Sign In

QUYẾT ĐỊNH

Về việc phê duyệt Quy hoạch phát triển giao thông vận tải Thủ đô Hà Nội đến năm 2020

 ________________________________________

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ

Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 25 tháng 12 năm 2001;

Căn cứ Luật Xây dựng ngày 26 tháng 11 năm 2003;

Xét đề nghị của Bộ Giao thông vận tải (tờ trình số 6938/TTr-BGTVT ngày 30 ngày 10 năm 2007, tờ trình số 2130/TTr-BGTVT ngày 03 tháng 4 năm 2008 và tờ trình số 4332/TTr-BGTVT ngày 05 tháng 6 năm 2008) và báo cáo thẩm định của Bộ Xây dựng (tờ trình số 341/BXD-KTQH ngày 04 tháng 3 năm 2008).

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt Quy hoạch phát triển giao thông vận tải Thủ đô Hà Nội đến năm 2020 với các nội dung chủ yếu sau:

1. Phạm vi quy hoạch

Bao gồm Thủ đô Hà Nội và các đô thị xung quanh thuộc các tỉnh Hà Tây, Bắc Ninh, Vĩnh Phúc, Hưng Yên, Bắc Giang, Thái Nguyên, trong bán kính ảnh hưởng từ 30 km ¸ 50 km.

2. Mục tiêu quy hoạch

- Cụ thể hóa Điều chỉnh quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội đến năm 2020 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 108/1998/QĐ-TTg ngày 20 tháng 6 năm 1998, xây dựng quy hoạch phát triển giao thông vận tải Thủ đô Hà Nội đến năm 2020;

- Xác định các nội dung ưu tiên đầu tư phát triển giao thông vận tải của Thủ đô Hà Nội đến năm 2010;

- Làm cơ sở cho việc triển khai các dự án đầu tư phát triển giao thông vận tải của Thủ đô Hà Nội đến năm 2020.

3. Các nội dung chính của quy hoạch

a) Các nguyên tắc xây dựng quy hoạch

- Phù hợp với chiến lược phát triển giao thông vận tải Việt Nam đến năm 2020 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 06/2004/QĐ-TTg ngày 10 tháng 12 năm 2004, Quy hoạch xây dựng vùng Thủ đô Hà Nội đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 490/QĐ-TTg ngày 05 tháng 5 năm 2008;

- Phát triển mạng lưới kết cấu hạ tầng giao thông đồng bộ với các quy hoạch khác, đặc biệt là quy hoạch xây dựng đô thị, phân bổ dân cư và quy hoạch hệ thống công trình công cộng đô thị của Thủ đô. Qua đó xây dựng được hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông liên phương thức hiện đại và dịch vụ vận tải hiệu quả;

- Tập trung phát triển hệ thống vận tải hành khách công cộng, nâng tỷ phần vận tải đảm nhận của vận tải hành khách công cộng tại thời điểm năm 2020 lên khoảng 35% ¸ 45% của tổng nhu cầu đi lại trên toàn thành phố, phấn đấu giảm tỷ phần đảm nhận của xe máy xuống còn 30%;

- Xây dựng lộ trình đầu tư hợp lý để ưu tiên giải quyết các vấn đề cấp bách, tạo khâu đột phá phát triển đô thị Hà Nội.

b) Quy hoạch phát triển kết cấu hạ tầng giao thông Hà Nội đến năm 2020

- Quy hoạch phát triển mạng lưới đường bộ

+ Các quốc lộ và cao tốc hướng tâm:

. Cải tạo, mở rộng các quốc lộ hướng tâm hiện tại lên thành đường có 4 đến 6 làn xe cơ giới, gồm: quốc lộ 1A (đoạn Hà Nội - Thường Tín và Cầu Đuống - Bắc Ninh); quốc lộ 6 (đoạn Hà Nội - Hoà Bình); quốc lộ 32 (đoạn Hà Nội - Sơn Tây); quốc lộ 2 (đoạn Nội Bài - Vĩnh Yên); quốc lộ 3 (đoạn từ thị trấn Đông Anh);

. Xây dựng các đường cao tốc song hành với các quốc lộ có lưu lượng lớn, theo các hướng: Hà Nội - Lạng Sơn; Pháp Vân - Giẽ - Thanh Hóa; Hà Nội - Hải Phòng; Hà Nội - Việt Trì; Hà Nội - Thái Nguyên; Nội Bài - Hạ Long; Láng - Hoà Lạc.

+ Vành đai giao thông đô thị:

. Vành đai II: cải tạo mở rộng, xây dựng mới với tổng chiều dài khoảng 43,6 km theo trục Vĩnh Tuy - Minh Khai - Ngã Tư Vọng - Ngã Tư Sở - Cầu Giấy - Bưởi - Nhật Tân - Vĩnh Ngọc - Đông Hội - cầu chui Gia Lâm - khu công nghiệp Hanel - Vĩnh Tuy thành đường đô thị 4 ¸ 8 làn xe. Một số đoạn cá biệt trong nội thành sẽ xây dựng 4 làn xe trong giai đoạn đầu. Thời gian hoàn thành khép kín vành đai II trước năm 2010, riêng đoạn Đại La - Trường Chinh - Cầu Giấy sẽ được mở rộng sau năm 2010.

. Vành đai III: vành đai III có chiều dài khoảng 65 km. Trong đó, đoạn Nội Bài - Mai Dịch - Thanh Xuân - Pháp Vân - Thanh Trì - Sài Đồng - Ninh Hiệp có hướng tuyến theo dự án nghiên cứu tiền khả thi đã được Thủ tướng Chính phủ thông qua (văn bản số 945/CP-KTN ngày 13 tháng 8 năm 1998). Đoạn tuyến phía Bắc, từ Ninh Hiệp đến đường Bắc Thăng Long - Nội Bài, được điều chỉnh đi qua các điểm khống chế Việt Hùng - Đông Anh - Tiên Dương - Nam Hồng (nằm phía Nam của đường sắt vành đai Bắc, tránh khu di tích Cổ Loa).

Về chức năng và cấu tạo mặt cắt ngang: đoạn Nội Bài - Mai Dịch - Thanh Xuân - Pháp Vân - cầu Thanh Trì cấu thành bởi đường đô thị hai bên kết hợp với cao tốc đô thị ở giữa. Đoạn cầu Thanh Trì - Sài Đồng - Ninh Hiệp - Việt Hùng là đường cao tốc mang yếu tố đô thị. Đoạn từ Việt Hùng đến nút giao với đường Bắc Thăng Long - Nội Bài là đường phố chính. Đoạn tuyến nối giữa đường vành đai III với đường cao tốc Nội Bài - Hạ Long qua các điểm khống chế Ninh Hiệp, Đường Yên, Đồng Xuân là đường cao tốc với chiều dài 8,5 km. Mặt cắt ngang của đường vành đai III và đoạn Ninh Hiệp - Đường Yên - Đồng Xuân bảo đảm 6 ¸ 8 làn xe. Các cầu lớn gồm cầu Thanh Trì (vượt sông Hồng) và cầu Phù Đổng 2 (vượt sông Đuống). Đường vành đai III sẽ cơ bản hoàn thành trước năm 2010.

+ Vành đai giao thông liên vùng:

. Vành đai giao thông đối ngoại (vành đai IV): xây dựng mới đường vành đai giao thông kết nối các tuyến quốc lộ và cao tốc hướng tâm, nối các khu công nghiệp, khu đô thị liền kề Thủ đô Hà Nội. Vành đai này sẽ đi qua các khu vực Phúc Yên, Mê Linh (Vĩnh Phúc); Đan Phượng, Hoài Đức, Hà Đông, Thường Tín (Hà Tây); Văn Giang, Yên Mỹ, Văn Lâm, Như Quỳnh (Hưng Yên); Tiên Sơn, Tiên Du, Yên Phong (Bắc Ninh); huyện Hiệp Hòa, (Bắc Giang); Sóc Sơn (Hà Nội). Vành đai giao thông đối ngoại có chiều dài khoảng 148 km, quy mô 6 ¸ 8 làn xe, chiều rộng chỉ giới 100 m ¸ 120 m. Thời gian xây dựng của đường vành đai giao thông đối ngoại từ năm 2010 đến năm 2020;

. Vành đai liên kết các đô thị vệ tinh xung quanh Hà Nội (vành đai V): quy hoạch đường vành đai liên kết các đô thị vệ tinh xung quanh Hà Nội theo hướng tuyến từ thành phố Vĩnh Yên - thành phố Sơn Tây - đô thị Hoà Lạc - thị trấn Xuân Mai - Miếu Môn - Đồng Văn - thị xã Hưng Yên - thành phố Hải Dương - Chí Linh - thành phố Bắc Giang - thị xã Sông Công, với chiều dài khoảng 320 km.

+ Các trục chính đô thị:

. Mở rộng, kết hợp xây dựng mới các trục chính đô thị của thủ đô (18 trục phía Nam sông Hồng và 12 trục phía Bắc sông Hồng) nhằm tạo thành các luồng hành khách chủ yếu trong đô thị Hà Nội.

+ Các nút giao thông:

. Cải tạo và xây dựng mới 46 nút giao lập thể trên các đường vành đai và trục chính đô thị, chưa kể một số nút giao lập thể phát sinh khi xây dựng các đường cao tốc song hành. Trong đó trên vành đai II và vành đai III có 24 nút (bao gồm cả trục đường cao tốc Ninh Hiệp - Đường Yên - Đồng Xuân - Nội Bài), vành đai giao thông đối ngoại có 18 nút, còn lại là các nút giao lập thể nằm trên các trục chính đô thị;

. Cải tạo và mở rộng khoảng 150 nút giao trong nội đô.

+ Các cầu đường bộ vượt sông Hồng và sông Đuống:

. Các cầu vượt sông Hồng: ngoài các cầu đã xây dựng, hoàn thành xây dựng 02 cầu là cầu Thanh Trì (trên đường vành đai III) và cầu Vĩnh Tuy (trên đường vành đai II); triển khai xây dựng cầu Nhật Tân (trên đường vành đai II); đầu tư xây dựng mới các cầu trên đường vành đai IV và V là cầu Hồng Hà, cầu Mễ Sở, cầu Vĩnh Thịnh. Ngoài ra, trong quá trình thực hiện quy hoạch, Uỷ ban nhân dân thành phố Hà Nội tiếp tục nghiên cứu việc đầu tư xây dựng cầu Tứ Liên.

Mặt cắt ngang các cầu xây dựng mới vượt sông Hồng có quy mô từ 6 ¸ 8 làn xe (không áp dụng cho cầu Tứ Liên).

. Các cầu vượt sông Đuống: ngoài các cầu đã xây dựng, hoàn thành xây dựng cầu Đông Trù thuộc dự án đường 5 kéo dài, đầu tư xây dựng mới cầu Thạch Cầu, cầu Đuống (mới), cầu Phù Đổng II và cầu Đuống trên vành đai IV.

Mặt cắt ngang các cầu xây dựng mới vượt sông Đuống có quy mô từ 4 ¸ 8 làn xe.

+ Mạng lưới đường bộ khu vực

Mạng lưới đường bộ khu vực gồm các đường phố chính, đường gom và đường phố nội bộ. Quy hoạch mạng lưới đường này được thực hiện theo quy hoạch chi tiết xây dựng các quận, huyện và các khu đô thị đến năm 2020 đã được Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội phê duyệt. Đến năm 2020, tổng số chiều dài mạng lưới đường bộ khu vực trong các quận nội thành đạt 464 km, khu vực ngoại thành đạt 1.676 km.

+ Bố trí bến, bãi đỗ xe:

Hệ thống bến bãi đỗ xe được triển khai theo Quyết định số 165/2003/QĐ-UB ngày 02 tháng 12 năm 2003 của Uỷ ban nhân dân thành phố Hà Nội về việc phê duyệt quy hoạch mạng lưới các điểm đỗ xe và bãi đỗ xe xông cộng trong địa bàn thành phố Hà Nội. Trong quá trình triển khai, Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội tiến hành rà soát điều chỉnh quy hoạch này cho phù hợp với điều kiện thực tế của Thành phố theo từng thời kỳ.

- Quy hoạch mạng lưới giao thông đường sắt

+ Đường sắt quốc gia:

. Đường sắt hướng tâm: bao gồm các tuyến Yên Viên - Lạng Sơn; Yên Viên - Bãi Cháy; Cổ Bi - Hải Phòng; Ngọc Hồi - thành phố Hồ Chí Minh; Bắc Hồng - Lào Cai; Đông Anh - Thái Nguyên. Các tuyến đường sắt này sau năm 2010 sẽ mở thành đường sắt đôi, trước mắt là đối với các đoạn nối liền Hà Nội với các đô thị vệ tinh có bán kính 50 km ¸ 70 km quanh trung tâm Hà Nội để sử dụng cho giao thông liên tỉnh và giao thông quốc gia. Ngoài ra, trên địa bàn thành phố Hà Nội sẽ có thêm tuyến đường sắt cao tốc Bắc - Nam được thực hiện theo dự án riêng.

. Đường sắt vành đai: xây dựng mới đoạn phía Đông (Đông Anh - Cổ Loa - Yên Viên - Trung Mầu - Như Quỳnh - Tân Quang - Văn Giang - Ngọc Hồi), trong đó đoạn Đông Anh - Cổ Loa - Yên Viên được xây dựng mới vòng tránh khu di tích Cổ Loa; hoàn chỉnh đường sắt vành đai theo tiêu chuẩn đường đôi khổ lồng 1.435/1.000 mm;

. Đường sắt xuyên tâm: Yên Viên - Long Biên - ga Hà Nội - Văn Điển - Ngọc Hồi có chiều dài 24,6 km sẽ được xây dựng vào trước năm 2015. Trong đó đoạn Gia Lâm - Long Biên - ga Hà Nội - Giáp Bát sẽ được xây dựng trước năm 2010;

. Các nhà ga chính: trên đường sắt vành đai sẽ hình thành các ga khách đầu mối tại Phú Diễn (ga phía Tây), Yên Viên (ga phía Bắc), Như Quỳnh (ga phía Đông), Ngọc Hồi (ga phía Nam). Ga hàng hoá được bố trí tại các khu vực Bắc Hồng, Yên Viên, Cổ Bi (sau này là Như Quỳnh), Ngọc Hồi, gần với các trục đường quốc lộ hướng tâm, đường vành đai và các trung tâm vận chuyển liên hợp.

. Ga Hà Nội là ga hành khách trung tâm của tuyến đường sắt quốc gia và đường sắt liên vận, đồng thời cũng là ga trung chuyển đa phương thức giữa các tuyến đường sắt đô thị số 1 và số 3 với các tuyến vận tải hành khách công cộng khác.

Các cơ sở công nghiệp, dịch vụ của ngành đường sắt trong phạm vi khu ga Hà Nội sẽ được di chuyển về khu ga Ngọc Hồi và Yên Viên. Phần diện tích trên mặt đất của các cơ sở này trong khu vực ga Hà Nội hiện nay sẽ sử dụng vào mục đích khác.

+ Đường sắt đô thị và xe buýt nhanh:

Hệ thống đường sắt đô thị của thành phố Hà Nội sẽ đóng vai trò chính trong hệ thống vận tài hành khách công cộng tốc độ cao, khối lượng lớn, có chức năng gắn kết với các khu đô thị, khu công nghiệp, các trung tâm thương mại - dịch vụ - du lịch, trường học. Đồng thời các tuyến đường sắt đô thị phải gắn kết với nhau, hình thành mạng lưới bao quát các khu vực đô thị quan trọng của Hà Nội.

Mạng lưới đường sắt đô thị của Hà Nội đến năm 2020 bao gồm các tuyến:

Tuyến số 1 (Ngọc Hồi - Yên Viên, Như Quỳnh): tuyến này có chiều dài khoảng 38,7 km, phục vụ các khu vực ngoại thành phía Đông bắc và phía Nam Hà Nội đi qua khu vực trung tâm thành phố;

Tuyến số 2 (Nội Bài - trung tâm thành phố - Thượng Đình): dài khoảng 35,2 km, là xương sống cho khu vực đô thị hiện tại và tương lai. Tuyến số 2 nối sân bay Nội Bài và khu đô thị mới Đông Anh, Từ Liêm, khu Phố cổ, khu phố có kiến trúc kiểu Pháp, đi dọc hành lang quốc lộ 6 và tới Thượng Đình. Trong đó đoạn tuyến phía Bắc sông Hồng sẽ đi dọc hành lang của trục chính đô thị Nhật Tân - Vĩnh Ngọc - Nội Bài.

Phụ trợ cho tuyến đường sắt đô thị số 2 là tuyến xe buýt nhanh, đi theo hành trình Sóc Sơn - Đông Anh - Kim Nỗ - Mê Linh - Vĩnh Yên, chiều dài tuyến khoảng 33,9 km. Trong tương lai có thể phát triển tuyến xe buýt nhanh này thành tuyến đường sắt đô thị.

Kết nối với tuyến số 2 có tuyến đường sắt đô thị Hà Nội - Hà Đông, bắt đầu tại khu vực Cát Linh (giao với tuyến số 3), đi theo hành trình Cát Linh - Hào Nam - La Thành - Thái Hà - đường Láng - Ngã Tư Sở - quốc lộ 6 - Thượng Đình (nối với tuyến số 2) - Hà Đông - Ba La. Tuyến đường sắt đô thị Hà Nội - Hà Đông có chiều dài khoảng 14 km, sau năm 2020 sẽ phát triển tuyến này tới Xuân Mai.

Tuyến số 3 (Nhổn - ga Hà Nội - Hoàng Mai): tuyến số 3 có chiều dài 21 km, nối khu vực phía tây với trung tâm thành phố và khu vực phía nam thành phố. Trong đó đoạn tuyến từ Nhổn đến ga Hà Nội hiện đang được chuẩn bị xây dựng theo dự án của thành phố Hà Nội. Sau năm 2020 sẽ phát triển tuyến số 3 lên tới Sơn Tây, tổng chiều dài dự kiến của tuyến số 3 khi đó là 48 km.

Tuyến số 4 (Đông Anh - Sài Đồng - Vĩnh Tuy/Hoàng Mai - Thanh Xuân - Từ Liêm - Thượng Cát - Mê Linh): tuyến có dạng vòng tròn, kết nối với các tuyến số 1, số 2, số 3 và số 5, đa dạng hóa nhu cầu giao thông và gắn kết với các dự án phát triển đô thị. Trước mắt xây dựng tuyến số 4 là tuyến xe buýt nhanh, trong tương lai sẽ phát triển thành tuyến đường sắt đô thị hoàn chỉnh. Toàn tuyến số 4 có chiều dài khoảng 53,1 km;

Tuyến số 5 (Nam Hồ Tây - Ngọc Khánh - Láng - Hòa Lạc): là tuyến này có chức năng kết nối trung tâm thành phố Hà Nội với các khu đô thị dọc theo hành lang Láng - Hòa Lạc. Chiều dài của tuyến số 5 là khoảng 34,5 km.

Cấu trúc, phương thức, lộ trình và tiến độ thực hiện của từng tuyến đường sắt đô thị được nghiên cứu cụ thể trong các giai đoạn nghiên cứu sau và theo dự án riêng.

Hỗ trợ cho các tuyến đường sắt đô thị là các tuyến xe buýt ưu tiên, gồm:

Tuyến 1: Ba La Bông Đỏ - quốc lộ 6 - Nguyễn Trãi - Khuất Duy Tiến - Láng Hạ - Kim Mã;

Tuyến 2: Vĩnh Quỳnh - Giải Phóng - Đại Cồ Việt - Phố Huế - Hàng Bài.

Trong tương lai, khi đã hình thành các tuyến đường sắt đô thị, sẽ điều chỉnh lại hành trình của các tuyến xe buýt cho phù hợp.

- Quy hoạch giao thông đường sông

Giao thông đường sông khu vực Hà Nội gồm 2 tuyến chính là tuyến trên sông Hồng (từ Thượng Cát, Từ Liêm đến Vạn Phúc, Thanh Trì), có chiều dài 47 km; và tuyến trên sông Đuống (từ ngã ba Dâu giao giữa sông Hồng với sông Đuống đến Trung Mầu, Gia Lâm), có chiều dài 37 km.

- Quy hoạch luồng tàu:

Quy hoạch luồng tàu kết hợp với điều chỉnh và xây dựng các công trình bảo vệ bờ cho hai tuyến sông Hồng và sông Đuống. Chiều rộng luồng tàu là 50 m đối với luồng 2 chiều; riêng đoạn sông Hồng khu vực Hà Nội sẽ quy hoạch cho 4 làn, chiều rộng tối thiểu là 150 m. Bảo đảm độ sâu chạy tàu tối thiểu trên sông Hồng từ 2,5 - 3,6 m; sông Đuống là 2,5 m.

- Chỉnh trị, cải tạo các tuyến đường sông:

+ Bước 1: Điều chỉnh thế sông tự nhiên về thế sông quy hoạch bằng hệ thống các công trình tác động vào dòng chảy, lòng dẫn, tùy thuộc từng đoạn sông. Xây dựng công trình khống chế tỷ lệ phân lưu và vị trí cửa phân lưu vào sông Đuống, ổn định thế sông theo quy hoạch;

+ Bước 2: xây dựng mới và nâng cấp các công trình bảo vệ bờ sông hiện có sau khi đã ổn định được thế sông. Bảo vệ các đoạn bờ sông trọng điểm cần ưu tiên từ cầu Thăng Long đến cầu Thanh Trì, các đoạn bờ liên quan đến du lịch, tôn tạo cảnh quan thành phố (bờ phải từ cống Liên Mạc đến cảng Hà Nội và bờ trái từ Vĩnh Ngọc đến cửa Đuống, cửa Đuống đến cảng Thạch Cầu);

+ Bước 3: kè bảo vệ lần lượt các đoạn bờ sông còn lại.

Song song với cải tạo giao thông thuỷ sông Hồng khu vực Hà Nội, triển khai thực hiện việc nạo vét cải tạo để hoàn chỉnh tuyến sông từ Hà Nội đến cửa Đáy và Lạch Giang, đặc biệt là việc cải tạo cửa luồng từ biển vào.

Kế hoạch chỉnh trị sông Hồng được chia thành 3 giai đoạn, thực hiện từ năm 2008 đến năm 2020:

+ Giai đoạn I (2008 - 2012): chỉnh trị đoạn Thượng Cát - cầu Thăng Long;

+ Giai đoạn II (2013 - 2016): chỉnh trị đoạn cầu Thăng Long - cầu Thanh Trì;

+ Giai đoạn II (2017 - 2020): chỉnh trị đoạn cầu Thanh Trì - Duyên Hà.

Công tác cải tạo sông Hồng được kết hợp với các dự án phát triển đô thị, cải tạo môi trường và xây dựng, nâng cấp các tuyến đường bộ song hành.

- Các bến cảng:

Nâng cấp kết hợp xây dựng mới để đến năm 2020 khu vực Hà Nội có các cảng và bến gồm:

Trên sông Hồng: cảng Khuyến Lương, cảng Thanh Trì, cảng Chèm và bến Chương Dương, bến Bát Tràng;

Trên sông Đuống: cảng Phù Đổng, cảng Đức Giang.

Nghiên cứu chuyển đổi công năng của cảng Hà Nội hiện nay theo hướng chủ yếu phục vụ du lịch. Ngoài ra, nghiên cứu đầu tư xây dựng thêm các cảng phục vụ du lịch dọc hai bên bờ sông Hồng tại khu vực Tầm Xá, Long Biên, vv…

Các nội dung quy hoạch về chỉnh trị và vận tải thủy được bổ sung điều chỉnh cho phù hợp với kết quả nghiên cứu của đề án hành lang thoát lũ sông Hồng và đề án thành phố ven sông Hồng đang thực hiện.

- Quy hoạch phát triển cảng hàng không và sân bay

Hà Nội có cảng hàng không quốc tế Nội Bài, sân bay Gia Lâm là sân bay nội địa và sân bay Bạch Mai là sân bay chuyên dùng cho quân sự. Trong đó cảng hàng không Nội Bài được đầu tư cải tạo, nâng cấp để trở thành cảng hàng không quốc tế lớn của thủ đô Hà Nội và của cả nước.

Đến năm 2020, cảng hàng không quốc tế Nội Bài có tổng công suất đạt 20 ÷ 25 triệu hành khách/năm, 260.000 tấn hàng hóa/năm và có diện tích dự phòng đảm bảo yêu cầu phục vụ. Định hướng cho giai đoạn sau năm 2020, cảng hàng không quốc tế Nội Bài tiếp tục hoàn chỉnh khu phía Bắc, đồng thời phát triển về phía Nam, nâng tổng công suất lên 50 triệu hành khách/năm.

Trong thời gian tới, tiếp tục nghiên cứu vị trí, quy mô của sân bay quốc tế thứ hai trong vùng khi sân bay Nội Bài có dấu hiệu mãn tải và dự trữ phát triển lâu dài.

- Quy hoạch quỹ đất dành cho kết cấu hạ tầng giao thông

Đến năm 2020 Thủ đô Hà Nội sẽ có một mạng lưới giao thông hoàn chỉnh và hiện đại. Quỹ đất dành cho hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông tối thiểu khoảng 13.800 ha, đạt 15% tổng diện tích đất của thành phố. Trong đó, quỹ đất dành cho giao thông đường bộ là 11.500 ha, quỹ đất dành cho giao thông đường sắt là 1.100 ha, quỹ đất dành cho các bến và cảng trên sông Hồng và sông Đuống là 100 ha và quỹ đất dành cho sân bay Nội Bài, Gia Lâm và Bạch Mai là 1.100 ha (trong đó quỹ đất dành cho cảng hàng không quốc tế Nội Bài khoảng 700 ha). Riêng quỹ đất dành cho tuyến đường sắt cao tốc Bắc - Nam được tính toán sau khi xác định vị trí tuyến, ga cụ thể.

Mạng lưới đường đô thị tại các quận nội thành và các khu vực đô thị của các huyện ngoại thành đạt khoảng 20% diện tích đất đô thị, như quy hoạch chi tiết các quận huyện đã được ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội phê duyệt.

- Phát triển vận tải hành khách công cộng

+ Phát triển hoàn chỉnh vận tải hành khách công cộng với ba hợp phần cơ bản, gồm: hệ thống vận tải khối lượng lớn (đường sắt đô thị và xe buýt nhanh); hệ thống xe buýt thông thường; hệ thống bổ trợ với các phương tiện giao thông nhỏ. Trong đó đường sắt đô thị là xương sống cho giao thông công cộng của thành phố và xe buýt là phương thức cung cấp dịch vụ tại những nơi mà đường sắt đô thị không phát triển tới;

+ Tăng cường cải thiện dịch vụ vận tải hành khách công cộng thông qua các giải pháp như: tổ chức liên thông giữa các phương thức vận tải (bằng cách sử dụng vé chung); cải tiến, nâng cao chất lượng dịch vụ của hệ thống xe buýt, đặc biệt chú trọng các dịch vụ phục vụ người già, trẻ em và người khuyết tật;

+ Khuyến khích mở rộng các dịch vụ bán công cộng như xe buýt đưa đón học sinh và công nhân;

- Quản lý giao thông và an toàn giao thông

+ Phát triển các quy định, chính sách phù hợp cho công tác quản lý giao thông, bảo đảm an toàn giao thông;

+ Nâng cao năng lực của các cơ quan, cá nhân thực hiện công tác quản lý giao thông và bảo đảm an toàn giao thông;

+ Tổ chức tốt công tác điều tiết nhu cầu giao thông bằng các biện pháp kiểm soát tỷ lệ sở hữu và sử dụng phương tiện giao thông cá nhân, đặc biệt là xe máy và xe ô tô con;

+ Xây dựng chính sách cụ thể về ưu tiên sử dụng đường giữa các phương thức như xe buýt, xe máy, ô tô, xe đạp v.v...;

+ Có chính sách cụ thể về vai trò của xe máy trong giao thông đô thị và các hoạt động kinh tế - xã hội của người dân;

+ Thực hiện các chiến dịch nâng cao nhận thức về an toàn giao thông cho cộng đồng, bao gồm cả các chủ thể công cộng và tư nhân, tăng cường phổ biến và giáo dục an toàn giao thông cho cộng đồng;

+ Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra các phương tiện giao thông, thiết lập hệ thống kiểm tra an toàn giao thông hữu hiệu và tăng cường sự phối hợp giữa các cơ quan hữu quan trong vấn đề đảm bảo an toàn giao thông.

- Bảo vệ môi trường và tôn tạo cảnh quan đô thị

+ Quy hoạch phát triển giao thông vận tải phải kết hợp chặt chẽ với các lĩnh vực quy hoạch khác của thủ đô, đặc biệt là quy hoạch đô thị để góp phần hình thành các vùng sinh thái - văn hóa và vành đai xanh tạo cơ sở phát triển đô thị của Hà Nội và các vùng lân cận;

+ Song song với việc xây dựng chương trình hạn chế, tiến tới loại dần các phương tiện giao thông cũ nát ra khỏi hệ thống giao thông của thành phố, cần có chính sách quản lý chặt chẽ chất lượng của các loại phương tiện giao thông, khuyến khích các loại hình phương tiện giao thông sử dụng nhiên liệu ít gây ô nhiễm;

+ Gắn liền các dự án phát triển giao thông vận tải với yêu cầu bảo tồn cảnh quan thiên nhiên, bảo tồn di sản văn hóa, lịch sử, kiến trúc, tôn tạo không gian đô thị.

- Chính sách phát triển

+ Phát triển vận tải hành khách công cộng là nhiệm vụ chiến lược. Theo đó, cần tiếp tục mở rộng và nâng cao chất lượng phục vụ của mạng lưới xe buýt hiện có, phát triển các phương thức vận tải hành khách công cộng khối lượng lớn, tốc độ cao;

+ Gắn liền phát triển đô thị với phát triển kết cấu hạ tầng giao thông và vận tải hành khách công cộng, đảm bảo phát triển đô thị một cách đồng bộ và bền vững;

+ Xây dựng các chính sách đồng bộ, hợp lý nhằm hạn chế sự gia tăng số lượng phương tiện giao thông cá nhân, đặc biệt có chính sách phù hợp nhằm hạn chế và tiến đến giảm bớt số lượng xe máy tham gia giao thông;

+ Khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông và vận tải hành khách công cộng thông qua những biện pháp như cải tiến cơ chế, chính sách quản lý và cấp vốn, ưu đãi về thuế, trợ giá, …;

+ Tăng cường năng lực, trách nhiệm của chính quyền địa phương các cấp và các cơ quan chức năng trong công tác quản lý đô thị, quản lý và thực hiện quy hoạch;

+ Thực hiện các chiến dịch vận động nâng cao ý thức của người dân trong việc xây dựng và phát triển giao thông vận tải Thủ đô;

+ Tích cực tìm kiếm mọi nguồn vốn đầu tư cho xây dựng và phát triển giao thông vận tải. Ưu tiên huy động các nguồn vốn phát triển chính thức (ODA) hoặc nguồn từ các tổ chức tài chính - kinh tế trong và và ngoài nước cho cho các dự án lớn hoặc công trình trọng điểm.

c) Nguồn vốn đầu tư để thực hiện quy hoạch

Vốn đầu tư để thực hiện quy hoạch phát triển giao thông vận tải Thủ đô Hà Nội từ nay đến năm 2020 vào khoảng 287.800 tỷ đồng. Trong đó, vốn cho các dự án đường bộ khoảng 117.200 tỷ đồng, các dự án đường sắt (gồm đường sắt quốc gia, đường sắt đô thị kết hợp xe buýt nhanh) khoảng 138.800 tỷ đồng, đường thủy khoảng 13.700 tỷ đồng, cảng hàng không quốc tế và sân bay khoảng 13.800 tỷ đồng, 3.800 tỷ đồng cho công tác quản lý giao thông và an toàn giao thông, còn lại khoảng 500 tỷ đồng cho công tác tăng cường thể chế chính sách. Tổng vốn đầu tư này sẽ được huy động từ các nguồn: vốn ngân sách trung ương và Hà Nội; vốn vay hỗ trợ phát triển chính thức (ODA); vốn huy động từ các doanh nghiệp trong và ngoài nước; vốn huy động từ khai thác quỹ đất; vốn từ nguồn người tham gia giao thông phải đóng góp; và các nguồn vốn khác.

d) Cơ chế, chính sách và giải pháp thực hiện

- Giao Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành liên quan nghiên cứu cơ chế, chính sách và các hình thức huy động các nguồn vốn để khuyến khích các doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế trong và ngoài nước tham gia xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông vận tải thành phố theo quy hoạch được duyệt bằng các hình thức BOT, BT, BOO, liên doanh, ... theo quy định của pháp luật. Trong đó có phương án huy động vốn thông qua phát hành trái phiếu đầu tư trong nước, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định;

- Đối với các dự án giao thông do Trung ương quản lý trên địa bàn thành phố, có ý nghĩa quyết định cho phát triển giao thông thành phố và toàn vùng nhưng chưa đủ điều kiện thực hiện đầu tư, giao Bộ Giao thông vận tải chủ trì, phối hợp với Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội, Ủy ban nhân dân các tỉnh có liên quan nghiên cứu cơ chế tài chính trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định để thực hiện việc giải phóng mặt bằng, thu hồi đất và giao cho chính quyền địa phương quản lý để đảm bảo quỹ đất phát triển giao thông theo quy hoạch;

- Cho phép Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội xây dựng, thực hiện các phương án tạo quỹ đất và giải phóng mặt bằng theo hướng mở rộng các tuyến phố để chỉnh trang đô thị;

- Áp dụng các chính sách ưu đãi phát triển theo quy định của pháp luật đối với các tổ chức, cá nhân đầu tư xây dựng, vận hành hệ thống vận tải hành khách công cộng.

e) Các dự án ưu tiên hoàn thành và triển khai từ nay đến năm 2010

Trong giai đoạn từ nay đến năm 2010 cần tập trung đầu tư triển khai một số dự án trọng điểm nhằm giải quyết cơ bản tình trạng ách tắc giao thông và tôn tạo cảnh quan đô thị để phục vụ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội, bao gồm:

- Cải tạo, nâng cấp một số trục quốc lộ hướng tâm và cao tốc hướng tâm, gồm: quốc lộ 1 (phía Nam và phía Bắc), quốc lộ 2, quốc lộ 3, quốc lộ 32, đường Láng - Hòa Lạc (hoàn chỉnh mặt cắt 140m);

- Xây dựng khép kín đường vành đai II, đoạn Bưởi - Nhật Tân - Vĩnh Ngọc - Cầu Chui - Sài Đồng - Vĩnh Tuy - Minh Khai; xây dựng khép kín đường vành đai III, đoạn Sài Đồng - Ninh Hiệp - Nội Bài và đoạn tuyến cao tốc nối từ Ninh Hiệp tới đường cao tốc Nội Bài - Hạ Long, hoàn thành đoạn Mai Dịch - Bắc hồ Linh Đàm, đồng thời triển khai xây dựng phần đường vành đai III cao tốc cho đoạn Nội Bài - Thăng Long - Mai Dịch - Thanh Trì;

- Hoàn thành hệ thống đường dẫn cầu Thanh Trì, cầu Vĩnh Tuy, khởi công xây dựng cầu Nhật Tân và đường nối từ cầu Nhật Tân đến sân bay Nội Bài;

- Cải tạo, mở rộng, kết hợp xây dựng mới một số trục chính đô thị, các đường phố chính và các nút giao để giải quyết tình trạng ùn tắc giao thông;

- Xây dựng mới kết hợp cải tạo nâng cấp các bến xe tải liên tỉnh, bến xe khách liên tỉnh và nội đô, bến bãi đỗ xe tại các khu đô thị, khu dân cư. Trong đó cần tập trung nghiên cứu xây dựng các bãi đỗ xe ngầm, bãi đỗ xe nhiều tầng để phục vụ nhu cầu đỗ xe tại các khu vực có mật độ giao thông cao;

- Triển khai xây dựng tuyến đường sắt đô thị Hà Nội - Hà Đông, tuyến đường sắt đô thị số 3 (Nhổn - ga Hà Nội); đoạn tuyến đường sắt trên cao Gia Lâm - Giáp Bát (thuộc tuyến đường sắt xuyên tâm Yên Viên - Ngọc Hồi); xây dựng thí điểm tuyến xe buýt ưu tiên theo hành lang Ba La Bông Đỏ - quốc lộ 6 - Nguyễn Trãi - Láng Hạ - Kim Mã, Vĩnh Quỳnh - Giải Phóng - Đại Cồ Việt - Phố Huế - Hàng Bài; triển khai xây dựng trung tâm quản lý và điều hành vận tải hành khách công cộng;

- Cải tạo, chỉnh trang các tuyến phố (Trần Duy Hưng - Nguyễn Chí Thanh - Liễu Giai - Văn Cao - Hồ Tây, Giảng Võ - Láng Hạ - Lê Văn Lương, Phạm Văn Đồng - Phạm Hùng - Khuất Duy Tiến, Tràng Tiền - Hàng Khay - Tràng Thi - Điện Biên Phủ, Đinh Tiên Hoàng, Hai Bà Trưng, Lý Thường Kiệt, Trần Hưng Đạo, Lê Duẩn - Giải Phóng - Bắc Linh Đàm, Tôn Đức Thắng - Nguyễn Lương Bằng - Tây Sơn - Nguyễn Trãi), các nút giao thông (Kim Liên, Ô Chợ Dừa, Ngã tư Vọng, Ngã Tư Sở, Cầu Giấy) và 8 quảng trường của thành phố;

- Cải tạo, chỉnh trị luồng tàu trên sông Hồng và cải tạo nâng cấp các bến, cảng. Nghiên cứu xây dựng mới cảng Phù Đổng của tuyến sông Đuống;

- Cải tạo, nâng cấp cảng hàng không quốc tế Nội Bài, xây dựng nhà ga T2 với công suất khai thác đạt 10 triệu hành khách/năm

Điều 2. Quản lý quy hoạch

Quản lý chặt chẽ quỹ đất giành cho giao thông nhằm đảm bảo tính khả thi của quy hoạch trong điều kiện đô thị hóa nhanh chóng tại Thủ đô Hà Nội.

- Sau khi Quy hoạch được duyệt, Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội phối hợp với Bộ Giao thông vận tải và Ủy ban nhân dân các tỉnh có liên quan tổ chức công bố quy hoạch, xác định và quản lý quỹ đất giành cho giao thông;

- Đối với mạng lưới đường sắt đô thị, ngoài việc xác định, quản lý chỉ giới trên mặt đất, Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội chỉ đạo các sở, ban, ngành và các quận, huyện quản lý chặt chẽ việc quy hoạch và cấp phép xây dựng các nhà cao tầng, các công trình có móng sâu chiếm dụng lòng đất ngầm dọc hành lang tuyến tàu điện ngầm; xác định và quản lý chặt chẽ quỹ đất dành cho đề pô đường sắt đô thị;

- Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội và các địa phương liên quan thường xuyên kiểm tra, thanh tra việc quản lý, sử dụng quỹ đất giành cho giao thông, đảm bảo việc sử dụng đất đúng mục đích, đúng quy hoạch. Trường hợp phát hiện vi phạm phải kiên quyết thu hồi nhằm đảm bảo quỹ đất cho phát triển giao thông.

Điều 3. Tổ chức thực hiện

1. Trách nhiệm của Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội và các tỉnh liên quan:

- Tiến hành rà soát điều chỉnh các quy hoạch, các dự án trên địa bàn địa phương cho phù hợp với nội dung của quy hoạch này;

- Phối hợp với Bộ Giao thông vận tải, Bộ Xây dựng và các bộ, ngành liên quan triển khai lập quy hoạch chi tiết phát triển hệ thống giao thông vận tải trên địa bàn, quyết định quy mô các công trình xây dựng theo quy hoạch;

- Phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính, Bộ Giao thông vận tải và các ngành liên quan xác định các nguồn vốn đầu tư và xây dựng các cơ chế, chính sách phù hợp để đảm bảo tính khả thi của quy hoạch được duyệt;

Trong trường hợp cần bổ sung, điều chỉnh quy hoạch, Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội phối hợp với Bộ Giao thông vận tải, Bộ Xây dựng và Ủy ban nhân dân các tỉnh có liên quan trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.

2. Trách nhiệm của Bộ Giao thông vận tải:

- Chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành, Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội và Ủy ban nhân dân các tỉnh có liên quan thống nhất phân công trách nhiệm và lập kế hoạch thực hiện các dự án phát triển giao thông vận tải quốc gia trên địa bàn theo từng kế hoạch 5 năm, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt để thực hiện;

- Căn cứ quy hoạch được duyệt, chỉ đạo các Cục chuyên ngành quản lý và thực hiện các dự án giao thông vận tải quốc gia khu vực thành phố Hà Nội phù hợp với nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội;

Điều 4. Quyết định này có hiệu lực thi hành sau 15 ngày kể từ ngày đăng Công báo.

Điều 5. Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh Hà Tây, Bắc Ninh, Vĩnh Phúc, Hưng Yên, Bắc Giang, Thái Nguyên chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

Thủ tướng

(Đã ký)

 

Nguyễn Tấn Dũng