Sign In

QUYẾT ĐỊNH CỦA UBND TỈNH LAI CHÂU

V/v: Quy định những tiêu thức đánh giá, xếp loại chính quyền cơ sở

________________________

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH LAI CHÂU

Căn cứ Luật tổ chức HĐND và UBND ban hành năm 2003;

Căn cứ Nghị quyết số 17/NQ-TW ngày 18/3/2002 Hội nghị lần thứ 5 Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa IX về Đổi mới, nâng cao chất lượng hệ thống chính trị ở cấp xã, phường, thị trấn;

Căn cứ Thông tư số 12/TT-BNV ngày 20/02/2004 của Bộ Nội vụ hướng dẫn thực hiện Nghị định số 79/2003/NĐ-CP ngày 07/7/2003 của Chính phủ về thực hiện Quy chế dân chủ ở xã, phường, thị trấn;

Căn cứ Nghị quyết số 05/NQ-TU ngày 02/7/2004 của Tỉnh ủy và Nghị quyết số 16/NQ-HĐ12 ngày 25/6/2004 của HĐND tỉnh về tiếp tục đẩy mạnh thực hiện chương trình xóa đói, giảm nghèo và việc làm giai đoạn 2004-2010; Xét đề nghị của Giám đốc Sở Nội vụ,

QUYẾT ĐỊNH

Điều 1: Nay ban hành kèm theo Quyết định này "Quy định về những tiêu thức đánh giá, xếp loại chính quyền cơ sở" trên địa bàn tỉnh Lai Châu.

Điều 2: Quyết định này có hiệu lực thi hành sau 10 ngày, kể từ ngày ký. Các quy định trước đây trái với quy định này đều bãi bỏ.

Điều 3: Các ông Chánh văn phòng HĐND, UBND tỉnh; Giám đốc Sở Nội vụ, Chủ tịch HĐND, UBND các huyện, thị xã; Thủ trưởng các Sở, Ban, Ngành, Đoàn thể tỉnh có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

T/M UỶ BAN NHÂN DÂN TỈNH LAI CHÂU

KT. CHỦ TỊCH

PHÓ CHỦ TỊCH

(Đã ký)

 

Trần Văn Phu

QUY ĐỊNH

NHỮNG TIÊU THỨC ĐÁNH GIÁ, XẾP LOẠI CHÍNH QUYỂN CƠ SỞ

(Ban hành kèm theo Quyết định số: 58/2005/QĐ-UBND ngày 21 tháng 6 năm 2005 của UBND tỉnh Lai Châu)

________________________

Chương I

NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Mục đích của việc đánh giá, xếp loại chính quyền cơ sở nhằm xác định hiệu quả hoạt động trong việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ quản lý Nhà nước ở địa phương. Kết quả trên là căn cứ để đánh giá điểm mạnh, điểm yếu của chính quyền cơ sở.

Điều 2. Việc đánh giá, xếp loại chính quyền cơ sở được thực hiện một năm một lần để rút ra những bài học kinh nghiệm trong công tác quản lý và xây dựng chính quyền địa phương trong sạch, vững mạnh.

Điều 3. Kết quả công việc làm được là căn cứ để đánh giá và xếp loại chính quyền cơ sở.

CHƯƠNG II

NHỮNG TIÊU CHÍ CỤ THỂ ĐÁNH GIÁ XẾP LOẠI CHÍNH QUYỂN CƠ SỞ

Điều 4: Trong lĩnh vực phát triển Kinh tế-Xã hội địa phương.

1. Chủ động xây dựng kế hoạch phát triển Kinh tế-Xã hội có tính khả thi, phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương và thực hiện đạt kết quả trên 90% kế hoạch. Đạt 20 điểm.

2. Xây dựng kế hoạch phát triển Kinh tế-Xã hội có tính khả thi, phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương và thực hiện đạt kết quả từ 70 đến 90% kế hoạch. Đạt 15 điểm.

3. Xây dựng kế hoạch phát triển Kinh tế-Xã hội và thực hiện đạt kết quả từ 60 đến dưới 70% kế hoạch. Đạt 10 điểm.

4. Xây dựng kế hoạch phát triển Kinh tế-Xã hội và kết quả thực hiện được dưới 60% kế hoạch. Đạt 5 điểm.

Điều 5: Trong việc thu, chi ngân sách địa phương.

1. Lập dự toán thu, chi ngân sách ở địa phương, sử dụng ngân sách tiết kiệm; khuyến khích nhân dân hoàn thành các loại thuế, bảo đảm thu đúng, nộp đủ 100%. Đạt 20 điểm.

2. Lập dự toán thu, chi ngân sách ở địa phương, sử dụng ngân sách tiết kiệm; khuyến khích nhân dân hoàn thành các loại thuế từ 90 đến dưới 100% kế hoạch. Đạt 15 điểm.

3. Thực hiện công tác thu thuế ở địa phương và hoàn thành được từ 70 đến dưới 90% kế hoạch; còn lãng phí trong việc mua sắm. Đạt 10 điểm

4. Thực hiện công tác thu thuế ở địa phương nhưng chỉ hoàn thành dưới 70% kế hoạch; có hiện tượng lãng phí trong việc sử dụng ngân sách. Đạt 5 điểm.

Điều 6: Trong lĩnh vực Nông-Lâm nghiệp.

1. Chủ động quy hoạch và xây dựng các đề án phát triển kinh tế nông, lâm nghiệp phù hợp với điều kiện của từng địa phương; hướng dẫn nông dân phát triển kinh tế nông, lâm nghiệp như; thâm canh, xen canh tăng vụ, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật, bảo vệ môi trường sinh thái và tổ chức được từ 95 đến 100% kế hoạch. Đạt 20 điểm.

2. Quy hoạch và xây dựng các kế hoạch phát triển kinh tế nông lâm nghiệp phù hợp với điều kiện của địa phương; Tổ chức hướng dẫn nhân dân thâm canh, xen canh tăng vụ, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật, bảo vệ môi trường sinh thái... thực hiện được từ 85 đến dưới 95% kế hoạch. Đạt 15 điểm.

3. Xây dựng các đề án phát triển kinh tế nông, lâm nghiệp phù hợp với hoàn cảnh của địa phương; hướng dẫn nhân dân phát triển kinh tế nông, lâm nghiệp như: thâm canh, xen canh tăng vụ, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật, bảo vệ môi trường sinh thái và thực hiện được từ 70 đến dưới 85% kế hoạch. Đạt 10 điểm.

4. Xây dựng các đề án phát triển kinh tế nông, lâm nghiệp phù hợp với điều kiện của địa phương; hướng dẫn nhân dân làm kinh tế nông, lâm nghiệp như: thâm canh, xen canh tăng vụ, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật, bảo vệ môi trường sinh thái và hoàn thành dưới 70% kế hoạch. Đạt 5 điểm.

Điều 7: Trong lĩnh vực xây dựng cơ sở hạ tầng.

1. Chủ động lập kế hoạch và tổ chức thực hiện việc xây dựng, tu sửa đường giao thông trong xã theo phân cấp; quản lý và bảo vệ các công trình trên địa bàn xã; huy động sự đóng góp tự nguyện của nhân dân để xây dựng các công trình như: đường giao thông, thuỷ lợi, nhà tình nghĩa, công trình phúc lợi xã hội... tổ chức đạt được 95 đến 100% kế hoạch. Đạt 20 điểm.

2. Lập kế hoạch và tổ chức thực hiện việc xây dựng, tu sửa đường giao thông trong xã theo phân cấp; quản lý và bảo vệ các công trình trên địa bàn xã, huy động sự đóng góp tự nguyện của nhân dân để xây dựng các công trình như: đường giao thông, thuỷ lợi, nhà tình nghĩa, công trình phúc lợi xã hội... tổ chức thực hiện đạt được từ 85 đến dưới 95% kế hoạch. Đạt 15 điểm.

3. Lập kế hoạch và tổ chức thực hiện việc xây dựng, tu sửa đường giao thông trong xã theo phân cấp, quản lý và bảo vệ các công trình trên địa bàn xã, huy động sự đóng góp tự nguyện của nhân dân để xây dựng các công trình như: đường giao thông, thuỷ lợi, nhà tình nghĩa, công trình phúc lợi xã hội... tổ chức thực hiện được 75 đến dưới 85% kế hoạch. Đạt 10 điểm.

4. Có kế hoạch và tổ chức thực hiện việc xây dựng, tu sửa đường giao thông trong xã theo phân cấp, quản lý và bảo vệ các công trình trên địa bàn xã; huy động sự đóng góp tự nguyện của nhân dân để xây dựng các cồng trình như: đường giao thông, thuỷ lợi, nhà tình nghĩa, công trình phúc lợi xã hội... và tổ chức thực hiện chỉ được dưới 75% kế hoạch. Đạt 5 điểm.

Điều 8: Về phát triển văn hoá, giáo dục.

1. Chủ động thực hiện kế hoạch phát triển sự nghiệp giáo dục, kết hợp với nhà trường vận động được từ 80 đến 90% trẻ em đến lớp đúng độ tuổi; hoàn thành được từ 70 đến 80% kế hoạch xoá mù chữ cho những người trong độ tuổi; bảo đảm về trường lớp, vận động được từ 80 đến 90% hộ gia đình cam kết xây dựng nếp sống văn minh, gia đình văn hoá; Tổ chức thường xuyên các phong trào vãn hoá, văn nghệ, thể dục thể thao, phát huy giá trị văn hoá truyền thống, bảo tồn các danh lam thắng cảnh. Đạt 20 điểm.

2. Thực hiện kế hoạch phát triển sự nghiệp giáo dục, kết hợp với nhà trường; vận động được từ 70 đến dưới 80% trẻ em đến lớp đúng độ tuổi, hoàn thành được từ 60 đến dưới 70% kế hoạch xoá mù chữ cho những người trong độ tuổi; bảo đảm về trường lớp; vận động được từ 70 đến dưới 80% hộ gia đình cam kết xây dựng nếp sống văn minh, gia đình văn hoá; Tổ chức các phong trào văn hoá, văn nghệ, thể dục thể thao, phát huy giá trị văn hoá truyền thống, bảo tồn các danh lam thắng cảnh. Đạt 15 điểm.

3. Thực hiện kế hoạch phát triển sự nghiệp giáo dục, kết hợp với nhà trường vận động được từ 60 đến dưới 70% trẻ em đến lớp đúng độ tuổi; hoàn thành được từ 50 đến dưói 60% kế hoạch xoá mù chữ cho những người trong độ tuổi; bảo đảm về trường lớp; vận động được từ 60 đến dưới 70% hộ gia đình cam kết xây dựng nếp sống văn minh, gia đình văn hoá; ít tổ chức các phong trào văn hoá, văn nghệ, thể dục thể thao, chưa chú trọng các ngày lễ hội truyền thống, danh lam thắng cảnh. Đạt 10 điểm.

4. Thực hiện kế hoạch phát triển sự nghiệp giáo dục, kết hợp với nhà trường vận động được từ 50 đến dưói 60% trẻ em đến lớp đúng độ tuổi; hoàn thành được từ 40 đến dưới 50% kế hoạch xoá mù chữ cho những người trong độ tuổi; chưa bảo đảm về trường lớp; chỉ vận động được từ 50 đến dưới 60% hộ gia đình cam kết xây dựng nếp sống văn minh, gia đình văn hoá; không quan tâm đến các phong trào văn hoá, văn nghệ, thể dục thể thao, giá trị văn hoá truyền thống, danh lam thắng cảnh. Đạt 5 điểm

Điều 9: Về y tế, bảo vệ sức khoẻ.

1. Thực hiện kế hoạch phát triển sự nghiệp y tế, quản lý tốt các trung tâm y tế, trạm y tế, chỉ đạo và kiểm tra việc bảo vệ sức khoẻ cho nhân dân, chú trọng đến công tác phòng chống các dịch bệnh, cấp phát thuốc theo đúng quy định. Đạt 20 điểm

2. Thực hiện kế hoạch phát triển sự nghiệp y tế; quản lý các trung tâm y tế, trạm y tế, chỉ đạo và kiểm tra việc bảo vệ sức khoẻ cho nhân dân, quan tâm đến công tác phòng chống các dịch bệnh, không cấp phát thuốc thường xuyên. Đạt 15 điểm.

3. Chính quyền địa phương có quan tâm đến kế hoạch phát triển sự nghiệp y tế; quản lý tốt các trung tâm y tế, trạm y tế, chỉ đạo và kiểm tra việc bảo vệ sức khoẻ cho nhân dân, chưa quan tâm đến công tác phòng chống các dịch bệnh, cấp phát thuốc không thường xuyên. Đạt 10 điểm.

4. Chính quyền địa phương chưa quan tâm nhiều đến kế hoạch phát triển sự nghiệp y tế; quản lý thiếu chặt chẽ các trung tâm y tế, trạm y tế, chỉ đạo và kiểm tra việc chăm sóc, bảo vệ sức khoẻ cho nhân dân chưa được bảo đảm không quan tâm đến công tác phòng chống các dịch bệnh, cấp phát thuốc không đúng quy định. Đạt 5 điểm.

Điều 10: Về dân số và kế hoạch hoá gia đình.

1. Chính quyền cơ sở thường xuyên tuyên truyền và tổ chức các phong trào, hội thi về dân số và kế hoạch hoá gia đình, thực hiện có hiệu quả việc giảm gia tăng dân số dưới 2,1%/ năm, khuyến khích không sinh con thứ 3; vận động được trên 50% các cặp vợ chồng sinh đẻ có kế hoạch và sử dụng các biện pháp tránh thai. Đạt 20 điểm.

2. Chính quyền cơ sở thường xuyên tuyên truyền và tổ chức các phong trào, hội thi về dân số kế hoạch hoá gia đình, thực hiện có hiệu quả việc giảm gia tăng dân số dưới 2,6%/ năm; khuyến khích không sinh con thứ 3; vận động được từ 40 đến 50% các cặp vợ chồng sinh đẻ có kế hoạch và sử dụng các biện pháp tránh thai. Đạt 15 điểm.

3. Chính quyền cơ sở thực hiện công tác tuyên truyền và tổ chức các phong trào, hội thi về dân số kế hoạch hoá gia đình, thực hiện việc giảm gia tăng dân số dưới 3,2%/ năm; khuyến khích không sinh con thứ 3; vận động được từ 30 đến 40% các cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ sử dụng các biện pháp tránh thai. Đạt 10 điểm.

4. Chính quyền cơ sở có tuyên truyền và tổ chức các phong trào, hội thi về dân số kế hoạch hoá gia đình, thực hiện việc giảm gia tăng dân số trên 3,6%/ năm; vận động được dưới 30% các cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ sử dụng các biện pháp tránh thai. Đạt 5 điểm.

Điều 11: Về chăm lo đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân.

1. Xây dựng các đề án phát triển kinh tế xã hội, như chuyển dịch cơ cấu kinh tế, nông-lâm nghiệp-vật nuôi; mở rộng và phát triển các nghề truyền thống; chăm lo đến đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân, phấn đấu được từ 25 đến 35% hộ giàu; 50 đến 70% hộ khá; dưới 20% hộ nghèo. Đạt 20 điểm.

2. Xây dựng các đề án phát triển kinh tế xã hội, như chuyển dịch cơ cấu kinh tế, nông-lâm nghiệp-vật nuôi; mở rộng và phát triển các nghề truyền thống; chăm lo đến đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân, phấn đấu được từ 15 đến dưới 25% hộ giàu; 40 đến dưới 50% hộ khá; dưới 30% hộ nghèo, đói. Đạt 15 điểm.

3. Xây dựng các đề án phát triển kinh tế xã hội, như chuyển dịch cơ cấu kinh tế, nông-lâm nghiệp-vật nuôi; chưa chú trọng mở rộng và phát triển các nghề truyền thống; chăm lo đến đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân, nhưng chỉ đạt 10% hộ giàu; 30 đến dưới 40% hộ khá; trên 30% hộ nghèo, đói. Đạt 10 điểm.

4. Chưa quan tâm nhiều đến việc xây dựng các đề án phát triển kinh tế xã hội, như chuyển dịch cơ cấu kinh tế, nông-lâm nghiệp-vật nuôi; không chú trọng việc mở rộng và phát triển các nghề truyền thống; trong xã chỉ có 10 đến 20% hộ gia đình giàu và khá; trên 40% hộ nghèo, đói. Đạt 5 điểm.

Điều 12: Về thi hành các văn bản pháp luật.

1. Chính quyền cơ sở thực hiện việc tuyên truyền có hiệu quả đường lối chủ trương, chính sách của Đảng và các văn bản pháp luật của Nhà nước, chính quyền cấp trên. Bảo đảm đúng quy định, thời gian yêu cầu của văn bản, phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương. Thực hiện được 100%. Đạt 20 điểm.

2. Chính quyền cơ sở thực hiện việc tuyên truyền có hiệu quả các văn bản pháp luật của Nhà nước và chính quyền cấp trên, đôi khi còn chậm theo yêu cầu về thời gian của văn bản. Thực hiện được từ 95 đến dưới 100%. Đạt 15 điểm.

3. Chính quyền cơ sở thực hiện việc tuyên truyền các văn bản pháp luật của Nhà nước và chính quyền cấp trên còn chậm. Không đúng thời gian quy định của văn bản và mang tính máy móc, thực hiện được từ 90 đến dưới 95%. Đạt 10 điểm.

4. Chính quyền cơ sở thực hiện việc tuyên truyền các văn bản pháp luật của Nhà nước và chính quyền cấp trên nhưng còn chậm. Không thực hiện đúng yêu cầu về thời gian của văn bản và áp dụng mang tính máy móc, thực hiện chỉ được từ 80 đến dưói 90%. Đạt 5 điểm.

Điều 13: Về công tác xây dựng Chính quyền.

1. Chú trọng đến công tác xây dựng chính quyền cơ sở trong sạch, vững mạnh, ổn định bộ máy, thường xuyên chăm lo việc đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức; lắng nghe ý kiến phản ánh của nhân dân; chấp hành theo đúng chủ trương đưòng lối của Đảng và pháp luật của Nhà nước. Thực hiện được từ 95 đến 100%. Đạt 20 điểm.

2. Chú trọng đến công tác xây dựng Chính quyền cơ sở trong sạch, vững mạnh, ổn định bộ máy, chăm lo việc đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức; chưa quan tâm nhiều đến ý kiến đóng góp của nhân dân; chấp hành theo đúng chủ trương, đường lối cuả Đảng và pháp luật của Nhà nước. Thực hiện được từ 90 đến dưới 95%. Đạt 15 điểm.

3. Quan tâm đến công tác xây dựng Chính quyền cơ sở trong sạch, vững mạnh, bộ máy không ổn định, ít chăm lo việc đào tạo, bổi dưỡng cán bộ, công chức; chưa chú trọng đến ý kiến đóng góp của nhân dân; thực hiện chủ trương đường lối cuả Đảng và pháp luật của Nhà nước còn chậm. Thực hiện được từ 85 đến dưới 90%. Đạt 10 điểm.

4. Chưa quan tâm đến công tác xây dựng Chính quyền cơ sở trong sạch, vững mạnh, bộ máy thiếu thống nhất, không chăm lo việc đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức; không lắng nghe ý kiến phản ánh của nhân dân; thực hiện chủ trương đường lối cuả Đảng và pháp luật của Nhà nước còn chưa sâu sát. Thực hiện được từ 70 đến dưới 85%. Đạt 5 điểm.

Điều 14: Về An ninh-Quốc phòng.

1. Chính quyền cơ sở chú trọng thường xuyên đến công tác An ninh-Quốc phòng, bảo đảm trật tự an toàn xã hội, quản lý chặt chẽ công tác An ninh -Quốc phòng trên địa bàn xã, phường, thị trấn; phòng ngừa và chống tội phạm, các tệ nạn xã hội, các hành vi vi phạm pháp luật; hàng năm thực hiện được 100% kế hoạch tuyển quân sự. Đạt 20 điểm.

2. Chính quyền cơ sở chú trọng thường xuyên đến công tác An ninh-Quốc phòng, bảo đảm trật tự an toàn xã hội, quản lý chặt chẽ công tác An ninh -Quốc phòng trên địa bàn xã; chưa quan tâm đến công tác phòng ngừa và chống tội phạm, các tệ nạn xã hội, các hành vi vi phạm pháp luật khác; hàng năm thực hiện từ 95 đến dưới 100% kế hoạch tuyển quân sự. Đạt 15 điểm.

3. Chính quyền cơ sở chú trọng đến công tác An ninh-Quốc phòng, bảo đảm trật tự an toàn xã hội, quản lý chặt chẽ công tác An ninh-Quốc phòng trên địa bàn xã; chưa quan tâm đến công tác phòng ngừa và chống tội phạm, các tệ nạn xã hội và các hành vi vi phạm pháp luật khác nhưng vẫn xây ra 2 đến 4 trường hợp nhỏ/năm (chỉ ở mức sử phạt hành chính dưới 500.000 đồng); thực hiện từ 90 đến dưới 95% kế hoạch tuyển quân sự hàng năm. Đạt 10 điểm.

4. Chính quyền cơ sở chú trọng đến công tác An ninh-Quốc phòng, bảo đảm trật tự an toàn xã hội, quản lý chưa chặt chẽ công tác An ninh-Quốc phòng trên địa bàn xã; phòng ngừa và chống tội phạm, các tệ nạn xã hội và các hành vi vi phạm pháp luật khác nhưng vẫn xẩy ra 3 đến 4 trường hợp/năm (ở mức truy cứu trách nhiệm hình sự); thực hiện từ 80 đến dưới 90% kế hoạch tuyển quân sự hàng năm. Đạt 5 điểm.

Điều 15: Về công tác dân tộc.

1. Chính quyền cơ sở luôn quan tâm đến việc tổ chức hướng dản và bảo đảm đúng các chính sách dân tộc; thực hiện quyền tự do, bình đẳng của nhân dân; 100% theo đúng quy định của pháp luật. Đạt 20 điểm.

2. Chính quyền cơ sở luôn quan tâm đến việc tổ chức hướng dẫn và bảo đảm đúng các chính sách dân tộc; thực hiện quyền tự do, bình đẳng của nhân dân; được từ 95 đến dưới 100% theo đúng quy định của pháp luật. Đạt 15 điểm.

3. Chính quyền cơ sở quan tâm đến việc tổ chức hướng dẫn và bảo đảm đúng các chính sách dân tộc; thực hiện quyền tự do, bình đẳng của nhân dân; được từ 85 đến dưới 95% theo đúng quy định của pháp luật. Đạt 10 điểm.

4. Chính quyền cơ sở chưa quan tâm đến việc tổ chức hướng dẫn và bảo đảm các chính sách dân tộc; thực hiện quyền tự do, bình đẳng của nhân dân; được từ 75 đến dưới 85% theo đúng quy định của pháp luật. Đạt 5 điểm.

Điều 16: Về chính sách xã hội.

1. Quan tâm thường xuyên đến các gia đình chính sách thương binh, liệt sỹ, chú trọng đến việc vận động nhân dân giúp đỡ những gia đình gặp hoàn cảnh khó khăn, người già, người tàn tật, trẻ mồ côi; xây dựng nhà tình nghĩa, các công trình phúc lợi xã hội. Thực hiện có kết quả cao. Đạt 20 điểm.

2. Quan tâm đến các gia đình chính sách thương binh, liệt sỹ, có chú trọng đến việc vận động nhân dân giúp đỡ những gia đình gặp hoàn cảnh khó khăn, người già, người tàn tật, trẻ mồ côi nhưng kết quả chưa cao và ít chú trọng đến công tác xây dựng các công trình phúc lợi xã hội. Đạt 15 điểm.

3. Quan tâm đến các gia đình chính sách thương binh, liệt sỹ, vận động nhân dân giúp đỡ những gia đình gặp hoàn cảnh khó khăn, người già, người tàn tật, trẻ mồ côi nhưng hiệu quả không cao. Đạt 10 điểm.

4. ít quan tâm đến các gia đình chính sách thương binh, liệt sỹ, chưa chú trọng đến việc vận động nhân dân giúp đỡ những gia đình gặp hoàn cảnh khó khăn, người già, người tàn tật, trẻ mồ côi; hiệu quả thấp. Đạt 5 điểm.

Điều 17: Về việc sử dụng đất đai trên địa bàn xã.

1. Chủ động quy hoạch quỹ đất để phát triển kinh tế, bảo vệ tài nguyên môi trường; khi thực hiện đã đạt hiệu quả cao; trong năm không có sự tranh chấp đất đai, không phát nương, đốt rừng bừa bãi. Đạt 20 điểm.

2. Chủ động quy hoạch quỹ đất để phát triển kinh tế, bảo vệ tài nguyên môi trường; khi thực hiện hiệu quả chưa cao; một năm có từ 1 đến 2 trường hợp nhỏ tranh chấp đất đai và không có hiện tượng phát nương, đốt rừng. Đạt 15 điểm.

3. Quy hoạch quỹ đất để phát triển kinh tế, bảo vệ tài nguyên môi trường; khi thực hiện hiệu quả chưa cao; một năm có từ 1 đến 2 trường hợp nhỏ tranh chấp đất đai và có hiện tượng phát nương, đốt rừng. Đạt 10 điểm.

4. Quy hoạch quỹ đất để phát triển kinh tế, bảo vệ tài nguyên môi trường; khi thực hiện hiệu quả không cao; một năm có từ 2 đến 3 trường hợp nhỏ tranh chấp đất đai, phát nương, đốt rừng. Đạt 5 điểm.

Điều 18: Về thực hiện thông tin, báo cáo.

1. Chính quyền cơ sở thực hiện chế độ báo cáo thường xuyên đúng với chức năng, nhiệm vụ trong công tác quản lý Nhà nước ở địa phương, bảo đảm thông tin chính xác, đầy đủ, kịp thời. Đạt 20 điểm.

2. Chính quyền cơ sở thực hiện chế độ báo cáo thường xuyên đúng với chức năng, nhiệm vụ trong công tác quản lý Nhà nước ở địa phương nhưng đôi khi báo cáo còn chậm, thông tin chưa đầy đủ. Đạt 15 điểm.

3. Chính quyền cơ sở thực hiện chế độ báo cáo theo chức năng, nhiệm vụ trong công tác quản lý Nhà nước ở địa phương nhưng nhiều khi báo cáo còn chậm, thông tin chưa chính xác. Đạt 10 điểm.

4. Chính quyền cơ sở thực hiện chế độ báo cáo không thường xuyên theo chức năng, nhiệm vụ trong công tác quản lý Nhà nước ở địa phương; báo cáo còn chậm và có nhiều thiếu sót. Đạt 5 điểm.

Điều 19: Về công tác trực ban tiếp dân.

1. Chủ động xây dựng quy chế làm việc, phân công rõ nhiệm vụ gắn với trách nhiệm, thực hiện tốt chế độ trực ban, giải quyết những phản ánh, kiến nghị của nhân dân theo chức năng một cách nhanh chóng, đúng pháp luật. Đạt 20 điểm.

2. Chủ động xây dựng quy chế làm việc, phân công rõ nhiệm vụ gắn với trách nhiệm, thực hiện chưa tốt chế độ trực ban, giải quyết những phản ánh, kiến nghị của nhân dân theo chức năng nhưng còn chậm. Đạt 15 điểm.

3. Chủ động xây dựng quy chế làm việc, phân công nhiệm vụ gắn với trách nhiêm, thực hiện chưa tốt chế độ trực ban, giải quyết những phản ánh, kiến nghị của nhân dân theo chức năng nhưng còn lúng túng. Đạt 10 điểm.

4. Xây dựng quy chế làm việc, phân công nhiệm vụ gắn với trách nhiệm, chưa chú trọng đến chế độ trực ban, giải quyết những phản ánh, kiến nghị của nhân dân theo chức năng nhưng còn chậm và thiếu sót. Đạt 5 điểm.

Điều 20: Về thực hiện Quy chế dân chủ.

1. Khuyến khích và phát huy quyền dân chủ của mỗi cán bộ, công chức và của nhân dân, thực hiện chế độ làm việc tập thể, quyết định theo đa số. Quan tâm đến ý kiến phản ánh, đóng góp của cán bộ và nhân dân, chủ động từng bước cải cách hành chính, thực hiện chế độ "một cửa" bảo đảm phù hợp với điều kiện địa phương, đúng theo pháp luật. Đạt 20 điểm.

2. Bảo đảm quyền dân chủ của mỗi cán bộ, công chức và của nhân dân, thực hiện chê độ làm việc tập thể, quyết định theo đa số. Chưa quan tâm nhiều đến ỷ kiến phản ánh, đóng góp của cán bộ và nhân dân, từng bước cải cách hành chính, thực hiện chế độ "một cửa" nhưng vẫn còn chậm. Đạt 15 điểm.

3. Quan tâm đến quyền dân chủ của mỗi cán bộ, công chức và của nhân dân, thực hiện chế độ làm việc tập thể, quyết định theo đa số. Chưa chú trọng đến ý kiến phản ánh, đóng góp của cán bộ và nhân dân, thực hiện cải cách hành chính nhưng vẫn còn vướng mắc. Đạt 10 điểm.

4. Chưa quan tâm đến quyền dân chủ của mỗi cán bộ, công chức và của nhân dân, thực hiện chế độ làm việc tập thể, quyết định theo đa số nhưng đôi khi vẫn còn tính chuyên quyền. Chưa lắng nghe ý kiến phản ánh, đóng góp của cán bộ và nhân dân, có thực hiện cải cách hành chính nhưng vẫn còn sai sót. Đạt 5 điểm.

Điều 21: Về thực hiện quyền hạn và trách nhiệm.

1. Cán bộ, công chức chính quyền cơ sở khi thực hiện công việc chuyên môn đều hoàn thành suất sắc nhiệm vụ. Đạt 20 điểm.

2. Cán bộ, công chức chính quyền cơ sở khi thực hiện công việc chuyên môn đã hoàn thành nhiệm vụ nhưng chỉ dừng lại ở mức sự vụ. Đạt 15 điểm.

3. Cán bộ, công chức chính quyền cơ sở trong khi thực hiện công việc chuyên môn còn chậm. Đạt 10 điểm.

4. Cán bộ, công chức chính quyền cơ sở trong khi thực hiện công việc chuyên môn còn chậm và sai sót. Đạt 5 điểm.

Chương III

VIỆC XẾP LOẠI VÀ TỔ CHỨC THỰC HIỆN

Điều 22: Uỷ ban nhân dân tỉnh Lai Châu giao cho Sở Nội vụ chịu trách nhiệm theo dõi việc thực hiện của chính quyền địa phương và tổng hợp số liệu báo cáo với UBND tỉnh để UBND tỉnh quyết định xếp loại đơn vị hành chính xã, phường, thị trấn.

Điều 23: Việc đánh giá, xếp loại chính quyền cơ sở phải bảo đảm chật chẽ, đúng với tình hình thực tế của từng địa phương và được chia theo thang điểm từ cao xuống thấp, cụ thể như sau.

+ Loại tốt: Từ 320 đến 360 điểm.

+ Loại khá: Từ 220 đến 310 điểm.

+ Loại trung bình: Từ 160 đến 210 điểm.

+ Loại yếu: Từ 90 đến 150 điểm.

Điều 24: Những tiêu thức trên là căn cứ để đánh giá, xếp loại chính quyền cơ sở được áp dụng trong phạm vi toàn tỉnh Lai Châu.

Điều 25: UBND các huyện, thị xã chịu trách nhiệm hướng dẫn Chính quyền cấp xã, phường, thị trấn thi hành những quy định này và gửi báo cáo về UBND tỉnh (qua Sở Nội vụ) trước ngày 30/10/2005./.

Ủy ban nhân dân tỉnh Lai Châu

Phó Chủ tịch

(Đã ký)

 

Trần Văn Phu