Sign In

CHỈ THỊ CỦA UBND TỈNH HƯNG YÊN

Về việc tăng cường công tác quản lý nhà nước đối với các

hoạt động khoáng sản trên địa bàn tỉnh

_________________

Hưng Yên là một tỉnh có tiềm năng về chủng loại khoáng sản khá nghèo nàn, chủ yếu là than nâu có trữ lượng hàng tỷ tấn; cát xây dựng có trữ lượng khoảng 50 triệu m3, đất sét làm gạch ngói có trữ lượng khoảng 150 triệu m3; nước khoáng có trữ lượng khai thác khoảng 750 m3/ngày đêm. Trong những năm qua, do chưa có tài liệu đánh giá chính xác trữ lượng, chất lượng, vị trí... các tài nguyên khoáng sản hiện có của tỉnh; chưa có quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng khoáng sản; ý thức chấp hành pháp luật về bảo vệ, khai thác, sử dụng khoáng sản của một bộ phận người dân, tổ chức chưa cao; chính quyền ở một số địa phương còn buông lỏng trong công tác quản lý nhà nước về khoáng sản dẫn đến tình trạng khai thác khoáng sản lãng phí, bừa bãi không hiệu quả, gây ô nhiễm môi trường sinh thái, làm sạt lở một số công trình đê điều... gây thiệt hại lớn về kinh tế và hậu quả về xã hội của tỉnh.

Nhằm tăng cường công tác quản lý nhà nước đối với các hoạt động khoáng sản trên địa bàn tỉnh, bảo vệ nguồn tài nguyên khoáng sản, khai thác và sử dụng có hiệu quả góp phần phát triển kinh tế - xã hội gắn với bảo vệ môi trường sinh thái và thực hiện Chị thị số 26/2008/CT-TTg ngày 01 tháng 9 năm 2008 của Thủ tướng Chính phủ về tiếp tục tăng cường công tác quản lý nhà nước đối với các hoạt động khai thác, chế biến, sử dụng và xuất khẩu khoáng sản, Ủy ban nhân dân tỉnh chỉ thị:

1. Sở Tài nguyên và Môi trường:

a) Khẩn trương triển khai và hoàn thiện Quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường trên địa tỉnh, báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh trước ngày 30 tháng 11 năm 2008 để trình Hội đồng nhân dân tỉnh thông qua;

Hoàn thiện và trình Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Quy định về quản lý hoạt động thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường trên địa bàn tỉnh trước ngày 30 tháng 11 năm 2008;

b) Tổ chức rà soát việc cấp giấy phép thăm dò, khai thác, chế biến khoáng sản đã cấp theo thẩm quyền và việc ban hành các văn bản cho phép thu hồi khoáng sản trong diện tích đất quốc phòng, khu công nghiệp, dự án khu du lịch, dự án nuôi trồng thủy sản...; thu hồi các giấy phép, quyết định, văn bản đã ban hành không đúng thẩm quyền, trình tự thủ tục; làm rõ trách nhiệm và xử lý theo quy định của pháp luật đối với tổ chức, cá nhân vi phạm. Báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh trước ngày 30 tháng 10 năm 2008 để báo cáo Bộ Tài nguyên và Môi trường.

c) Chủ trì, phối hợp với các sở, ngành có liên quan và Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã xác định khu vực cấm, tạm thời cấm hoạt động khoáng sản trên địa bàn tỉnh để thống nhất với các Bộ, ngành Trung ương trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt trước ngày 30 tháng 10 năm 2008;

d) Chủ trì, phối hợp với các sở ngành đề xuất cơ chế, chính sách, giải pháp bảo vệ tài nguyên khoáng sản theo hướng gắn trách nhiệm của Ủy ban nhân dân cấp huyện, cấp xã và quyền lợi người dân địa phương nơi có nguồn tài nguyên khoáng sản; báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh trước ngày 15 tháng 12 năm 2008 để gửi Bộ Tài nguyên và Môi trường;

đ) Tiếp tục tăng cường công tác quản lý môi trường trong hoạt động khoáng sản; bảo vệ trật tự, an toàn xã hội và an toàn lao động trong hoạt động khoáng sản. Các dự án khai thác, chế biến khoáng sản phải thực hiện đúng các quy định về lập, thẩm định, phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường và xác nhận bản cam kết bảo vệ môi trường; ký quỹ phục hồi môi trường; nộp lệ phí bảo vệ môi trường và bảo đảm phục hồi môi trường sau khai thác; bảo đảm hoạt động khai thác, chế biến khoáng sản không làm ảnh hưởng đến việc bảo vệ cảnh quan, di tích lịch sử, văn hóa và các khu dân cư, các công trình hạ tầng khác; khi cấp phép hoạt động khoáng sản phải yêu cầu các đơn vị thực hiện các biện pháp bảo vệ môi trường, bảo vệ nguồn tài nguyên khoáng sản để phát triển bền vững;

e) Chủ trì và phối hợp với các sở ngành Công thương, Tài chính, Công an tỉnh tiếp tục tăng cường kiểm tra các hoạt động khai thác, chế biến, tiêu thụ trên địa bàn tỉnh; tập trung vào các nội dung liên quan đến việc khai thác, sử dụng tiết kiệm, hợp lý tài nguyên khoáng sản và bảo vệ môi trường; cương quyết xử lý các trường hợp vi phạm theo quy định của pháp luật, kể cả truy cứu trách nhiệm hình sự, tước quyền sử dụng giấy phép, thu hồi giấy phép theo quy định đối với các tổ chức, cá nhân vi phạm nghiêm trọng, tái phạm; cương quyết đình chỉ hoạt động khai thác cát trái phép, lò gạch thủ công, lò gạch sử dụng công nghệ lạc hậu gây ô nhiễm môi trường và không đúng quy hoạch; không cấp giấy phép khai thác nước dưới đất đối với các cơ sở sản xuất ở khu vực có nhà máy nước tập trung.

Khẩn trương hoàn thành và báo cáo kết quả thanh tra hoạt động khai thác cát trên sông Hồng, sông Luộc và các tuyến sông nội địa theo chỉ đạo của Ủy ban nhân dân tỉnh tại các Công văn số 966/UBND-KTTH ngày 11 tháng 6 năm 2008 và số 1375/UBND-KTTH ngày 12 tháng 8 năm 2008.

2. Sở Tài chính chủ trì, phối hợp với các sở, ngành: Tài nguyên và Môi trường, Công thương, Xây dựng, Kế hoạch và Đầu tư, Cục Thuế tỉnh, Công an tỉnh đề xuất cơ chế, chính sách về tài chính trong việc quản lý, khai thác tài nguyên khoáng sản nhằm tăng thu ngân sách nhà nước từ hoạt động khoáng sản, tránh thất thoát, trốn thuế và các nghĩa vụ tài chính khác của người dân, tổ chức khi tham gia hoạt động khoáng sản; đồng thời có cơ chế điều tiết tài chính cần thiết và hợp lý cho công tác quản lý và bảo vệ tài nguyên khoáng sản.

3. Sở Thông tin và Truyền thông chủ trì, phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường, Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã chỉ đạo các cơ quan báo chí, Đài phát thanh truyền hình thường xuyên tuyên truyền chính sách, pháp luật về khoáng sản nhằm nâng cao nhận thức, hiểu biết cho các tổ chức và nhân dân có ý thức bảo vệ, khai thác, sử dụng hợp lý tài nguyên khoáng sản. Biểu dương những đơn vị, cá nhân làm tốt; phát hiện và đấu tranh phê phán, lên án những hành vi vi phạm pháp luật về khoáng sản.

4. Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã phối hợp với các sở, ngành của tỉnh thực hiện tốt các nhiệm vụ Ủy ban nhân dân tỉnh giao; đồng thời chỉ đạo các phòng ban, Ủy ban nhân dân các xã, phường, thị trấn tăng cường công tác quản lý nhà nước ở địa phương đối với hoạt động khoáng sản theo thẩm quyền; tạm dừng việc cấp phép cho các hộ gia đình, cá nhân khai thác đất, cát để sản xuất gạch ngói chờ quy định và quy hoạch quản lý hoạt động khảo sát, thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường trên địa bàn tỉnh.

Chỉ thị này có hiệu lực sau 10 ngày kể từ ngày ký. Yêu cầu thủ trưởng các sở, ngành tỉnh, Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã nghiêm chỉnh, khẩn trương triển khai thực hiện chỉ thị này./.

Ủy ban nhân dân tỉnh Hưng Yên

Chủ tịch

(Đã ký)

 

Nguyễn Văn Cường