CHỈ THỊ
Về việc tăng cường công tác phòng cháy và chữa cháy trên địa bàn tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu
____________________________________
Qua 12 năm thực hiện Luật Phòng cháy và chữa cháy (PCCC), các cấp, các ngành, các đơn vị, doanh nghiệp và cá nhân trên địa bàn tỉnh đã có nhiều cố gắng trong việc triển khai thực các biện pháp PCCC, số vụ cháy xảy ra trong các năm được kiềm chế, góp phần giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, phục vụ sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Tuy nhiên, tình hình cháy nổ trên địa bàn toàn quốc nói chung, địa bàn tỉnh nhà nói riêng vẫn có nhiều diễn biến phức tạp; cháy có chiều hướng gia tăng, tập trung ở các cơ sở trọng điểm, các khu dân cư, nhà cao tầng, chợ và trung tâm thương mại... mà nguyên nhân chủ yếu là ý thức chấp hành pháp luật PCCC của một bộ phận cán bộ, công chức, nhân dân chưa cao; nhiều cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp người đứng đầu chưa có sự quan tâm đúng mức tới công tác PCCC.
Năm 2013 và những năm tiếp theo, dự báo tình hình thời tiết có nhiều diễn biến phức tạp, nắng nóng, khô hạn có thể kéo dài trên diện rộng; không những ảnh hưởng đến đời sống, sinh hoạt và sản xuất của nhân dân mà còn làm tăng nguy cơ cháy và cháy lớn. Để tiếp tục triển khai nghiêm túc và thực hiện tốt Luật Phòng cháy và chữa cháy, Nghị định số 35/2003/NĐ-CP ngày 04 tháng 4 năm 2003 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Phòng cháy và chữa cháy; Chỉ thị số 1634/CT-TTg ngày 31 tháng 8 năm 2010 Thủ tướng Chính phủ về tăng cường chỉ đạo thực hiện một số nhiệm vụ cấp bách trọng tâm trong công tác PCCC và cứu nạn, cứu hộ, Ủy ban nhân dân tỉnh Chỉ thị:
1. Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện, thành phố, Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị, các doanh nghiệp phải chủ động, triển khai có hiệu quả Chỉ thị số 1634/CT-TTg ngày 31 tháng 8 năm 2010 của Thủ tướng Chính phủ và Kế hoạch số 6589/KH-UBND ngày 30 tháng 9 năm 2010 của Ủy ban nhân dân tỉnh về thực hiện một số nhiệm vụ cấp bách trọng tâm trong công tác PCCC và cứu nạn, cứu hộ. Trực tiếp kiểm tra các hoạt động PCCC ở cơ quan, đơn vị mình để có biện pháp PCCC kịp thời. Trường hợp thiếu kiểm tra, đôn đốc, để xảy ra cháy, nổ thì Thủ trưởng đơn vị phải chịu trách nhiệm.
Các sở, ban, ngành triển khai thực hiện nghiêm túc Kế hoạch số 1035/KH-UBND ngày 19 tháng 02 năm 2013 của Ủy ban nhân dân tỉnh về thực hiện Quyết định, số 1110/QĐ-TTg ngày 17 tháng 8 năm 2012 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch tổng thể hệ thống cơ sở của lực lượng Cảnh sát PCCC và cứu nạn, cứu hộ đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030, Quyết định số 44/2012/QĐ-TTg ngày 15 tháng 10 năm 2012 về công tác cứu hạn, cứu hộ của lực lượng PCCC.
2. Tổ chức in các khuyến cáo phòng cháy và chữa cháy trên từng lĩnh vực cụ thể và phát hành tới từng cơ quan, đơn vị, hộ gia đình và nhân dân trong tỉnh, tiếp tục triển khai ký cam kết đảm bảo các điều kiện phòng cháy và chữa cháy để nâng cao ý thức, trách nhiệm trong việc PCCC, nhất là trách nhiệm của người đứng đầu. Hàng năm vào đầu mùa khô có kế hoạch cụ thể triển khai thực hiện phòng cháy và chữa cháy mùa khô và bảo vệ các ngày lễ, tết, lễ hội trong năm.
3. Ủy ban nhân dân các cấp, các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp tăng cường đầu tư, trang bị phương tiện, dụng cụ PCCC&CNCH phù hợp với cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp mình và phù hợp với đặc thù từng chuyên ngành; đảm bảo đủ sức dập lửa khi cháy xảy ra, hạn chế thiệt hại.
4. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Chi cục Kiểm lâm) có kế hoạch cụ thể trong công tác phòng chống cháy rừng và chỉ đạo cho các chủ rừng phối hợp cùng các lực lượng tại địa phương tăng cường công tác tuần tra, bảo vệ rừng và phòng chống cháy rừng, cấm người không có trách nhiệm tự ý vào rừng. Tổ chức cho các chủ rừng và nhân dân sống ven rừng ký cam kết chấp hành đúng quy định phòng cháy và chữa cháy. Hàng năm vào đầu mùa khô Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Chi cục Kiểm lâm) phối hợp với các ngành có liên quan thành lập đoàn kiểm tra, hướng dẫn công tác phòng cháy và chữa cháy rừng và thực tập phương án chữa cháy rừng đối với các địa phương.
5. Sở Tư pháp, Đài Phát thanh - Truyền hình, Báo Bà Rịa - Vũng Tàu, Đài truyền thanh các huyện, thành phố có trách nhiệm tuyên truyền, phổ biến Luật Phòng cháy và chữa cháy và các văn bản chỉ đạo về PCCC của Trung ương, địa phương, các khuyến cáo PCCC để cán bộ và nhân dân trong tỉnh biết, thực hiện. Sở Thông tin và Truyền thông xây dựng các panô áp phích, băng rôn, khẩu hiệu về PCCC để tuyên truyền phòng cháy và chữa cháy trước, trong và sau ngày toàn dân PCCC (ngày 04 tháng 10) và tháng an toàn PCCC (tháng 10) hàng năm.
6. Ủy ban nhân dân các cấp, các cơ quan, đơn vị, các doanh nghiệp trọng điểm tổ chức các hoạt động kỷ niệm ngày toàn dân PCCC (ngày 04 tháng 10) hàng năm bằng các hình thức như: Mít tinh, hội nghị nhân điển hình tiên tiến về PCCC, tổ chức hội thao phòng cháy và chữa cháy cụm, chuyên ngành, toàn tỉnh...thời gian triển khai từ ngày 15 tháng 3 đến ngày 25 tháng 9 hàng năm.
7. Công an tỉnh có trách nhiệm phối hợp với các sở, ngành liên quan thành lập đoàn kiểm tra, đôn đốc, hướng dẫn việc chấp hành theo các quy định của pháp luật PCCC đối với các cấp, các ngành, các đơn vị địa phương trong tỉnh; kiên quyết xử lý đối với các hành vi vi phạm các quy định PCCC. Thanh mưu cho Ủy ban nhân dân tỉnh tổ chức sơ kết các hoạt động PCCC theo quy định để kiểm điểm, đánh giá những mặt đã làm được, chưa làm được, nguyên nhân và đề ra giải pháp thực hiện trong thời gian tới.
8. Vào dịp Tết Nguyên đán hàng năm, Sở Công thương có trách nhiệm phối hợp với Công an tỉnh và các ngành liên quan tổ chức kiểm tra điều kiện kinh doanh thương mại, dịch vụ và PCCC tại các cơ sở kinh doanh xăng dầu, khí hóa lỏng, chợ và trung tâm thương mại, đảm bảo an toàn trước, trong và sau dịp Tết Nguyên đán.
Chủ tịch Ủy ban nhân dân các cấp, Giám đốc các sở, ban, ngành, các cơ quan, doanh nghiệp triển khai thực hiện nghiêm túc Chỉ thị số 406/TTg của Thủ tướng Chính phủ về cấm sản xuất, kinh doanh, tàng trữ và đốt pháo nổ; Quyết định số 95/2009/QĐ-TTg ngày 17 tháng 7 năm 2009 của Thủ tướng Chính phủ về việc cấm sản xuất, nhập khẩu, tàng trữ, vận chuyển, buôn bán, đốt và thả đèn trời; Nghị định số 36/CP ngày 15 tháng 4 năm 2009 của Chính phủ về quản lý, sử dụng pháo; Công điện số 1878/CĐ-TTg ngày 09 tháng 11 năm 2012 của Thủ tướng Chính phủ về việc thực hiện Nghị định số 36/2009/NĐ-CP; Công văn số 3733/BCA-C61 ngày 20 tháng 11 năm 2012 của Bộ Công an về việc triển khai Công điện số 1878/CĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ; đồng thời phải chủ động trực tiếp kiểm tra các hoạt động phòng cháy và chữa cháy ở cơ quan, đơn vị mình, có các giải pháp chủ động ngăn chặn cháy lớn.
9. Đề nghị các cơ quan, đoàn thể phối hợp với các sở, ban, ngành, các đơn vị, địa phương và các doanh nghiệp triển khai thực hiện có hiệu quả công tác phòng cháy và chữa cháy phục vụ sự nghiệp phát triển của tỉnh.
10. Các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp thuộc diện mua bảo hiểm cháy, nổ bắt buộc theo Nghị định số 130/2006/NĐ-CP ngày 08 tháng 11 năm 2006 của Chính phủ phải thực hiện việc mua bảo hiểm cháy, nổ bắt buộc theo quy định. Các doanh nghiệp được Bộ Tài chính cho phép thành lập và hoạt động trên lĩnh vực bán bảo hiểm cháy nổ thực hiện việc bán bảo hiểm cháy nổ cho các cơ sở theo quy định; đồng thời phải chấp hành nghiêm Nghị định số 130/2006/NĐ-CP ngày 08 tháng 11 năm 2006 của Chính phủ quy định chế độ bảo hiểm cháy, nổ bắt buộc.
Yêu cầu các sở, ban, ngành, các cơ quan, đơn vị, Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố, các doanh nghiệp và mọi công dân chấp hành nghiêm nội dung Chỉ thị này. Giao Công an tỉnh theo dõi, kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện, tổng hợp tình hình và thường xuyên báo cáo kết quả về Ủy ban nhân dân tỉnh biết để chỉ đạo thực hiện.
Chỉ thị này có hiệu lực thi hành sau 10 (mười) ngày, kể từ ngày ký và thay thế Chỉ thị số 03/2009/CT-UBND ngày 12 tháng 01 năm 2009 của Ủy ban nhân dân tỉnh về tăng cường công tác phòng cháy, chữa cháy./.