QUYẾT ĐỊNH
Ban hành quy định giá bồi thường, hỗ trợ cây trồng, vật nuôi, diêm nghiệp
khi Nhà nước thu hồi đất trên địa bàn tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu
_______________________________
ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH BÀ RỊA – VŨNG TÀU
Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân ngày 26 tháng 11 năm 2003;
Căn cứ Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân ngày 03 tháng 12 năm 2004;
Căn cứ Luật Đất đai ngày 29 tháng 11 năm 2013;
Căn cứ Nghị định số 43/2014/NĐ-CP ngày 15 tháng 5 năm 2014 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Đất đai;
Căn cứ Nghị định số 47/2014/NĐ-CP ngày 15 tháng 5 năm 2014 của Chính phủ quy định về bồi thường, hỗ trợ và tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất;
Căn cứ Thông tư số 37/2014/TT-BTNMT ngày 30 tháng 6 năm 2014 của Bộ Tài nguyên và Môi trường quy định chi tiết về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất;
Căn cứ Quyết định số 52/2014/QĐ-UBND ngày 31 tháng 10 năm 2014 của Ủy ban nhân dân tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu ban hành quy định về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất trên địa bàn tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu;
Xét đề nghị của Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tại Tờ trình số 380/TTr-SNN-KHCN ngày 19 tháng 12 năm 2014 về việc Ban hành Quy định giá bồi thường, hỗ trợ cây trồng, vật nuôi, diêm nghiệp khi Nhà nước thu hồi đất trên địa bàn tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Quy định giá bồi thường, hỗ trợ cây trồng, vật nuôi, diêm nghiệp khi Nhà nước thu hồi đất trên địa bàn tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu.
Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành sau 10 ngày, kể từ ngày ký và thay thế cho Quyết định số 08/2014/QĐ-UBND ngày 17 tháng 02 năm 2014 của Ủy ban nhân dân tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu Ban hành quy định giá bồi thường, hỗ trợ hoa màu cây trái, diêm nghiệp, nuôi trồng thủy sản khi Nhà nước thu hồi đất trên địa bàn tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu.
Điều 3. Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh, Thủ trưởng các cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố thuộc tỉnh và các đơn vị, tổ chức, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
|
TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH
(Đã ký)
Trần Ngọc Thới
|
QUY ĐỊNH
Giá bồi thường, hỗ trợ cây trồng, vật nuôi, diêm nghiệp
khi Nhà nước thu hồi đất trên địa bàn tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu
(Ban hành kèm theo Quyết định số 66/2014/QĐ-UBND ngày 31 tháng 12 năm 2014
của Ủy ban nhân dân tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu)
______________________________________________________
Chương I
NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Phạm vi và đối tượng áp dụng
1. Quy định này quy định về giá bồi thường, hỗ trợ cây trồng, vật nuôi, diêm nghiệp áp dụng phục vụ công tác bồi thường giải phóng mặt bằng khi Nhà nước thu hồi đất trên địa bàn tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu theo Luật Đất đai năm 2013 và các văn bản quy phạm pháp luật khác liên quan.
2. Các trường hợp đã có quyết định thu hồi đất và đã có phương án bồi thường, hỗ trợ cây trồng, vật nuôi, diêm nghiệp được cấp có thẩm quyền phê duyệt theo quy định của pháp luật về đất đai trước ngày 01 tháng 7 năm 2014 thì tiếp tục thực hiện theo phương án đã được phê duyệt, không áp dụng lại quy định này.
Trường hợp đã có quyết định thu hồi đất nhưng chưa có phương án bồi thường, hỗ trợ cây trồng, vật nuôi, diêm nghiệp được phê duyệt trước ngày 01 tháng 7 năm 2014 - đối với dự án thuộc trường hợp thu hồi đất theo quy định tại Điều 61 và Điều 62 của Luật Đất đai 2013, chủ đầu tư đủ điều kiện quy định tại Khoản 3 Điều 58 của Luật Đất đai – thì tổ chức làm nhiệm vụ bồi thường cấp huyện căn cứ Quy định này để lập và trình cấp thẩm quyền phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ cây trồng, vật nuôi, diêm nghiệp cho các chủ sở hữu tài sản (tổ chức, hộ gia đình, cá nhân).
Trường hợp phương án bồi thường, hỗ trợ cây trồng, vật nuôi, diêm nghiệp được phê duyệt từ ngày 01 tháng 7 năm 2014 về sau thì áp dụng bản Quy định giá này.
3. Trong từng dự án cụ thể có những loại cây trồng, vật nuôi không có trong quy định này thì tổ chức làm nhiệm vụ bồi thường cấp huyện chịu trách nhiệm áp giá tính toán tương đương cây trồng, vật nuôi cùng nhóm hoặc tương đương. Trong trường hợp tổ chức làm nhiệm vụ bồi thường cấp huyện không áp được mức giá bồi thường, hỗ trợ cây trồng, vật nuôi cùng nhóm hoặc tương đương đối với các loại cây trồng, vật nuôi không có trong bảng giá của quy định này thì tổ chức làm nhiệm vụ bồi thường cấp huyện báo cáo Ủy ban nhân dân cấp huyện, đề xuất mức giá để Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn phối hợp ngành liên quan xem xét trình Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt.
Trường hợp giá cả các loại sản phẩm nông, lâm, ngư nghiệp có thay đổi tăng hoặc giảm trên 20% so với mức quy định tại bảng giá này thì Ủy ban nhân dân huyện, thành phố xem xét phản ảnh bằng văn bản để Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn phối hợp ngành liên quan xem xét trình Ủy ban nhân dân tỉnh điều chỉnh giá cho phù hợp.
4. Riêng đối với huyện Côn Đảo, đơn giá bồi thường, hỗ trợ được áp dụng bằng 1,2 lần so với giá tại quy định này.
Điều 2. Nguyên tắc bồi thường, hỗ trợ
1. Các chủ sở hữu tài sản (tổ chức, cá nhân, hộ gia đình) gắn liền với đất khi Nhà nước thu hồi đất mà bị thiệt hại, thì được bồi thường, hỗ trợ; Các chủ sở hữu tài sản có tài sản nêu trong Quy định này mà tại thời điểm nuôi trồng, canh tác, xây dựng đã bị chính quyền địa phương, cơ quan có thẩm quyền lập biên bản xử lý vi phạm pháp luật, hoặc không được phép nuôi trồng, canh tác, xây dựng thì không được bồi thường.
2. Các chủ sở hữu tài sản (tổ chức, cá nhân, hộ gia đình) gắn liền với đất khi Nhà nước thu hồi đất mà đất đó thuộc đối tượng không được bồi thường thì tùy trường hợp cụ thể, tổ chức làm nhiệm vụ bồi thường cấp huyện có trách nhiệm trình cấp có thẩm quyền xem xét bồi thường hoặc hỗ trợ tài sản theo quy định pháp luật hiện hành.
3. Đối với vật nuôi là thủy sản mà tại thời điểm thu hồi đất chưa đến thời kỳ thu hoạch thì được bồi thường thiệt hại thực tế do phải thu hoạch sớm; trường hợp có thể di chuyển được thì được bồi thường chi phí di chuyển và thiệt hại do phải di chuyển gây ra.
4. Đối với vật nuôi là thủy sản mà tại thời điểm thu hồi đất đã đến thời kỳ thu hoạch thì không phải bồi thường, hỗ trợ.
5. Đối với vật nuôi là gia súc, gia cầm và các vật nuôi trên cạn khác thì không tính bồi thường; trường hợp phải di chuyển thì được bồi thường chi phí di chuyển và bồi thường thiệt hại do phải di chuyển gây ra.
6. Đối với cây rừng trồng bằng nguồn vốn ngân sách nhà nước, cây rừng tự nhiên giao cho tổ chức, hộ gia đình, cá nhân trồng, quản lý, chăm sóc, bảo vệ thì bồi thường theo giá trị thiệt hại thực tế của vườn cây; tiền bồi thường được phân chia cho người quản lý, chăm sóc, bảo vệ theo quy định của pháp luật về bảo vệ và phát triển rừng.
Chương II
GIÁ HOA MÀU CÂY TRÁI VÀ CÂY LÂM NGHIỆP
GIA SÚC, GIA CẦM VÀ CÁC VẬT NUÔI TRÊN CẠN KHÁC
Điều 3. Nguyên tắc tính giá bồi thường
1. Cây lâu năm:
a) Mức bồi thường được tính bằng giá trị hiện có của vườn cây (không bao hàm giá trị quyền sử dụng đất) theo giá ở địa phương tại thời điểm thu hồi đất.
b) Giá trị hiện có của vườn cây lâu năm để tính bồi thường được xác định như sau:
- Cây trồng đang ở chu kỳ đầu tư hoặc đang ở thời gian xây dựng cơ bản thì giá trị hiện có của vườn cây là toàn bộ chi phí đầu tư ban đầu và chi phí chăm sóc đến thời điểm thu hồi đất tính thành tiền theo thời giá tại thị trường địa phương;
- Cây lâu năm là loại thu hoạch một lần (cây lấy gỗ) đang ở trong thời kỳ thu hoạch thì giá trị hiện có của vườn cây được tính bồi thường bằng (=) số lượng từng loại cây trồng nhân (x) với giá bán một (01) cây tương ứng cùng loại, cùng độ tuổi, cùng kích thước hoặc có cùng khả năng cho sản phẩm ở thị trường địa phương tại thời điểm bồi thường trừ (-) đi giá trị thu hồi (nếu có);
- Cây lâu năm là loại thu hoạch nhiều lần (ví dụ như cây ăn quả, cây lấy dầu, nhựa...) đang ở trong thời kỳ thu hoạch thì giá trị hiện có của vườn cây được tính bồi thường là giá bán vườn cây ở thị trường địa phương tại thời điểm bồi thường trừ (-) đi giá trị thu hồi (nếu có);
2. Cây hàng năm:
Mức bồi thường đối với cây hàng năm được tính bằng giá trị sản lượng của vụ thu hoạch. Giá trị sản lượng của vụ thu hoạch được tính theo năng suất của vụ cao nhất trong 03 năm trước liền kề của cây trồng chính tại địa phương và giá trung bình tại thời điểm thu hồi đất.
3. Gia súc, gia cầm và các vật nuôi trên cạn khác:
- Đối với các dự án thuộc địa bàn liên huyện, thành phố:
Tổ chức làm nhiệm vụ bồi thường cấp huyện căn cứ thực tế, xác định mức bồi thường chi phí di chuyển và mức bồi thường nếu có thiệt hại do phải di chuyển gây ra đối với vật nuôi do các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân tổ chức sản xuất trên địa bàn cấp huyện, trình Ủy ban nhân dân cấp huyện chuyển Sở Tài chính thẩm định và gửi kết quả thẩm định về Ủy ban nhân dân cấp huyện để Ủy ban nhân dân cấp huyện xem xét, quyết định.
- Đối với các dự án thuộc địa bàn một huyện, thành phố:
Tổ chức làm nhiệm vụ bồi thường cấp huyện căn cứ thực tế, xác định mức bồi thường chi phí di chuyển và mức bồi thường nếu có thiệt hại do phải di chuyển gây ra đối với vật nuôi, gửi phòng Tài chính – Kế hoạch huyện thẩm định trước khi trình Ủy ban nhân dân cấp huyện xem xét, quyết định.
Điều 4. Mức giá bồi thường, hỗ trợ
1. Đối với cây lâu năm (cây ăn quả, cây công nghiệp lâu năm…):
a) Mức giá bồi thường quy định tại phụ lục 01.
b) Tổ chức làm nhiệm vụ bồi thường cấp huyện có trách nhiệm phân loại cây trồng loại A, B, C và cây ở từng nhóm năm tuổi để áp giá phù hợp.
c) Đối với cây lâu năm trồng riêng lẻ, có năng suất đặc biệt cao thì tổ chức làm nhiệm vụ bồi thường cấp huyện tính toán mức bồi thường phù hợp cho cây trong thời kỳ thu hoạch, mức giá bồi thường tối đa trong trường hợp này không vượt quá 1,5 lần so với giá cây loại A tại phụ lục 01 kèm theo quy định này.
2. Cây ngắn ngày:
Mức giá bồi thường: Quy định tại phụ lục 2.
3. Cây lâm nghiệp: Bồi thường theo đường kính cây. Mức giá quy định tại phụ lục 3. Phương pháp đo đường kính cây:
- Cây có chiều cao dưới 02m: Đường kính được đo tại điểm giữa chiều cao cây.
-Cây cao từ 02m trở lên: Đo tại điểm cách mặt đất 1,3m.
4. Cây kiểng:
a) Đối với cây kiểng trồng ngoài đất: Mức giá bồi thường quy định tại phụ lục 4.
b) Đối với cây kiểng trồng trong chậu:
- Đối với các dự án thuộc địa bàn liên huyện, thành phố:
Tổ chức làm nhiệm vụ bồi thường cấp huyện căn cứ thực tế, tính toán cụ thể mức bồi thường chi phí di chuyển và mức bồi thường nếu có thiệt hại do phải di chuyển gây ra đối với cây trồng do các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân tổ chức sản xuất trên địa bàn cấp huyện, trình Ủy ban nhân dân cấp huyện chuyển Sở Tài chính thẩm định và gửi kết quả thẩm định về Ủy ban nhân dân cấp huyện để Ủy ban nhân dân cấp huyện xem xét, quyết định.
- Đối với các dự án thuộc địa bàn một huyện, thành phố:
Tổ chức làm nhiệm vụ bồi thường cấp huyện căn cứ thực tế, tính toán cụ thể mức bồi thường chi phí di chuyển và mức bồi thường nếu có thiệt hại do phải di chuyển gây ra đối với cây trồng, gửi phòng Tài chính – Kế hoạch thẩm định trước khi trình Ủy ban nhân dân cấp huyện xem xét, quyết định.
Điều 5. Mật độ cây lâu năm
Mật độ cây lâu năm trồng thuần được quy định tại phụ lục 01.
Điều 6. Xử lý trường hợp trồng xen canh
1. Cây ngắn ngày trồng xen trong vườn cây lâu năm: Vườn cây lâu năm trồng theo mật độ quy định, trong thời kỳ kiến thiết cơ bản (cây mới trồng hoặc đang trong thời kỳ chưa đến tuổi thu hoạch) được tính bồi thường cây ngắn ngày trồng xen, diện tích cây trồng xen được tính bồi thường không vượt quá 60% diện tích vườn cây lâu năm.
2. Vườn cây lâu năm trồng xen; vườn cây lâu năm hỗn tạp:
Được tính bồi thường, hỗ trợ toàn bộ số cây thực tế kiểm kê.
Áp dụng phương pháp tính toán bồi thường, hỗ trợ như sau:
a) Xác định cây trồng chính trong vườn, cây trồng chính là cây có số lượng cao nhất hoặc cây cho tổng giá trị sản lượng cao nhất, hoặc cho hiệu quả cao nhất.
b) Căn cứ vào mật độ tối đa quy định đối với cây trồng chính để tính ra diện tích đất dành cho số cây trồng chính thực tế kiểm kê.
c) Căn cứ số diện tích còn lại và mật độ tối đa (quy định đối với từng loại cây trồng phụ) để xác định số cây trồng phụ được tính bồi thường.
d) Trường hợp số cây trồng thực tế kiểm kê không vượt quá mật độ tối đa thì áp tính bồi thường cho toàn bộ số cây đó theo giá quy định tại bảng giá .
Trường hợp số cây trồng thực tế kiểm kê vượt quá mật độ tối đa thì số cây vượt quá mật độ được tính hỗ trợ với mức giá tối đa bằng 20% đơn giá bồi thường quy định đối với cây trồng đó.
e) Riêng đối với cây Măng cụt và cây Bòn bon, cây Ca cao, cây Dâu ăn trái (đã được xác định là cây trồng chính) trồng dưới tán vườn cây có sẵn (cây che bóng) thì số cây trồng chính vượt mật độ tối đa được tính hỗ trợ với mức giá tối đa bằng 20% đơn giá bồi thường quy định đối với cây trồng đó.
Đối với cây che bóng tính toán như sau:
- Xác định diện tích dành cho cây che bóng: Bằng 60% diện tích đất vườn cây thực tế kiểm kê.
- Căn cứ diện tích đất dành cho cây che bóng và mật độ tối đa của cây che bóng để tính toán số cây che bóng được bồi thường; số cây che bóng nằm trong giới hạn mật độ tối đa (của cây trồng đó) được tính bồi thường theo giá quy định tại bảng giá.
- Số cây che bóng vượt quá mật độ tối đa được tính hỗ trợ với mức giá tối đa bằng 20% mức giá bồi thường quy định đối với cây trồng đó.
- Cây Măng cụt, cây Bòn bon, cây Dâu ăn trái chỉ cần trồng cây che bóng tạm thời trong 04 năm đầu của thời kỳ kiến thiết cơ bản.
Chương III
DIÊM NGHIỆP
Điều 7. Giá bồi thường, hỗ trợ trong sản xuất muối
Mức giá được quy định tại phụ lục 5, gồm: Bồi thường giá trị sản lượng; bồi thường chi phí lót bạt trong sản xuất muối lót bạt; hỗ trợ chi phí thiết kế đồng muối ban đầu.
Chương IV
NUÔI TRỒNG THỦY SẢN
Điều 8. Các hình thức nuôi
1. Nuôi quảng canh:
Là hình thức nuôi dựa vào tự nhiên cả về giống lẫn thức ăn, chủ yếu tận dụng các bãi trũng, các vũng, vịnh tự nhiên gần nguồn nước sông, biển để hình thành đùng, ao, hồ nuôi. Người nuôi không thả giống, không bổ sung thức ăn cho vật nuôi.
2. Nuôi quảng canh cải tiến:
Là hình thức nuôi dựa trên nền tảng của nuôi quảng canh nhưng có bổ sung giống ở mật độ thấp và thức ăn bổ sung với lượng rất ít.
3. Nuôi bán thâm canh (nuôi bán công nghiệp):
Là hình thức nuôi trong đùng, ao có hình dạng thống nhất; bờ bao, kênh mương được đào đắp cẩn thận, có cống cấp thoát nước riêng biệt; giống được thả nuôi; sử dụng thức ăn tự nhiên và hàng ngày bổ sung thức ăn từ ngoài.
4. Nuôi thâm canh (nuôi công nghiệp):
Là hình thức nuôi dựa trên nền tảng của hình thức nuôi bán thâm canh nhưng mức độ đầu tư cao hơn. Hệ thống bờ bao, kênh mương cấp thoát nước và nền đáy được xây dựng hoàn chỉnh; trang bị đầy đủ các trang thiết bị phục vụ nuôi; thức ăn cung cấp hoàn toàn từ ngoài, giống được thả với mật độ cao theo quy định hiện hành của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn.
Điều 9. Giá bồi thường, hỗ trợ
1. Một số các quy định trong tính toán bồi thường, hỗ trợ:
a) Đối với đùng, ao hồ nuôi thủy sản: Chủ tài sản được bồi thường chi phí đào đắp, chi phí đầu tư các công trình khác phục vụ nuôi (nếu có); bồi thường thiệt hại về sản lượng.
b) Đối với nuôi thủy sản lồng bè:
Chủ tài sản được bồi thường chi phí di chuyển lồng bè và thiệt hại do di chuyển gây ra.
c) Diện tích đùng, ao hồ bị ảnh hưởng: Tổ chức làm nhiệm vụ bồi thường cấp huyện có nhiệm vụ xác định diện tích thực tế bị ảnh hưởng để tính toán bồi thường, hỗ trợ.
d) Các chủ sở hữu tài sản có đào đắp kênh mương, ao hồ chứa nước tưới tiêu phục vụ sản xuất nông nghiệp: Được tính bồi thường chi phí đào đắp và chi phí nguyên vật liệu xây lắp (nếu có) theo khối lượng thực tế kiểm kê. Đơn giá bồi thường căn cứ Quyết định của Ủy ban nhân dân tỉnh về việc quy định cấp nhà, hạng nhà, giá nhà, giá vật kiến trúc trên địa bàn tỉnh.
e) Các chủ sở hữu tài sản (tổ chức, các nhân, hộ gia đình) được xét bồi thường, hỗ trợ căn cứ vào các điều kiện sau:
- Điều kiện 01: Giấy đăng ký kinh doanh về nuôi trồng thủy sản do cơ quan có thẩm quyền cấp.
- Điều kiện 02: Xác nhận của chính quyền địa phương (nơi có ao, đùng bị giải tỏa) có nuôi thủy sản và có biên bản kiểm kê thực tế của tổ kiểm kê.
Đối với các doanh nghiệp phải có đủ 02 điều kiện trên mới được xét bồi thường, hỗ trợ; đối với các hộ gia đình chỉ cần có điều kiện thứ 2 thì được xét bồi thường, hỗ trợ.
2. Giá bồi thường, hỗ trợ:
a) Mức bồi thường thiệt hại về sản lượng (nuôi đùng, ao, hồ):
Phương pháp tính toán mức bồi thường:
Mức bồi thường = Chi phí thực tế đến thời điểm kiểm kê nhân (x) với hiệu suất sử dụng một đồng chi phí trừ (-) đi giá trị tận thu (nếu có).
- Chi phí thực tế đến thời điểm kiểm kê được xác định căn cứ vào thời gian nuôi thực tế tính đến thời điểm kiểm kê (bao gồm chi phí cải tạo ao đùng, mua con giống, thức ăn cho vật nuôi, thuốc thú y, công lao động chăm sóc).
- Giá trị tận thu = sản lượng tận thu nhân ( x) với đơn giá bán tận thu.
Đơn giá bán sản phẩm tận thu (bán tại đùng, ao, hồ) lấy tại thời điểm kiểm kê.
- Hiệu suất sử dụng một đồng chi phí: Thể hiện ở phụ lục 06
Tổ chức làm nhiệm vụ bồi thường cấp huyện chịu trách nhiệm xác định thời gian nuôi thực tế tính đến thời điểm kiểm kê; chi phí nuôi tính đến thời điểm kiểm kê; sản lượng tận thu tại thời điểm kiểm kê. Trường hợp tổ chức làm nhiệm vụ bồi thường cấp huyện không xác định được các yếu tố trên thì tổ chức làm nhiệm vụ bồi thường cấp huyện phối hợp cùng các đơn vị chuyên môn (Trung tâm Khuyến nông - Khuyến ngư, Chi cục nuôi trồng thủy sản,…) để thống nhất xác định.
Riêng trường hợp nuôi đùng (ao, hồ) theo hình thức quảng canh và quảng canh cải tiến (nước mặn, nước ngọt) thì được tính bồi thường giá trị sản lượng trong một năm; Giá trị sản lượng thể hiện ở phụ lục 06.
b) Bồi thường chi phí kiến thiết đùng, ao hồ:
Tổ chức làm nhiệm vụ bồi thường cấp huyện có trách nhiệm xác định khối khối lượng đào, đắp, thiệt hại thực tế để tính toán bồi thường; mức đơn giá bồi thường căn cứ Quyết định của Ủy ban nhân dân tỉnh Quy định về cấp nhà, hạng nhà, giá nhà, giá vật kiến trúc trên địa bàn tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu đang có hiệu lực thi hành tại thời điểm lập phương án bồi thường.
c) Bồi thường trường hợp di dời lồng bè: Mức bồi thường: 80.000 đồng/m2 lồng bè.
Chương V
QUYỀN LỢI, TRÁCH NHIỆM CỦA CÁC TỔ CHỨC, CÁ NHÂN
LIÊN QUAN TRONG VIỆC TỔ CHỨC THỰC HIỆN
Điều 10. Trách nhiệm của tổ kiểm kê
Tổ kiểm kê (có sự tham gia của chính quyền địa phương và chủ dự án) chịu trách nhiệm trong việc xác định số lượng, chủng loại, quy cách, chất lượng, quy mô,… của các loại tài sản thực tế có trên đất. Trường hợp tổ kiểm kê không xác định được hoặc không có sự thống nhất giữa tổ kiểm kê và chủ tài sản được kiểm kê thì Ủy ban nhân dân xã, phường nơi có tài sản bị thu hồi chủ trì phối hợp với các phòng chuyên môn cấp huyện chịu trách nhiệm xác định cho phù hợp quy định của ngành chuyên môn. Các kết quả kiểm kê, phúc tra ngoài việc lập biên bản còn phải lập thành danh sách, biểu bảng có xác nhận của Ủy ban nhân dân xã, phường để niêm yết (theo danh sách từng hộ) tại trụ sở Ủy ban nhân dân xã, phường nơi có tài sản bị giải tỏa.
Điều 11. Quyền và nghĩa vụ của chủ sở hữu tài sản
1. Chủ sở hữu tài sản có tài sản trên đất phải giải tỏa ngoài việc được xét bồi thường, hỗ trợ theo giá tại quy định này còn được tận thu các loại tài sản có trên đất của mình trước khi giao đất cho chủ dự án.
2. Người có tài sản phải giải tỏa có trách nhiệm bảo quản tài sản theo hiện trạng tại thời điểm lập biên bản kiểm kê cho đến khi nhận tiền bồi thường. Trường hợp chủ tài sản có nhu cầu phải thay đổi hiện trạng đã kiểm kê (do phải di chuyển đến nơi ở khác không có điều kiện bảo quản) thì phải được Ủy ban nhân dân xã phường (nơi có đất phải giải tỏa) xác nhận. Khi xác nhận các trường hợp này, Ủy ban nhân dân xã, phường phải báo ngay bằng văn bản cho Ủy ban nhân dân huyện, thành phố, tổ chức làm nhiệm vụ bồi thường cấp huyện và chủ dự án biết để xem xét xử lý.
3. Đối với trường hợp đã kiểm kê hoa màu cây trái mà kể từ ngày kiểm kê cho đến ngày tổ chức làm nhiệm vụ bồi thường cấp huyện tính toán lập phương án bồi thường có thời hạn từ 01 năm trở lên thì chủ dự án, tổ chức làm nhiệm vụ bồi thường cấp huyện có trách nhiệm tính toán bổ sung như sau:
- Cây lâm nghiệp (trừ cây lấy gỗ từ nhóm 1 đến nhóm 5) tính toán hỗ trợ thêm cứ 01 năm bổ sung đường kính tăng 01 cm.
- Đất trồng lúa, hoa màu trồng thuần (không phải là trồng xen trong vườn cây lâu năm) thì được tính thêm thu nhập theo số vụ canh tác trong 01 năm.
- Cây ngắn ngày trồng xen trong vườn cây lâu năm thì không tính thêm.
- Cây ăn trái, cây công nghiệp lâu năm: Tính tăng thêm 01 năm tuổi đối với cây trong thời kỳ kiến thiết cơ bản và thời kỳ cho trái chưa ổn định; cây đã có phân loại A, B, C thì không tính bổ sung thêm.
Điều 12. Trách nhiệm của chủ dự án
Trường hợp đã có Quyết định phê duyệt kinh phí bồi thường của cấp có thẩm quyền nhưng sau thời hạn tối đa 30 ngày kể từ ngày Quyết định phê duyệt kinh phí bồi thường có hiệu lực thi hành mà cơ quan, tổ chức có trách nhiệm bồi thường vẫn chưa thực hiện chi trả tiền bồi thường, hỗ trợ (loại trừ trường hợp đã thông báo chi trả nhưng các chủ tài sản không đến nhận hoặc chính quyền địa phương chưa tìm được địa chỉ liên hệ của người có tài sản bị giải tỏa) thì cơ quan, tổ chức có trách nhiệm bồi thường phải trả thêm cho chủ sở hữu tài sản (các hộ gia đình, tổ chức, cá nhân) một khoản tiền bằng mức tiền chậm nộp theo quy định của Luật Quản lý thuế tính trên số tiền chậm trả và thời gian chậm trả.
Chương VI
TỔ CHỨC THỰC HIỆN
Điều 13. Tổ chức thực hiện
1. Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn chủ trì, phối hợp với các Sở, Ngành và đơn vị liên quan hướng dẫn thực hiện Quy định này.
2. Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh, Giám đốc các Sở, ngành, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố Bà Rịa, thành phố Vũng Tàu, các tổ chức và cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thực hiện đúng Quy định này.
3. Trong quá trình thực hiện quy định này, nếu có vướng mắc, Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố có trách nhiệm báo cáo và đề xuất Ủy ban nhân dân tỉnh (thông qua Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tổng hợp trình Ủy ban nhân dân tỉnh) xem xét, sửa đổi, bổ sung./.