Sign In

CHỈ THỊ

Đẩy mạnh hoạt động trợ giúp pháp lý miễn phí cho người nghèo, đối tượng

chính sách và Cựu Chiến binh trên địa bàn tỉnh Cà Mau

________

 

Công tác trợ giúp pháp lý trên địa bàn tỉnh Cà Mau trong những năm qua được các ngành, các cấp trong tỉnh quan tâm chỉ đạo và thực hiện đạt được những kết quả quan trọng. Vai trò quản lý nhà nước về trợ giúp pháp lý không ngừng được nâng lên; nhận thức của cán bộ và nhân dân về trợ giúp pháp lý có nhiều chuyển biến tích cực. Số vụ việc được trợ giúp pháp lý miễn phí ngày càng nhiều, góp phần quan trọng vào việc tạo điều kiện thuận lợi cho đối tượng được trợ giúp pháp lý tiếp cận với cơ quan, cán bộ trợ giúp pháp lý mà không phải mất tiền. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, vẫn còn một số khó khăn, hạn chế. Công tác trợ giúp pháp lý chưa theo kịp nhu cầu của nhân dân; chưa được sự quan tâm chỉ đạo sâu sát, kịp thời của lãnh đạo một số đơn vị trên địa bàn tỉnh. Công tác thông tin, tuyên truyền, phổ biến pháp luật về trợ giúp pháp lý, nhất là trong việc phối hợp thực hiện công tác trợ giúp pháp lý miễn phí cho người nghèo, đối tượng chính sách và Cựu Chiến binh một số nơi làm chưa tốt.

Để thực hiện nghiêm túc Luật Trợ giúp pháp lý và các văn bản hướng dẫn có liên quan nhằm hỗ trợ, giúp đỡ cho các đối tượng được hưởng trợ giúp pháp lý miễn phí có điều kiện tiếp cận pháp luật và thụ hưởng trợ giúp pháp lý miễn phí trên địa bàn tỉnh Cà Mau, UBND tỉnh Chỉ thị:

1. Các ngành, các cấp trong tỉnh có trách nhiệm phối hợp cùng ngành Tư pháp đẩy mạnh các biện pháp nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động trợ giúp pháp lý trên địa bàn tỉnh. Thực hiện đúng và đầy đủ các quy định của Luật Trợ giúp pháp lý và các văn bản có liên quan, nhất là theo quy định tại Thông tư liên tịch số 02/2008/TTLT-BTP-TWHCCBVN ngày 09/6/2008 của Bộ Tư pháp và Trung ương Hội cựu Chiến binh Việt Nam hướng dẫn phối hợp xây dựng văn bản quy phạm pháp luật, tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, trợ giúp pháp lý đối với Cựu Chiến binh.

Hoạt động trợ giúp pháp lý phải được thực hiện đúng thẩm quyền, trình tự, thủ tục theo quy định của pháp luật. Các cơ quan, người có thẩm quyền phải có trách nhiệm giải quyết đúng thẩm quyền, phù hợp với quy định của pháp luật hoặc trả lời đúng thời gian theo quy định của pháp luật về vụ việc đã được Trung tâm Trợ giúp Pháp lý trợ giúp. Trong đó, chú trọng thực hiện việc bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp cho người nghèo, đối tượng chính sách và Cựu Chiến binh đã được trợ giúp pháp lý. Khắc phục kịp thời những hạn chế, bất cập trong quá trình giải

quyết vụ việc của cơ quan có thẩm quyền, góp phần bảo vệ công lý, đảm bảo công bằng xã hội.

2. Giám đốc Sở Tư pháp căn cứ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm:

a) Chỉ đạo, hướng  dẫn, kiểm tra Trung tâm Trợ giúp pháp lý nhà nước tỉnh tham mưu cho UBND tỉnh tăng cường quản lý nhà nước và chỉ đạo hoạt động trợ giúp pháp lý miễn phí cho người nghèo, đối tượng chính sách phù hợp với quy định của Luật Trợ giúp pháp lý. Chủ động phối hợp với Hội cựu Chiến binh tỉnh triển khai hoạt động trợ giúp pháp lý theo Thông tư liên tịch số 02/2008/TTLT-BTP- TWHCCBVN ngày 09/6/2008 của Bộ Tư pháp và Trung ương Hội cựu Chiến binh Việt Nam.

b) Xây dựng kế hoạch đào tạo nguồn nhân lực, bồi dưỡng nghiệp vụ, kỹ năng trợ giúp pháp lý cho đội ngũ cán bộ làm công tác trợ giúp pháp lý, để thực hiện việc trợ giúp pháp lý đạt được hiệu quả; mở rộng mạng lưới trợ giúp pháp lý đến các địa bàn trong tỉnh. Thường xuyên thực hiện thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm liên quan đến hoạt động trợ giúp pháp lý ở địa phương.

c) Phối hợp với các Sở, Ban, Ngành, Mặt trận Tổ quốc và các Tổ chức đoàn thể các cơ quan thông tin đại chúng đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về trợ giúp pháp lý cho cán bộ và nhân dân.

3. Hội cựu Chiến binh các cấp trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm:

a) Phối hợp với cơ quan tư pháp cùng cấp tăng cường các hoạt động tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, trợ giúp pháp lý đối với Cựu Chiến binh trên địa bàn. Hướng dẫn Cựu chiến binh thuộc đối tượng được trợ giúp pháp lý quy định tại khoản 1 mục III của Thông tư liên tịch số 02/2008/TTLT-BTP-TWHCCBVN đến Trung tâm Trợ giúp pháp lý nhà nước và Chi nhánh của Trung tâm để được trợ giúp pháp lý theo quy định của pháp luật.

b) Giới thiệu Cựu Chiến binh có đủ tiêu chuẩn tham gia làm cộng tác viên trợ giúp pháp lý với Trung tâm Trợ giúp pháp lý nhà nước.

c) Phối hợp với Trung tâm Trợ giúp pháp lý nhà nước, Chi nhánh của Trung tâm khảo sát và tổ chức thực hiện trợ giúp pháp lý lưu động ở những nơi có nhiều Cựu Chiến binh, Cựu Quân nhân có nhu cầu trợ giúp pháp lý.

4. Đề nghị Thủ trưởng các đơn vị: Công an tỉnh, Quân sự tỉnh, Bộ đội Biên phòng tỉnh, Viện kiểm sát nhân dân tỉnh; Tòa án nhân dân tỉnh trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình chỉ đạo các đơn vị trực thuộc phối hợp với Sở Tư pháp triển khai thực hiện các quy định tại khoản 2, Điều 7 của Luật Trợ giúp pháp lý và Thông tư liên tịch số 10/2007/TTLT-BTP-BCA-BQP-BTC-VKSNDTC- TANDTC ngày 28/12/2007 của Bộ Tư pháp, Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Bộ Tài chính, Viện kiểm sát nhân dân Tối cao, Tòa án nhân dân Tối cao hướng dẫn một số quy định về trợ giúp pháp lý trong hoạt động tố tụng. Xây dựng kế hoạch phối hợp và chỉ đạo cho cán bộ cơ quan đơn vị mình thường xuyên theo dõi hướng dẫn,

 

giúp đỡ các đối tượng được trợ giúp pháp lý; liên hệ với Trung tâm và các Chi nhánh Trợ giúp Pháp lý để được trợ giúp theo quy định.

5. Yêu cầu Thủ trưởng Sở, Ban, Ngành, Mặt trận Tổ quốc và các Tổ chức đoàn thể tỉnh, các cơ quan thông tin đại chúng phối hợp với Giám đốc Sở Tư pháp và UBND cấp huyện, cấp xã thực hiện tốt công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật về trợ giúp pháp lý nhằm nâng cao nhận thức pháp luật cho cán bộ, công chức, viên chức và nhân dân. Quan tâm giúp đỡ các xã vùng sâu, nơi có đông đồng bào dân tộc và có tỷ lệ hộ nghèo từ 15% trở lên; thực hiện nhiều đợt trợ giúp pháp lý cho nhân dân khi có nhu cầu.

6. Giám đốc Sở Tài chính tham mưu cho UBND tỉnh đảm bảo kinh phí cho việc triển khai thực hiện đề án quy hoạch phát triển mạng lưới Chi nhánh của Trung tâm Trợ giúp pháp lý đến năm 2010 theo Quyết định số 165/QĐ-UBND của Chủ tịch UBND tỉnh; đồng thời đảm bảo kinh phí đáp ứng nhu cầu hoạt động trợ giúp pháp lý miễn phí cho người nghèo, đối tượng chính sách, Cựu Chiến binh và nhân dân trong tỉnh theo kế hoạch.

7. Chủ tịch UBND huyện, thành phố Cà Mau chỉ đạo thực hiện tốt các quy định của pháp luật về hoạt động trợ giúp pháp lý trên địa bàn; tăng cường công tác kiểm tra, chấn chỉnh kịp thời các trường hợp còn tồn tại, vướng mắc trong quá trình hoạt động trợ giúp pháp lý. Chỉ đạo UBND cấp xã rà soát lại các đối tượng được hưởng trợ giúp pháp lý miễn phí để giới thiệu đến Trung tâm hoặc Chi nhánh trợ giúp pháp lý khi có nhu cầu.

Phối hợp khảo sát và bố trí tổ chức thực hiện việc trợ giúp pháp lý cho nhân dân ở địa phương mình. Tạo điều kiện như: địa điểm làm việc, trang bị cơ sở vật chất, phương tiện để đáp ứng yêu cầu trợ giúp pháp lý; tổ chức sinh hoạt các câu lạc bộ trợ giúp pháp lý có hiệu quả.

Chỉ đạo các Đài Truyền thanh cấp huyện, các Trạm Truyền thanh cấp xã, dành thời lượng nhất định để tuyên truyền, phổ biến pháp luật về hoạt động trợ giúp pháp lý trong phạm vi địa phương mình quản lý.

8. Giám đốc Sở Tư pháp chủ trì, phối hợp với các Sở, Ban, Ngành có liên quan theo dõi, kiểm tra, đôn đốc hướng dẫn việc thực hiện Chỉ thị này và định kỳ báo cáo kết quả thực hiện về Chủ tịch UBND tỉnh.

Chỉ thị này có hiệu lực sau 10 ngày kể từ ngày ban hành và thay thế Chỉ thị số 35/1998/CT-UB ngày 30/12/1998 của UBND tỉnh về việc đẩy mạnh hoạt động trợ giúp pháp lý miễn phí cho người nghèo và đối tượng chính sách./.

Ủy ban nhân dân tỉnh Cà Mau

Phó Chủ tịch

(Đã ký)

 

Nguyễn Tiến Hải