Sign In

QUYẾT ĐỊNH

Về việc quy định mức hỗ trợ phòng, chống dịch bệnh gia súc,

gia cầm trên địa bàn tỉnh Hưng Yên

______________________

 

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH HƯNG YÊN

Căn cứ Luật Tổ chức HĐND và UBND ngày 26/11/2003;

Căn cứ Nghị định số 33/2005/NĐ-CP ngày 15/3/2005 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Pháp lệnh Thú y;

Căn cứ các Quyết định của Thủ tướng Chính phủ: Số 719/QĐ-TTg ngày 05/6/2008 về chính sách hỗ trợ phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm; số 1442/QĐ-TTg ngày 23/8/2011 về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Quyết định số 719/QĐ-TTg;

Xét đề nghị của Chi cục trưởng Chi cục Thú y tỉnh tại Tờ trình số 34/TTr-TY ngày 20/02/2012 và đề nghị của liên ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - Tài chính tại Tờ trình số 20/TTrLN-SNN-STC ngày 24/02/2012 về việc quy định mức hỗ trợ phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Quy định mức hỗ trợ phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm trên địa bàn tỉnh Hưng Yên như sau:

1. Chế độ báo cáo:

- UBND các xã, phường, thị trấn khi nhận được thông báo của các tổ chức, cá nhân hoặc tự phát hiện các trường hợp gia súc, gia cầm trên địa bàn quản lý bị chết phải có trách nhiệm báo cáo ngay cho UBND huyện, thành phố biết; UBND các huyện, thành phố nhận được thông tin về trường hợp gia súc, gia cầm bị chết phải tổ chức kiểm tra ngay để tìm nguyên nhân chết của gia súc, gia cầm, đồng thời báo cáo ngay về Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và UBND tỉnh;

- Các cấp không thực hiện chế độ báo cáo theo quy định trên (dấu bệnh, dấu dịch) thì phải chịu hoàn toàn trách nhiệm do mình không báo cáo để dịch bệnh lây lan rộng theo quy định của pháp luật.

2. Ngân sách nhà nước thực hiện hỗ trợ phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm, bao gồm các bệnh: Lở mồm long móng ở gia súc, tai xanh ở lợn và cúm ở gia cầm; mức hỗ trợ như sau:

- Hỗ trợ trực tiếp cho các chủ chăn nuôi (gồm: Hộ gia đình, cá nhân, trang trại, hợp tác xã, cơ sở chăn nuôi gia súc, gia cầm) có gia súc, gia cầm phải tiêu hủy bắt buộc do mắc dịch bệnh hoặc trong vùng có dịch bắt buộc phải tiêu hủy; mức hỗ trợ theo quy định tại Khoản 1, Điều 1 Quyết định số 1442/QĐ-TTg ngày 23/8/2011 của Thủ tướng Chính phủ;

- Riêng đối với gia cầm (gà, vịt, ngan, ngỗng...) mức hỗ trợ cụ thể như sau:

+ Hỗ trợ 20.000đ/con (Hai mươi nghìn đồng một con) gia cầm có trọng lượng dưới 0,5kg hơi;

+ Hỗ trợ 35.000đ/con (Ba mươi lăm nghìn đồng một con) gia cầm có trọng lượng từ 0,5kg hơi trở lên;

- Hỗ trợ cho công tác phòng, chống dịch: Mức hỗ trợ theo quy định tại Khoản 2, Khoản 3, Điều 1 Quyết định số 1442/QĐ-TTg ngày 23/8/2011 của Thủ tướng Chính phủ; gồm:

+ Hỗ trợ chi phí thực tế khi thực hiện tiêu hủy gia súc, gia cầm phải tiêu hủy; gia súc, gia cầm và sản phẩm gia súc, gia cầm do các chốt kiểm dịch và các cơ quan thu giữ theo quy định của pháp luật về thú y;

+ Chi phí hóa chất các loại để khử trùng, tiêu độc, vệ sinh chuồng trại, môi trường; mua sắm trang phục phòng hộ lao động cho người tham gia phòng, chống dịch;

+ Kinh phí tuyên truyền, kiểm tra, chỉ đạo phòng, chống dịch; mua sắm thiết bị, vật dụng cho kiểm tra, phát hiện, chuẩn đoán bệnh dịch và phòng, chống dịch theo quy định và hướng dẫn của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

3. Nguyên tắc hỗ trợ và nguồn kinh phí phòng, chống dịch:

- Nguyên tắc hỗ trợ:

+ Ngân sách nhà nước hỗ trợ kinh phí phòng, chống dịch kể từ ngày có quyết định công bố dịch đến khi có quyết định công bố hết dịch;

+ Đối với các trường hợp đặc biệt: Ngay từ khi phát hiện ổ dịch đầu tiên cần phải tiêu hủy (nhưng chưa đủ điều kiện công bố dịch) theo yêu cầu của công tác phòng, chống dịch nhằm hạn chế lây lan thì UBND các huyện, thành phố sử dụng nguồn dự phòng ngân sách của mình để hỗ trợ cho công tác phòng, chống dịch cho phù hợp nhưng tối đa không quá mức hỗ trợ quy định trên;

+ Các huyện, thành phố sử dụng dự phòng ngân sách của mình để chi cho hoạt động của Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch cấp huyện; mua thuốc khử trùng tiêu độc; trả công trực canh gác tại các chốt kiểm dịch; chi hỗ trợ các gia đình có gia súc, gia cầm phải tiêu hủy; trường hợp vượt quá khả năng cân đối thì UBND huyện, thành phố báo cáo liên ngành Tài chính - Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để tổng hợp trình UBND tỉnh xem xét, quyết định;

+ Các xã, phường, thị trấn: Sử dụng dự phòng ngân sách của mình để chi cho hoạt động của Ban Chỉ đạo cấp xã; công tác tuyên truyền; mua vôi bột, trả công trực canh gác tại các chốt kiểm dịch của cấp xã; công phun thuốc khử trùng tiêu độc, công tiêu hủy gia súc, gia cầm; đối với những xã, phường, thị trấn quá khó khăn thì ngân sách huyện, thành phố hỗ trợ.

- Ngân sách tỉnh: Chi cho hoạt động của Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm cấp tỉnh; đội phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm của tỉnh; trả công tiêm phòng, mua thuốc khử trùng tiêu độc, mua thiết bị vật dụng cho kiểm tra, chi cho công tác chẩn đoán bệnh dịch và phòng, chống dịch theo quy định và hướng dẫn của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

Điều 2. - Mức chi quy định tại Điều 1 là mức chi tối đa để UBND các huyện, thành phố và UBND các xã, phường, thị trấn thực hiện;

- Giao Sở Tài chính chủ trì, phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn căn cứ quy định hiện hành của Nhà nước và Điều 1 Quyết định này hướng dẫn chi tiết để các cấp thực hiện.

Điều 3. Chánh Văn phòng UBND tỉnh; Giám đốc các sở, ngành: Tài chính,  Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Kho bạc nhà nước tỉnh; Chủ tịch UBND các huyện, thành phố; Chủ tịch UBND các xã, phường, thị trấn và thủ trưởng các đơn vị liên quan căn cứ quyết định thi hành./.

Ủy ban nhân dân tỉnh Hưng Yên

Phó Chủ tịch

(Đã ký)

 

Nguyễn Xuân Thơi