• Hiệu lực: Còn hiệu lực
  • Ngày có hiệu lực: 31/10/2004
BỘ TÀI NGUYÊN VÀ MÔI TRƯỜNG
Số: 22/2004/QĐ-BTNMT
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
Hà Nội, ngày 4 tháng 10 năm 2004

QUYẾT ĐỊNH

Quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức

của Chi cục Bảo vệ môi trường khu vực Tây Nam Bộ

________________

 

BỘ TRƯỞNG BỘ TÀI NGUYÊN VÀ MÔI TRƯỜNG

Căn cứ Nghị định số 91/2002/NĐ-CP ngày 11 tháng 11 năm 2002 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Tài nguyên và Môi trường;

Căn cứ Quyết định số 15/2004/QĐ-BTNMT ngày 05 tháng 7 năm 2004 của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Cục Bảo vệ môi trường;

Theo đề nghị của Cục trưởng Cục Bảo vệ môi trường, Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Vị trí và chức năng

Chi cục Bảo vệ môi trường khu vực Tây Nam Bộ là tổ chức trong bộ máy giúp việc Cục trưởng Cục Bảo vệ môi trường, có chức năng giúp Cục trưởng thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường có tính liên tỉnh, liên vùng, bao gồm: quan trắc môi trường; phòng, chống, khắc phục ô nhiễm, suy thoái, sự cố môi trường; quản lý tổng hợp đới bờ và môi trường lưu vực sông cải thiện chất lượng môi trường; bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học; ứng dụng công nghệ; xây dựng cơ sở dữ liệu, thống kê, thông tin báo cáo môi trường, giáo dục, nâng cao nhận thức cộng đồng về môi trường trên địa bàn khu vực Tây Nam Bộ, bao gồm 12 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương: Cà Mau, Bạc Liêu, Bến Tre, An Giang, Hậu Giang, Đồng Tháp, Kiên Giang, Sóc Trăng, Tiền Giang, Trà Vinh, Vĩnh Long và thành phố Cần Thơ.

Điều 2. Nhiệm vụ và quyền hạn

1. Tham gia xây dựng chính sách, văn bản quy phạm pháp luật, chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, chương trình quốc gia về bảo vệ môi trường liên quan đến khu vực theo phân công của Cục Bảo vệ môi trường;

2. Làm đầu mối phối hợp với các cơ quan nhà nước về tài nguyên và môi trường của các địa phương trên địa bàn các tỉnh, thành phố được phân công quản lý; kiểm tra, giám sát việc chấp hành các quy định về bảo vệ môi trường trên địa bàn; tham gia giải quyết tranh chấp, khiếu nại, tố cáo, xử lý vi phạm về bảo vệ môi trường có tính liên vùng, liên tỉnh tại khu vực Tây Nam Bộ theo phân công của Cục Bảo vệ môi trường;

3. Tổng hợp, lập báo cáo định kỳ và đột xuất về tình hình hoạt động bảo vệ môi trường trên địa bàn các tỉnh, thành phố thuộc khu vực; thu thập và phát triển cơ sở dữ liệu về môi trường khu vực theo phân công của Cục Bảo vệ môi trường;

4. Phối hợp thực hiện công tác bảo tồn và khai thác bền vững tài nguyên thiên nhiên, đa dạng sinh học, quản lý tổng hợp đới bờ và cải thiện ô nhiễm môi trường lưu vực sông; khu công nghiệp, đô thị và làng nghề;

5. Điều tra, thống kê các nguồn thải, chất thải, chất thải nguy hại trên địa bàn khu vực Tây Nam Bộ theo phân công của Cục Bảo vệ môi trường;

6. Phối hợp kiểm tra, giám sát việc nhập khẩu phế liệu làm nguyên liệu sản xuất theo phân công của Cục Bảo vệ môi trường;

7. Thực hiện công tác xã hội hoá bảo vệ môi trường; tổ chức các hoạt động nâng cao nhận thức, thông tin, tuyên truyền, hội nghị, hội thảo về bảo vệ môi trường theo phân công của Cục Bảo vệ môi trường;

8. Tham gia nghiên cứu, áp dụng tiến bộ khoa học và công nghệ; thực hiện các dự án trong nước và hợp tác quốc tế; bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ trong lĩnh vực bảo vệ môi trường theo phân công của Cục Bảo vệ môi trường;

9. Tư vấn, hướng dẫn về pháp luật, nghiệp vụ, kỹ thuật, công nghệ có liên quan đến môi trường; tham gia hướng dẫn, kiểm tra việc thu và sử dụng phí bảo vệ môi trường theo phân công của Cục Bảo vệ môi trường; hướng dẫn việc xây dựng, thực hiện các dự án vay vốn từ Quỹ Bảo vệ môi trường Việt Nam;

10. Tiếp nhận hồ sơ đề nghị cấp, gia hạn giấy chứng nhận đạt tiêu chuẩn môi trường và các giấy phép khác về môi trường theo quy định của pháp luật trình Cục trưởng Cục Bảo vệ môi trường;

11. Thực hiện các hoạt động dịch vụ về bảo vệ môi trường theo quy định của pháp luật và quy định của Cục Bảo vệ môi trường;

12. Quản lý tổ chức, biên chế, cán bộ, công chức, viên chức thuộc Chi cục; quản lý và sử dụng có hiệu quả nguồn tài chính, tài sản được giao theo quy định của pháp luật;

13. Tổng hợp, báo cáo Cục trưởng Cục Bảo vệ môi trường định kỳ và đột xuất tình hình thực hiện nhiệm vụ được giao;

14. Thực hiện các nhiệm vụ khác do Cục trưởng Cục Bảo vệ môi trường giao.

Điều 3. Cơ cấu tổ chức

a) Lãnh đạo Chi cục Bảo vệ môi trường khu vực Tây Nam Bộ có Chi cục trưởng và một số Phó Chi cục trưởng. Chi cục trưởng chịu trách nhiệm trước Cục trưởng Cục Bảo vệ môi trường về các nhiệm vụ được giao và chịu trách nhiệm trước pháp luật về mọi hoạt động của Chi cục; xây dựng quy chế làm việc và điều hành mọi hoạt động của Chi cục.

Phó Chi cục trưởng chịu trách nhiệm trước Chi cục trưởng về lĩnh vực công tác được phân công.

Cơ cấu tổ chức và biên chế của Chi cục Bảo vệ môi trường khu vực Tây Nam Bộ do Cục trưởng Cục Bảo vệ môi trường quyết định.

b) Chi cục Bảo vệ môi trường khu vực Tây Nam Bộ có con dấu riêng, được mở tài khoản theo quy định hiện hành.

c) Trụ sở của Chi cục Bảo vệ môi trường khu vực Tây Nam Bộ đóng tại thành phố Cần Thơ.

Điều 4. Hiệu lực và trách nhiệm thi hành

Quyết định này có hiệu lực thi hành sau 15 ngày kể từ ngày đăng Công báo.

Cục trưởng Cục Bảo vệ môi trường, Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ, Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị trực thuộc Bộ, Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ môi trường khu vực Tây Nam Bộ chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

Bộ trưởng

(Đã ký)

 

Mai Ái Trực

Tải file đính kèm
 
This div, which you should delete, represents the content area that your Page Layouts and pages will fill. Design your Master Page around this content placeholder.