Sign In

CHỈ THỊ CỦA UBND TỈNH HƯNG YÊN

Về việc xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2001 – 2005

_____________________

Tỉnh ta thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội 4 năm (1997 – 2000) trong điều kiện có nhiều khó khăn, do tác động của cuộc khủng hoảng tài chính tiền tệ trong khu vực và ảnh hưởng thời tiết diễn biến phức tạp. Với sự giúp đỡ của Chính phủ và các bộ, ngành Trung ương, cùng với sự cố gắng vượt bậc của Đảng bộ và nhân dân toàn tỉnh đã đạt được nhiều thành tích đáng khích lệ; nhịp độ tăng trưởng kinh tế nhanh, cơ sở hạ tầng từng bước được cải tạo đầu tư, đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân ngày càng được cải thiện và nâng cao; an ninh chính trị được giữ vững, trật tự an toàn xã hội có nhiều tiến bộ; tạo môi trường thuận lợi cho thu hút đầu tư, tạo tiền đề thuận lợi cho việc xây dựng và thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm (2001- 2005).

Căn cứ mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội nhiệm kỳ đại hội tỉnh Đảng bộ, căn cứ vào tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 4 năm (1997 – 2000), Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh yêu cầu các thủ trưởng sở, ban ngành, các Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện thị xã tập trung đánh giá chính xác tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 4 năm (1997 – 2000) của ngành và đơn vị mình, những mặt làm được, những mặt chưa làm được, nguyên nhân khách quan, chủ quan; trên cơ sở đó để xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm (2001 – 2005) của ngành và địa phương mình theo tinh thần và nội dung sau:

1. Những căn cứ để xây dựng kế hoạch 5 năm (2001 – 2005):

- Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Hưng Yên đến năm 2010 và định hướng đến năm 2020.

- Quy hoạch phát triển của từng ngành và địa phương.

- Tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 4 năm (1997 – 2000).

2. Một số nội dung chủ yếu của kế hoạch 5 năm (2001 – 2005).

a) Về sản xuất nông nghiệp:

Tổng hợp được nhu cầu đầu tư cơ sở hạ tầng kỹ thuật cho nông nghiệp trong các khâu sản xuất, giống (cây con). Nhu cầu phải cải tạo, xây dựng hệ thống trạm bơm để bảo đảm chủ động tưới tiêu, tiến độ kiên cố hóa kênh mương nội đồng; khả năng áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất nhất là công nghệ sinh học; diện tích và năng suất các loại cây trồng, sản lượng lương thực có thể đạt được. Xác định rõ diện tích đất xấu, lúa 1 vụ và 2 vụ bấp bênh chuyển đổi sang trồng cây ăn quả kết hợp nuôi thả cá; diện tích trồng cây có giá trị kinh tế cao, cây xuất khẩu.

Đưa nhanh việc ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào các khâu sản xuất giống lúa có năng suất cao, giống gia súc, gia cầm, giống nhãn đặc sản...

b) Về sản xuất công nghiệp:

Tổ chức sắp xếp lại sản xuất tại các doanh nghiệp nhà nước, đẩy nhanh tiến trình cổ phần hóa doanh nghiệp. Các giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp trong và ngoài nước, một số cơ chế nhằm thu hút các dự án đầu tư; khả năng thu hút lao động trong các doanh nghiệp, đóng góp của ngành công nghiệp đến tốc độ phát triển chung của nền kinh tế; khả năng áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật, sản xuất và kinh doanh, định hướng một số ngành nghề ưu tiên phát triển, nhất là công nghiệp chế biến sử dụng nguyên liệu sẵn có ở địa phương v.v..

c) Đẩy mạnh công tác xuất khẩu:

Có kế hoạch khai thác các thị trường mới và mở rộng thị trường sẵn có, định hướng một số mặt hàng xuất khẩu chủ yếu, từ đó kiến nghị về nguồn nguyên liệu, lưu ý đến một số mặt hàng lợi thế của tỉnh như long nhãn, mật ong, sen, dưa chuật v.v..từ đó có kế hoạch xây dựng các dự án sản xuất hàng xuất khẩu.

d) Khai thác mọi nguồn vốn để đầu tư phát triển:

Cókế hoạch khai thác triệt để mọi nguồn vốn để đầu tư phát triển. Bố trí sử dụng có hiệu quả nguồn vốn ngân sách tập trung. Đầu tư có trọng điểm để nhanh chóng đưa công trình khai thác sử dụng. Phấn đấu tiết kiệm chi để dành cho đầu tư phát triển.

e) Các lĩnh vực văn hóa – xã hội:

Cần hết sức quan tâm đánh giá việc thực hiện thông qua các chỉ tiêu cụ thể, số học sinh đến lớp ở những độ tuổi đáng chú ý; chất lượng giảng dạy; việc dạy thêm, học thêm; việc chăm sóc sức khỏe ban đầu cho nhân dân; phương án nâng cấp các bệnh viện để đảm bảo khám và chữa bệnh cho nhân dân, cần phân tích để đánh giá kỹ hiệu quả đầu tư từ ngân sách địa phương, từ các chương trình quốc gia cho lĩnh vực văn hóa – xã hội v.v..

3. Dự kiến một số mục tiêu chủ yếu của kế hoạch 5 năm (2001 – 2005):

- Tốc độ tăng trưởng GDP bình quân hàng năm trên 10%.

- Giá trị sản xuất nông nghiệp tăng 4,5 – 5%.

- Giá trị sản xuất công nghiệp tăng trên 20%.

- Giá trị các ngành dịch vụ tăng trên 15%.

- Kim ngạch xuất khẩu bình quân 35 triệu USD/năm.

- Thu ngân sách đạt trên 200 tỷ đồng vào năm 2005.

- Tỷ lệ tăng dân số 1,1% (ổn định trong 5 năm).

- Bảo đảm ổn định và từng bước nâng cao đời sống cho mọi tầng lớp dân cư.

- Giảm hộ nghèo xuống còn 4% vào năm 2005.

4. Tổ chức thực hiện:

- Từ ngày 25-4-2000 đến ngày 10-5-2000 các sở, ngành huyện, thị xã gửi báo cáo của đơn vị mình về Sở Kế hoạch và đầu tư để tổng hợp.

- Giao cho Sở Kế hoạch và đầu tư chủ trì, phối hợp với Sở Tài chính vật giá, cục Thống kê và các ngành liên quan, tổng hợp tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 4 năm (1997 – 2000) và xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm (2001 – 2005) của tỉnh Hưng Yên, trình Ủy ban nhân dân tỉnh vào khoảng từ ngày 15 đến ngày 20-5-2000, báo cáo Ban Thường vụ Tỉnh ủy vào ngày 16-6-2000, gửi báo cáo Chính phủ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Bộ Tài chính vào cuối tháng 6-2000.

Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh yêu cầu các thủ trưởng sở, ban, ngành, Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện, thị xã tổ chức thực hiện tốt chỉ thị này.

Ủy ban nhân dân tỉnh Hưng Yên

Chủ tịch

(Đã ký)

 

Phạm Đình Phú