QUYẾT ĐỊNH CỦA BỘ TRƯỞNG BỘ XÂY DỰNG
Ban hành Quy định công khai thủ tục hành chính và thái độ, tác phong của cán bộ,
công chức trong lĩnh vực thẩm định thiết kế cơ sở dự án đầu tư xây dựng công trình
BỘ TRƯỞNG BỘ XÂY DỰNG
Căn cứ Nghị định số 36/2003/NĐ-CP ngày 04/04/2003 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Xây dựng;
Căn cứ Nghị định số 16/2005/NĐ-CP ngày 07/02/2005 của Chính phủ về quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình; Nghị định số 112/2006/NĐ-CP ngày 29/09/2006 của Chính phủ về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 16/2005/NĐ-CP ngày 07/02/2005.
Xét đề nghị của Vụ trưởng Vụ Khảo sát, thiết kế xây dựng và Chánh Văn phòng Bộ,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Quy định công khai thủ tục hành chính và thái độ, tác phong của cán bộ, công chức trong lĩnh vực thẩm định thiết kế cơ sở dự án đầu tư xây dựng công trình.
Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo.
Điều 3. Các cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền thẩm định thiết kế cơ sở dự án đầu tư xây dựng công trình và các tổ chức, cá nhân liên quan có trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
QUY ĐỊNH
Công khai thủ tục hành chính và thái độ, tác phong của cán bộ, công chức
trong lĩnh vực thẩm định thiết kế cơ sở dự án đầu tư xây dựng công trình
(Ban hành kèm theo Quyết định số 33 /2006/QĐ-BXD ngày 05/10/2006
của Bộ trưởng Bộ Xây dựng)
Chương I
QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Phạm vi điều chỉnh
Quy định này quy định việc công khai thủ tục hành chính và thái độ, tác phong của cán bộ, công chức trong lĩnh vực thẩm định thiết kế cơ sở dự án đầu tư xây dựng công trình.
Điều 2. Đối tượng áp dụng
1. Các cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền thẩm định thiết kế cơ sở dự án đầu tư xây dựng công trình.
2. Các cán bộ, công chức thực thi nhiệm vụ thẩm định thiết kế cơ sở.
3. Các tổ chức, cá nhân liên quan trong lĩnh vực thẩm định thiết kế cơ sở.
Chương II
CÁC NỘI DUNG CẦN PHẢI CÔNG KHAI
Điều 3. Nội dung công khai thủ tục hành chính
1. Thẩm quyền thẩm định thiết kế cơ sở theo khoản 5, Điều 1 Nghị định số 112/2006/NĐ-CP ngày 29/09/2006 của Chính phủ về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 16/2005/NĐ-CP ngày 07/02/2005.
2. Nội dung thẩm định thiết kế cơ sở của cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền theo khoản 6, Điều 1 Nghị định số 112/2006/NĐ-CP ngày 29/09/2006 của Chính phủ về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 16/2005/NĐ-CP ngày 07/02/2005.
3. Nội dung hồ sơ thiết kế cơ sở trình thẩm định bao gồm: Đơn trình thẩm định; thuyết minh và các bản vẽ thiết kế cơ sở theo khoản 3, Điều 1 Nghị định số 112/2006/NĐ-CP ngày 29/09/2006 của Chính phủ về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 16/2005/NĐ-CP ngày 07/02/2005; báo cáo kết quả khảo sát địa chất công trình trong bước thiết kế cơ sở (nếu có); thuyết minh dự án; văn bản của các cấp có thẩm quyền về chủ trương đầu tư xây dựng công trình (đối với dự án quan trọng quốc gia), quy hoạch xây dựng, sự kết nối với hạ tầng kỹ thuật bên ngoài hàng rào, sử dụng đất, phòng chống cháy nổ, bảo vệ môi trường; chứng nhận đăng ký kinh doanh của nhà thầu khảo sát, chứng chỉ hành nghề của chủ nhiệm khảo sát (nếu có báo cáo kết quả khảo sát địa chất công trình); chứng nhận đăng ký kinh doanh của nhà thầu thiết kế, chứng chỉ hành nghề của chủ nhiệm và các chủ trì thiết kế.
4. Thời hạn thẩm định thiết kế cơ sở theo khoản 5, Điều 1 Nghị định số 112/2006/NĐ-CP ngày 29/09/2006 của Chính phủ về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 16/2005/NĐ-CP ngày 07/02/2005.
5. Lệ phí thẩm định thiết kế cơ sở theo quy định của Bộ Tài chính.
Điều 4. Hình thức công khai thủ tục hành chính
Cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền thẩm định thiết kế cơ sở dự án đầu tư xây dựng công trình có trách nhiệm công khai thủ tục hành chính nêu tại Điều 3 của Quy định này trên bảng thông báo tại nơi tiếp nhận hồ sơ và trên mạng Internet (đối với những nơi đã thiết lập mạng Internet).
Chương III
TRÁCH NHIỆM TRONG VIỆC THẨM ĐỊNH THIẾT KẾ CƠ SỞ
Điều 5. Trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước
1. Cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền thẩm định thiết kế cơ sở có trách nhiệm:
a) Công khai tên, địa điểm làm việc của đơn vị đầu mối tiếp nhận hồ sơ, thẩm định thiết kế cơ sở; công khai số điện thoại (đường dây nóng) của Lãnh đạo cơ quan và Lãnh đạo đơn vị đầu mối để trực tiếp tiếp nhận những phản ánh về hành vi tiêu cực, nhũng nhiễu, gây phiền hà, lợi dụng chức vụ, quyền hạn để trục lợi của cán bộ, công chức khi thi hành nhiệm vụ.
b) Kiểm tra, làm rõ những phản ánh về hành vi tiêu cực, nhũng nhiễu, gây phiền hà, lợi dụng chức vụ, quyền hạn để trục lợi của cán bộ, công chức thuộc quyền khi thi hành nhiệm vụ; xử lý hoặc kiến nghị xử lý kịp thời những hành vi trên theo Pháp lệnh cán bộ, công chức và theo quy định của pháp luật.
2. Đơn vị đầu mối tiếp nhận hồ sơ, thẩm định thiết kế cơ sở có trách nhiệm:
a) Bố trí nơi tiếp nhận hồ sơ. Tại nơi tiếp nhận hồ sơ phải có bảng thông báo thời gian tiếp nhận hồ sơ, thời gian trả kết quả thẩm định thiết kế cơ sở trong tuần; thông báo nội dung công khai thủ tục hành chính nêu tại Điều 3 của Quy định này.
b) Bố trí cán bộ, công chức có phẩm chất đạo đức, năng lực chuyên môn, am hiểu các quy định của pháp luật trong lĩnh vực thẩm định thiết kế cơ sở để hướng dẫn, trả lời các tổ chức, cá nhân liên quan khi có yêu cầu.
c) Kiểm tra, làm rõ phản ánh về những hành vi tiêu cực, nhũng nhiễu, gây phiền hà, lợi dụng chức vụ, quyền hạn để trục lợi của cán bộ, công chức thuộc quyền khi thi hành nhiệm vụ; xử lý hoặc kiến nghị xử lý kịp thời những hành vi trên theo Pháp lệnh cán bộ, công chức và theo quy định của pháp luật.
Điều 6. Trách nhiệm của cán bộ, công chức
1. Người được giao tiếp nhận hồ sơ có trách nhiệm:
a) Đối chiếu hồ sơ thiết kế cơ sở với nội dung khoản 3, Điều 3 của Quy định này; trường hợp hồ sơ còn thiếu hoặc chưa đúng theo quy định, phải hướng dẫn cụ thể cho tổ chức, cá nhân nộp hồ sơ về nội dung phải bổ sung, hoàn chỉnh.
b) Trường hợp hồ sơ đã đầy đủ theo quy định, phải tiếp nhận và viết phiếu tiếp nhận hồ sơ cho tổ chức, cá nhân nộp hồ sơ. Trong phiếu tiếp nhận hồ sơ phải ghi rõ các nội dung: Đã nhận đủ hồ sơ theo quy định, thời gian và địa điểm trả kết quả thẩm định, các loại giấy tờ phải xuất trình khi đến nhận kết quả thẩm định.
c) Trả kết quả thẩm định theo thời gian và địa điểm ghi trong phiếu tiếp nhận hồ sơ.
2. Người được giao thẩm định có trách nhiệm:
a) Thẩm định thiết kế cơ sở theo nội dung quy định tại khoản 6, Điều 1 Nghị định số 112/2006/NĐ-CP ngày 29/09/2006 của Chính phủ về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 16/2005/NĐ-CP ngày 07/02/2005.
b) Đảm bảo thời hạn thẩm định theo khoản 5, Điều 1 Nghị định số 112/2006/NĐ-CP ngày 29/09/2006 của Chính phủ về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 16/2005/NĐ-CP ngày 07/02/2005.
c) Chịu trách nhiệm trước pháp luật và trước người ký văn bản thẩm định nếu kết quả thẩm định không chính xác hoặc không đảm bảo thời hạn thẩm định; trường hợp gây thiệt hại thì phải bồi thường thiệt hại theo quy định của pháp luật.
d) Lưu giữ, nộp lưu trữ hồ sơ thẩm định thiết kế cơ sở theo quy định.
3. Người có thẩm quyền ký văn bản thẩm định có trách nhiệm:
a) Kiểm tra, ký văn bản thẩm định thiết kế cơ sở đúng thẩm quyền.
b) Chịu trách nhiệm trước pháp luật nếu kết quả thẩm định không chính xác hoặc không đảm bảo thời hạn thẩm định; trường hợp gây thiệt hại thì phải bồi thường thiệt hại theo quy định của pháp luật.
Điều 7. Trách nhiệm của tổ chức, cá nhân liên quan
1. Tổ chức, cá nhân trình thẩm định thiết kế cơ sở có trách nhiệm khai đầy đủ, chính xác nội dung theo mẫu đơn hướng dẫn của cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền thẩm định thiết kế cơ sở; đảm bảo nội dung hồ sơ trình thẩm định theo khoản 3, Điều 3 của Quy định này.
2. Chấp hành nội quy, quy chế làm việc của cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền thẩm định thiết kế cơ sở và của đơn vị đầu mối.
3. Nộp lệ phí thẩm định thiết kế cơ sở theo quy định.
4. Phản ánh kịp thời đến Lãnh đạo cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền thẩm định thiết kế cơ sở hoặc Lãnh đạo đơn vị đầu mối khi phát hiện hành vi tiêu cực, nhũng nhiễu, gây phiền hà, lợi dụng chức vụ, quyền hạn để trục lợi của cán bộ, công chức khi thi hành nhiệm vụ.
Chương IV
THÁI ĐỘ, TÁC PHONG CỦA CÁN BỘ, CÔNG CHỨC
VÀ VIỆC XỬ LÝ VI PHẠM
Điều 8. Thái độ, tác phong của cán bộ, công chức
1. Người tiếp nhận hồ sơ, thẩm định thiết kế cơ sở phải đeo thẻ công chức, trong đó phải ghi rõ họ tên, chức vụ, cơ quan công tác.
2. Người tiếp nhận hồ sơ, thẩm định thiết kế cơ sở phải có thái độ niềm nở; phải tận tình giải thích và hướng dẫn những vấn đề mà tổ chức, cá nhân nộp hồ sơ chưa hiểu.
3. Người tiếp nhận hồ sơ, thẩm định thiết kế cơ sở không được có thái độ hách dịch hoặc có hành vi tiêu cực, nhũng nhiễu, gây phiền hà, lợi dụng chức vụ, quyền hạn để trục lợi.
Điều 9. Xử lý cán bộ, công chức có hành vi vi phạm
1. Lãnh đạo cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền thẩm định thiết kế cơ sở và Lãnh đạo đơn vị đầu mối phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về việc cán bộ, công chức thuộc quyền khi thực thi nhiệm vụ có thái độ hách dịch hoặc có hành vi tiêu cực, nhũng nhiễu, gây phiền hà, lợi dụng chức vụ, quyền hạn để trục lợi.
2. Cán bộ, công chức có thái độ hách dịch hoặc có hành vi tiêu cực, nhũng nhiễu, gây phiền hà, lợi dụng chức vụ, quyền hạn để trục lợi khi thực thi nhiệm vụ thì bị đình chỉ thực hiện công việc; tuỳ theo mức độ vi phạm mà bị xử lý theo Pháp lệnh cán bộ, công chức hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự; trường hợp gây thiệt hại thì phải bồi thường thiệt hại theo quy định của pháp luật.
Chương V
TỔ CHỨC THỰC HIỆN
Điều 10. Trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước
Các cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền thẩm định thiết kế cơ sở dự án đầu tư xây dựng công trình có trách nhiệm chỉ đạo các đơn vị trực thuộc có liên quan triển khai thực hiện Quy định này.
Điều 11. Theo dõi, kiểm tra, thanh tra
Vụ trưởng Vụ Khảo sát, thiết kế xây dựng và Chánh Thanh tra xây dựng, trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn được giao, chịu trách nhiệm phối hợp với các đơn vị thuộc Bộ Xây dựng theo dõi, kiểm tra, thanh tra việc thực hiện Quy định này./.