Sign In

CHỈ THỊ CỦA UBND TỈNH HƯNG YÊN

Về xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2001

_______________________

Căn cứ Chỉ thị số 13/2000/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2001.

Căn cứ tình hình thực hiện kế hoạch năm 2000 và kế hoạch 5 năm (2001 – 2005) của tỉnh, Ủy ban nhân dân tỉnh chỉ thị các sở, ban, ngành tỉnh; Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã tiến hành triển khai xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2001 phải thực hiện tốt một số nội dung chủ yếu dưới đây: 

I- MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2001 sẽ cụ thể hóa một bước Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ 15 và kế hoạch 5 năm (2001 – 2005) nên có ý nghĩa hết sức quan trọng.Việc xây dựng và thực hiện kế hoạch năm 2001 sẽ là bước mở đầu thuận lợi để hoàn thành thắng lợi các mục tiêu của kế hoạch 5 năm (2001 – 2005), chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm (2001 – 2010), cũng như các mục tiêu mà Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ 15 đề ra. Vì vậy khi xây dựng kế hoạch năm 2001 phải phân tích, đánh giá thật kỹ lưỡng tình hình và kết quả thực hiện kế hoạch năm 2000 trên tất cả các mặt từ tổ chức chỉ đạo điều hành đến các giải pháp thực hiện. Cân đối giữa nhiệm vụ và các nguồn lực phát triển kinh tế nhằm tiếp tục phát triển kinh tế nhanh, vững chắc đi đôi với giải quyết tốt các vấn đề xã hội; xóa đói giảm nghèo, tạo và giải quyết được nhiều việc làm; cải thiện và nâng cao mức sống cho mọi tầng lớp dân cư; giữ vững và ổn định an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội.

Trên cơ sở đánh giá tình hình và kết quả thực hiện kế hoạch năm 2000 đề ra phương hướng và giải pháp thực hiện nhiệm vụ kế hoạch năm 2001. 

II- MỤC TIÊU CỤ THỂ VÀ CÁC GIẢI PHÁP THỰC HIỆN

Phát huy thắng lợi kết quả đạt được trong giai đoạn phát triển kinh tế - xã hội (1997 – 2000), kế hoạch năm 2001 phấn đấu đạt tốc độ tăng trưởng kinh tế cao hơn năm 2000, bảo đảm nền kinh tế phát triển ổn định và vững chắc, tạo điều kiện để thực hiện các mục tiêu phát triển cao hơn trong những năm sau. Trên một lĩnh vực quan trọng đảm bảo thực hiện tốt các mục tiêu:

- Tốc độ tăng trưởng kinh tế đạt trên 10%.

- Giá trị sản xuất công nghiệp tăng trên 20%.

- Giá trị sản xuất nông nghiệp tăng 4,5 – 5%.

- Kim ngạch xuất khẩu đạt 35 triệu USD.

- Thu ngân sách đạt 130 tỷ đồng.

- Thu nhập bình quân đầu người đạt khoảng 330 USD.

+ Trong nông nghiệp tiếp tục thực hiện chuyển đổi mạnh cơ cấu sản xuất nông nghiệp và kinh tế nông thôn. Có giải pháp hỗ trợ sản xuất và tiêu thụ đối với một số sản phẩm nông nghiệp quan trọng. Nâng cao hiệu quả sản xuất nông nghiệp, khuyến khích áp dụng rộng rãi các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp, tập trung đầu tư cho khâu giống, đưa những cây con có năng suất và giá trị kinh tế cao vào sản xuất. Phấn đấu giá trị thu được trên 1 ha canh tác đạt 33 triệu đồng.

Tập trung sản xuất các loại lúa có năng suất cao, chất lượng tốt. Quy hoạch mở rộng vùng trồng lúa đặc sản đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của thị trường và xuất khẩu.

Tiếp tục thực hiện tốt chương trình “nạc hóa” đàn lợn “sinh hóa” đàn bò, tăng nhanh tốc độ và hiệu quả chăn nuôi theo hướng phát triển chăn nuôi công nghiệp. Khuyến khích hình thức chăn nuôi tập trung kiểu trang trại và chăn nuôi gia đình quy mô lớn để tăng nhanh sản lượng đàn gia súc, gia cầm, tăng giá trị chăn nuôi trong cơ cấu sản xuất nông nghiệp. Nâng cao hiệu quả kinh tế, tăng diện tích cây vụ đông để thực sự là vụ sản xuất chính, làm giàu cho kinh tế hộ, giải quyết việc làm tại chỗ.

+ Tập trung nâng cao hiệu quả những cơ sở công nghiệp hiện có; đầu tư mở rộng quy mô, đổi mới thiết bị công nghệ mới những cơ sở có hiệu quả, nâng cao chất lượng, sức cạnh tranh của sản phẩm.

Thực hiện tốt việc tổ chức sắp xếp lại doanh nghiệp nhà nước, có phương án chuyển đổi hình thức sở hữu với các doanh nghiệp làm ăn kém hiệu quả.

Tiếp tục hoàn thiện cơ chế chính sách, cải tiến thủ tục hành chính, làm tốt công tác giải phóng mặt bằng, tạo mọi điều kiện thuận lợi về cơ chế và giá thuê đất để thu hút các dự án đầu tư. Phấn đấu thu hút được 5 -7 dự án có vốn đầu tư nước ngoài, tỉnh ngoài đầu tư vào tỉnh. Ưu tiên các dự án đầu tư vào khu vực thị xã Hưng Yên.

+ Tập trung cao độ khai thác mọi nguồn lực cho phát triển kết cấu hạ tầng như nông nghiệp, thủy lợi, giao thông và các công trình hạ tầng xã hội khác. Sử dụng có hiệu quả các nguồn vốn, thực hành tiết kiệm để tạp trung cho đầu tư phát triển.

+ Giải quyết kịp thời các vấn đề xã hội bức xúc, trước hết là việc làm cho người lao động. Trong năm 2001, phấn đấu giải quyết việc làm cho khoảng 1,5 vạn lao động thông qua các hình thức tự tạo việc làm tại chỗ, chuyển dịch nhanh cơ cấu kinh tế, khuyến khích các thành phần kinh tế phát triển tạo thêm việc làm; đẩy mạnh xuất khẩu lao động và mở rộng các hình thức đào tạo nghề đi đôi với giới thiệu việc làm.

Thực hiện tốt chính sách xã hội, phát động toàn dân chăm sóc thương binh, gia đình liệt sĩ, gia đình chính sách và người có công. Xây dựng và ban hành chính sách đồng bộ để phát triển và nâng cao chất lượng các hoạt động văn hóa xã hội; giáo dục, y tế, thể thao và tổ chức thực hiện tốt việc xã hội hóa các lĩnh vực trên.

+ Tập trung giải quyết dứt điểm các khiếu nại của nhân dân, phát hiện kịp thời và xử lý có hiệu quả các mâu thuẫn trong nội bộ nhân dân ngay từ lúc mới phát sinh. Đảm bảo giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, nhất là khu vực nông thôn. Tiếp tục thực hiện tốt quy chế dân chủ tại cơ sở. 

III- TỔ CHỨC THỰC HIỆN

Trên cơ sở các mục tiêu trong kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2001 – 2005, các sở, ngành tỉnh, các huyện, thị xã căn cứ vào tình hình, đặc điểm của ngành, địa phương mình tiến hành xây dựng kế hoạch năm 2001 sát thực tế, có hiệu quả và gửi báo cáo về sở Kế hoạch và đầu tư trước ngày 25-9-2000 để tổng hợp.

Giao sở Kế hoạch và đầu tư chủ trì, phối hợp cùng sở Tài chính vật giá, cục Thuế tỉnh và các sở ngành liên quan tổ chức hướng dẫn thực hiện chỉ thị này và tổng hợp báo cáo trình Ủy ban nhân dân tỉnh vào đầu tháng 10-2000.

Thủ trưởng các sở, ban, ngành tỉnh và Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã chịu trách nhiệm tổ chức thực hiện tốt chỉ thị này. Quá trình thực hiện có gì vướng mắc, báo cáo về Ủy ban nhân dân tỉnh để xử lý kịp thời.

Ủy ban nhân dân tỉnh Hưng Yên

Chủ tịch

(Đã ký)

 

Phạm Đình Phú