QUYẾT ĐỊNH
Phê duyệt Chương trình giảm nghèo nhanh và bền vững tỉnh Lai Châu giai đoạn 2011 - 2015
___________________________________
ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH LAI CHÂU
Căn cứ Luật tổ chức HĐND và UBND ngày 26/11/2003;
Căn cứ Nghị quyết 30a/2008/NQ-CP ngày 27/12/2008 của Chính phủ về Chương trình giảm nghèo nhanh và bền vững tại 62 huyện nghèo;
Căn cứ Nghị quyết số 02-NQ/TU ngày 20 tháng 4 năm 2011 của Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh về giảm nghèo nhanh và bền vững giai đoạn 2011 - 2015;
Căn cứ Nghị quyết số 80/NQ-CP ngày 19 tháng 5 năm 2011 của Chính phủ về định hướng giảm nghèo bền vững thời kỳ từ năm 2011 đến năm 2020;
Căn cứ Nghị quyết số 15/2011/NQ-HĐND ngày 16 tháng 7 năm 2011 của Hội đồng nhân dân tỉnh về Chương trình giảm nghèo nhanh và bền vững tỉnh Lai Châu giai đoạn 2011 - 2015;
Xét đề nghị tại Tờ trình số 514/TTr-SLĐTBXH ngày 29/7/2011 của Giám đốc Sở Lao động - TBXH về việc phê duyệt Chương trình giảm nghèo nhanh và bền vững tỉnh Lai Châu giai đoạn 2011 - 2015,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Phê duyệt Chương trình giảm nghèo nhanh và bền vững tỉnh Lai Châu giai đoạn 2011 - 2015. (Có Chương trình chi tiết kèm theo)
Điều 2. Quyết định này có hiệu lực sau 10 ngày kể từ ngày ký.
Điều 3. Ông Chánh Văn phòng UBND tỉnh, Giám đốc các Sở: Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Nông nghiệp & PTNT, Lao động Thương binh và Xã hội; Trưởng ban Dân tộc; Giám đốc Kho bạc Nhà nước tỉnh; Chủ tịch UBND các huyện, thị xã và Thủ trưởng các đơn vị có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
|
TM. UỶ BAN NHÂN DÂN
CHỦ TỊCH
(Đã ký)
Nguyễn Khắc Chử
|
CHƯƠNG TRÌNH
GIẢM NGHÈO NHANH VÀ BỀN VỮNG TỈNH LAI CHÂU GIAI ĐOẠN 2011 - 2015
(Kèm theo Quyết định số: 20/2011/QĐ-UBND ngày 11/8/2011 của UBND tỉnh)
________________________________
Những căn cứ xây dựng chương trình:
Căn cứ Nghị quyết 30a/2008/NQ-CP ngày 27/12/2008 của Chính phủ về Chương trình giảm nghèo nhanh và bền vững tại 62 huyện nghèo;
Căn cứ Nghị quyết số 02-NQ/TU ngày 20 tháng 4 năm 2011 của Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh về giảm nghèo nhanh và bền vững giai đoạn 2011-2015;
Căn cứ Nghị quyết số 80/NQ-CP ngày 19 tháng 5 năm 2011 của Chính phủ về định hướng giảm nghèo bền vững thời kỳ từ năm 2011 đến năm 2020;
Căn cứ Nghị quyết số 15/2011/NQ-HĐND ngày 16 tháng 7 năm 2011 của Hội đồng nhân dân tỉnh về Chương trình giảm nghèo nhanh và bền vững tỉnh Lai Châu giai đoạn 2011-2015;
Phần I
KẾT QUẢ CÔNG TÁC GIẢM NGHÈO GIAI ĐOẠN 2006 - 2010
I. Kết quả công tác giảm nghèo giai đoạn 2006 - 2010:
1. Công tác chỉ đạo:
Tiếp tục thực hiện tinh thần của Nghị quyết số 05-NQ/TU ngày 02/7/2004 của Ban chấp hành lâm thời Đảng bộ tỉnh "Về tiếp tục đẩy mạnh thực hiện chương trình xoá đói giảm nghèo - việc làm tỉnh Lai Châu giai đoạn 2004 - 2010". UBND tỉnh đã chỉ đạo thực hiện công tác XĐGN giai đoạn 2006 - 2010 cụ thể như sau:
- Ban hành quyết định số 818/QĐ-UBND ngày 18/7/2007 về việc phê duyệt chương trình giảm nghèo tỉnh Lai Châu giai đoạn 2007 - 2010.
- Quyết định số 347/QĐ-UBND ngày 18/03/2008 của UBND tỉnh về việc phê duyệt danh sách các xã và số lượng cán bộ, công chức tăng cường về xã làm nhiệm vụ xóa đói giảm nghèo giai đoạn 2008 - 2010.
- Quyết định số 458/QĐ-UBND ngày 17/04/2009 của UBND tỉnh về việc phê duyệt đề án hỗ trợ hộ nghèo về nhà ở theo quyết định số 167/2008/QĐ-TTg ngày 12/12/2008 của Thủ tướng Chính phủ với 4.960 hộ nghèo được hỗ trợ. Kinh phí thực hiện là 81.344 triệu đồng (Trong đó: Vốn Nhà nước hỗ trợ là 41.664 Triệu đồng; Vốn vay từ Ngân hàng chính sách xã hội là 39.680 triệu đồng). Ngoài ra còn huy động sự hỗ trợ của các tổ chức, cá nhân, các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh để hỗ trợ thêm cho các hộ nghèo làm nhà.
- Sau khi Chính phủ ra Nghị quyết 30a/2008/NQ - CP về giảm nghèo nhanh và bền vững tại các huyện nghèo. UBND tỉnh chỉ đạo các huyện xây dựng đề án và ra các quyết định số 940, 941, 993, 1002, 1018/QĐ - UBND phê duyệt chương trình giảm nghèo nhanh và bền vững của 5 huyện Mường Tè, Tân Uyên, Phong Thổ, Than Uyên và Mường Tè. Tổng nhu cầu vốn thực hiện chương trình giảm nghèo nhanh và bền vững giai đoạn: 2009-2020 của 5 huyện.
- Hàng năm ra quyết định giao các ngành thành viên Ban chỉ đạo thường xuyên đi kiểm tra thực tế tại các huyện thị; các xã, phường, thị trấn về thực hiện công tác XĐGN, để kịp thời tháo gỡ những khó khăn vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện.
- Định kỳ 6 tháng, 1 năm từ tỉnh đến cơ sở đều tổ chức sơ kết, tổng kết đánh giá rút kinh nghiệm kết quả đạt được.
2. Kết quả thực hiện các chính sách, dự án hỗ trợ cho người nghèo trong giai đoạn 2006 - 2010:
2.1. Kết quả thực hiện:
2.1.1. Tín dụng ưu đãi cho người nghèo: Đến năm 2010 ngân hàng chính sách xã hội tỉnh cho các hộ nghèo vay phát triển sản xuất với tổng số tiền là 592.795 triệu đồng, với 48.785 lượt hộ vay. Ngoài ra năm 2009 thực hiện Quyết định số 167/2008/QĐ - TTg của Thủ tướng Chính phủ ngân hàng chính sách xã hội tỉnh đã cho 2.415 hộ nghèo vay vốn để làm nhà ở, số vốn vay là 19.291 triệu đồng.
2.1.2. Chương trình hướng dẫn cách làm ăn (khuyến nông - khuyến lâm) cho hộ nghèo: Hướng dẫn cách làm ăn cho hộ nghèo, khuyến nông, khuyến lâm đã được các cấp và ngành quan tâm chỉ đạo và tổ chức thực hiện. Trong giai đoạn 2006 - 2010 đã xây dựng được 14 mô hình khuyến nông - khuyến lâm, 9 dự án khuyến công và 3.760 lượt người nghèo được hướng dẫn cách làm ăn, kinh phí thực hiện là 4.948 triệu đồng. Sau khi triển khai các mô hình người dân tại các xã được hưởng thụ mô hình được học tập các kỹ thuật chăn nuôi, trồng trọt tiến tiến để áp dụng vào sản xuất nâng cao thu nhập.
2.1.3. Hỗ trợ sản xuất: Từ nguồn vốn 135 đã thực hiện hỗ trợ sản xuất cho 71.137 lượt hộ nghèo, kinh phí 71.620 triệu đồng. Các hộ nghèo được hỗ trợ giống, phân bón và vật tư phục vụ sản xuất.
2.1.4. Chương trình hỗ trợ làm nhà: Thực hiện Quyết định 134 và Quyết định số 167 của Thủ tướng Chính phủ. Trong giai đoạn 2006 - 2010 hỗ trợ làm nhà ở cho 20.976 hộ nghèo xoá nhà tranh tre, dột nát với kinh phí 129.943 triệu đồng; ngoài ra từ quỹ vì người nghèo đã hỗ trợ cho trên 1.500 hộ nghèo góp phần giúp các hộ nghèo ổn định cuộc sống yên tâm làm ăn.
2.1.5. Chương trình hỗ trợ giáo dục cho người nghèo: Thực hiện tốt chính sách hỗ trợ học phí, sách giáo khoa, văn phòng phẩm cho học sinh miễn phí, hỗ trợ học bổng học sinh thuộc diện nghèo. Số lượt học sinh nghèo và học sinh dân tộc thiểu số được miễn giảm học phí, văn phòng phẩm, các khoản xây dựng là 790.605 lượt học sinh, với kinh phí thực hiện là 28 tỷ đồng.
2.1.6. Chương trình hỗ trợ y tế cho người nghèo: Số lượt người nghèo được mua thẻ bảo hiểm y tế miễn phí là 1.273.371 lượt người, với kinh phí thực hiện là 226.497 triệu đồng. Để góp phần cho người nghèo giảm bớt gánh nặng khi gặp phải bệnh tật.
2.1.7. Nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ xoá đói giảm nghèo: Trong giai đoạn 2006 - 2010 đã tổ chức tập huấn, bồi dưỡng nâng cao năng lực cho 1.492 lượt cán bộ làm công tác xoá đói giảm nghèo, với tổng kinh phí thực hiện 934 triệu đồng. Dự án góp phần nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ làm công tác xoá đói giảm nghèo, để góp phần triển khai có hiệu quả các chính sách về xoá đói giảm nghèo của Đảng và Nhà nước như chương trình Nghị Quyết 30a của Chính phủ, Quyết định 167 của Thủ tướng Chính phủ về hỗ trợ hộ nghèo về nhà ở…
2.1.8. Đào tạo nghề cho người nghèo: Đã tổ chức dạy nghề ngắn hạn cho 6.649 lao động thuộc các gia đình nghèo, kinh phí thực hiện 3.990 triệu đồng. Những nghề được đào tạo là: Kỹ thuật nông, lâm nghiệp tổng hợp, kỹ thuật nuôi trồng thuỷ sản, thêu dệt thổ cẩm, kỹ thuật trồng nấm… là những nghề phù hợp với điều kiện tự nhiên, kinh tế xã hội của tỉnh, phù hợp với lao động nông thôn miền núi. Các học viên sau khoá đào tạo nghề ngắn hạn được nâng cao về trình độ, kỹ thuật canh tác, sản xuất, tăng thu nhập và từng bước vươn lên thoát nghèo.
2.1.9. Trợ giúp pháp lý cho người nghèo: Đã tổ chức duy trì sinh hoạt câu lạc bộ trợ giúp pháp lý tại các xã nghèo ngoài 135, tổ chức trợ giúp pháp lý lưu động cho 1.430 người, tuyên truyền pháp luật cho 9.547 lượt người và in ấn, phát hành tờ gấp pháp luật; kinh phí thực hiện 630 triệu đồng. Hoạt động trợ giúp pháp lý thời gian qua đã bám sát nhu cầu trợ giúp pháp lý của người nghèo tại các xã nghèo ngoài 135, các quy định của pháp luật có liên quan trực tiếp đến chính sách ưu đãi của Nhà nước dành cho người nghèo, người dân tộc thiểu số và pháp luật về trợ giúp pháp lý, người dân được cung cấp những thông tin pháp luật, được giải đáp những thắc mắc về pháp luật góp phần nâng cao nhận thức và ý thức chấp hành pháp luật của người dân.
2.1.10. Thực hiện Nghị quyết 30a: Trong năm 2009 và năm 2010 tổng nguồn vốn thực hiện Nghị quyết 30a là 286.860 triệu đồng (Trong đó: Vốn sự nghiệp là 59.160 triệu đồng; vốn đầu tư phát triển là 227.700 triệu đồng).
Vốn sự nghiệp tập trung đầu tư các chính sách hỗ trợ sản xuất, tạo việc làm, tăng thu nhập và chính sách hỗ trợ cán bộ, hỗ trợ gạo cho 5 dân tộc đặc biệt khó khăn…
Vốn đầu tư phát triển tập trung đầu tư xây dựng các công trình thuỷ lợi, nước sinh hoạt xây dựng trường lớp học, giao thông nông thôn….
Qua việc thực hiện các chính sách, dự án thực hiện nghị quyết 30a/2008/NQ - CP đời sống của nhân dân thuộc các huyện nghèo từng bước được cải thiện và cơ sở hạ tầng các xã vùng sâu, vùng xa từng bước được nâng cao tạo điều kiện để kinh tế xã hội của các huyện nghèo phát triển, phấn đấu xóa đói giảm nghèo bền vững.
(Cụ thể về tình hình thực hiện có biểu số 01 đính kèm)
2.2. Đánh giá chung:
2.2.1. Những mặt được:
- Nhận thức trách nhiệm về xoá đói giảm nghèo của các cấp, các ngành và người dân được nâng lên. Tạo được phong trào xoá đói giảm nghèo sâu rộng trong phạm vi toàn tỉnh đặc biệt là sự tham gia phối hợp mạnh mẽ của các tổ chức đoàn thể đã tham gia tích cực vào công tác chỉ đạo và trực tiếp tổ chức thực hiện có hiệu quả các dự án xoá đói giảm nghèo như chương trình hỗ trợ nhà ở cho người nghèo, hỗ trợ sản xuất, khuyến nông, khuyến lâm, tín dụng cho người nghèo…
- Góp phần làm cho cơ cấu kinh tế của tỉnh có những bước chuyển dịch theo hướng nhất định tăng tỷ lệ công nghiệp - xây dựng, thương mại - dịch vụ giảm tỷ lệ nông lâm ngư nghiệp trong cơ cấu nền kinh tế, tạo nhiều sản phẩm hàng hoá, tạo việc làm mới cho một bộ phận lao động, đặc biệt là lao động ở nông thôn. Thông qua các chính sách hỗ trợ đầu tư cơ sở hạ tầng như chương trình 135 - II, chương trình giảm nghèo nhanh và bền vững tại 61 huyện nghèo theo Nghị quyết 30a của Chính phủ đã làm cho bộ mặt nông thôn có nhiều đổi mới, tiến bộ. Đối với các xã vùng sâu, vùng đồng bào dân tộc thiểu số cơ sở hạ tầng được phát triển hơn một bước.
- Bình quân thu nhập trên đầu người nói chung và vùng nông thôn, vùng đặc biệt khó khăn nói riêng đều có tốc độ tăng khá, đời sống của người dân có những thay đổi đáng kể được đông đảo quần chúng nhân dân đồng tình ủng hộ.
- Đội ngũ cán bộ làm công tác XĐGN từ tỉnh đến cơ sở từng bước được trưởng thành, năng lực được nâng cao từng bước tổ chức triển khai thực hiện tốt các chương trình, dự án xoá đói giảm nghèo.
- Số hộ nghèo giảm nhanh hàng năm đều đạt và vượt kế hoạch giao tỷ lệ hộ nghèo đang từ 50,95%, tương ứng với 31.054 hộ nghèo năm 2006 xuống còn 21,94%, tương ứng 16.667 hộ nghèo dự kiến vào năm 2010.
2.2.2. Tồn tại:
- Kết quả xoá đói giảm nghèo chưa bền vững, tỷ lệ tái nghèo còn cao. Những hộ mới thoát nghèo đời sống còn gặp nhiều khó khăn khi gặp thiên tai dễ gặp tái nghèo trở lại, có nhiều xã tỷ lệ hộ nghèo cao trên 30%.
- Chênh lệch giàu - nghèo giữa các vùng, nhóm dân cư chưa được thu hẹp, đặc biệt là ở những vùng sâu, vùng xa, vùng có nhiều đồng bào dân tộc thiểu số ít người sinh sống. Chưa huy thực hiện được xã hội hoá công tác xoá đói giảm nghèo.
- Các huyện triển khai thực hiện các chính sách giảm nghèo nhiều khi không lấy ý kiến từ cơ sở, nhu cầu của thôn, bản và người dân. Do đó một số công trình đầu tư chưa đạt hiệu quả cao.
- Đối với chương trình giảm nghèo nhanh và bền vững tại 61 huyện nghèo, một số huyện chưa chú trọng đầu tư để tạo việc làm, tăng thu nhập.
2.2.3. Nguyên nhân của tồn tại:
- Về nhận thức: Còn tư tưởng ỷ lại, trông chờ vào sự hỗ trợ của nhà nước, chưa chủ động vươn lên thoát nghèo.
- Công tác tuyên truyền vận động mặc dù đã thu được kết quả đáng kể nhưng chưa thực sự sâu rộng, một số hình thức tuyên truyền còn đơn điệu, còn mang tính phong trào, một số nơi cán bộ xã, thôn, bản và người dân chưa biết được đầy đủ các chính sách, dự án về giảm nghèo.
- Nguồn lực huy động còn hạn chế, chưa đáp ứng được nhu cầu thực tế. Chưa chủ động huy động nguồn lực tại chỗ hoặc huy động chưa tương xứng với tiềm năng, còn trông chờ vào sự giúp đỡ của Nhà nước và cộng đồng.
3. Thực trạng đói nghèo:
Theo chuẩn mới giai giai đoạn 2011 - 2015 tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh vẫn còn cao hơn gấp 3 lần bình quân chung của cả nước với 35.566 hộ nghèo.
Nguyên nhân dẫn đến đói nghèo của các hộ nghèo có nhiều nguyên nhân trong đó có cả nguyên nhân khách quan và nguyên nhân chủ quan. Theo kết quả điều tra hộ nghèo năm 2011 thì có một số nguyên nhân chính sau:
Không biết cách làm ăn là 75%; thiếu đất sản xuất là 27,3%, thiếu lao động chiếm là 17,3%...
Ngoài ra còn có một số nguyên nhân khác như phong tục tập quán lạc hậu, trình độ dân trí thấp, lười lao động, do địa bàn sinh sống xa xôi cách biệt đi lại khó khăn, thời tiết diễn biến phức tạp...
Phần II
CHƯƠNG TRÌNH GIẢM NGHÈO GIAI ĐOẠN 2011 - 2015
I. Xu hướng, thách thức và khó khăn:
1. Dự báo xu hướng:
- Hộ thoát nghèo đời sống còn rất thấp, tài sản và tích luỹ hầu như không có, nguy cơ tái nghèo cao. Tốc độ giảm nghèo có xu thế chậm lại do khả năng nâng cao thu nhập của hộ nghèo vùng nông thôn ngày càng khó khăn hơn và tỷ lệ lạm phát tăng đặc biệt là giá cả hàng tiêu dùng thiết yếu.
- Hộ nghèo ở những vùng điều kiện sản xuất và sinh hoạt khó khăn có xu hướng khó thoát nghèo hơn, chủ yếu là 1 số hộ dân tộc ít người có trình độ văn hoá thấp, phong tục tập quán lạc hậu và số hộ thiếu sức lao động, thiếu đất canh tác.
- Cơ hội tìm việc làm và tự tạo việc làm của người nghèo có trình độ văn hoá thấp ngày càng khó hơn do vấn đề hội nhập và đổi mới khoa học công nghệ.
2. Thách thức và những khó khăn:
- Điều kiện, môi trường sản xuất kinh doanh ở vùng cao còn nhiều khó khăn; thiếu đất canh tác, thiếu nước; thời tiết khí hậu khắc nghiệt và các điều kiện tự nhiên, xã hội không thuận lợi khác tiếp tục gây sức ép tới phát triển sản xuất, nâng cao đời sống sinh hoạt của người dân đặc biệt là người nghèo.
- Chất lượng nguồn nhân lực tuy đã được cải thiện trong thời gian qua nhưng vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu của phát triển kinh tế. Cơ sở hạ tầng còn thấp kém so với mặt bằng chung của khu vực và của cả nước (đặc biệt là cơ sở hạ tầng ở nông thôn), hệ thống dịch vụ xã hội chưa phát triển, công tác xã hội hoá các dịch vụ xã hội chưa được phát huy.
- Số hộ nghèo tăng về số lượng (theo chuẩn mới), tập trung nhiều ở vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Tập quán sản xuất, sinh hoạt, tiêu dùng của đồng bào vùng cao còn mang tính tự túc, tự cấp và lạc hậu.
- Tư tưởng trông chờ, ỷ lại trong một bộ phận người nghèo và dân cư là trở ngại lớn cho công tác xoá đói giảm nghèo.
- Xu hướng công nghiệp hoá, hội nhập quốc tế sẽ đặt ra những nhu cầu bất cập với trình độ dân trí và trình độ phát triển sản xuất còn thấp của người nghèo.
II. Quan điểm chỉ đạo:
- Giảm nghèo nhanh và bền vững là nhiệm vụ trọng tâm, đặt dưới sự lãnh đạo trực tiếp của cấp uỷ đảng, sự chỉ đạo điều hành của chính quyền và sự phối hợp của mặt trận tổ quốc, các tổ chức chính trị xã hội và đoàn thể nhân dân; đồng thời phát huy quyền làm chủ của người dân từ khâu xây dựng kế hoạch, tổ chức thực hiện, giám sát, đánh giá hiệu quả việc thực hiện chương trình tại địa phương, cơ sở.
- Thực hiện giảm nghèo nhanh, giảm nghèo bền vững, lấy bền vững là chính; cùng với việc thực hiện giảm nghèo trên địa bàn toàn tỉnh, cần tập trung vào các xã vùng sâu, vùng xa, biên giới, các dân tộc đặc biệt khó khăn.
- Huy động mọi nguồn lực của Nhà nước, xã hội và của người dân để khai thác có hiệu quả tiềm năng, lợi thế của từng vùng, từng địa phương nhất là sản xuất nông lâm nghiệp để phát triển kinh tế - xã hội, xoá đói, giảm nghèo. Cùng với sự đầu tư hỗ trợ của Nhà nước, các doanh nghiệp, tạo điều kiện để người nghèo, hộ nghèo vươn lên thoát nghèo.
- Giảm nghèo phải đi đôi với giải quyết tốt các vấn đề xã hội, tập trung chăm lo sự nghiệp giáo dục, y tế, xây dựng đời sống văn hoá ở khu dân cư, chống các tệ nạn xã hội.
III. Mục tiêu, chỉ tiêu của chương trình:
1. Mục tiêu:
1.1. Mục tiêu tổng quát:
- Tạo sự chuyển biến nhanh hơn về đời sống vật chất, tinh thần của người nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số. Giảm nhanh số lượng hộ nghèo, hạn chế đến mức tối đa số hộ tái nghèo và phát sinh mới, thực hiện hiệu quả giảm nghèo nhanh và bền vững.
- Giảm thiểu tình trạng gia tăng bất bình đẳng về thu nhập và mức sống giữa nông thôn và thành thị, giữa các nhóm dân cư, giữa các dân tộc, tăng cường khả năng tiếp cận pháp lý cho người nghèo; bảo vệ phụ nữ và trẻ em nghèo.
- Hỗ trợ sản xuất nông lâm ngư nghiệp theo hướng sản xuất hàng hoá, khai thác tốt thế mạnh của từng địa phương. Xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội phù hợp với đặc điểm của từng huyện; chuyển đổi cơ cấu kinh tế và các hình thức tổ chức sản xuất có hiệu quả. Xây dựng nông thôn ổn định, giàu bản sắc văn hoá dân tộc; dân trí được nâng cao, môi trường sinh thái được bảo vệ; bảo đảm vững chắc an ninh, quốc phòng.
1.2. Mục tiêu cụ thể:
- Mỗi năm tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 4 - 5%.
- Giải quyết cơ bản vấn đề nhà ở cho hộ nghèo theo Quyết định 167/2008/QĐ-TTg ngày 12/12/2008 của Chính phủ và hỗ trợ từ quỹ “Ngày vì người nghèo”.
- Tăng cường năng lực cho người dân và cộng đồng để phát huy hiệu quả các công trình cơ sở hạ tầng thiết yếu được đầu tư, từng bước phát huy lợi thế của từng địa phương, khai thác có hiệu quả tài nguyên thiên nhiên. Bước đầu phát triển sản xuất theo hướng sản xuất hàng hoá quy mô nhỏ và vừa, người dân tiếp cận các dịch vụ sản xuất và thị trường tiêu thụ sản phẩm một cách thuận lợi.
- Tạo bước đột phá trong đào tạo nguồn nhân lực và xây dựng nông thôn mới, lao động nông nghiệp còn dưới 65% lao động xã hội.
- Tỷ lệ lao động nông thôn qua đào tạo tập huấn, huấn luyện đạt trên 40%; tạo việc làm mới cho 22.500 - 25.000 lao động.
IV. Đối tượng, phạm vi, thời gian thực hiện.
1. Đối tượng: Người nghèo, hộ nghèo.
2. Phạm vi: Trên địa bàn toàn tỉnh.
3. Thời gian thực hiện: 5 năm từ năm 2011 đến năm 2015.
V. Nhiệm vụ và giải pháp.
1. Về công tác tuyên truyền:
- Tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành và người dân về xoá đói giảm nghèo.
- Xác định rõ trách nhiệm của các cấp, các ngành, các tổ chức chính trị xã hội và người dân về trách nhiệm vượt nghèo vươn lên làm giàu.
- Tổ chức các hoạt động tuyên truyền chủ trương chính sách của Đảng và nhà nước về xoá đói giảm nghèo. Tăng cường các hoạt động truyền thông trên các phương tiện thông tin đại chúng như trên báo và đài Phát thanh và truyền tình tỉnh.
2. Về cơ chế, chính sách:
- Thực hiện đồng bộ các chính sách của Nhà nước đã ban hành để hỗ trợ cho người nghèo như: Hỗ trợ tín dụng, hỗ trợ về y tế, giáo dục, khuyến nông - khuyến lâm, hỗ trợ sản xuất... Trong đó trọng tâm là thực hiện các chính sách tạo việc làm, tăng thu nhập, giáo dục đào tạo, dạy nghề nâng cao dân trí để xóa đói giảm nghèo bền vững theo Nghị quyết 30a/2008/NQ - CP.
- Có các chính sách hỗ trợ đặc thù cho các dân tộc đặc biệt khó khăn của tỉnh như Mảng, La Hủ, Cống để dần từng bước xoá đói giảm nghèo bền vững cho các dân tộc này.
- Đảm bảo thực hiện công khai, dân chủ, tăng cường lấy ý kiến của cấp cơ sở ở thôn, bản và của người dân trong việc thực hiện các chương trình, dự án của công tác xoá đói giảm nghèo. Thực hiện phân cấp trong tổ chức, quản lý thực hiện chương trình cho các xã như việc xác định đối tượng, xây dựng kế hoạch và giám sát kết quả thực hiện.
- Đa dạng hoá, xã hội hoá nguồn lực: Huy động các nguồn vốn để thực hiện chương trình như nguồn vốn ngân sách trung ương, ngân sách địa phương, huy động cộng đồng, quốc tế…
3. Về nguồn vốn cho công tác xoá đói giảm nghèo:
- Tín dụng ưu đãi cho người nghèo: Tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người nghèo tiếp cận các nguồn vốn, nhất là vốn vay tín dụng ưu đãi từ ngân hàng chính sách xã hội. Cả giai đoạn Ngân hàng chính sách xã hội bố trí khoảng 1.065.000 triệu đồng (Mỗi năm 213.000 triệu đồng) cho khoảng 43.100 lượt hộ được vay vốn.
(Có biểu 02 đính kèm)
- Khuyến nông - khuyến lâm và hỗ trợ phát triển sản xuất, phát triển ngành nghề: Hỗ trợ người nghèo về kiến thức, kỹ năng áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào tổ chức sản xuất và kinh doanh, tiêu thụ sản phẩm, tăng thu nhập bền vững. Kết quả dự kiến: Đến hết năm 2015 xây dựng 20 dự án khuyến công, 27 mô hình khuyến nông khuyến lâm, khuyến ngư và tập huấn cho 3.518 lượt người tham gia mô hình, hội nghị đầu bờ về khuyến nông, lâm, ngư, chuyển giao kỹ thuật.
Nhu cầu về vốn và nguồn vốn: Nhu cầu kinh phí là 13.300 triệu đồng. Trong đó NSTW hỗ trợ 100%.
(Có biểu 03 đính kèm)
- Hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo: Tiếp tục thực hiện chính sách hỗ trợ về nhà ở cho hộ nghèo để cải thiện nhà ở, ưu tiên cho người nghèo là người cao tuổi, người khuyết tật. Trong giai đoạn 2012 - 2015 dự kiến mỗi năm hỗ trợ cho 500 hộ nghèo cải thiện nhà ở. Kinh phí 42.800 triệu đồng.
(Có biểu 04 đính kèm)
- Hỗ trợ về y tế cho người nghèo, cận nghèo và người dân tộc thuộc các xã tại khu vực khó khăn, đặc biệt khó khăn theo quy định của Thủ tướng Chính phủ: Thực hiện có hiệu quả chính sách cấp thẻ bảo hiểm y tế cho người nghèo, hỗ trợ mua thẻ bảo hiểm y tế đối với người thuộc hộ cận nghèo. Hỗ trợ người nghèo, cận nghèo và người dân tộc thuộc các xã tại khu vực khó khăn, đặc biệt khó khăn theo quy định của Thủ tướng Chính phủ tiếp cận với dịch vụ y tế khi đau ốm thuận lợi hơn, bình đẳng hơn; giảm thiểu rủi ro, khó khăn cho người nghèo và nhân dân các xã 135.
Kết quả dự kiến: 100% người nghèo, cận nghèo và người dân tộc thuộc các xã tại khu vực khó khăn, đặc biệt khó khăn theo quy định của Thủ tướng Chính phủ được mua thẻ BHYT.
Nhu cầu về vốn là: 629.351 triệu đồng do ngân sách TW đảm bảo, để mua bảo hiểm y tế cho đối tượng người nghèo, người dân tộc thuộc các xã tại khu vực khó khăn, đặc biệt khó khăn. Ngân sách địa phương hỗ trợ 50% kinh phí mua BHYT cho đối tượng cận nghèo.
(Có biểu 05 đính kèm)
- Hỗ trợ về giáo dục cho người nghèo: Thực hiện có hiệu quả chính sách miễn, giảm học phí, hỗ trợ học bổng, trợ cấp xã hội và hỗ trợ chi phí học tập đối với học sinh nghèo ở các cấp học, nhất là bậc mầm non; tiếp tục thực hiện chính sách tín dụng ưu đãi đối với học sinh, sinh viên, nhất là sinh viên nghèo; tăng cường hơn nữa chính sách ưu đãi, thu hút đối với giáo viên công tác ở địa bàn nghèo, khó khăn. Hỗ trợ con em hộ nghèo được tới trường học tập bình đẳng như trẻ em khác, góp phần nâng cao trình độ văn hoá của người nghèo để đi tới mục đích giảm nghèo bền vững.
Nhu cầu vốn: Tổng nguồn vốn là 37.710 triệu đồng, bình quân 1 năm là 7.542 triệu đồng bằng nguồn vốn Trung ương hỗ trợ.
(Có biểu 06 đính kèm)
- Dạy nghề cho người nghèo: Thực hiện tốt chính sách đào tạo nghề cho lao động nông thôn, nhất là lao động nghèo; ưu tiên nguồn lực đầu tư cơ sở trường, lớp học, thiết bị, đào tạo giáo viên dạy nghề; gắn dạy nghề với tạo việc làm đối với lao động nghèo; đẩy mạnh công tác hỗ trợ xuất khẩu lao động đối với lao động thuộc diện hộ nghèo.
Kết quả dự kiến: Đến năm 2015, có 6.500 lao động thuộc các hộ nghèo được học nghề miễn phí. Kinh phí thực hiện 19.500 triệu đồng. Ngân sách TW là 13.000 triệu đồng, ngân sách địa phương là 6.500 triệu đồng .
(Có biểu 07 đính kèm)
- Trợ giúp pháp lý cho người nghèo: Thực hiện có hiệu quả chính sách trợ giúp pháp lý miễn phí cho người nghèo, tạo điều kiện cho người nghèo hiểu biết được quyền, nghĩa vụ của mình, chủ động tiếp cận các chính sách trợ giúp của Nhà nước, vươn lên thoát nghèo.
Đến năm 2015 có khoảng trên 2.400 người tại các xã nghèo ngoài 135 được trợ giúp pháp lý và trên 14.000 lượt người được tuyên truyền pháp luật. Kinh phí thực hiện 1.350 triệu đồng. Trong đó ngân sách Trung ương là 100%.
(Có biểu số 8 đính kèm)
- Nâng cao năng lực cho cán bộ làm công tác giảm nghèo:
Nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ làm công tác XĐGN từ tỉnh đến cơ sở, thông qua đó nâng cao hiệu quả thực hiện chương trình.
Kết quả dự kiến: Đến năm 2015, 100% số cán bộ làm công tác XĐGN được đào tạo.
Nhu cầu vốn: Tổng nguồn vốn là 1.905 triệu đồng. Trong đó ngân sách TW là 100%.
(Có biểu 09 đính kèm)
- Hoạt động giám sát đánh giá:
Xây dựng hệ thống chỉ tiêu giám sát và đánh giá 3 cấp (Từ tỉnh đến cơ sở xã/phường, thị trấn ); tổ chức vào phần mềm để quản lý theo dõi hộ nghèo giai đoạn 2011- 2015 và hàng năm giám sát, đánh giá kết quả thực hiện công tác giảm nghèo trên địa bàn toàn tỉnh; định kỳ hàng năm, 6 tháng, hàng quý.
Kết quả dự kiến: Mỗi năm cần điều tra hộ nghèo một lần nhằm nắm bắt được tình hình nghèo đói để có căn cứ xây dựng các kế hoạch giảm nghèo và các chương trình hỗ trợ phù hợp với nhu cầu của từng huyện, xã, từng hộ nghèo. Tổng nguồn vốn cho giám sát, đánh giá là: 2.436 triệu đồng với 100% vốn từ ngân sách Trung ương.
(Có biểu 10 đính kèm)
- Hoạt động truyền thông giảm nghèo:
Hỗ trợ tuyên truyền về các chính sách giảm nghèo cho các cấp từ tỉnh đến cơ sở. Tổng kinh phí thực hiện là 1.645 triệu đồng.
(Có biểu 11 đính kèm)
- Thực hiện nghị Quyết 30a: Dự kiến tổng vốn thực hiện Nghị quyết 30a giai đoạn 2011-2015 là 1.444.188 triệu đồng. Trong đó vốn sự nghiệp là: 327.948 triệu đồng, vốn đầu tư là: 1.116.240 triệu đồng.
(Có biểu 12 đính kèm)
4. Về công tác cán bộ:
Thực hiện tăng cường cán bộ từ huyện, thị xã xuống các xã làm nhiệm vụ giảm nghèo và thu hút trí thức trẻ, kết hợp với đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ tại chỗ từng bước đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ. Thực hiện đầy đủ các chính sách của Nhà nước đối với cán bộ tăng cường cơ sở để động viên, khuyến khích cán bộ làm việc có hiệu quả, yên tâm gắn bó với cơ sở.
5. Về chỉ đạo điều hành:
Phân công rõ trách nhiệm của các cấp, các ngành, các tổ chức đoàn thể quần chúng; xây dựng quy chế phối hợp trong quá trình triển khai tổ chức thực hiện công tác giảm nghèo nhanh và bền vững trên địa bàn tỉnh.
Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát tình hình thực hiện kế hoạch và các chính sách giảm nghèo để kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc và uốn nắn những sai phạm trong tổ chức thực hiện.
VI. Tổng kinh phí của cả giai đoạn 2011-2015:
Tổng kinh phí là: 3.259.185 triệu đồng. Trong đó:
- Vốn tín dụng: 1.081.000 triệu đồng.
- Ngân sách trung ương: 2.157.464 triệu đồng.
- Ngân sách địa phương: 10.721 triệu đồng.
- Vốn huy động khác: 10.000 triệu đồng.
Phân kỳ theo các năm:
- Năm 2011: 501.466 triệu đồng.
- Năm 2012: 576.341 triệu đồng.
- Năm 2013: 641.890 triệu đồng.
- Năm 2014: 723.637 triệu đồng.
- Năm 2015: 815.851 triệu đồng.
(Biểu 13 kèm theo)
VII. Tổ chức thực hiện:
1. Các sở, ban, ngành tỉnh:
- Sở Lao động - TBXH là cơ quan thường trực Chương trình. Phối hợp với các ngành có liên quan chủ trì xây dựng và thực hiện các chính sách: Nâng cao năng lực cho cán bộ làm công tác XĐGN, đào tạo nghề cho người nghèo, hoạt động giám sát giảm nghèo.
- Sở Kế hoạch và Đầu tư: Chủ trì cân đối đảm bảo nguồn lực cho chương trình.
- Sở Tài chính: Phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư cân đối nguồn lực cho chương trình, giám sát và quyết toán nguồn vốn thực hiện chương trình.
- Sở Nông nghiệp và PTNT: Phối hợp với các ngành có liên quan chủ trì thực hiện dự án khuyến nông - khuyến lâm và hỗ trợ sản xuất phát triển ngành nghề; tổ chức hệ thống khuyến nông từ tỉnh đến thôn bản.
- Sở Giáo dục và Đào tạo: Phối hợp với các ngành có liên quan chủ trì xây dựng và thực hiện chính sách hỗ trợ giáo dục cho người nghèo.
- Ngân hàng chính sách xã hội: Phối hợp với các ngành có liên quan chủ trì xây dựng và thực hiện chính sách tín dụng ưu đãi cho người nghèo.
- Các Sở, ban ngành căn cứ chức năng, nhiệm vụ của ngành lồng ghép và phối hợp tích cực với các ngành, các cấp để thực hiện chương trình.
- Các tổ chức chính trị xã hội và các đoàn thể tham gia xây dựng và thực hiện chương trình theo chức năng, nhiệm vụ quyền hạn qui định, đồng thời phát triển mạnh các mô hình, cách làm có hiệu quả trong thời gian qua nhằm thúc đẩy giảm nghèo bền vững.
2. Uỷ ban nhân dân các huyện, thị xã:
Kiện toàn BCĐ giảm nghèo các cấp, đồng thời xây dựng chương trình giảm nghèo giai đoạn 2011 - 2015 và kế hoạch giảm nghèo hàng năm. Trực tiếp và phối hợp chỉ đạo tổ chức triển khai thực hiện các chính sách, dự án và kế hoạch trên địa bàn.
3. Uỷ ban nhân dân các xã, phường, thị trấn:
Xây dựng kế hoạch xoá đói giảm nghèo ngắn và dài hạn. Trực tiếp tổ chức thực hiện các chương trình, kế hoạch và các chính sách đối với hộ nghèo, người nghèo, cận nghèo.
4. Chế độ báo cáo:
- UBND các huyện, thị báo cáo định kỳ quý, 6 tháng, 1 năm về UBND tỉnh thông qua sở Lao động - TBXH để tổng hợp.
- Thời gian gửi báo cáo:
+ B/C Qúy vào ngày 25 của tháng cuối quý.
+ B/C 6 tháng vào ngày 20 của tháng cuối quý 2.
+ B/C 1 năm vào ngày 10 của tháng cuối năm.
+ B/C 5 năm vào tháng 11 năm 2015.
KẾT LUẬN
Chương trình giảm nghèo tỉnh Lai Châu giai đoạn 2010-2015 được triển khai góp phần quan trọng vào nhiệm vụ giảm nghèo trên phạm vi toàn tỉnh và đặc biệt là những vùng khó khăn, vùng sâu, vùng xa đảm bảo công bằng xã hội và làm nền tảng cho phát triển kinh tế - xã hội bền vững.
Chương trình được thiết kế với một hệ thống giải pháp, cơ chế, chính sách đồng bộ, nhằm nâng cao năng lực, cũng như khả năng tiếp cận của người nghèo đối với việc phát triển sản xuất, dịch vụ xã hội đặc biệt là đồng bào dân tộc thiểu số; tạo cơ hội thuận lợi để người nghèo tự vươn lên thoát nghèo bền vững từng bước nâng cao và cải thiện chất lượng cuộc sống vững tin vào đường lối chính sách của Đảng và Nhà nước./.