NGHỊ QUYẾT
Về mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp phát triển
kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh 05 năm 2011 - 2015
___________________________
HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN TỈNH ĐỒNG NAI
KHÓA VII - KỲ HỌP THỨ 21
Căn cứ Luật Tổ chức HĐND và UBND ngày 26/11/2003;
Căn cứ Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật của HĐND, UBND ngày 03/12/2004;
Sau khi xem xét Tờ trình số 9415/TTr-UBND ngày 17/11/2010 của UBND tỉnh về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh 05 năm 2011 - 2015 tỉnh Đồng Nai; Báo cáo số 9416/BC-UBND ngày 17/11/2010 của UBND tỉnh về đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch 05 năm 2006 - 2010 và phương hướng, nhiệm vụ kế hoạch 05 năm 2011 - 2015; báo cáo thẩm tra của các Ban HĐND tỉnh và tổng hợp ý kiến thảo luận của các Đại biểu HĐND tỉnh tại kỳ họp,
QUYẾT NGHỊ:
Điều 1. Nhất trí với đánh giá của UBND tỉnh về kết quả thực hiện kế hoạch 05 năm 2006 - 2010 theo Báo cáo số 9416/BC-UBND ngày 17/11/2010 của UBND tỉnh và mục tiêu, giải pháp thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh 05 năm 2011 - 2015 theo Tờ trình số 9415/TTr-UBND ngày 17/11/2010 với những nội dung chủ yếu như sau:
1. Mục tiêu tổng quát
Phát triển nền kinh tế với tốc độ tăng trưởng nhanh, bền vững. Nâng cao chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh và chủ động hội nhập Quốc tế, đẩy mạnh quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Nâng cao chất lượng phát triển các lĩnh vực kinh tế - xã hội, cải thiện đời sống nhân dân, bảo đảm an sinh xã hội, giữ vững ổn định chính trị, bảo đảm quốc phòng an ninh và trật tự an toàn xã hội. Phấn đấu đến năm 2015 trở thành tỉnh cơ bản công nghiệp hóa - hiện đại hóa.
2. Các chỉ tiêu chủ yếu
a) Chỉ tiêu về kinh tế:
- Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) 05 năm 2011 - 2015 tăng bình quân từ 13% - 14%/năm. Trong đó: GDP ngành công nghiệp và xây dựng tăng từ 13% - 14%; dịch vụ tăng từ 15% - 16%; nông, lâm, ngư nghiệp tăng từ 3,5% - 4%.
- GDP bình quân đầu người năm 2015 (theo giá hiện hành) khoảng 2.900 USD - 3.000 USD.
- Cơ cấu kinh tế năm 2015: Ngành công nghiệp - xây dựng chiếm 56% - 57%; ngành dịch vụ chiếm 38% - 39%; ngành nông, lâm, ngư nghiệp chiếm 5% - 6%.
- Tổng kim ngạch xuất khẩu trên địa bàn tăng bình quân 15% - 17%/năm.
- Tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội 05 năm 2011 - 2015 khoảng 260.000 - 270.000 tỷ đồng (chiếm bình quân 40 - 43% GDP/năm).
- Tổng thu ngân sách Nhà nước hàng năm so với GDP đạt tỷ lệ 23% - 25%.
b) Chỉ tiêu về xã hội:
- Đến năm 2015, toàn tỉnh có trên 20% xã đạt chuẩn nông thôn mới theo tiêu chí của tỉnh.
- Giảm và giữ ổn định mức tăng dân số tự nhiên đến năm 2015 là 1,1%.
- Nâng tỷ lệ sinh viên đại học, cao đẳng đạt 300 sinh viên/vạn dân vào năm 2015.
- Nâng tỷ lệ giường bệnh và tỷ lệ bác sỹ đến năm 2015 là 26 giường bệnh và 08 bác sỹ trên 01 vạn dân.
- Giảm tỷ lệ suy dinh dưỡng trẻ em dưới 05 tuổi đến năm 2015 dưới 12,5%.
- Giảm tỷ lệ hộ nghèo mỗi năm từ 1,5% theo chuẩn nghèo hiện hành của tỉnh.
- Nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo năm 2015 đạt trên 65%.
- Giảm tỷ lệ lao động không có việc làm ở khu vực đô thị xuống dưới 2,6% vào năm 2015.
- Đến năm 2015, toàn tỉnh có 90% ấp, khu phố đạt tiêu chuẩn ấp, khu phố văn hóa và trên 98% hộ gia đình đạt tiêu chuẩn hộ gia đình văn hóa.
- Phấn đấu đến năm 2015 khu vực nông thôn có 80% dân số tham gia thường xuyên vào các hoạt động văn hóa, trên 30% tham gia tập thể dục thể thao thường xuyên và 100% xã có trung tâm văn hóa thể thao.
- Tỷ lệ hộ dân có sử dụng điện đến năm 2015 đạt 99%.
- Hoàn thành chỉ tiêu tuyển quân hàng năm Chính phủ giao.
c) Chỉ tiêu về môi trường:
- Đến năm 2015 tỷ lệ che phủ cây xanh đạt 56%; trong đó giữ vững tỷ lệ che phủ của rừng đạt 29,76%.
- Đến năm 2015, thu gom và xử lý 100% chất thải y tế, chất thải sinh hoạt đô thị, chất thải rắn công nghiệp không nguy hại; thu gom 100% và xử lý trên 80% chất thải nguy hại.
- Đến năm 2015, tỷ lệ hộ nông thôn được sử dụng nước hợp vệ sinh đạt 95%; tỷ lệ hộ đô thị được sử dụng nước sạch đạt 99%.
3. Các nhiệm vụ, chương trình và giải pháp chủ yếu
a) Nhiệm vụ đột phá giai đoạn 2011 - 2015:
- Tập trung thu hút, đãi ngộ, đào tạo, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, hình thành đội ngũ chuyên gia giỏi đầu ngành đáp ứng yêu cầu phát triển. Tăng cường đào tạo nghề cho lao động nông thôn. Nâng cao tiềm lực khoa học và công nghệ gắn với nâng cao hiệu quả ứng dụng vào thực tiễn.
- Đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng, đặc biệt là các tuyến giao thông kết nối vào các khu vực tập trung đô thị và khu công nghiệp trong tỉnh, các tuyến giao thông kết nối các tuyến đường cao tốc.
- Phát triển mạnh các ngành dịch vụ chất lượng cao (tài chính, ngân hàng, vận tải - kho bãi, thông tin liên lạc, khách sạn nhà hàng).
- Thu hút đầu tư các ngành công nghiệp kỹ thuật cao, các ngành công nghiệp tạo ra sản phẩm có hàm lượng công nghệ cao và có giá trị gia tăng cao. Xây dựng thương hiệu sản phẩm công nghiệp.
- Phát triển hạ tầng kinh tế xã hội nông thôn và nâng cao chất lượng, phát triển thương hiệu nông sản hàng hóa.
- Khuyến khích, tạo điều kiện phát triển các nhân tố của nền kinh tế tri thức, ưu tiên các lĩnh vực tạo sản phẩm có hàm lượng chất xám cao.
b) Các chương trình phát triển kinh tế xã hội giai đoạn 2011 - 2015:
- Chương trình hỗ trợ thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu các ngành công nghiệp giai đoạn 2011 - 2015 (thay thế cho chương trình phát triển các sản phẩm công nghiệp chủ lực giai đoạn 2006 - 2010).
- Chương trình phát triển nông thôn mới.
- Chương trình phát triển nguồn nhân lực 2011 - 2015.
- Chương trình phát triển kết cấu hạ tầng giai đoạn 2011 - 2015.
- Chương trình khoa học và công nghệ hỗ trợ các đơn vị, doanh nghiệp nâng cao năng lực cạnh tranh; áp dụng hệ thống quản lý chất lượng tiên tiến; bảo hộ sở hữu trí tuệ trong quá trình hội nhập giai đoạn 2011 - 2015.
- Chương trình bảo vệ môi trường giai đoạn 2011 - 2015.
- Chương trình phát triển các loại cây trồng, vật nuôi chủ lực và xây dựng thương hiệu sản phẩm nông nghiệp giai đoạn 2011 - 2015.
- Chương trình phát triển các ngành dịch vụ: Dịch vụ ngân hàng, dịch vụ du lịch, dịch vụ nhà ở cho người lao động, dịch vụ logistic (vận chuyển, giao nhận, kho bãi, cảng) giai đoạn 2011 - 2015.
c) Các giải pháp chủ yếu:
- Đẩy nhanh việc rà soát, điều chỉnh, lập các quy hoạch trên địa bàn, đảm bảo quy hoạch phải đồng bộ, có chất lượng, ưu tiên quy hoạch xây dựng đô thị, quy hoạch cấp nước, thoát nước, xử lý chất thải, nước thải.
- Phát triển sản xuất kinh doanh:
+ Đẩy mạnh công tác xúc tiến thương mại, phát triển thị trường mới thông qua việc hỗ trợ cung cấp thông tin về thị trường trong và ngoài nước; hỗ trợ các doanh nghiệp tham gia hội chợ triển lãm, xây dựng thương hiệu, pháp luật kinh doanh... Khuyến khích và tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp đầu tư đổi mới công nghệ, nâng cao năng lực cạnh tranh, để tham gia hội nhập kinh tế có hiệu quả. Tăng cường công tác xúc tiến đầu tư để kêu gọi đầu tư nước ngoài, đầu tư trong nước, đầu tư vào các lĩnh vực ưu tiên thu hút đầu tư của tỉnh.
+ Tập trung phát triển công nghiệp phục vụ phát triển nông nghiệp và nông thôn. Chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi, bảo vệ nguồn lợi thủy sản hợp lý, quản lý và bảo vệ rừng; tập trung huy động các nguồn lực đầu tư hạ tầng phục vụ nông nghiệp nông thôn; củng cố và phát triển các làng nghề truyền thống.
+ Phát triển mạnh các ngành dịch vụ, khai thác có hiệu quả tiềm năng du lịch của tỉnh, trong đó chú trọng và đẩy mạnh phát triển các loại hình dịch vụ như: Dịch vụ đầu tư chứng khoán, dịch vụ tài chính, ngân hàng, bưu chính viễn thông, khoa học và công nghệ…, đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội; phát triển mạnh dịch vụ xã hội như y tế, giáo dục và tổ chức khai thác có hiệu quả các tuyến, điểm du lịch theo quy hoạch.
- Huy động vốn đầu tư:
+ Huy động đa dạng các nguồn vốn trên toàn xã hội, đáp ứng yêu cầu đầu tư phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2011 - 2015.
+ Tăng cường công tác quản lý đầu tư xây dựng, sử dụng có hiệu quả nguồn vốn đầu tư từ ngân sách Nhà nước. Tăng cường công tác giám sát đầu tư và giám sát đầu tư cộng đồng; thường xuyên thực hiện công tác thanh tra, kiểm tra góp phần chống thất thoát, lãng phí trong đầu tư và xây dựng.
- Phát triển nguồn nhân lực:
+ Tăng cường các hoạt động đào tạo nghề, đào tạo kỹ thuật sản xuất, đào tạo các nghiệp vụ quản lý kinh doanh, hành chính và giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ và lực lượng lao động đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội.
+ Xây dựng chính sách đào tạo, bồi dưỡng và thu hút nhân tài trong các lĩnh vực còn thiếu cán bộ nghiệp vụ chuyên ngành để đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội.
- Chú trọng giải quyết các vấn đề xã hội:
+ Tập trung đầu tư xây dựng các khu tái định cư thực hiện di dời giải phóng mặt bằng.
+ Tập trung thực hiện có hiệu quả các vấn đề xã hội bức xúc như giải quyết việc làm, giảm nghèo, phòng chống tệ nạn xã hội trên địa bàn. Thực hiện tốt các chính sách xã hội, không ngừng nâng cao đời sống tinh thần cho nhân dân, đặc biệt quan tâm đối với vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
- Quản lý và bảo vệ môi trường:
+ Mở rộng mạng lưới quan trắc và phân tích môi trường nhất là môi trường không khí, môi trường nước đối với sông Đồng Nai, La Ngà, Thị Vải, Lòng Tàu, Đồng Tranh… và các dòng chảy thoát nước thải của các khu công nghiệp và đô thị, phát hiện và cảnh báo kịp thời các trường hợp ô nhiễm môi trường.
+ Xây dựng các khu xử lý chất thải rắn, xử lý chất thải y tế, các khu xử lý nước thải tập trung tại các khu công nghiệp, cụm công nghiệp.
- Tăng cường mối liên kết vùng và hội nhập kinh tế Quốc tế:
+ Tăng cường hợp tác phát triển có hiệu quả với các địa phương trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.
+ Mở rộng và đẩy mạnh thực hiện giao lưu kinh tế - xã hội với các vùng, lãnh thổ nước ngoài; thực hiện lộ trình hội nhập kinh tế Quốc tế.
- Kết hợp chặt chẽ giữa phát triển kinh tế - xã hội đi đôi với đảm bảo an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội:
+ Xây dựng quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế xã hội của tỉnh, quy hoạch các ngành kinh tế xã hội và quy hoạch các huyện, thị xã, thành phố Biên Hòa gắn với chiến lược phát triển an ninh, quốc phòng. Các dự án phát triển kinh tế xã hội, quy hoạch phát triển các khu công nghiệp, các cụm công nghiệp trên địa bàn phải có ý kiến của cơ quan quân sự.
+ Tăng cường các biện pháp đấu tranh và phòng ngừa trong công tác phòng chống tội phạm, xử lý nghiêm các loại tội phạm.
- Tăng cường, phát huy sức mạnh của cả hệ thống chính trị, vai trò quản lý của Nhà nước:
+ Tiếp tục củng cố vai trò và phát huy hiệu quả của bộ máy chính quyền các cấp, các ngành trong quản lý phát triển kinh tế - xã hội. Xây dựng đội ngũ cán bộ và công chức từ cấp tỉnh xuống cơ sở có phẩm chất đạo đức, năng lực phục vụ cho sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa; đổi mới cơ chế, chính sách, quản lý thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế xã hội.
+ Thực hiện đại đoàn kết toàn dân, đảm bảo quyền bình đẳng và phát huy mọi nguồn lực của nhân dân; chú trọng phát huy vai trò của giai cấp công nhân, giai cấp nông dân, đội ngũ trí thức, các doanh nhân, thế hệ trẻ, phụ nữ, cựu chiến binh, người cao tuổi, các dân tộc tôn giáo, đồng bào định cư ở nước ngoài. Phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể, động viên sức mạnh toàn dân cùng thực hiện thắng lợi các mục tiêu kinh tế xã hội đã đề ra.
Điều 2. Tổ chức thực hiện
1. Giao Ủy ban nhân dân tỉnh tổ chức triển khai thực hiện Nghị quyết này; định kỳ có đánh giá, kiểm điểm quá trình thực hiện và báo cáo tại các kỳ họp của Hội đồng nhân dân tỉnh.
2. Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh, các ban Hội đồng nhân dân tỉnh, Đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh thực hiện giám sát việc triển khai, thực hiện Nghị quyết này theo luật định.
3. Đề nghị Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh và các tổ chức thành viên vận động các tổ chức và nhân dân cùng giám sát việc triển khai, thực hiện Nghị quyết này; phản ánh kịp thời tâm tư, nguyện vọng, kiến nghị của nhân dân đến các cơ quan chức năng theo đúng quy định pháp luật.
Nghị quyết này được Hội đồng nhân dân tỉnh khóa VII, kỳ họp thứ 21 thông qua ngày 09 tháng 12 năm 2010.
Nghị quyết này có hiệu lực thi hành sau 10 ngày, kể từ ngày được Hội đồng nhân dân tỉnh thông qua./.