Sign In

NGHỊ QUYẾT

Sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị quyết số

417/2003/NQ-UBTVQH11 về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn

và cơ cấu tổ chức của Văn phòng Quốc hội

__________________

 

ỦY BAN THƯỜNG VỤ QUỐC HỘI
NƯỚC CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM

Căn cứ Luật tổ chức Quốc hội số 30/2001/QH10 đã được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Luật số 83/2007/QH11;

Trên cơ sở Tờ trình số 319/TTr-VPQH ngày 22 tháng 02 năm 2013 của Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội về Đề án đổi mới Văn phòng Quốc hội để nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động và ý kiến của các thành viên Ủy ban thường vụ Quốc hội;

QUYẾT NGHỊ:

Điều 1.

Sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị quyết số 417/2003/NQ-UBTVQH11 về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Văn phòng Quốc hội như sau:

1. Khoản 8 Điều 2 được sửa đổi, bổ sung như sau:

 “8. Nghiên cứu, phục vụ Ủy ban thường vụ Quốc hội chỉ đạo, điều hòa, phối hợp hoạt động của Hội đồng dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội; giúp chủ tịch Quốc hội giữ mối liên hệ với các đại biểu Quốc hội; bảo đảm điều kiện hoạt động của các đại biểu Quốc hội và Đoàn đại biểu Quốc hội; tạo điều kiện kinh phí và các điều kiện vật chất cần thiết cho đại biểu Quốc hội trong việc trình dự án luật, pháp lệnh và kiến nghị về luật, pháp lệnh.”

2. Khoản 15 Điều 2 được sửa đổi, bổ sung như sau:

“15. Tổ chức và quản lý công tác thông tin, báo chí, xuất bản, thư viện, bảo tàng, ứng dụng công nghệ thông tin phục vụ hoạt động của Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội, Hội đồng dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, các Ban thuộc Ủy ban thường vụ Quốc hội và đại biểu Quốc hội.”

3. Bổ sung các khoản 18, 19 và 20 vào Điều 2 như sau:

“18. Ban hành văn bản thuộc thẩm quyền; hợp nhất văn bản quy phạm pháp luật, pháp điển và các quy phạm pháp luật theo quy định của pháp luật; tư vấn, hỗ trợ đại biểu Quốc hội trong việc lập, hoàn thiện hồ sơ theo quy định của Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật để trình Ủy ban thường vụ Quốc hội, Quốc hội xem xét đưa vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh theo yêu cầu của đại biểu Quốc hội.

19. Thực hiện việc tuyển dụng, sử dụng và quản lý cán bộ, công chức, viên chức và người lao động khác của Văn phòng Quốc hội; thanh tra, kiểm tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo, xử lý vi phạm, phòng, chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí theo quy định của pháp luật; hợp tác quốc tế.

20. Thực hiện nhiệm vụ khác theo quy định của pháp luật hoặc do Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội giao.”

4. Điều 3 được sửa đổi, bổ sung như sau:

“Điều 3. Thành lập, bãi bỏ các vụ, đơn vị

1. Văn phòng Quốc hội được tổ chức thành các vụ, đơn vị tương đương cấp vụ, Báo Đại biểu nhân dân và các đơn vị sự nghiệp công lập khác.

Những vụ, đơn vị tương đương cấp vụ có nhiều mảng công tác hoặc nhiều khối công việc được thành lập phòng.

2. Thẩm quyền quyết định thành lập mới, tổ chức lại hoặc giải thể vụ, đơn vị, phòng được quy định như sau:

a) Ủy ban thường vụ Quốc hội quyết định thành lập mới, tổ chức lại hoặc giải thể vụ, đơn vị tương đương cấp vụ và đơn vị sự nghiệp công lập tương đương đơn vị sự nghiệp công lập thuộc bộ;

b) Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội quyết định thành lập mới, tổ chức lại hoặc giải thể đơn vị cấp phòng thuộc các vụ, đơn vị phục vụ chung và các đơn vị sự nghiệp công lập không thuộc trường hợp quy định tại điểm a khoản này;

c) Thường trực Hội đồng dân tộc, Thường trực Ủy ban của Quốc hội hoặc lãnh đạo Ban thuộc Ủy ban thường vụ Quốc hội phối hợp với Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội quyết định thành lập mới, tổ chức lại hoặc giải thể phòng thuộc vụ, đơn vị trực tiếp giúp việc Hội đồng dân tộc, Ủy ban của Quốc hội hoặc Ban thuộc Ủy ban thường vụ Quốc hội; Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội ra quyết định.”

5. Điều 4 được sửa đổi, bổ sung như sau:

 “Điều 4. Cơ cấu tổ chức của Văn phòng Quốc hội

1. Các Vụ trực tiếp giúp việc Hội đồng dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội bao gồm:

a) Vụ dân tộc;

b) Vụ pháp luật;

c) Vụ tư pháp;

d) Vụ kinh tế;

đ) Vụ tài chính, ngân sách;

e) Vụ quốc phòng và an ninh;

g) Vụ văn hóa, giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng;

h) Vụ các vấn đề xã hội;

i) Vụ khoa học, công nghệ và môi trường;

k) Vụ đối ngoại.

2. Các vụ, đơn vị tương đương cấp vụ trực tiếp giúp việc các Ban thuộc Ủy ban thường vụ Quốc hội bao gồm:

a) Vụ dân nguyện;

b) Vụ công tác đại biểu;

c) Trung tâm bồi dưỡng đại biểu dân cử.

3. Các vụ, đơn vị tương đương cấp vụ phục vụ chung bao gồm:

a) Vụ tổng hợp;

b) Vụ phục vụ hoạt động giám sát;

c) Vụ hành chính;

d) Vụ tổ chức - cán bộ;

đ) Vụ kế hoạch - tài chính;

e) Vụ thông tin;

g) Thư viện Quốc hội;

h) Trung tâm tin học;

i) Vụ lễ tân;

k) Cục quản trị;

l) Vụ công tác phía Nam;

m) Vụ công tác miền Trung và Tây Nguyên.

4. Các đơn vị sự nghiệp công lập bao gồm:

a) Báo Đại biểu nhân dân;

b) Nhà khách Quốc hội tại thành phố Hà Nội;

c) Nhà khách Quốc hội tại thành phố Hồ Chí Minh;

d) Các đơn vị sự nghiệp công lập khác được thành lập theo quy định tại điểm a và điểm b khoản 2 Điều 3 Nghị quyết này.”

6. Bổ sung khoản 4 vào Điều 8 như sau:

“4 Việc bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức Tổng biên tập, Phó Tổng biên tập Báo Đại biểu nhân dân do Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội quyết định sau khi trao đổi ý kiến với cơ quan quản lý nhà nước về báo chí.

Việc bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu các đơn vị sự nghiệp công lập khác do Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội quyết định.”

Điều 2.

1. Chuyển Tạp chí Nghiên cứu lập pháp là đơn vị sự nghiệp công lập thuộc Văn phòng Quốc hội thành đơn vị sự nghiệp công lập thuộc Viện Nghiên cứu lập pháp.

Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp quy định cụ thể về chức năng, nhiệm vụ, cơ cấu tổ chức của Tạp chí Nghiên cứu lập pháp.

2. Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành mới quy định về chức năng, nhiệm vụ của các vụ, đơn vị thuộc Văn phòng Quốc hội.

Điều 3.

1. Nghị quyết này có hiệu lực từ ngày 01 tháng 9 năm 2013.

2. Thường trực Hội đồng dân tộc, Thường trực Ủy ban của Quốc hội, Trưởng Ban thuộc Ủy ban thường vụ Quốc hội, Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp thuộc Ủy ban thường vụ Quốc hội và Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội có trách nhiệm thi hành Nghị quyết này./.

 

 

Ủy ban Thường vụ Quốc hội

Chủ tịch Quốc hội

(Đã ký)

 

Nguyễn Sinh Hùng