Sign In

THÔNG TƯ

Quy định chế độ phụ cấp cho cán bộ, công nhân, viên chức nhà nước đi công tác ở trong nước (công tác phí)

_______________________

Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư số 14- TT/HCVX ngày 10/8/1976, quy định chế độ công tác phí cho cán bộ, công nhân, viên chức Nhà nước áp dụng thống nhất trong cả nước từ 1 tháng 9 năm 1976. Qua một thời gian thi hành, chế độ công tác phí này có những điểm cần sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với tình hình thực tế hiện nay.

Căn cứ chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ số 31/TTg ngày 25/1/1980, sau khi thu thập ý kiến của các ngành và các địa phương, Bộ Tài chính ra Thông tư này quy định lại chế độ công tác phí của cán bộ, công nhân, viên chức Nhà nước thay thế cho Thông tư số 14-TT/HCVX.

PHẦN I: NGUYÊN TẮC CHUNG:

Công tác phí là một khoản phụ cấp cho cán bộ, công nhân, viên chức Nhà nước đi công tác, để:

- Trả tiền cước vận chuyển bản thân và hành lý cần thiết mang theo phục vụ công tác;

- Bù đắp các khoản chi phí tăng thêm về ăn, uống, nghỉ trọ trên đường đi và nơi đến công tác, nhằm bảo đảm các điều kiện đi lại và làm việc cho cán bộ, công nhân, viên chức.

Công tác phí gồm có:

- Tiền tàu xe;

- Phụ cấp đi đường;

- Phụ cấp lưu trú.

PHẦN II: NHỮNG QUY ĐỊNH CỤ THỂ:

Mục I - Tiền tàu xe.

1/ Cán bộ, công nhân, viên chức Nhà nước đi công tác được thanh toán tiền tàu xe, trừ trường hợp đi bằng phương tiện vận tải của cơ quan hoặc do cơ quan thuê như: ô tô, mô tô, xe máy, xe đạp, ca nô, ngựa ....

Tiền tàu, xe thanh toán cho người đi công tác theo 2 cách:

a- Đi bằng phương tiện vận tải công cộng quốc doanh, công tư hợp doanh, hoặc tư doanh theo giá cước do Nhà nước quy định, được thanh toán:

- Tiền vé hành khách của loại phương tiện mà người đi công tác sử dụng;

- Phụ phí mua vé bằng điện thoại (nếu có);

- Cước qua cầu, đò, phà (nếu có);

- Cước hành lý (nếu có) mang theo để phục vụ công tác.

Đi bằng máy bay theo đúng tiêu chuẩn quy định tại Thông tư số 04-TT/HCVX ngày 21/2/1979 của Bộ Tài chính, được thanh toán tiền vé máy bay và tiền vé ô tô của Tổng cục Hàng không dân dụng đưa, đón từ nội thành đến sân bay và ngược lại.

Ngoài các trường hợp quy định trên, nếu người đi công tác đi bằng máy bay không đúng tiêu chuẩn, đi bằng phương tiện vận tải tư nhân theo giá cước tự do, hoặc bằng phương tiện vận tải riêng, chỉ được thanh toán theo giá vé xe lửa (nếu là tuyến đường có xe lửa), theo giá vé ô tô công cộng quốc doanh (nếu là tuyến đường có ô tô công cộng quốc doanh) trên cùng một chặng đường.

b- Cán bộ, công nhân, viên chức Nhà nước đi công tác trên các tuyến đường có độ dài từ 10 ki-lô-mét trở lên một lượt mà không có các phương tiện vận tải công cộng theo giá cước do Nhà nước quy định, hoặc trên những chặng đường dưới 50 ki-lô-mét (ở vùng đồng bằng và vùng trung du), dưới 80 ki-lô-mét (ở vùng núi) tuy có phương tiện vận tải công cộng quốc doanh nhưng sử dụng các phương tiện đó không thuận tiện (tàu xe chạy ít chuyến, tàu xe không nhận trở xe đạp ...) phải tranh thủ sử dụng phương tiện vận tải riêng hay tư nhân khác, sau khi được thủ trưởng cơ quan đồng ý, thì được thanh toán tiền tàu xe theo mức 4đ00 cho 100 ki-lô-mét.

2/ Cán bộ, công nhân, viên chức Nhà nước thuộc các đối tượng sau đây: (trừ cán bộ, công nhân viên chức cấp huyện, quận sẽ nói ở phần sau) giao thông viên, điện tá viên, bưu tá viên của ngành bưu điện; cảnh sát giao thông; nhân viên quản lý thị trường; nhân viên thu thuế lưu động; tiếp liệu; tiếp phẩm; giao thông viên cơ quan; nhân viên thu tiền nhà, điện, nước; phóng viên lưu động của các cơ quan thông tin, báo chí; nhân viên quản lý các cơ sở gia công sản xuất; nhân viên lưu động ở các Công ty, công trường xây dựng cơ bản; nhân viên thu mua nông sản, thực phẩm, hàng hoá; nhân viên kiểm tra rừng; đội kiểm soát chống buôn lậu, hàng tháng đi công tác lưu động thường xuyên từ 16 ngày trở lên trong một khu vực nhất định:

a- Nếu sử dụng phương tiện vận tải công cộng quốc doanh, công tư hợp doanh, tư doanh theo giá cước do Nhà nước quy định, được thanh toán tiền tàu xe theo giá vé phương tiện vận tải đã sử dụng.

b- Nếu sử dụng phương tiện vận tải riêng, được thanh toán tiền sử dụng xe khoán tháng như sau:

Số ki-lô-mét đi trung bình hàng tháng

Đi trong nội, ngoại thành phố và thị xã

Đi trong các vùng trung du và vùng đồng bằng

Đi trong các vùng núi, hải đảo xa, vùng muối

Từ 101 km đến 200 km

     201 km đến 350 km

     351 km trở lên

3

4

2,5đ

3,5

4,5

5

7

Thủ trưởng cơ quan, xí nghiệp xác định những anh chị em đi công tác lưu động thường xuyên từ 16 ngày trở lên một tháng và quyết định mức phụ cấp khoán cho từng người, căn cứ vào số km đi trung bình hàng tháng (lấy bình quân một tháng sau khi đã theo dõi số km đi được trong thời gian 3 tháng) không kể những chuyến đi công tác bất thường ra ngoài khu vực công tác lưu động thường xuyên (vì đã hưởng theo mục I điểm 1 trên).

Phụ cấp khoán tiền sử dụng xe riêng đi công tác lưu động thường xuyên được thanh toán sau mỗi tháng; tháng nào không đi công tác lưu động từ 16 ngày trở lên thì tháng đó không hưởng.

Trường hợp thường xuyên sử dụng phương tiện vận tải riêng để chuyên chở hàng hoá, vật tư của cơ quan, xí nghiệp trong khi đi công tác lưu động thường xuyên thì mức phụ cấp khoán nói trên được tăng thêm:

                   - 30% nếu chở nặng từ 15 đến 30 kg

                   - 40% nếu chở nặng trên 30 kg.

Nếu chỉ chuyên chở bất thường từng chuyến thì không thanh toán phần phụ cấp tăng thêm.

Ngoài những đối tượng hưởng khoán tiền sử dụng xe riêng nói ở mục I điểm 2, các ngành các cấp thấy ở ngành mình, cấp mình cũng có những đối tượng giống như trên và cần được phụ cấp cho những đối tượng ấy thì trao đổi ý kiến với Bộ Tài chính để bổ sung thêm.

Những quy định trên đây không áp dụng cho trường hợp đi từ nơi ở đến trụ sở làm việc.

Mục II: Phụ cấp đi đường:

Phụ cấp đi đường quy định thành các trường hợp:

- Đi công tác từng chuyến;

- Đi công tác lưu động thường xuyên;

- Phụ cấp cho cán bộ công nhân, viên chức cấp huyện, quận (ngoại thành).

A- Đi công tác từng chuyến:

1/ Người đi công tác bằng các phương tiện vận tải thuỷ, bộ:

a- Được thanh toán phụ cấp đi đường căn cứ vào mức phụ cấp quy định ở điểm 8 dưới đây và tuỳ theo:

- Loại phương tiện vận tải đã sử dụng;

- Số ki-lô-mét đã đi được;

- Nơi đi và nơi đến thuộc vùng đồng bằng, vùng trung du hay vùng núi hoặc hải đảo xa.

b- Đi trong nội thành, thị xã không thanh toán phụ cấp đi đường.

2/ Đi công tác bằng các phương tiện vận tải công cộng quốc doanh, công tư hợp doanh hoặc tư doanh theo giá cước do Nhà nước quy định trên các tuyến đường bộ, đường sắt, đường sông, đường biển, được thanh toán phụ cấp đi đường căn cứ vào loại phương tiện vận tải đã sử dụng và theo các quy định như sau:

a- Sử dụng một loại phương tiện trên suốt chặng đường từ nơi đi đến nơi công tác: được thanh toán phụ cấp đi đường khi chặng đường đã đi bằng hoặc vượt số ki-lô-mét tối thiểu đã quy định.

b- Sử dụng nhiều phương tiện khác nhau: được thanh toán phụ cấp đi đường theo phương tiện thực tế đã sử dụng trên mỗi đoạn đường. Nếu có những đoạn đường chưa đạt số ki-lô-mét tối thiểu quy định cho phương tiện đã sử dụng thì được cộng chung các đoạn đường đó để tính phụ cấp đi đường theo phương tiện đi đoạn đường dài hơn cả. Nhưng nếu các đoạn đường cộng lại mà vẫn chưa đạt số ki-lô-mét tối thiểu quy định đối với phương tiện này thì thôi không tính phụ cấp đi đường.

3/ Tính phụ cấp đi đường cho người đi công tác qua các vùng khác nhau:

a- Đi từ vùng đồng bằng và vùng trung du lên vùng núi hoặc hải đảo xa thì tính như sau:

- Lượt đi: áp dụng mức phụ cấp quy định cho vùng đồng bằng và vùng trung du;

- Lượt về: áp dụng mức phụ cấp quy định cho vùng núi hoặc hải đảo xa.

b- Đi từ vùng núi hoặc hải đảo xa xuống vùng trung du và vùng đồng bằng thì tính như sau:

- Lượt đi: áp dụng mức phụ cấp quy định cho vùng núi hoặc hải đảo xa;

- Lượt về: áp dụng mức phụ cấp quy định cho vùng đồng bằng và vùng trung du.

4/ Các trường hợp không sử dụng các phương tiện vận tải công cộng quốc doanh, công tư hợp doanh hoặc tư doanh theo giá cước do Nhà nước quy định trên các tuyến đường có các phương tiện ấy và đi máy bay không đúng tiêu chuẩn của Nhà nước quy định, đều không thanh toán phụ cấp đi đường theo phương tiện vận tải thực tế sử dụng, mà thanh toán theo một trong các phương tiện vận tải sau đây tuỳ tuyến đường:

- Theo xe lửa, nếu tuyến đường đó có xe lửa;

- Theo xe ô tô công cộng quốc doanh, nếu tuyến đường đó có ô tô công cộng quốc doanh;

- Theo tàu xe liên vận, nếu tuyến đường đó có phương tiện liên vận.

Riêng trường hợp không sử dụng các phương tiện vận tải công cộng quốc doanh, công tư hợp doanh hoặc tư doanh theo giá cước do Nhà nước quy định trên những chặng đường dưới 50 km (ở vùng đồng bằng và vùng trung du), dưới 80 ki-lô-mét (ở vùng núi) vì tàu xe không thuận tiện, sau khi được thủ trưởng cơ quan đồng ý, được thanh toán phụ cấp đi đường theo phương tiện vận tải thực tế sử dụng.

5/ Đi công tác bằng máy bay không thanh toán phụ cấp đi đường.

6/ Công nhân lái xe ô tô của cơ quan, lái xe đi công tác đường dài được thanh toán phụ cấp đi đường như người đi công tác bằng ô tô công cộng quốc doanh trên tuyến đường ấy.

7/ Đi công tác ban đêm (22 giờ đến 6 giờ sáng) từ 4 giờ đồng hồ trở lên, được thanh toán thêm:

                   - ở vùng đồng bằng và trung du        0.6đ

                   - ở vùng núi                             0,8đ

8/ Mức phụ cấp đi đường quy định như sau:

 

Vùng trung du và vùng đồng bằng

Vùng núi và hải đảo xa

Phương tiện

Đoạn đường tối thiểu phải đi để hưởng phụ cấp đi đường

Mức phụ cấp đi Đoạn đường tối thiểu phải đi để hưởng phụ cấp đi đườngMức phụ cấp đi

 

Đi một lượt

Cả đi và về trong ngày (hoặc các quãng đường đã đi trong ngày cộng lại)đường tính cho 100 kmĐi một lượtCả đi và về trong ngày (hoặc các quãng đường đã đi trong ngày cộng lại)đường tính cho 100 km

- Đi bộ

8 km

12 km8,00đ6 km10 km10,00đ

- Đi xe đạp, thuyền, xuồng gắn máy

20 km

30 km5,00đ15 km25 km7,00đ

- Đi mô tô, xe máy, ca nô, tầu thuỷ đường sông và ven biển

35 km

55 km3,00đ25 km40 km4,00đ

- Ô tô công cộng, xe lửa đường ngắn (dưới 300 km)

45 km

70 km1,50đ35 km50 km2,00đ

- Đi ô tô cơ quan hay cơ quan thuê

70 km

105 km1,00đ60 km90 km1,50đ

- Đi tàu biển đường dài, đi xe lửa đường dài (300 km trở lên)

Tính theo thời gian thực tế ở trên tàu (kể cả giờ tàu đợi) cứ nửa ngày được phụ cấp 1,50đ, cả ngày được phụ cấp 3,00đ (tàu chạy ban đêm được phụ cấp thêm như đã nói ở điểm 7 mục II)

 

B- Đi công tác lưu động thường xuyên:

Cán bộ, công nhân, viên chức Nhà nước phụ trách những công việc phải đi lưu động thường xuyên (nói ở mục I điểm 2) nếu đi công tác thường xuyên trung bình 16 ngày trong một tháng thì được hưởng một khoản phụ cấp đi đường khoán tháng theo các mức dưới đây:

 

Mức khoán tháng

Số ki-lô-mét đi trung bình hàng tháng

Đi trong nội, ngoại thành phố và thị xãVùng trung du và vùng đồng bằngVùng núi và hải đảo xa

               Từ 101 km đến 200 km

 Đi bộ     Từ 201 km đến 300 km

               Từ 301 km trở lên

7đ5đ

9đ7đ

11đ

Đi xe đạp và xe máy (công và tư)

Từ 201 km đến 300 km

Từ 301 km đến 400 km

Từ 401 km trở lên  

 

C- Phụ cấp cho cán bộ, công nhân, viên chức cấp huyện, quận (ngoại thành)

+ Địa bàn hoạt động của huyện, quận là xã nên đại bộ phận cán bộ, công nhân, viên chức của huyện, quận phải thường xuyên đi công tác xuống xã. Trừ số cán bộ, công nhân, viên chức Nhà nước tăng cường hẳn cho xã và số cán bộ công nhân, viên chức làm công tác tính như công tác văn phòng ... các cán bộ, công nhân, viên chức khác nếu hàng tháng đi công tác ở xã trong huyện, quận từ 16 ngày trở lên thì được hưởng một khoản phụ cấp lưu động khoán tháng. Căn cứ để tính phụ cấp khoán tháng là số ki-lô-mét đi trung bình hàng tháng (theo dõi số ki-lô-mét đi được trong thời gian 3 tháng để lấy mức bình quân). Ngoài việc phụ cấp khoán tháng, nếu có những chuyến đi công tác ra ngoài huyện, quận mà đạt số ki-lô-mét đã quy định thì thanh toán phụ cấp đi đường như điểm A.

Mức phụ cấp khoán tháng cho cán bộ, công nhân, viên chức của huyện, quận (ngoại thành), thường xuyên xuống xã được quy định thành 3 mức và có phân vùng khác nhau như sau:

 

Mức khoán tháng

Số ki-lô-mét đi trung bình hàng tháng

Vùng trung du và vùng đồng bằngVùng núi và hải đảo xa

Từ  101 km đến 200 km

      201 km đến 300 km

      301 km trở lên

10đ

12đ10đ

12đ

14đ

 Thủ trưởng cơ quan xí nghiệp, Chủ tịch Uỷ ban Nhân dân quận, huyện xác định những anh chị em đi công tác lưu động thường xuyên nói ở điểm B, C trên và quyết định mức phụ cấp khoán cho từng người.

Chú ý:        + Đối với số cán bộ công nhân, viên chức không thuộc diện lưu động thường xuyên thì không hưởng phụ cấp khoán tháng.

                   + Phụ cấp khoán tháng cho cán bộ, công nhân, viên chức Nhà nước đi công tác lưu động thường xuyên nói ở điểm B và phụ cấp cho cán bộ công nhân, viên chức cấp huyện, quận (ngoại thành) nói ở điểm C không áp dụng đối với cán bộ công nhân viên chức Nhà nước đã hưởng phụ cấp lưu động theo quy định hiện hành. Thí dụ: văn công, chiếu bóng; các cán bộ công nhân, nhân viên các công trường; lái xe, lái tàu, thuyền ...

Mục III: Phụ cấp lưu trú.

A- Phụ cấp tiền ăn:

1/ Cán bộ, công nhân, viên chức đi công tác ngắn ngày được thanh toán phụ cấp lưu trú (gồm tiền chênh lệch về ăn và tiền trọ) thuộc các trường hợp sau:

a- Thực sự phải ở lại một nơi (kể cả thôn xã) vì yêu cầu công tác, nếu nơi đó ở ngoài huyện, quận cách trụ sở cơ quan nơi đi từ 20 km trở lên đối với vùng trung du, vùng đồng bằng và 15 km trở lên đối với vùng núi, hải đảo xa, kể từ lúc đến địa điểm công tác (ăn một bữa chính tính là nửa ngày, ăn hai bữa chính tính là một ngày).

b- Trên đường đi công tác phải dừng lại dọc đường vì lý do khách quan (trở ngại vì tàu xe, cầu đường, bão lụt, ốm đau, tai nạn...) từ 4 giờ trở lên tính là nửa ngày, từ 8 giờ trở lên tính là một ngày.

Lý do khách quan phải được chính quyền hoặc công an địa phương nơi xảy ra sự việc xác nhận.

2/ Những trường hợp không thanh toán phụ cấp lưu trú (tiền ăn):

a- Những ngày dự hội nghị đã được phụ cấp ăn thêm theo chế độ;

b- Những ngày bị ốm đau, bị tai nạn nếu đã vào nằm tại bệnh viện, bệnh xá (vì đã có chế độ bồi dưỡng tại bệnh viện, bệnh xá);

c- Những đối tượng đã hưởng phụ cấp lưu động hiện hành (trừ trường hợp đi công tác từng chuyến) hoặc phụ cấp khoán tháng quy định tại mục II điểm B (đi công tác lưu động thường xuyên) và C (phụ cấp cho cán bộ, công nhân, viên chức cấp huyện, quận(ngoại thành)).

d- Những ngày học ở các trường, lớp đào tạo, huấn luyện dài hạn hay ngắn hạn, học tập trung do các trường lớp tại chức tổ chức;

e- Những ngày lưu lại một nơi không phải vì yêu cầu công tác và những ngày kéo dài thời gian ở một nơi mà không được cấp có thẩm quyền quyết định;

g- Các đoàn, đội công tác có mang theo trang bị phương tiện ăn, ở, cấp dưỡng;

h- Những ngày đi trên đường đã hưởng phụ cấp đi đường;

(Tuy nhiên đối với trường hợp đến trước và về sau giờ làm việc vẫn đảm bảo 8 giờ làm việc trong ngày ở nơi đến công tác và ngày đó lại đạt số ki-lô-mét tối thiểu quy định cho từng loại phương tiện nói ở mục II điểm 8, thì hưởng cả phụ cấp đi đường và phụ cấp lưu trú);

i- Những trường hợp điều động hẳn và đổi công tác.

k- Những trường hợp được giao nhiệm vụ thường trú tương đối cố định tại một địa phương xa cơ quan mình thì không được lĩnh phụ cấp lưu trú. (Chỉ những ngày đi công tác rời khỏi cơ quan thường trú thì mới được tính công tác phí).

3/ Thời gian được thanh toán phụ cấp lưu trú (tiền ăn) trong mỗi đợt công tác căn cứ vào số ngày (bao gồm cả ngày lễ và chủ nhật, nếu có) mà cán bộ, công nhân, viên chức phải lưu lại nơi đến công tác để làm nhiệm vụ theo lệnh của thủ trưởng cơ quan, đơn vị.

4/ Mức phụ cấp lưu trú (tiền ăn)

Căn cứ vào nơi đi công tác và nơi đến lưu trú, phụ cấp lưu trú (tiền ăn) có hai mức như sau:

- Đi ngoài tỉnh và thành phố nơi cơ quan đóng: 2,50đ/ngày

- Đi trong tỉnh và thành phố nơi cơ quan đóng: 1,50đ/ngày

- Đi trong huyện nơi cơ quan đóng: không có phụ cấp lưu trú.

B- Phụ cấp tiền trọ:

Trong thời gian đi công tác nếu ở nhà trọ, nhà khách, khách sạn theo đúng hạng phòng giường tiêu chuẩn do ngành Nội thương quy định và thực sự phải chi tiền trọ (có vé trọ làm chứng từ) thì được thanh toán tiền trọ.

C- Cách thanh toán:

+ Các cơ quan, đơn vị cử cán bộ công nhân, viên chức đi công tác có trách nhiệm thanh toán khoản phụ cấp lưu trú cho những anh chị em này theo chế độ.

Các cơ quan, đơn vị có cán bộ công nhân viên chức đến công tác có trách nhiệm lo toan cho anh chị em việc ăn, ở chu đáo theo điều kiện của địa phương để anh chị em bảo đảm được sinh hoạt bình thường theo tiêu chuẩn ăn của mỗi loại cán bộ.

+ Tiền ăn, tiền trọ do cán bộ công nhân, viên chức trực tiếp thanh toán cho các cơ quan nơi đến công tác.

PHẦN III: CHẾ ĐỘ QUẢN LÝ CÔNG TÁC PHÍ VÀ PHỤ CẤP SỬ DỤNG

XE RIÊNG ĐI CÔNG TÁC.

1/ Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị các ngành, các cấp có trách nhiệm quản lý khoản chi về công tác phí và phụ cấp sử dụng xe riêng đi công tác gắn liền với việc quản lý lao động, quản lý công tác. Cử cán bộ, công nhân, viên chức đi công tác cần xác định rõ yêu cầu, mục đích rõ ràng, nội dung nhiệm vụ cụ thể, thời gian cần thiết, phương tiện vận tải được sử dụng...

Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị có trách nhiệm bảo đảm thực hiện đúng đắn chế độ công tác phí quy định, kiểm tra các căn cứ của việc kê khai để thanh toán công tác phí, chống man khai.

2/ Kinh phí chi về công tác phí và phụ cấp sử dụng xe riêng đi công tác ở mỗi cơ quan, đơn vị là một khoản chi được xác định trong dự toán hàng năm. Không được chi quá mức đã duyệt, trừ trường hợp có sự thoả thuận của cơ quan Tài chính cùng cấp.

Mức chi về công tác phí nằm trong dự toán của đơn vị do đơn vị tự xây dựng, căn cứ vào mức chi tiêu hợp lý của năm trước và có tính toán đến những yếu tố tăng, giảm cho sát với tình hình chi tiêu thực tế của năm dự toán. Cơ quan Tài chính ở mỗi cấp xem xét và xác định mức chi về công tác phí và phụ cấp sử dụng xe riêng đi công tác của từng đơn vị dự toán hành chính, sự nghiệp khi xét dự toán cả năm, giúp và kiểm tra các đơn vị này thực hiện đúng chế độ thanh toán công tác phí.

Đối với khu vực sản xuất, kinh doanh, cơ quan chủ quản xác định mức chi cả năm về công tác phí và phụ cấp sử dụng xe riêng đi công tác cho từng đơn vị trực thuộc. Cần theo dõi và rút kinh nghiệm việc khoán sử dụng xe riêng đi công tác và việc thanh toán phụ cấp lưu trú để quản lý chặt chẽ.

3/ Quyết toán:

Các cơ quan hành chính, sự nghiệp quyết toán khoản chi về công tác phí và phụ cấp sử dụng xe riêng đi công tác vào mục X “Công tác phí” của mục lục Ngân sách Nhà nước.

Các đơn vị sản xuất, kinh doanh thì hạch toán vào giá thành hoặc phí lưu thông.

PHẦN IV: ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH

1/ Chế độ công tác phí quy định trong Thông tư này áp dụng chung cho tất cả các cơ quan hành chính, sự nghiệp, các đơn vị sản xuất, kinh doanh, các hội và đoàn thể quần chúng ... được Nhà nước trợ cấp về tài chính từ cấp huyện trở lên.

2/ Thông tư này thi hành từ ngày 01 tháng 02 năm 1980.

Các trường hợp đã thanh toán rồi thì thôi không thanh toán lại.

Những quy định trước đây trái với Thông tư này đều bãi bỏ./.

Bộ Tài chính

Thứ trưởng thường trực

(Đã ký)

 

Đào Thiện Thi