Sign In

THÔNG TƯ

Quy định về việc thanh toán vật tư, thiết bị nhập khẩu bằng vốn do nhà nước ta vay nước ngoài năm 1987 qua Imexco và Seaprodex.

________________________

Thi hành quyết định của Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng nêu trong công văn số 630-V7 của Văn phòng Hội đồng Bộ trưởng ngày 30-3-1987 về việc " Vay ngoại tệ để nhập khẩu" các đơn vị như công ty xuất nhập khẩu Thuỷ sản ( Seaprodex ) thuộc Bộ Thuỷ sản, Tổng công ty xuất nhập khẩu thành phố Hồ Chí Minh (IMEXCO), và một số Bộ khác xin được tự đi vay và nhập khẩu trực tiếp theo kế hoạch Nhà nước, đã tiến hành nhập khẩu vật tư cần thiết nhằm đảm bảo triển khai kế hoạch sản xuất năm 1987.

Liên Bộ Uỷ ban Kế hoạch Nhà nước, Bộ Ngoại thương và Ngân hàng Nhà nước đã có thông tư ngày 28 tháng 4 năm 1987 hướng dẫn các ngành liên quan thực hiện. Bộ Tài chính hướng dẫn việc thanh toán thu nộp ngân sách và tổ chức việc trả nợ nước ngoài như sau:

I/ VIỆC THANH TOÁN TIỀN HÀNG VÀ THU NỘP NGÂN SÁCH NHÀ NƯỚC

1. Các đơn vị nhập khẩu vật tư, thiết bị cho Nhà nước bằng tiền vay ngoại tệ nước ngoài nói trên ( kể cả các Bộ nhập trực tiếp, không qua Seaprodex và Imexco ), sau đây gọi tắt là "người nhập khẩu", khi giao hàng cho các đơn vị đặt hàng trong nước theo chỉ tiêu của Uỷ ban Kế hoạch Nhà nước cần tiến hành ngay việc lập hoá đơn thanh toán để thu tiền hàng và nộp vào Ngân sách Nhà nước. Thủ tục giao nhận và trả tiền hàng nhập khẩu vẫn thực hiện theo các qui định của Nghị định số 200/CP ngày 31 tháng 12 năm 1973 của Hội đồng Chính phủ và thông tư Liên Bộ Tài chính - Ngoại thương - Ngân hàng Nhà nước số 13 TT-LB ngày 10-7-1974.

2. Những quy định cụ thể:

- Giá cả làm cơ sở để thanh toán tiền hàng giữa người nhập khẩu với các đơn vị nhập hàng trong nước là giá bán buôn hàng nhập khẩu ban hành theo quyết định số 352 VGNN- BB ngày 30 tháng 9 năm 1985 ( và những quy định bổ sung hiện hành ).

Trường hợp mặt hàng nhập khẩu chưa có giá trong các quyết định nói trên thì người nhập khẩu được phép tạm tính giá theo nguyên tắc lấy giá mua hàng nhập khẩu theo điều kiện CII quy ra đồng Việt Nam theo tỷ giá kết toán nội bộ do Nhà nước quy định cộng với chi phí lưu thông và lãi định mức dành cho người nhập khẩu.

Trong quá trình thực hiện dịch vụ nói trên người nhập khẩu được Nhà nước định mức chi phí hợp lý nhằm trang trải cho các chi phí từ khâu giao dịch, ký kết hợp đồng cho đến khâu tiếp nhận và giao hàng trên phương tiện người mua tại cảng Việt nam.

Chi phí của người nhập khẩu gồm hai phần:

a) Chi phí bằng ngoại tệ, bao gồm các khoản như : điện thoại, TELEX ( trong giao dịch với các khách hàng nước ngoài), chi phí ngoại tệ cho việc cử đoàn ra nước ngoài ký kết hợp đồng nhập khẩu. Những chi phí này được tính bằng mức 0,2% trên giá ký đồng theo điều kiện CIF, nguồn ngoại tệ này được tính trừ vào phần ngoại tệ nghĩa vụ phải nộp ( kết hối) cho Trung ương ).

Trường hợp một số Bộ trực tiếp nhập khẩu vật tư, thiết bị cho ngành không qua Seaprodex và Imexco mà không có nguồn ngoại tệ nộp kết hối cho Nhà nước thì phần chi phí bằng ngoại tệ nối trên sẽ được thực hiện  chung trong nhiệm vụ được giao trong năm kế hoạch của mình.

b) Chi bằng đồng Việt nam, bao gồm các khoản chi phí như: tiếp nhận hàng nhập khẩu tại cảng, bảo quản lưu kho tại cảng (nếu có) giao nhận trên phương tiện người mua hàng. Những chi phí này được tính bằng mức 2% trên giá trị bán hàng nhập khẩu cho các đơn vị đặt hàng trong nước.

Lãi định mức bằng tiền Việt Nam dành cho người nhập khẩu là 0,5% doanh số nhập khẩu CIF qui ra đồng Việt Nam theo tỷ giá kết toán nội bộ.

Nộp tiền hàng vào Ngân sách nhà nước: Khi thu được tiền bán hàng của các đơn vị đặt hàng trong nước, người nhập khẩu được gữi lại 2% để trang trải các chi phí và 0,5% lãi định mức như quy định nói trên, số tiền bán hàng còn lại sẽ nộp vào Ngân sách Trung ương (tài khoản 710 NSTW, loại 6, khoản 85, hạng 3).

II/ VỀ TRẢ NỢ NGOẠI TỆ VAY NƯỚC NGOÀI

Số ngoại tệ phải nộp hoặc kết hối cho Trung ương ( theo nghĩa vụ vào quỹ ngoại tệ tập trung của Nhà nước ) của Seaprodex và Imexco là những đơn vị nhập khẩu hàng hoá vật tư theo chỉ tiêu Nhà nước bằng nguồn vốn vay nước ngoài nói trong thông tư này được sử dụng làm nguồn trả nợ nước ngoài khi đến hạn. Số ngoại tệ này được gửi vào tài khoản riêng tại Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam và do Ngân hàng quản lý để tiến hành việc trả nợ nước ngoài theo lịch trả nợ của người nhập khẩu.

Vì thời hạn vay vốn ngắn ( thường chỉ từ 180 ngày đến 360 ngày), Bộ Tài chính không đặt vấn đề yêu cầu Ngân hàng Ngoại thương nộp số tiền Việt Nam tương ứng theo tỷ giá kết toán nội bộ của số ngoại tệ mà Ngân hàng Ngoại thương quản lý để trả nợ này vào Ngân sách Nhà nước. Khi đến thời hạn trả nợ, Ngân hàng Ngoại thương có trách nhiệm xuất quỹ ngoại tệ để trả nợ nước ngoài, không báo nợ bằng đồng tiền Việt Nam cho Bộ Tài chính nữa.

Đối với các Bộ trực tiếp nhập khẩu vật tư, thiết bị cho ngành mình không qua Seaprodex và Imexco mà không có ngoại tệ kết hối cho Nhà nước; có trách nhiệm thông báo lịch trả nợ nước ngoài cho Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam, Bộ Tài chính để chủ động trong việc thu xếp ngoại tệ trong quỹ ngoại tệ Nhà nước để trả nợ nước ngoài khi đến hạn. Bộ Tài chính có trách nhiệm bố trí và chuyển cho Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam tương ứng với số ngoại tệ đến hạn phải trả nợ theo kế vay và trả nợ của các Bộ trực tiếp vay nợ nước ngoài.

Bộ Tài chính

Thứ trưởng

(Đã ký)

 

Ngô Thiết Thạch