Sign In

NGHỊ ĐỊNH

Quy định việc quản lý và sử dụng con dấu

_____________________

 

CHÍNH PHỦ

Căn cứ Luật tổ chức Chính phủ ngày 30 tháng 9 năm 1992;

Xét đề nghị của Bộ trưởng, Trưởng Ban Tổ chức - cán bộ Chính phủ và Bộ trưởng Bộ Nội vụ;

NGHỊ ĐỊNH

Chương 1.

NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1 : Con dấu được sử dụng trong các cơ quan, các đơn vị kinh tế, các tổ chức xã hội, các đơn vị vũ trang và một số chức danh (dưới đây gọi tắt là các cơ quan, tổ chức) khẳng định giá trị pháp lý của các văn bản, thủ tục hành chính trong quan hệ giao dịch giữa các cơ quan, tổ chức và công dân phải được quản lý thống nhất theo các quy định trong Nghị định này của Chính phủ.

Điều 2 :

1- Các cơ quan, tổ chức dưới đây được dùng con dấu có hình quốc huy:

- Chủ tịch nước, Văn phòng Chủ tịch nước.

- Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội , Hội đồng Dân tộc của Quốc hội, các Uỷ ban của Quốc hội , Văn phòng Quốc hội.

- Toà án nhân dân các cấp và các toà án khác; cơ quan thi hành án các cấp.

- Viện kiểm sát nhân dân các cấp.

- Chính phủ, các Bộ , các cơ quan ngang Bộ, các cơ quan có chức năng quản lý Nhà nước thuộc Chính phủ.

- Hội đồng nhân dân, Uỷ ban nhân dân các cấp.

- Đoàn đại biểu Quốc hội các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương.

- Phòng công chứng Nhà nước các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương.

- Các cơ quan đại diện ngoại giao, các cơ quan lãnh sự, các cơ quan đại diện bên cạnh các tổ chức quốc tế liên Chính phủ, các phòng lãnh sự thuộc Đại sứ quán và các cơ quan đại diện khác của nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam ở nước ngoài.

- Các cơ quan thường xuyên làm công tác đối ngoại với nước ngoài thuộc Bộ Ngoại giao, Sở Ngoại vụ thành phố Hồ Chí Minh.

2- Thủ tướng chính phủ quyết định những trường hợp đặc biệt khác được dùng con dấu có hình quốc huy .

Điều 3 :

Các cơ quan, tổ chức được dùng con dấu không có quốc huy:

- Các cơ quan, tổ chức trực thuộc Bộ, cơ quan ngang Bộ , các cơ quan khác thuộc Chính phủ.

- Các uỷ ban chuyên môn của Uỷ ban nhân dân từ cấp huyện trở lên được tổ chức thành đơn vị công tác riêng, được giao quyền nhân danh mình quản lý, chỉ đạo công tác, giao dịch để giải quyết công việc với các cơ quan, tổ chức và nhân dân.

- Các tổ chức sự nghiệp.

- Các tổ chức quần chúng, các tổ chức phi chính phủ được chính thức thành lập và hoạt động theo pháp luật hiện hành.

- Các tổ chức kinh tế bao gồm : doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp đoàn thể, doanh nghiệp tư nhân, các tổ chức liên doanh về kinh tế kể cả liên doanh với nước ngoài và các tổ chức kinh tế tập thể.

- Các đơn vị công tác thuộc các cơ quan, tổ chức quy định tại Điều 2 và Điều 3 của Nghị định trong khi làm nhiệm vụ công tác được nhân danh mình giao dịch và liên hệ thường xuyên với các cơ quan, tổ chức khác và công dân hoặc làm nhiệm vụ chứng nhận, lập biên bản, thu tiền, phát biên lai (đồn, trạm công an, thuế vụ, hải quan.. .)

Điều 4 : - Các cơ quan, tổ chức khác muốn và sử dụng con dấu có biểu tượng riêng hoặc chữ nước ngoài phải được Bộ Nội vụ cho phép.

Chương 2.

QUY ĐỊNH QUẢN LÝ VÀ SỬ DỤNG CON DẤU

Điều 5 : Bộ nội vụ quy định cụ thể mẫu con dấu gồm:

- Kích thước, hình thể, nội dung và việc tổ chức khắc các loại con dấu nói trên ở các Điều 2 và 3 sau khi đã có ý kiến của Ban Tổ chức cán bộ Chính phủ.

- Cơ quan Công an từ cấp tỉnh trở lên có nhiệm vụ cấp giấy phép khắc dấu và thực hiện việc đăng ký lưu chiểu mẫu con dấu đã khắc trước khi sử dụng.

Điều 6 : Bộ Nội vụ sau khi trao đổi với Bộ Ngoại giao, quy định mẫu con dấu và việc quản lý các loại con dấu dùng trong công tác đối ngoại.

Điều 7 : Các cơ quan đại diện Bộ Ngoại giao , các cơ quan lãnh sự, các cơ quan đại diện bên cạnh các tổ chức quốc tế liên Chính phủ, các phòng lãnh sự thuộc Đại sứ quán và các cơ quan tổ chức đại diện khác của nước ngoài ở Việt Nam khi sử dụng con dấu của cơ quan phải thông báo cho Bộ Ngoại giao nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Các cơ quan, các tổ chức nước ngoài khác muốn khắc con dấu hoặc mang con dấu từ nước ngoài vào Việt Nam để sử dụng phải được phép của Bộ Nội vụ nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

Điều 8 : Các tổ chức chính trị , xã hội trong Mặt trận Tổ quốc Việt Nam quy định hình thể, kích thước, nội dung con dấu, phạm vi sử dụng trong hệ thống tổ chức của mình sau khi thoả thuận thống nhất với Ban Tổ chức - cán bộ Chính phủ và Bộ Nội vụ.

Điều 9 :

1- Thủ trưởng các cơ quan quy định tại Điều 2 và Điều 3, người đứng đầu các tổ chức chính trị - xã hội trong Mặt trận Tổ quốc Việt Nam quản lý con dấu của cơ quan mình và của các tổ chức trực thuộc mình quản lý.

2- Chủ tịch Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương quản lý con dấu của cơ quan mình, của Uỷ ban nhân dân huyện , quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, huyện , quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh.

3- Chủ tịch Uỷ ban nhân dân huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh quản lý con dấu của các tổ chức kinh tế tập thể, hội quần chúng thuộc thẩm quyền mình ra quyết định thành lập.

4- Bộ Quốc phòng, Bộ Nội vụ quy định mẫu con dấu và việc quản lý các loại con dấu dùng trong các đơn vị Quân đội nhân dân và Công an nhân dân.

5- Cơ quan chủ quản nào có thẩm quyền ra quyêt định sáp nhập, chia tách, giải thể các cơ quan, tổ chức thì cơ quan chủ quản đó có thẩm quyền ra quyết định thu hồi con dấu và có trách nhiệm giao lại cho cơ quan cấp giấy phép khắc dấu ( Công an tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương) để huỷ con dấu.

Thời hạn giao lại con dấu chậm nhất không quá 15 ngày kể từ ngày ký quyết định.

Điều 10 : Người đứng đầu các cơ quan, tổ chức có trách nhiệm quản lý sử dụng con dấu theo các quy định dưới đây:

1- Mỗi cơ quan tổ chức chỉ được dùng 1 con dấu cùng loại giống nhau.

2 - Con dấu chỉ được đóng lên các văn bản giấy tờ sau khi đã có chữ ký của các cấp có thẩm quyền.

3 - Nghiêm cấm việc đóng dấu khống chỉ, không được tuỳ tiện mang con dấu theo người.

4 - Con dấu của các cơ quan, tổ chức phải giao lại cho người có trách nhiệm có trình độ chuyên môn về văn thư giữ, bảo quản và phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về việc giữ và đóng dấu.

Điều 11 : Nghiêm cấm việc làm con dấu giả, dùng con dấu giả, sử dụng con dấu không đúng quy định. Những người vi phạm quy định nói trên sẽ bị xử lý theo pháp luật hiện hành.

Điều 12 : Việc tổ chức khắc các loại con dấu do Bộ Nội cụ quản lý và quy định cụ thể.

Chương 3.

ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH

Điều 13 : Bộ trưởng Bộ Nội vụ, Bộ trưởng, Trưởng Ban Tổ chức- cán bộ Chính phủ có trách nhiệm hướng dẫn thực hiện, kiểm tra việc quản lý và sử dụng con dấu theo quy định của Nghị định này.

Điều 14 : Nghị định này có hiệu lực kể từ ngày ký và thay thế Nghị định số 56/CP ngày 17 tháng 3 năm 1966, Quyết định số 90/HĐBT ngày 1 tháng 9 năm 1976, Quyết định số 90/HĐBT ngày 19 tháng 7 năm 1989.

Điều 15 : Bộ trưởng các Bộ, Thủ trưởng các cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng các cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và các cơ quan, tổ chức chịu trách nhiệm thi hành Nghị định này.