá nhân hoạt động thương mại một cách độc lập, thường xuyên không phải đăng ký kinh doanh.

- Nghị định số 182/2004/NĐ-CP ngày 29/10/2004 của Chính phủ về xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai;

- Nghị định số 175/2004/NĐ-CP ngày 10/10/2005 của Chính phủ về xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực thương mại;

- Nghị định số 81/2006/NĐ-CP ngày 09/8/2006 của Chính phủ về xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường;

- Nghị định số 45/2005/NĐ-CP ngày 06/4/2005 của Chính phủ quy đinh về xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế;

- Nghị định số 150/2005/NĐ-CP ngày 12/12/2005 của Chính phủ quy định xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh và trật tự, an toàn xã hội;

- Nghị định số 56/2006/NĐ-CP ngày 06/6/2006 của Chính phủ về xử lý vi phạm hành chính trong hoạt động văn hóa thông tin;

- Nghị định số 35/2005/NĐ-CP ngày 17/3/2005 của Chính phủ về việc xử lý kỷ luật cán bộ, công chức;

- Quyết định số 44/2005/QĐ-UBND ngày 16/9/2005 của UBND tỉnh Kiên Giang về việc ban hành quy định lập, thẩm định, phê duyệt quy hoạch xây dựng và quản lý xây dựng theo quy hoạch trên địa bàn tỉnh Kiên Giang.

- Quyết định số 13/2006/QĐ-UBND ngày 28/3/2006 của UBND tỉnh Kiên Giang về việc ban hành quy định quản lý, sử dụng và khai thác các công trình hạ tầng kỹ thuật đô thị trên địa bàn tỉnh Kiên Giang;

- Quyết định số 35/2006/QĐ-UBND ngày 11/10/2006 của UBND tỉnh Kiên Giang về việc ban hành quy định về quản lý và bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ và chỉ giới xây dựng của hệ thống đường bộ trên địa bàn tỉnh Kiên Giang;

- Các quy định khác của pháp luật có liên quan.

 

Chương V

KHEN THƯỞNG, XỬ LÝ VI PHẠM VÀ TỔ CHỨC THỰC HIỆN

 

Điều 22.

1. Cơ quan, đơn vị, cán bộ, công chức, viên chức và nhân dân có thành tích trong việc thực hiện quy định về trật tự đô thị, vệ sinh môi trường được xét khen thưởng theo quy định.

2. Cơ quan, đơn vị, cán bộ, công chức, viên chức và nhân dân vi phạm quy định về trật tự đô thị, vệ sinh môi trường tùy theo tính chất, mức độ mà bị xử lý theo các quy định tại Điều 21 Quy định này.

 

Điều 23.

1. Các cơ quan, ban ngành thành phố, UBND phường, xã có trách nhiệm triển khai quán triệt trong cơ quan, đơn vị, cán bộ, công chức, viên chức của cơ quan, đơn vị mình và thực hiện tốt thẩm quyền, trách nhiệm đã quy định.

2. Đài Truyền thanh, Phòng Tư pháp thành phố, UBND phường, xã, khu phố, ấp có trách nhiệm tuyên truyền, phổ biến sâu rộng Quy định này trong nhân dân.

3. Đề nghị Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể nhân dân triển khai, tuyên truyền trong hệ thống tổ chức và thành viên mình, đề ra hình thức, biện pháp thực hiện có hiệu quả Quy định này.

 

Điều 24.

1. Giao Phòng Quản lý đô thị, Phòng Tài nguyên - Môi trường, Công an thành phố, Phòng Văn hóa - Thông tin - Thể thao, Phòng Nội vụ - Lao động TBXH, Văn phòng HĐND-UBND thành phố giúp UBND thành phố Rạch Giá theo dõi việc triển khai thực hiện Quy định này. Định kỳ hàng tháng báo cáo tình hình thực hiện, 6 tháng, năm báo cáo sơ kết việc thực hiện quy định.

2. Quá trình thực hiện có sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với tình hình thực tế và các quy định của pháp luật hiện hành./.

 

Ủy ban nhân dân thành phố Rạch Giá

Chủ tịch

(Đã ký)

 

Phạm Hoàng Nam