Sign In

CHỈ THỊ CỦA UBND TỈNH HƯNG YÊN

Về việc đẩy mạnh phong trào toàn dân tham gia đấu tranh phòng chống tệ nạn xã hội

________________________

Trong những năm qua, dưới sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền, lực lượng Công an đã phối hợp cùng các ngành, các cấp, UBMT Tổ quốc, các đoàn thể, đẩy mạnh phát động phong trào quần chúng bảo vệ ANTQ, nhất là  cuộc vận động toàn dân tham gia quản lý, cảm hóa, giáo dục những người lầm lỗi tại địa bàn dân cư, phục vụ có hiệu quả nhiều chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước về công tác đấu tranh phòng chống tội phạm, giữ gìn TTATXH, góp phần làm ổn định chính trị và phát triển kinh tế- xã hội ở địa phương.

Tuy nhiên phong trào quần chúng bảo vệ ANTQ nhìn chung phát triển chưa đồng đều, chưa có chiều sâu và bề rộng. Việc triển khai thực hiện cuộc vận động toàn dân tham gia quản lý, cảm hóa giáo dục những lầm lỗi ở một số cơ sở, trong cơ quan, doanh nghiệp chưa được thường xuyên liên tục, chưa mạnh mẽ đồng bộ. Nguyên nhân là do một số cấp ủy Đảng, chính quyền cơ sở nhận thức về cuộc vận động chưa đầy đủ nên không tập trung chỉ đạo trong quá trình thực hiện còn qua loa, đại khái. Biện pháp tuyên truyền vận động còn nghèo nàn, phân công giúp đỡ đối tượng không cụ thể. Một số bộ phận cán bộ nhân dân, một số ngành, đoàn thể ở cơ sở chưa thấy hết trách nhiệm của mình và cho rằng việc này là của Công an các cấp, nên chưa tích cực tham gia.

Thời gian gần đây, cùng với sự ổn định về chính trị và phát triển mạnh về nền kinh tế- xã hội của tỉnh nhà, tình hình tệ nạn xã hội đang diễn biến phức tạp, các tệ nạn xã hội như cờ bạc, mại dâm, ma túy có chiều hướng gia tăng; hình thức thủ đoạn hoạt động của các đối tượng tệ nạn ngày càng tinh vi, ẩn náu trong các ổ chứa, nhà hàng quán trọ, quán karaoke trá hình; tình hình buôn bán, tàng trữ và sử dụng chất ma túy phát triển nhanh và nổi lên tệ nạn nghiện hút, tiêm chích ma túy trong thanh niên lây lan đến học sinh, sinh viên các trường học và các ký túc xá…Một số học sinh đã mắc nghiện ảnh hưởng đến học tập, sức khỏe, một số đã vi phạm pháp luật. Đây là vấn đề nhức nhối và là mối quan tâm lo lắng chung của toàn xã hội nói chung và của từng gia đình nói riêng.

Để bài trừ, chặn đứng tiến tới xóa bỏ các tệ nạn xã hội, thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế- xã hội, nâng cao dân trí, giữ gìn bản sắc dân tộc, tạo ra môi trường xã hội lành mạnh, thúc đẩy sự nghiệp đổi mới. Ủy ban nhân dân tỉnh chỉ thị:

- Tiếp tục đẩy mạnh phong trào quần chúng bảo vệ ANTQ trong tình hình mới, mà trọng tâm là: Vận động toàn dân tham gia đấu tranh phòng chống tệ nạn xã hội.

- Thời gian tiến hành cuộc vận động làm thường xuyên liên tục, trọng tâm từ 01/6 đến 31/12/1998 trên phạm vi toàn tỉnh. Địa bàn là xã, phường, thị trấn, cơ quan doanh nghiệp, đường phố, thôn xóm, trường học và gia đình.

- Để cuộc vận động đạt kết quả tốt, Ủy ban nhân dân tỉnh yêu cầu các cấp, các ngành, đoàn thể, thủ trưởng các cơ quan, doanh nghiệp, trường học thực hiện tốt nhiệm vụ cụ thể sau đây:

1- Cần nghiêm túc kiểm điểm việc thực hiện Nghị định 87/CP, chỉ thị 814/TTg ngày 12/12/1995 của Thủ tướng Chính phủ và chỉ thị 14/CT-UB ngày 01/4/1997 của UBND tỉnh về tăng cường quản lý các hoạt độngvăn hóa, đẩy mạnh bài trừ một số tệ nạn xã hội nghiêm trọng. Trên cơ sở kinh nghiệm của cuộc vận động toàn dân tham gia quản lý, cảm hóa giáo dục những người lầm lỗi tại địa bàn dân cư để đề ra kế hoạch, biện pháp thực hiện cuộc vận động này đạt hiệu quả cao nhất.

2- Bằng nhiều hình thức tiếp tục tuyên truyền mạnh mẽ nội dung các nghị định 87-88/CP; Chỉ định 814/TTg; các văn bản chỉ thị khác của Nhà nước và của tỉnh về công tác phòng chống tệ nạn xã hội đến từng gia đình, từng người dân, đến cán bộ, công nhân, học sinh, sinh viên… làm cho mọi người dân thấy được tác hại và sự nguy hiểm của tệ nạn cờ bạc, mại dâm, ma túy, không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe, kinh tế, tha hóa về lối sống với bản thân, gia đình mà còn dẫn đến các hành vi vi phạm pháp luật, ảnh hưởng đến sự ổn định chính trị xã hội. Để người dân tự giác chấp hành pháp luật, tích cực, chủ động tham gia đấu tranh phòng chống tệ nạn xã hội, tham gia quản lý, cảm hóa giáo dục các đối tượng tệ nạn ngay tại địa bàn dân cư.

3- Quá trình tiến hành cuộc vận động phải rà soát và phân loại được các đối tượng tệ nạn xã hội để có biện pháp xử lý, quản lý giáo dục thích hợp. Phân công từng người giúp đỡ từng đối tượng, vận động các đoàn thể, tổ chức xã hội đỡ đầu quản lý, giáo dục các đối tượng, tổ chức chữa trị, cai nghiện cho các đối tượng nghiện hút tại các địa bàn dân cư. Tổ chức việc ký cam kết, đưa ra kiểm điểm trước dân tại trụ sở xã, phường… và đưa vào diện quản lý giáo dục, giúp đỡ của nhân dân.

4- Đề nghị Ủy ban Mặt Trận Tổ Quốc, Đoàn thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, Hội Liên hiệp Phụ nữ, Liên đoàn Lao động, Hội cựu chiến binh, Hội nông dân và các tổ chức xã hội phối hợp với các cấp chính quyền, phát động đoàn viên, hội viên có biện pháp cụ thể tham gia quản lý, giáo dục các đối tượng tệ nạn xã hội. Khơi dậy lòng nhân ái, xóa bỏ mặc cảm, khuyến khích các đối tượng tự cải tạo, cai nghiện, giúp đỡ họ về đời sống, làm việc tại địa phương để họ gắn bó với gia đình, làng xóm, trở thành người có ích cho xã hội. Tích cực phát hiện đấu tranh và giúp đỡ lực lượng Công an truy quét các ổ tệ nạn xã hội.

5- Các cơ quan thuộc khối nội chính, nhất là lực lượng Công an, cần có kế hoạch truy quét các ổ tệ nạn xã hội, tích cực tấn công bọn chủ chứa, bọn buôn bán, tổ chức sử dụng trái phép ma túy, ngăn chặn không để nguồn ma túy xâm nhập vào địa bàn tỉnh, các trường học; có kế hoạch hướng dẫn, tham mưu đắc lực cho các cấp ủy, chính quyền thực hiện tốt cuộc vận động. Phối hợp chặt chẽ, đồng bộ hơn trong điều tra, truy tố, xét xử để trừng trị nghiêm khắc bọn tội phạm có tổ chức, bọn chủ chứa cờ bạc, nghiện hút, mại dâm, bọn buôn bán ma túy, nhằm tạo chỗ dựa vững chắc cho quần chúng tham gia cuộc vận động.

6- Thủ trưởng các ngành, Giám đốc các cơ quan doanh nghiệp, Chủ tịch UBND các cấp phải tăng cường công tác quản lý nhà nước về an ninh trật tự, xây dựng kế hoạch chi tiết cụ thể, sát hợp với tình hình của ngành, địa phương mình và phải chịu trách nhiệm về tình hình tệ nạn xã hội, kết quả thực hiện cuộc vận động ở địa phương, đơn vị mình.

7- Các cơ quan thông tin, báo chí xây dựng chuyên mục tuyên truyền rộng rãi nội dung các Nghị định, chỉ thị và các văn bản khác của nhà nước, của tỉnh về công tác đấu tranh phòng chống các tệ nạn xã hội, tình hình kết quả công tác đấu tranh, thúc đẩy tình hình, kết quả công tác đấu tranh, thúc đẩy cuộc vận động đạt kết quả tốt.

8- Các ngành Lao động- Thương binh xã hội, Văn hóa- thông tin, Công an tỉnh, có trách nhiệm tập huấn nghiệp vụ cho cán bộ của ngành mình. NgànhY tế chuẩn bị đầy đủ thuốc men, cán bộ chuyên môn, phối hợp cùng ngành LĐ- TBXH, Công an, tổ chức chữa trị, cai nghiện cho các đối tượng cần tập trung cai nghiện.

9- Sở tài chính- vật giá có trách nhiệm cấp kinh phí cho hoạt động trên theo sự chỉ đạo của UBND tỉnh và hướng dẫn về thu tiền phạt hành chính để tạo nguồn cho những hoạt động này.

10- Các thành viên trong Ban chỉ đạo phòng chống tệ nạn xã hội tỉnh có trách nhiệm xây dựng kế hoạch của ngành mình, đồng thời thường xuyên kiểm tra đôn đốc các huyện- thị xã được phân công phụ trách về cuộc triển khai kế hoạch cuộc vận động, biện pháp quản lý, giáo dục đối với từng đối tượng, công tác đấu tranh phòng chống tệ nạn xã hội, uốn nắn kịp thời những lệch lạc, sai sót để đảm bảo cho cuộc vận động đạt mục đích, yêu cầu đã đề ra.

11- Văn phòng UBND tỉnh, Công an tỉnh xây dựng kế hoạch phối hợp với Mặt trận tổ quốc, các ngành, đoàn thể, hướng dẫn tổ chức thực hiện cuộc vận động, định kỳ hàng tháng báo cáo kết quả về UBND tỉnh (qua Công an tỉnh) để chỉ đạo

Ủy ban nhân dân tỉnh Hưng Yên

Chủ tịch

(Đã ký)

 

Phạm Đình Phú