Sign In

 

UỶ BAN NHÂN DÂN

  TỈNH LẠNG SƠN

      ________

                      CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM

                  Độc lập - Tự do - Hạnh phúc

                    ____________________

      Số:  71/2000/QĐ-UB                                                        Lạng Sơn,  ngày  05  tháng  12 năm 2000

 

 

QUYẾT ĐỊNH CỦA UỶ BAN NHÂN DÂN TỈNH

V/v Ban hành qui chế tổ chức, hoạt động của cán bộ-công chức

 tăng cường các xã đặc biệt khó khăn và xã biên giới.

_________

 

UỶ BAN NHÂN DÂN TỈNH LẠNG SƠN

Căn cứ Luật tổ chức HĐND và UBND (sửa đổi) ngày 21/6/1994;

Căn cứ quyết định số 42/1999/QĐ-TTg ngày 31/7/1999 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường có thời hạn Cán bộ- công chức về các xã làm công tác xoá đói giảm nghèo;

Căn cứ quyết định số 41/2000/QĐ-UB ngày 15/7/2000 của Chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn về việc tăng cường có thời hạn Cán bộ- công chức về các xã đặc biệt khó khăn, xã biên giới làm công tác phát triển kinh tế, an ninh quốc phòng, xoá đói giảm nghèo;

Xét đề nghị của Trưởng Ban Tổ chức chính quyền tỉnh,

QUYẾT ĐỊNH

Điều 1: Ban hành kèm theo Quyết định này bản Qui chế tổ chức, hoạt động của Cán bộ công chức tăng cường các xã đặc biệt khó khăn, xã biên giới.

Điều 2: Chánh Văn phòng UBND tỉnh, Trưởng Ban tổ chức chính quyền, Trưởng Ban chỉ đạo chương trình 135 của tỉnh, Thủ trưởng các Sở, ban, ngành, các Ban của Đảng, đoàn thể tỉnh, Chủ tịch UBND các huyện chịu trách nhiệm thi hành quyết định này.

       Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký./.

 

 

                                                                                           TM. UỶ BAN NHÂN DÂN TỈNH LẠNG SƠN

                                                                                                                      CHỦ TỊCH

 

                                                                                                                      (Đã ký)

 

                                                                                                                Dương Công Đá  

 

QUY CHẾ

Tổ chức và hoạt động của Cán bộ-Công chức tăng cường

các xã đặc biệt khó khăn, xã biên giới

(Ban hành kèm theo Quyết định số 71/2000/QĐ-UB ngày 05 tháng 12 năm 2000

của UBND tỉnh Lạng Sơn)

__________

 

Chương I

TRÁCH NHIỆM, CHẾ ĐỘ CÔNG TÁC

CỦA CÁN BỘ TĂNG CƯỜNG XÃ

 

Điều 1. Cán bộ - công chức tăng cường các xã đặc biệt khó khăn, xã biên giới (gọi tắt là CB tăng cường xã) có trách nhiệm thực hiện các nhiệm vụ sau:

1. Giúp UBND xã xây dựng và tổ chức triển khai các kế hoạch, chương trình, dự án phát triển kinh tế - xã hội, an ninh quốc phòng, xây dựng cơ sở hạ tầng, định canh, định cư, kinh tế mới, xóa đói giảm nghèo; huy động nguồn lực tại chỗ, tổ chức, hướng dẫn cách làm ăn, phát triển sản xuất, khuyến nông khuyến lâm.

2. Giúp và đề xuất với UBND xã về biện pháp tổ chức quản lý, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý của chính quyền xã và các phong trào hoạt động khác thiết thực, có hiệu quả.

3. Thực hiện nghiêm chỉnh mọi quy định về công tác, tổ chức và chế độ thông tin, báo cáo đối với UBND huyện.

4. Tham gia sinh hoạt đảng (nếu là đảng viên) theo sự phân công của cấp ủy xã.

 

Điều 2. Cán bộ tăng cường xã được mời dự các cuộc họp định kỳ hàng tháng hoặc các cuộc họp bất thường của UBND xã; các kỳ họp HĐND xã, các kỳ sinh hoạt thôn; được tham gia ý kiến về các vấn đề kinh tế xã hội, quốc phòng an ninh do cuộc họp, kỳ họp nêu ra.

Các ý kiến đóng góp của cán bộ tăng cường xã về xây dựng dự án, đề án và các mặt công tác khác phải có sự thống nhất với lãnh đạo chủ chốt xã để triển khai, tổ chức thực hiện có hiệu quả. Trường hợp có những vấn đề không thống nhất giữa cán bộ tăng cường xã và lãnh đạo chủ chết xã cần báo cáo, xin ý kiến chỉ đạo của UBND huyện.

 

Điều 3. Cán bộ tăng cường xã thường xuyên trao đổi với lãnh đạo chủ chốt của xã (Lãnh đạo Đảng, chính quyền, đoàn thể) về các vấn đề công tác liên quan; Thường xuyên lắng nghe ý kiến nhân dân trong xã, từ đó xây dựng chương trình công tác phù hợp, thiết thực, hiệu quả.

 

Điều 4. Cán bộ tăng cường đi công tác phải có nhu cầu, nội dung công tác và được Chủ tịch UBND xã cử và giới thiệu. Sau đợt công tác phải báo cáo Chủ tịch UBND xã về kết quả công tác. Chủ tịch UBND xã có trách nhiệm xác nhận bằng văn bản về nội dung, thời gian địa điểm và kết quả công tác để làm căn cứ thanh toán công tác phí.

Thời gian cử đi công tác trong tháng phải bảo đảm tuân thủ các quy định hiện hành của Nhà Nước.

 

Điều 5. Hàng quý (cuối quý), cán bộ tăng cường xã báo cáo bằng văn bản về: Kết quả công tác của cá nhân, khó khăn thuận lợi trong công tác, những kiến nghị, đề xuất có xác nhận của UBND xã. Báo cáo gửi về UBND huyện (thông qua phòng TCCQ huyện để tổng hợp. Đồng thời gửi cho cơ quan quản lý có cán bộ tăng cường).

Sáu tháng 1 lần (cuối tháng 6 và cuối tháng 12 hàng năm) UBND huyện báo cáo UBND tỉnh về tình hình hoạt động của cán bộ tăng cường xã (thông qua Ban TCCQ tỉnh tổng hợp báo cáo UBNĐ tỉnh).

- Hàng quý, 6 tháng, hàng năm UBND huyện tổ chức gặp mặt cán bộ tăng cường xã, đội viên trí thức trẻ tình nguyện về các xã (nếu có) nhằm trao đổi công tác, rút kinh nghiệm, động viên nhắc nhở anh em.

 

Điều 6. 6 tháng và hàng năm Chủ tịch UBND xã phải báo cáo đánh giá nhận xét cán bộ tăng cường xã với các nội dung: ý thức tổ chức kỷ luật, tinh thần trách nhiệm công tác, tác phong quần chúng, lối sống đạo đức và kết quả công tác cụ thể. Việc đánh giá nhận xét phải dựa trên ý kiến của tập thể lãnh đạo xã (có tổ chức họp và có biên bản cuộc họp).

Báo cáo đánh giá, nhận xét cán bộ tăng cường xã (có biên bản họp kèm theo) gửi về UBND huyện (thông qua phòng TCCQ huyện) để làm cơ sở phân loại cán bộ - công chức hàng năm theo quy chế hiện hành. Sau đó tổng hợp gởi Ban Tổ chức chính quyền tỉnh.

 

Điều 7. Cán bộ tăng cường xã có thành tích được khen thưởng theo quy định của Pháp lệnh cán bộ công chức. Nếu hoàn thành nhiệm vụ được nâng bậc lương sớm hơn một năm so với quy định

Trường hợp cán bộ tăng cường xã thiếu tinh thần trách nhiệm, hiệu quả công tác kém, hoặc vi phạm kỷ luật thì UBND xã có trách nhiệm họp cán bộ chủ chốt xem xét đánh giá, báo cáo UBND huyện bằng văn bản (có kèm theo biên bản) và đề nghị hình thức kỷ luật. UBND huyện xem xét cụ thể và xử lý kỷ luật theo quy định của Pháp lệnh cán bộ công chức. Cán bộ tăng cường xã tự ý bỏ vị trí công tác, bị kỷ luật, sẽ không được bố trí trở lại công tác tại cơ quan cũ.

Điều 8. Cấp ủy Đảng của xã tạo điều kiện cho cán bộ tăng cường là Đảng viên tham gia sinh hoạt,  nếu được tín nhiệm và được sự đồng ý của cấp ủy huyện, cán bộ tăng cường có thể tham gia vào cấp ủy xã trong nhiệm kỳ công tác.

Cán bộ tăng cường xã chưa phải là Đảng viên, cấp ủy Đảng của xã cần có kế hoạch giúp đỡ để họ phấn đấu trở thành đảng viên trong quá trình công tác ở xã (nếu đủ điều kiện).

 

Chương II

CÔNG TÁC ĐIỀU ĐỘNG - CHẾ ĐỘ CHÍNH SÁCH

Đối VỚI CÁN BỘ TĂNG CƯỜNG XÃ

 

Điều 9. Các đơn vị có cán bộ đi tăng cường tạo điều kiện để cán bộ tăng cường công tác ổn định tại xã hết thời hạn quy định.

Trường hợp đặc biệt cần rút cán bộ tăng cường về trước thời hạn, thủ trưởng đơn vị có văn bản báo cáo UBNĐ tỉnh (thông qua Ban Tổ chức Chính quyền tinh). Văn bản phải nêu rõ lý do và có phương án cử người thay thế. Cán bộ tăng cường được đề nghị rút về trước thời hạn phải có thời gian để công tác ở xã ít nhất là 18 tháng.

Ban Tổ chức Chính quyền tỉnh có trách nhiệm báo cáo UBNĐ tỉnh xem xét quyết định.

 

Điều 10. Cán bộ tăng cường nghỉ công tác về việc riêng hoặc vì các lí do khác do Chủ tịch UBND xã giải quyết; thời gian Chủ tịch UBND xã giải quyết cho cán bộ tăng cường nghỉ không quá 5 ngày; Trường hợp nghỉ trên 5 ngày thì tính vào thời gian nghỉ phép trong năm của cán bộ.

- Trường hợp đặc biệt cán bộ tăng cường không tham gia công tác trong thời gian dài vì lí do sức khỏe hoặc lí do đặc biệt khác bản thân cán bộ đó phải có giấy báo cáo về cơ quan chủ quản, Chủ tịch UBND xã phải báo cáo UBND huyện và Ban Tổ chức Chính quyền tỉnh, để có hướng giải quyết.

Cán bộ tăng cường nghỉ phép năm do Chủ tịch UBND xã bố trí thời gian và giới thiệu về cơ quan chủ quản. Cơ quan chủ quản cử cán bộ đi tăng cường có trách nhiệm thanh toán chế độ nghỉ phép năm theo quy định hiện hành.

 

Điều 11. Cán bộ tăng cường được hưởng các chế độ quy định tại Điều 4 Quyết định số 41/2000/QĐ-UB ngày 15/7/2000 của UBND tỉnh. Ngoài ra còn được hưởng một số chế độ sau:

- Được hưởng chênh lệch giữa phụ cấp khu vực hàng tháng tại nơi đến công tác tăng cường với phụ cấp khu vực hiện hưởng tại cơ quan đơn vị.

Được thanh toán tiền công tác phí nếu có đủ điều kiện quy định tại Điều 4 của Quy định này.

Phụ cấp khu vực, tiền công tác phí do cơ quan cử cán bộ đi tăng cường xã chịu trách nhiệm thanh toán.

Việc nâng bậc lương sớm cho cán bộ tăng cường xã quy định tại Điều 7 của quy chế này được tiến hành như sau:

Cá nhân phải có bản thành tích nêu rõ tinh thần, thái độ ý thức trách nhiệm công tác, kết quả công tác cụ thể; Chủ tịch UBND xã xác nhận (trên cơ sở đánh giá, nhận xét của tập thể cán bộ lãnh đạo chủ chốt xã). Căn cứ vào thành tích cá nhân và xác nhận của Chủ tịch UBND xã, UBND huyện có văn bản đề nghị Hội đồng lương của tỉnh xem xét (văn bản gửi về Ban Tổ chức Chính quyền tỉnh để tổng hợp, báo cáo Hội đồng lương tỉnh).

 

Chương III

TRÁCH NHIỆM CỦA CÁC CƠ QUAN, ĐƠN VỊ

 

Điều 12. Trách nhiệm của các cơ quan đơn vị đối với cán bộ tăng cường xã

 

1. Đối với cơ quan, đơn vị cử cán bộ đi tăng cường xã

Thường xuyên quan tâm, tạo điều kiện giúp đỡ cán bộ tăng cường trong quá trình công tác tại xã thực hiện đấy đủ kịp thời mọi chế độ chính sách hiện hành và các quy định của Quy chế này đối với cán bộ tăng cường xã.

 

2. Đối với UBND huyện

- Căn cứ tình hình cụ thể Quyết định cử từng người về công tác tăng cường tại các xã đặc biệt khó khăn, xã biên giới.

- Quản lý và chỉ đạo về mọi mặt đối với cán bộ tăng cường xã.

- Thực hiện đầy đủ chế độ báo cáo UBND tỉnh (thông qua Ban TCCQ tỉnh tổng hợp) về tình hình hoạt động của cán bộ tăng cường xã.

 

3 . Đối với UBND xã

- UBND xã chịu trách nhiệm quản lí trực tiếp cán bộ tăng cường xã; tạo điều kiện cho cán bộ tăng cường xã về việc bố trí chỗ ở, nơi làm việc, nắm tình hình của xã để cán bộ tăng cường hoàn thành tốt nhiệm vụ.

- Phối hợp có hiệu quả với cán bộ tăng cường xã trong việc xây dựng, triển khai thực hiện các dự án, đề án, kế hoạch, chương trình phát triển kinh tế, xã hội, an ninh quốc phòng, xây dựng cơ sở hạ tầng, xóa đói giảm nghèo.

Thực hiện các quy định đã nêu trong quy chế này bao gồm: Chế độ báo cáo, chế độ quản lý, đánh giá nhận xét cán bộ tăng cường xã.

 

4. Đối với Ban Tổ chức Chính quyền tỉnh

- Phối hợp với các ngành liên quan, UBND các huyện, Ban chỉ đạo chương trình 135 của tỉnh theo dõi, hướng dẫn, cán bộ tăng cường xã thực hiện nhiệm vụ.

- Giúp UBND tỉnh nắm bắt tình hình, báo cáo đầy đủ, kịp thời về cán bộ tăng cường xã.

 

Điều 13. Trong quá trình thực hiện quy chế nếu có vướng mắc hoặc có những điều chưa phù hợp, các đơn vị phản ánh (thông qua Ban Tổ chức Chính quyền tỉnh) để UBND tỉnh xem xét giải quyết./.

 

 

                                                                                     TM. UỶ BAN NHÂN DÂN TỈNH LẠNG SƠN

                                                                                                              CHỦ TỊCH

 

                                                                                                                (Đã ký)

                

                                                                                                        Dương Công Đá