Sign In

CHỈ THỊ CỦA UBND TỈNH HƯNG YÊN

Về việc quản lý, bảo vệ và sử dụng di tích lịch sử, văn hóa và danh lam thắng cảnh

________________________

 Những năm qua, thực hiện pháp lệnh số 14/LCT-HĐNN ngày 4/4/1984 của Chủ tịch Hội đồng Nhà nước về “Bảo vệ di tích lịch sử văn hoá và danh lam thắng cảnh”, các cấp uỷ, chính quyền và nhân dân ở nhiều địa phương đã góp nhiều công sức, quan tâm giữ gìn, tôn tạo các di tích lịch sử văn hoá trong tỉnh. Di tích lịch sử văn hoá thể hiện truyền thống quý báu, là tài sản vô giá của nhân dân tỉnh ta, cần phải được đặc biệt quan tâm, giữ gìn bảo vệ. Nhiều địa phương, cơ sở đã thực hiện tốt những quy định của nhà nước về bảo vệ quản lý di tích. Tuy nhiên vẫn còn tình trạng chính quyền một số nơi buông lỏng quản lý, thiếu sự giáo dục và vận động nhân dân chăm lo bảo vệ di tích, dẫn đến tình trạng đất đai, cảnh quan của di tích bị xâm hại, cổ vật bị mất cắp, hoặc tu sửa, tôn tạo di tích trái phép làm hỏng di tích. Huy động nhân dân đóng góp cũng như dùng quỹ công đức không đúng mục đích, chưa có biện pháp ngăn ngừa các hoạt động hành nghề mê tín dị đoan trong các khu di tích và lễ hội.

 Để quản lý, bảo vệ và sử dụng các di tích lịch sử, văn hoá và danh lam thắng cảnh, Uỷ ban nhân dân tỉnh chỉ thị:

 1- Các địa phương cần tổ chức kiểm tra việc thực hiện pháp lệnh của Chủ tịch hội đồng Nhà nước về bảo vệ di tích lịch sử văn hoá và danh lam thắng cảnh. Việc thực hiện các quy định của Bộ Văn hoá thông tin, của tỉnh đã ban hành; có kế hoạch biện pháp ngăn chặn, đình chỉ các hành vi xâm hại, làm hỏng di tích.

 2- Thành lập Ban quản lý những di tích đã được xếp hạng. Nơi đã thành lập thì củng cố Ban quản lý. Di tích chưa được xếp hạng cũng cần chỉ người trông coi. Phân công nhiệm vụ của những thành viên trong Ban quản lý di tích. Phải lập hồ sơ cổ vật trong di tích, có phương án bảo vệ. Chính quyền địa phương phối hợp với ngành Văn hoá, ngành Công an có biện pháp quản lý, bảo vệ di tích, giữ gìn cổ vật, không để xảy ra mất mát. Khi phát hiện kẻ gian lấy cắp cổ vật, phải nhanh chóng truy tìm thủ phạm, xử lý nghiêm theo pháp luật.

 3- Việc sửa chữa nhỏ được tiến hành bình thường sau khi đã thông báo cho UBND cấp xã, phường biết…Việc sửa chữa, cơi nới làm thay đổi kiến trúc công trình, việc xây lại phải được phép của UBND tỉnh. Những nơi thờ tự được ngành văn hoá xếp hạng, khi sửa chữa phải có sự thống nhất giữa ngành Văn hoá với tổ chức tôn giáo phụ trách. Chỉ khi được phê duyệt quy hoạch và thiết kế dự toán mới tiến hành cải tạo sửa chữa. Việc thay đổi bài trí tượng và đồ thờ trong di tích, sơn mới hoặc thêm bớt tượng, đồ thờ tự phải theo hướng dẫn của ngành Văn hoá.

 4- Tôn trọng tín ngưỡng của nhân dân đồng thời ngăn ngừa, bài trừ hành nghề mê tín dị đoan trong các khu di tích, lễ hội. Việc tổ chức lễ hội phải mang nội dung văn hoá truyền thống, bảo đảm an ninh trật tự. Khắc phục khuynh hướng mê tín dị đoan và thương mại của lễ hội.

 5- Động viên nhiều nguồn kinh phí để tôn tạo di tích. Ngoài kinh phí chống xuống cấp do Nhà nước tài trợ, nguồn tài chính do tập thể và cá nhân công đức phải quản lý và sử dụng theo đúng quy định về quản lý tài chính của Nhà nước, thông báo công khai cho dân biết.

 6- Đối với những di tích lịch sử cách mạng không gắn với tín ngưỡng, chính quyền địa phương cần có kế hoạch dựng bia hoặc tượng đài kỷ niệm với quy mô phù hợp, bảo đảm yêu cầu về mỹ thuật được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

 7- Chú trọng giữ gìn cảnh quan di tích. Đối với di tích đã xếp hạng, bảo đảm đúng hiện trạng đã quy hoạch, nghiêm cấm và có hình phạt thích đáng những việc làm xâm hại đến cảnh quan di tích, như chặt hại cây cổ thụ, san lấp ao, hồ, gò đống…Ngoài cảnh quan của di tích mỗi địa phương cần có quy hoạch tạo dựng cảnh quan thiên nhiên và cảnh quan kiến trúc mang sắc thái riêng của địa phương mình. Thông báo quy hoạch để nhân dân biết và không vi phạm quy hoạch, không xây dựng các công trình kiên cố cao tầng trong vùng bảo vệ di tích

 8- Đối với quần thể di tích Phố Hiến, Uỷ ban nhân dân tỉnh giao cho Sở văn hoá thông tin cùng với Uỷ ban nhân dân thị xã Hưng Yên có phương án khắc phục nhanh tình trạng xuống cấp, tranh thủ nguồn vốn của Nhà nước đã được phê duyệt để tu bổ, tôn tạo, đồng thời tổ chức hướng dẫn tham quan du lịch, phát huy tác dụng và ảnh hưởng của di tích ở trong và ngoài tỉnh.

Nhận được chỉ thị này, yêu cầu Giám đốc Sở Văn hoá thông tin. Chủ tịch UBND các huyện, thị xã; các ngành có liên quan phổ biến nội dung chỉ thị đến các địa phương, có kế hoạch triển khai thực hiện và định kỳ báo cáo kết quả về Uỷ ban nhân dân tỉnh.

 Chỉ thị này có hiệu lực sau 10 ngày kể từ ngày ký ban hành.

Ủy ban nhân dân tỉnh Hưng Yên

Chủ tịch

(Đã ký)

 

Phạm Đình Phú