Sign In

NGHỊ QUYẾT

Thông qua quy hoạch thăm dò, khai thác và sử dụng tài nguyên cát lòng sông Tiền, tỉnh Tiền Giang đến năm 2020

______________

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN TỈNH TIỀN GIANG
KHÓA VII - KỲ HỌP THỨ 9

Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân ngày 26 tháng 11 năm 2003;

Căn cứ Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân ngày 03 tháng 12 năm 2004;

Căn cứ Luật Khoáng sản ngày 20 tháng 3 năm 1996; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Khoáng sản ngày 14 tháng 6 năm 2005:

Căn cứ Nghị định 160/2005/NĐ-CP ngày 27 tháng 12 năm 2005 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật Khoáng sản và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Khoáng sản;

Qua xem xét dự thảo Nghị quyết theo Tờ trình số 4622/TTr-UBND ngày 23 tháng 8 năm 2006 của Ủy ban nhân dân tỉnh Tiền Giang về việc đề nghị Hội đồng nhân dân tỉnh thông qua Quy hoạch thăm dò, khai thác và sử dụng tài nguyên cát lòng sông Tiền, tỉnh Tiền Giang đến năm 2020 và Báo cáo thẩm tra số 99/BC-HĐND ngày 21 tháng 9 năm 2006 của Ban Kinh tế - Ngân sách Hội đồng nhân dân tỉnh,

QUYẾT NGHỊ:

Điều 1. Thông qua Quy hoạch thăm dò, khai thác và sử dụng tài nguyên cát lòng sông Tiền, tỉnh Tiền Giang đến năm 2020 với các nội dung chủ yếu như sau:

1. Quan điểm, nguyên tắc và mục tiêu cơ bản của Quy hoạch

a) Quan điểm Quy hoạch

Việc thăm dò, khai thác và sử dụng tài nguyên cát sông tỉnh Tiền Giang phải chịu sự quản lý của Nhà nước; phải theo quy hoạch được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền phê duyệt; đảm bảo các lợi ích trước mắt và lâu dài; tạo thông thoáng cho dòng chảy; giảm thiểu nguy cơ sạt lở và tác động xấu đến môi trường; đảm bảo an toàn giao thông đường thủy, an ninh quốc phòng. Hoạt động khai thác phải thường xuyên được giám sát và điều chỉnh cho phù hợp với điều kiện tự nhiên, hướng tới đầu tư phát triển bền vững, gắn liền hoạt động khai thác cát sông với lợi ích của nhân dân địa phương nơi có khoáng sản được khai thác.

b) Nguyên tắc Quy hoạch

Khai thác, sử dụng hợp lý, tiết kiệm, hiệu quả tài nguyên khoáng sản phục vụ cho nhu cầu trước mắt và lâu dài; đồng thời phải đảm bảo yêu cầu về môi trường, cảnh quan thiên nhiên, di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh và các tài nguyên thiên nhiên khác;

Quy hoạch thăm dò, khai thác và sử dụng tài nguyên cát lòng sông Tiền của tỉnh phải phù hợp với Quy hoạch khoáng sản chung của cả nước đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

c) Mục tiêu Quy hoạch

Quy hoạch thăm dò, khai thác và sử dụng tài nguyên cát lòng sông Tiền, tỉnh Tiền Giang đến năm 2020 nhằm tăng cường công tác quản lý nhà nước về khoáng sản trên địa bàn tỉnh đúng theo quy định của pháp luật;

Đánh giá toàn diện, có hệ thống và bằng phương pháp khoa học để xác định trữ lượng nguồn tài nguyên và giá trị kinh tế khoáng sản cát sông Tiền, làm cơ sở để xem xét cấp phép hoặc không cấp phép thăm dò, khai thác khoáng sản cát lòng sông, phục vụ sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

2. Nhu cầu sử dụng tài nguyên cát lòng sông tỉnh Tiền Giang

Dự kiến tốc độ tăng trưởng kinh tế của tỉnh Tiền Giang giai đoạn 2006 - 2010 là 11%, giai đoạn 2010 - 2015 là 11,5%, giai đoạn 2015 - 2020 là 12%; tốc độ tăng trưởng kinh tế của cả giai đoạn 2006 - 2020 trung bình là 11,5%. Do đó, tổng nhu cầu cát san lấp phục vụ cho nhu cầu xây dựng các khu công nghiệp, cụm công nghiệp, hệ thống giao thông, các khu đô thị, công trình xây dựng, nhà ở giai đoạn 2006 - 2020 của tỉnh khoảng 80 triệu m3.

3. Nội dung cơ bản của Quy hoạch

a) Về tổng hợp tài nguyên cát sông Tiền, tỉnh Tiền Giang

Dự báo tài nguyên cấp 333: 59,7 triệu m3. Trong đó, tài nguyên có thể khai thác an toàn (trên mực xâm thực cơ sở): 54,8 triệu m3.

Chất lượng cát:

Độ hạt cát: cát hạt trung 8% - 12%; cát hạt nhỏ 75% - 84%; cát hạt mịn lẫn bột sét 6% - 16%.

Thành phần hóa silicat: SiO­2: 84,38%, P2O5: 0,01%; phần lớn cát sạch ít chất có hại. Các khoáng vật khác không đạt giá trị công nghiệp.

Cát có dung trọng khô lớn nhất 1,53 - 1,58g/cm3, độ ẩm tối ưu từ 20% -24%.

b) Quy hoạch khung các khu vực thăm dò, khai thác cát lòng sông Tiền, tỉnh Tiền Giang đến năm 2020

04 khu vực đủ cơ sở cho việc thăm dò, khai thác công nghiệp:

Khu vực I: từ xã Tân Thanh đến xã An Hữu, huyện Cái Bè: được khai thác tối đa đến độ sâu: đới cách bờ 200m sâu - 15m; đới giữa sông sâu - 20 mét;

Khu vực II: từ xã Hòa Hưng đến vàm Cái Thia, huyện Cái Bè: được khai thác tối đa đến độ sâu: đới cách bờ 200m sâu - 15m; đới giữa sông sâu - 20 mét;

Khu vực III: gồm nhánh sông phía Nam và nhánh sông phía Bắc cù lao Tân Phong:

Nhánh phía Bắc cù lao Tân Phong: tạm thời ngưng khai thác đến cuối năm 2007, kiểm tra lòng dẫn, khi cần thiết (làm thông thoáng dòng chảy,...) sẽ xem xét cấp phép khai thác theo chu kỳ;

Nhánh phía Nam cù lao Tân Phong: được khai thác tối đa đến độ sâu: đới cách bờ 200m sâu - 15m; đới giữa sông sâu - 20 mét;

Khu vực IV: nhánh sông Tiền bờ Nam cồn Thới Sơn, huyện Châu Thành: được khai thác tối đa đến độ sâu: đới cách bờ 200m sâu - 15m; đới giữa sông sâu - 20 mét;

Đối với các khu vực trên, thời hạn giấy phép khai thác là 05 năm; định kỳ kiểm tra hiện trạng mỏ 01lần/năm.

Các khu vực khai thác quy mô nhỏ:

Phạm vi các khu vực còn lại trên sông Tiền, tỉnh Tiền Giang;

Công suất khai thác dưới 15.000 m3/năm;

Thời hạn giấy phép tối đa là 01 năm.

c) Sản lượng khai thác cát theo từng thời kỳ trên phạm vi toàn tỉnh Tiền Giang:

Từ năm 2006 đến năm 2010: 2,5 triệu m3/năm;

Từ năm 2011 đến năm 2015: 6,0 triệu m3/năm;

Từ năm 2016 đến năm 2020: 8,0 triệu m3/năm;

d) Các khu vực cấm khai thác cát bao gồm

Khu vực cầu Mỹ Thuận: có tọa độ Universal Transverse Mercator (viết tắt là tọa độ UTM) từ: 5.97.200 - 6.01.000;

Khu vực Cảng Mỹ Tho: có tọa độ UTM từ: 6.41.150 - 6.44.300;

Khu vực Cầu Rạch Miễu đến Rạch Kỳ Hôn: có tọa độ UTM từ: 6.47.000 - 6.52.700.

Điều 2. Giao Ủy ban nhân dân tỉnh chịu trách nhiệm tổ chức triển khai và hướng dẫn thực hiện Nghị quyết.

Trong quá trình triển khai thực hiện nếu gặp khó khăn, vướng mắc hoặc xuất phát từ thực tiễn phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, Ủy ban nhân dân tỉnh trình Hội đồng nhân dân tỉnh quyết định việc điều chỉnh Nghị quyết.

Giao Ban Kinh tế - Ngân sách Hội đồng nhân dân tỉnh và đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh giám sát việc thực hiện Nghị quyết.

Nghị quyết này được Hội đồng nhân dân tỉnh Tiền Giang khóa VII, kỳ họp thứ 9 thông qua và có hiệu lực thi hành sau 10 ngày, kể từ ngày Hội đồng nhân dân tỉnh thông qua./.

Hội đồng Nhân dân tỉnh Tiền Giang

Chủ tịch

(Đã ký)

 

Đỗ Tấn Minh