THÔNG TƯ
Về việc quản lý kinh phí của các viện kiểm sát nhân dân địa phương
________________________
Theo luật tổ chức Viện kiểm sát nhân dân thì các Viện kiểm sát nhân dân địa phương (khu, thành, tỉnh, huyện) không thuộc hệ thống tổ chức bộ máy chính quyền địa phương mà chịu sự lãnh đạo thống nhất và trực tiếp của Viện kiểm sát nhân dân tối cao. Để bảo đảm điều kiện thuận lợi cho ngành kiểm sát làm tốt nhiệm vụ, trước đây, kinh phí của các Viện kiểm sát nhân dân địa phương thuộc ngân sách trung ương đài thọ và do Viện kiểm sát nhân dân tối cao trực tiếp quản lý cấp phát theo thông tư số 42 ngày 19-12-1960 của Bộ Tài chính và Viện Kiểm sát nhân dân tối cao quy định.
Nhưng đến năm 1963, do yêu cầu của tình hình lúc đó Viện Kiểm sát nhân dân tối cao và Bộ Tài chính đã thỏa thuận chuyển phần kinh phí của các Viện Kiểm sát nhân dân khu, thành, tỉnh, huyện ghi vào ngân sách địa phương và ủy nhiệm cho các Sở, Ty tài chính giúp Ủy ban hành chính địa phương quản lý phần kinh phí đó (công văn số 758-TCHC-VX ngày 12-12-1962 của Bộ Tài chính và chỉ thị số 3607-TV/VP ngày 15-12-1962 của Viện Kiểm sát nhân dân tối cao).
Việc ủy nhiệm này tuy đã có một số thuận lợi nhất định, đã bảo đảm cân đối kinh phí chi tiêu về hành chính giữa các ngành trong một địa phương, nhưng cũng có những khó khăn trở ngại là chưa bảo đảm được tính tập trung thống nhất độc lập và tính cơ động của ngành Kiểm sát. Nhất là mỗi khi Viện Kiểm sát nhân dân tối cao cần điều hòa kinh phí, điều động cán bộ tập trung lực lượng phục vụ các công tác lớn, quan trọng đột xuất của các ngành thì không thực hiện được.
Để bảo đảm tính thống nhất, tập trung, sự lãnh đạo, chỉ đạo toàn diện công tác kiểm sát theo yêu cầu tăng cường pháp chế xã hội chủ nghĩa như tinh thần nghị quyết lần thứ 19 của Trung ương Đảng, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao và Bộ Tài chính quyết định từ nay kinh phí của Viện Kiểm sát nhân dân địa phương được ghi vào dự toán của Viện Kiểm sát nhân dân tối cao thuộc ngân sách trung ương đài thọ và do Viện Kiểm sát nhân dân tối cao thống nhất quản lý theo ngành dọc.
Sau đây là những quy định cụ thể:
1. Kinh phí của Viện Kiểm sát nhân dân tối cao bao gồm kinh phí của các đơn vị trực thuộc cơ quan Viện Kiểm sát nhân dân tối cao và các khu, thành, tỉnh (nay thuộc ngân sách trung ương đài thọ) đều do Viện Kiểm sát nhân dân tối cao trực tiếp quản lý. Viện Kiểm sát nhân dân tối cao chịu trách nhiệm chấp hành đúng các chính sách, chế độ, thể lệ tài chính của Nhà nước và tổ chức quản lý tốt kinh phí Nhà nước đã giao cho ngành mình.
2. Hàng năm, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao lập dự toán kinh phí cho toàn ngành kiểm sát, bảo đảm cân đối ngân sách chi tiêu của ngành mình với các ngành khác ở địa phương và gửi Bộ Tài chính. Khi nhận được dự toán kinh phí, Bộ Tài chính sẽ làm việc với Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, đồng thời tổng hợp vào ngân sách chung để trình Hội đồng Chính phủ.
Sau khi Chính phủ quyết định, Bộ Tài chính cùng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao có kế hoạch phân chia kinh phí từng quý cho từng địa phương và Viện Kiểm sát nhân dân tối cao sẽ cấp phát cho các Viện kiểm sát nhân dân địa phương đồng thời thông báo các Sở, Ty tài chính. Sau khi chi tiêu, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao phải báo cáo quyết toán kinh phí hàng quý và cả năm của toàn ngành kiểm sát với Bộ Tài chính. Các báo cáo quyết toán của các Viện Kiểm sát nhân dân địa phương cần gửi cho các Sở, Ty tài chính nghiên cứu và có nhận xét của Ủy ban hành chính rồi gửi cho Viện Kiểm sát nhân dân tối cao và Bộ Tài chính.
3. Bộ Tài chính và các Sở, Ty tài chính có trách nhiệm theo dõi và giám đốc việc chấp hành ngân sách trong ngành kiểm sát nhằm bảo đảm việc chi tiêu được thống nhất, đúng các chính sách, chế độ của Nhà nước.
Các Sở, Ty tài chính còn có trách nhiệm theo dõi giúp đỡ các Viện Kiểm sát nhân dân địa phương để việc chi tiêu của Viện Kiểm sát và các ngành ở cùng một địa phương được cân đối. Nếu khi phát hiện có những chỉ tiêu không hợp lý thì trực tiếp với các đồng chí Viện Kiểm sát nhân dân địa phương hoặc báo cáo Ủy ban hành chính, Bộ Tài chính, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao kịp thời uốn nắn.
4. Viện Kiểm sát nhân dân khu, thành, tỉnh là đơn vị dự toán của Viện Kiểm sát nhân dân tối cao. Hàng năm căn cứ vào nghị quyết công tác của ngành và nhiệm vụ, chủ trương công tác của địa phương, Viện Kiểm sát nhân dân khu, thành, tỉnh lập dự toán kinh phí cho toàn đơn vị bao gồm cả dự toán của Viện Kiểm sát nhân dân huyện, thị xã, khu phố và thành phố trực thuộc tỉnh, có phân chia từng quý gửi lên Viện Kiểm sát nhân dân tối cao để xét duyệt. Trước khi gửi lên Viện Kiểm sát nhân dân tối cao thì gửi cho Sở, Ty tài chính nghiên cứu đề xuất ý kiến trình Ủy ban hành chính khu, thành, tỉnh xem xét đảm bảo chỉ tiêu cân đối và hợp lý giữa các ngành tại địa phương. Nếu có ý kiến khác nhau thì báo cáo cả hai ý kiến lên Viện Kiểm sát nhân dân tối cao và Bộ Tài chính.
5. Các Viện Kiểm sát nhân dân địa phương có trách nhiệm tổ chức quản lý, thực hiện tốt kinh phí được cấp, đúng chế độ chỉ tiêu của Nhà nước quy định. Nếu có những khoản chi đột xuất, trước hết phải cố gắng điều hòa theo đúng nguyên tắc giữa các khoản trong phạm vi kinh phí được cấp. Nếu đã cố gắng điều hòa rồi mà vẫn không đủ chi thì lập dự toán kinh phí bổ sung báo cáo Viện Kiểm sát nhân dân tối cao xét cấp thêm. Cách lập dự toán kinh phí bổ sung cũng theo đúng thủ tục như khi lập dự toán năm nói trên.
6. Các khoản thu và chi có tính chất nghiệp vụ, Viện Kiểm sát nhân dân khu, thành, tỉnh cần giải quyết cụ thể từng loại như:
a) Tiền tạm giữ trong các vụ án khi chưa hoàn thành hồ sơ, phải quan hệ với ngân hàng để mở tài khoản vãng lai, lưu ý số tiền ấy tại ngân hàng, tuyệt đối không được sử dụng.
b) Tiền tịch thu trong các vụ án thuộc thẩm quyền của các Viện Kiểm sát nhân dân giải quyết thì phải làm thủ tục nộp vào ngân sách Nhà nước trung ương và ghi chép vào sổ Cái nhật ký theo đúng chế độ kế toán đã ban hành.
7. Về một số vấn đề có liên quan đến việc sửa đổi chế độ quản lý kinh phí của ngành Kiểm sát nhân dân. Bộ Tài chính và Viện Kiểm sát nhân dân tối cao hướng dẫn cách giải quyết như sau:
Tất cả các loại tài sản thuộc kinh phí của Viện Kiểm sát nhân dân tối cao hoặc của địa phương mua sắm từ trước, nay do Viện Kiểm sát nhân dân các cấp địa phương đang sử dụng đều được chuyển giao sang ngành kiểm sát trực tiếp quản lý.
Các biên bản kiểm kê và bàn giao tài sản phải gửi lên Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Bộ Tài chính và gửi đầy đủ cho các cơ quan có liên quan ở địa phương để lưu trữ, theo dõi việc quản lý.
Các Viện Kiểm sát nhân dân địa phương còn có trách nhiệm thanh toán mọi khoản chi tiêu khác với cơ quan tài chính cùng cấp và các ngành có liên quan nếu có. Trường hợp còn thiếu nợ thì báo cáo Ủy ban hành chính xin kinh phí để thanh toán dứt khoát, gọn trong năm 1971.
Ngành kiểm sát có trách nhiệm lựa chọn, bổ sung cán bộ kế toán có năng lực chuyên môn vững vàng và đạo đức tốt để bảo đảm tổ chức quản lý tốt kinh phí được cấp, phục vụ có hiệu quả công tác của ngành kiểm sát.
Thông tư này có giá trị thi hành kể từ ngày 01 tháng 01 năm 1972. Các quy định trong các văn bản trước đây, nếu trái với thông tư này đều hủy bỏ.
Trong khi thi hành nếu gặp khó khăn trở ngại gì các địa phương cần phản ảnh lên Bộ Tài chính và Viện Kiểm sát nhân dân tối cao để nghiên cứu giải quyết.