Sign In

CHỈ THỊ CỦA UBND TỈNH HƯNG YÊN

V/v cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất trên địa bàn tỉnh Hưng Yên

________________________

  Thực hiện Luật Đất đai năm 1993, tỉnh ta đã thực hiện việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất từ cuối năm 1993 đến nay đã đạt kết quả bước đầu.

  Các tổ chức, cá nhân sau khi được cấp GCNQSDĐ đều phấn khởi, yên tâm sản xuất và tích cực đầu tư cải tạo đất nâng cao năng suất cây trồng (đối với đất canh tác) một số hộ đã dùng GCNQSDĐ để thế chấp vay vốn phát triển sản xuất, kinh doanh. Việc tính thuế đất ở, đất nông nghiệp được công bằng và thuận lợi hơn. Tình trạng tranh chấp đất đai ở nông thôn đã giảm.

  Tuy nhiên, việc tổ chức cấp GCNQSDĐ ở nhiều địa phương còn một số tồn tại mà nổi bật là: Tiến độ thực hiện còn quá chậm (toàn tỉnh mới cấp GCNQSDĐ canh tác đạt 45,22%, đất dân cư đạt 23,8% số xã trong tỉnh). Vì vậy quyền quản lý theo pháp luật còn nhiều khó khăn. Đất công cộng ở nhiều nơi bị lạm dụng, mua bán trái pháp luật. Ranh giới giữa đất công và đất giao cá nhân sử dụng không rõ ràng.

  Để khắc phục tình trạng trên, đẩy mạnh việc cấp GCNQSDĐ trong năm 1997, Uỷ ban nhân dân tỉnh yêu cầu các cấp, các ngành thực hiện tốt một số nội dung sau:

  1. Ngành Địa chính cùng với các ngành Tư pháp, Nông nghiệp và PTNT rà soát lại toàn bộ các văn bản đã ban hành ở tỉnh về vấn đề này cụ thể hoá thành các văn bản của tỉnh Hưng Yên. Đồng thời phối hợp với các ngành Văn hoá- Thông tin, Đài phát thanh- truyền hình, Báo Hưng Yên tổ chức tuyên truyền sâu rộng Luật đất đai năm 1993 và các văn bản dưới luật về quản lý đất đai, nhất là vấn đề cấp GCNQSDĐ để mọi người dân biết và thực hiện.

  2. Thành lập Ban chỉ đạo cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất các cấp: Tỉnh, huyện do đồng chí Phó Chủ tịch UBND phụ trách khối sản xuất làm trưởng ban. Các thành viên gồm: Lãnh đạo các ngành; Địa chính, Tư pháp, Xây dựng, Tài chính, Thanh tra, Nông nghiệp và PTNT. Ban chỉ đạo cấp GCNQSDĐ có nhiệm vụ giúp UBND cùng cấp xây dựng kế hoạch triển khai và chỉ đạo thực hiện việc cấp GCNQSDĐ trên địa bàn mình quản lý.

 3. Cấp GCNQSDĐ cho tất cả các loại đất, các chủ sử dụng đất trên địa bàn tỉnh. Tập chung chỉ đạo hoàn thành cơ bản việc cấp GCNQSDĐ đã giao khoán ổn định lâu dài cho nông dân. Trước mắt là ở các xã ven đường 5A, 39A, 39B…Đối với khu dân cư, tập trung làm tại thị xã Hưng Yên, sau đó mở rộng ra các khu vực khác.

 Đồng thời qua công việc này, cần nắm lại toàn bộ toàn bộ diện tích đất công điền các cấp đang quản lý và sử dụng

 4. Sở Địa chính xây dựng kế hoạch tổ chức thực hiện của tỉnh và hướng dẫn các địa phương trình tự, thủ tục, lập đầy đủ hồ sơ địa chính để xét và cấp GCNQSDĐ đảm bảo chất lượng, đúng quy định của Nhà nước.

  5. Về kinh phí cho công việc này lấy từ 3 nguồn:

  - Chủ yếu do các chủ sử dụng đất được cấp GCNQSDĐ nộp phí đo đạc, các lệ phí mua giấy chứng nhận theo quy định của Nhà nước. UBND các xã, phường, thị trấn cần thông báo rõ từng khoản, mục cụ thể để mọi người dân biết và tự giác thực hiện

  - Ngân sách xã trích một phần từ nguồn thu chuyển quyền sử dụng đất theo tỷ lệ điều tiết ngân sách.

  - Ngân sách tỉnh trích từ nguồn thu này trợ cấp cho mỗi xã 5 triệu đồng. Sở Tài chính vật giá cùng Sở Địa chính thống nhất hướng dẫn việc thu, chi trình UBND tỉnh phê duyệt.

  6. Thời gian: Từ nay đến hết năm 1997 hoàn thành cơ bản việc cấp GCNQSDĐ theo kế hoạch của tỉnh. Trong quá trình thực hiện có vướng mắc cần phản ánh kịp thời về Ban chỉ đạo để báo cáo UBND tỉnh xử lý, giải quyết.

Ủy ban nhân dân tỉnh Hưng Yên

Chủ tịch

(Đã ký)

 

Phạm Đình Phú