NGHỊ QUYẾT
VỀ QUY TRÌNH LỰA CHỌN, CÔNG BỐ VÀ ÁP DỤNG ÁN LỆ
HỘI ĐỒNG THẨM PHÁN TÒA ÁN NHÂN DÂN TỐI CAO
- Căn cứ vào Luật tổ chức Tòa án nhân dân số 62/2014/QH13;
- Căn cứ vào Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật số 17/2008/QH12;
- Sau khi có ý kiến thống nhất của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao và Bộ trưởng Bộ Tư pháp.
QUYẾT NGHỊ:
Điều 1. Án lệ và giá trị pháp lý của án lệ
Án lệ là những lập luận, phán quyết trong bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của Tòa án về một vụ việc cụ thể được Hội đồng Thẩm phán Toà án nhân dân tối cao lựa chọn và được Chánh án Toà án nhân dân tối cao công bố là án lệ để các Toà án nghiên cứu, áp dụng trong xét xử.
Điều 2. Tiêu chí lựa chọn án lệ
Án lệ được lựa chọn phải đáp ứng được các tiêu chí sau đây:
1. Chứa đựng lập luận để làm rõ quy định của pháp luật còn có cách hiểu khác nhau; phân tích, giải thích các vấn đề, sự kiện pháp lý và chỉ ra nguyên tắc, đường lối xử lý, quy phạm pháp luật cần áp dụng trong một vụ việc cụ thể;
2. Có tính chuẩn mực;
3. Có giá trị hướng dẫn áp dụng thống nhất pháp luật trong xét xử, bảo đảm những vụ việc có tình tiết, sự kiện pháp lý như nhau thì phải được giải quyết như nhau.
Điều 3. Rà soát, phát hiện bản án, quyết định để đề xuất phát triển thành án lệ
1. Việc rà soát, phát hiện bản án, quyết định để đề xuất phát triển thành án lệ được thực hiện như sau:
a) Chánh án Tòa án nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, Chánh án Tòa án quân sự quân khu và tương đương tổ chức tổng kết thực tiễn xét xử để đề xuất những vấn đề cần hướng dẫn; căn cứ vào các tiêu chí hướng dẫn tại Điều 2 của Nghị quyết này tổ chức rà soát, phát hiện các bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật của Tòa án mình, các Tòa án thuộc phạm vi thẩm quyền theo lãnh thổ và đề nghị Ủy ban Thẩm phán Toà án nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, Uỷ ban Thẩm phán Toà án quân sự quân khu và tương đương xem xét, đánh giá.
Trường hợp bản án, quyết định đã đưa ra xem xét, đánh giá có nội dung đáp ứng các tiêu chí hướng dẫn tại Điều 2 của Nghị quyết này thì Chánh án Toà án nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, Chánh án Toà án quân sự quân khu và tương đương gửi báo cáo về Toà án nhân dân tối cao (thông qua Vụ Pháp chế và Quản lý khoa học), trong đó đánh giá thực tiễn xét xử và pháp luật liên quan đến đề xuất lựa chọn án lệ; nêu rõ bản án, quyết định có chứa đựng nội dung đề xuất lựa chọn để phát triển thành án lệ; nội dung đề xuất lựa chọn làm án lệ; ý kiến đánh giá của Uỷ ban Thẩm phán Toà án nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, Uỷ ban Thẩm phán Toà án quân sự quân khu và tương đương (kèm theo bản án, quyết định được đề xuất);
b) Chánh án Tòa án nhân dân cấp cao, Chánh án Tòa án quân sự trung ương tổ chức tổng kết thực tiễn xét xử để đề xuất những vấn đề cần hướng dẫn; căn cứ vào các tiêu chí hướng dẫn tại Điều 2 của Nghị quyết này tổ chức rà soát, phát hiện các bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật của Toà án mình và đề nghị Ủy ban Thẩm phán Tòa án nhân dân cấp cao, Ủy ban Thẩm phán Tòa án quân sự trung ương xem xét, đánh giá.
Trường hợp bản án, quyết định đã đưa ra xem xét, đánh giá có nội dung đáp ứng các tiêu chí hướng dẫn tại Điều 2 của Nghị quyết này thì Chánh án Toà án nhân dân cấp cao, Chánh án Toà án quân sự trung ương gửi báo cáo về Toà án nhân dân tối cao (thông qua Vụ Pháp chế và Quản lý khoa học), trong đó đánh giá thực tiễn xét xử và pháp luật liên quan đến đề xuất lựa chọn án lệ; nêu rõ bản án, quyết định có chứa đựng nội dung đề xuất lựa chọn phát triển thành án lệ; nội dung đề xuất lựa chọn làm án lệ; ý kiến đánh giá của Uỷ ban Thẩm phán Toà án nhân dân cấp cao, Uỷ ban Thẩm phán Toà án quân sự trung ương (kèm theo bản án, quyết định được đề xuất);
c) Vụ trưởng các Vụ Giám đốc kiểm tra Toà án nhân dân tối cao căn cứ vào các tiêu chí hướng dẫn tại Điều 2 của Nghị quyết này tổ chức rà soát, phát hiện các quyết định giám đốc thẩm của Hội đồng Thẩm phán Toà án nhân dân tối cao và các bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật của các Toà án khác, gửi báo cáo về Vụ Pháp chế và Quản lý khoa học Toà án nhân dân tối cao, trong đó đánh giá thực tiễn xét xử và pháp luật liên quan đến đề xuất lựa chọn án lệ; nêu rõ bản án, quyết định có chứa đựng nội dung đề xuất lựa chọn phát triển thành án lệ; nội dung đề xuất lựa chọn làm án lệ (kèm theo bản án, quyết định được đề xuất);
d) Cá nhân, cơ quan, tổ chức có thể gửi đề xuất lựa chọn các bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật của Toà án đáp ứng các tiêu chí hướng dẫn tại Điều 2 của Nghị quyết này cho Toà án nhân dân tối cao (thông qua Vụ Pháp chế và Quản lý khoa học) để phát triển thành án lệ.
2. Việc tổ chức rà soát, phát hiện bản án, quyết định để đề xuất phát triển thành án lệ của các Toà án được tiến hành theo định kỳ 06 tháng.
Điều 4. Lấy ý kiến đối với bản án, quyết định được đề xuất lựa chọn, phát triển thành án lệ
1. Ngay sau khi nhận được báo cáo kèm theo các bản án, quyết định được đề xuất lựa chọn để phát triển thành án lệ theo hướng dẫn tại khoản 1 Điều 3 của Nghị quyết này, Vụ Pháp chế và Quản lý khoa học Toà án nhân dân tối cao tiến hành đăng các bản án, quyết định được đề xuất, nội dung đề xuất lựa chọn làm án lệ trên Tạp chí Tòa án nhân dân, Cổng thông tin điện tử Tòa án nhân dân tối cao để các cơ quan, tổ chức và cá nhân tham gia ý kiến trong thời hạn 02 tháng. Trường hợp cần thiết có thể tổ chức Hội thảo lấy ý kiến của các đại biểu Quốc hội, các chuyên gia, nhà khoa học, các nhà hoạt động thực tiễn, các cơ quan, tổ chức hữu quan.
2. Trong thời hạn 01 tháng kể từ ngày hết thời hạn lấy ý kiến theo hướng dẫn tại khoản 1 Điều này, Vụ Pháp chế và Quản lý khoa học Tòa án nhân dân tối cao chủ trì phối hợp với các đơn vị chức năng của Toà án nhân dân tối cao tập hợp các ý kiến góp ý; tổ chức nghiên cứu, đánh giá những nội dung trong bản án, quyết định được đề xuất lựa chọn làm án lệ, các ý kiến góp ý của cơ quan, tổ chức, cá nhân và báo cáo Chánh án Toà án nhân dân tối cao xem xét, quyết định việc lấy ý kiến của Hội đồng tư vấn án lệ.
Điều 5. Hội đồng tư vấn án lệ
1. Hội đồng tư vấn án lệ do Chánh án Toà án nhân dân tối cao thành lập theo đề nghị của Vụ Pháp chế và Quản lý khoa học gồm có ít nhất 09 thành viên. Chủ tịch Hội đồng là Chủ tịch Hội đồng khoa học Toà án nhân dân tối cao, 01 Phó Chủ tịch Hội đồng là Phó Chủ tịch Hội đồng khoa học Toà án nhân dân tối cao, 01 Thư ký Hội đồng là đại diện lãnh đạo Vụ Pháp chế và Quản lý khoa học Toà án nhân dân tối cao và các thành viên là đại diện Bộ Tư pháp, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Liên đoàn luật sư Việt Nam, các chuyên gia, nhà khoa học đầu ngành về pháp luật và đại diện các cơ quan, tổ chức hữu quan.
Trường hợp tư vấn án lệ về hình sự thì thành phần của Hội đồng tư vấn án lệ phải có đại diện Bộ Công an.
2. Hội đồng tư vấn án lệ có trách nhiệm thảo luận, cho ý kiến đối với các nội dung của bản án, quyết định được đề xuất lựa chọn làm án lệ.
3. Sau khi Hội đồng tư vấn án lệ được thành lập, Vụ Pháp chế và Quản lý khoa học gửi hồ sơ đề nghị tư vấn án lệ tới các thành viên của Hội đồng tư vấn án lệ.
Hồ sơ đề nghị tư vấn án lệ gồm có: Văn bản đề nghị tư vấn của Toà án nhân dân tối cao; Báo cáo kết quả nghiên cứu, đánh giá về các nội dung của bản án, quyết định được đề xuất lựa chọn làm án lệ của Vụ Pháp chế và Quản lý khoa học Toà án nhân dân tối cao; Bản tổng hợp ý kiến góp ý đối với các nội dung của bản án, quyết định được đề xuất lựa chọn làm án lệ; các bản án, quyết định được đề xuất phát triển thành án lệ.
4. Trong thời hạn 15 ngày, kể từ ngày nhận được hồ sơ đề nghị tư vấn, Chủ tịch Hội đồng tư vấn án lệ tổ chức phiên họp để thảo luận, cho ý kiến về các nội dung của bản án, quyết định được đề xuất lựa chọn làm án lệ và báo cáo Chánh án Toà án nhân dân tối cao kết quả phiên họp tư vấn (kèm theo hồ sơ đề nghị tư vấn án lệ).
Điều 6. Thông qua án lệ
1. Trên cơ sở Báo cáo của Hội đồng tư vấn án lệ, Chánh án Toà án nhân dân tối cao tổ chức phiên họp toàn thể Hội đồng Thẩm phán Toà án nhân dân tối cao để thảo luận và biểu quyết thông qua án lệ.
2. Phiên họp của Hội đồng Thẩm phán Toà án nhân dân tối cao phải có ít nhất 2/3 tổng số thành viên tham gia; quyết định của Hội đồng Thẩm phán Toà án nhân dân tối cao phải được quá nửa tổng số thành viên Hội đồng Thẩm phán biểu quyết tán thành.
3. Kết quả biểu quyết thông qua án lệ phải được ghi vào biên bản phiên họp của Hội đồng Thẩm phán và là căn cứ để Chánh án Tòa án nhân dân tối cao công bố án lệ.
Điều 7. Công bố án lệ
1. Sau khi Hội đồng Thẩm phán Toà án nhân dân tối cao thông qua án lệ, Chánh án Toà án nhân dân tối cao công bố án lệ.
2. Án lệ được công bố phải bao gồm những nội dung sau:
a) Tên của vụ việc được Toà án giải quyết;
b) Số bản án, quyết định của Toà án có chứa đựng án lệ;
c) Từ khoá về những vấn đề pháp lý được giải quyết trong án lệ;
d) Các tình tiết trong vụ án và phán quyết của Toà án có liên quan đến án lệ;
đ) Vấn đề pháp lý có giá trị hướng dẫn xét xử được giải quyết trong án lệ.
3. Án lệ được đăng trên Tạp chí Toà án nhân dân, Cổng thông tin điện tử Tòa án nhân dân tối cao; được gửi cho các Toà án và được đưa vào Tuyển tập án lệ xuất bản theo định kỳ 12 tháng.
Điều 8. Nguyên tắc áp dụng án lệ trong xét xử
1. Án lệ được nghiên cứu, áp dụng trong xét xử sau 45 ngày kể từ ngày công bố hoặc được ghi trong quyết định công bố án lệ của Chánh án Toà án nhân dân tối cao.
2. Khi xét xử, Thẩm phán, Hội thẩm phải nghiên cứu, áp dụng án lệ để giải quyết các vụ việc tương tự, bảo đảm những vụ việc có tình tiết, sự kiện pháp lý giống nhau phải được giải quyết như nhau. Trường hợp áp dụng án lệ thì số bản án, quyết định của Toà án có chứa đựng án lệ, tính chất, tình tiết vụ việc tương tự được nêu trong án lệ và tính chất, tình tiết vụ việc đang được giải quyết, vấn đề pháp lý trong án lệ phải được viện dẫn, phân tích, làm rõ trong bản án, quyết định của Toà án; trường hợp không áp dụng án lệ thì phải phân tích, lập luận, nêu rõ lý do trong bản án, quyết định của Toà án.
3. Trường hợp do có sự thay đổi của Luật, Nghị quyết của Quốc hội, Pháp lệnh, Nghị quyết của Uỷ ban thường vụ Quốc hội, Nghị định của Chính phủ mà án lệ không còn phù hợp thì Thẩm phán, Hội thẩm không áp dụng án lệ.
4. Trường hợp do chuyển biến tình hình mà án lệ không còn phù hợp thì Thẩm phán, Hội thẩm không áp dụng án lệ, đồng thời phải kiến nghị ngay với Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao (thông qua Vụ Pháp chế và Quản lý khoa học) để xem xét hủy bỏ theo hướng dẫn tại các khoản 2, 3, 4 và 5 Điều 9 Nghị quyết này.
Điều 9. Huỷ bỏ, thay thế án lệ
1. Trường hợp do sự thay đổi của Luật, Nghị quyết của Quốc hội, Pháp lệnh, Nghị quyết của Uỷ ban thường vụ Quốc hội, Nghị định của Chính phủ mà án lệ không còn phù hợp thì án lệ đương nhiên bị hủy bỏ.
2. Trường hợp do chuyển biến tình hình mà án lệ không còn phù hợp nhưng chưa có quy định mới của pháp luật thì Hội đồng Thẩm phán Toà án nhân dân tối cao có trách nhiệm xem xét huỷ bỏ án lệ.
Những người có thẩm quyền rà soát, phát hiện bản án, quyết định để đề xuất phát triển thành án lệ hướng dẫn tại khoản 1 Điều 3 Nghị quyết này có quyền kiến nghị với Hội đồng Thẩm phán Toà án nhân dân tối cao (thông qua Vụ Pháp chế và Quản lý khoa học) xem xét huỷ bỏ, thay thế án lệ.
3. Trường hợp Hội đồng xét xử không áp dụng án lệ và có phân tích, lập luận nêu rõ lý do trong bản án, quyết định thì ngay sau khi tuyên án phải gửi kiến nghị thay thế án lệ về Tòa án nhân dân tối cao (thông qua Vụ Pháp chế và Quản lý khoa học) kèm theo bản án, quyết định đó.
4. Ngay sau khi nhận được kiến nghị xem xét huỷ bỏ, thay thế án lệ theo hướng dẫn tại khoản 2 và khoản 3 Điều này, Vụ Pháp chế và Quản lý khoa học nghiên cứu, báo cáo Chánh án Toà án nhân dân tối cao để tổ chức phiên họp toàn thể Hội đồng Thẩm phán Toà án nhân dân tối cao xem xét việc huỷ bỏ, thay thế án lệ.
5. Hội đồng Thẩm phán Toà án nhân dân tối cao họp biểu quyết thông qua việc huỷ bỏ, thay thế án lệ đối với trường hợp nêu tại khoản 2 và khoản 3 Điều này theo nguyên tắc hướng dẫn tại khoản 2 Điều 6 của Nghị quyết này.
Trên cơ sở kết quả biểu quyết của Hội đồng Thẩm phán Toà án nhân dân tối cao, Chánh án Toà án nhân dân tối cao công bố việc huỷ bỏ, thay thế án lệ, trong đó xác định rõ thời điểm án lệ bị hủy bỏ, thay thế.
Quyết định huỷ bỏ hoặc thay thế án lệ phải được đăng trên Tạp chí Toà án nhân dân, Cổng thông tin điện tử của Toà án nhân dân tối cao và gửi đến các Toà án.
Điều 10. Hiệu lực thi hành
1. Nghị quyết này đã được Hội đồng Thẩm phán Toà án nhân dân tối cao thông qua ngày 19 tháng 10 năm 2015 và có hiệu lực thi hành kể từ ngày 16 tháng 12 năm 2015.
2. Trong quá trình thực hiện nếu có vướng mắc cần phải giải thích hoặc hướng dẫn bổ sung thì đề nghị phản ánh cho Toà án nhân dân tối cao để có sự giải thích hoặc hướng dẫn bổ sung kịp thời.
Nơi nhận:
- Uỷ ban thường vụ Quốc hội; (để giám sát)
- Uỷ ban pháp luật của Quốc hội; (để giám sát)
- Uỷ ban tư pháp của Quốc hội; (để giám sát)
- Văn phòng Trung ương Đảng; (để báo cáo)
- Văn phòng Chủ tịch nước; (để báo cáo)
- Văn phòng Chính phủ 02 bản (để đăng Công báo);
- Viện kiểm sát nhân dân tối cao; (để phối hợp)
- Bộ Tư pháp; (để phối hợp)
- Bộ Công an; (để phối hợp)
- Các TAND và TAQS các cấp; (để thực hiện)
- Các Thẩm phán và các đơn vị TANDTC; (để thực hiện)
- Lưu: VT (TANDTC, Vụ PC&QLKH).
|
TM. HỘI ĐỒNG THẨM PHÁN
CHÁNH ÁN
Trương Hoà Bình
|
Mẫu Biên bản phiên họp lựa chọn, thông qua án lệ
(ban hành kèm theo Nghị quyết số 03/2015/NQ-HĐTP ngày 28 tháng 10 năm 2015 của Hội đồng Thẩm phán Toà án nhân dân tối cao)
HỘI ĐỒNG THẨM PHÁN
TÒA ÁN NHÂN DÂN TỐI CAO
--------
|
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
|
Hà Nội, ngày tháng năm 201...
|
BIÊN BẢN PHIÊN HỌP
Lựa chọn, thông qua án lệ
- Căn cứ Điều 22 Luật tổ chức Toà án nhân dân năm 2014;
- Căn cứ Nghị quyết số 03/2015/NQ-HĐTP ngày 28 tháng 10 năm 2015 của Hội đồng Thẩm phán Toà án nhân dân tối cao về quy trình lựa chọn, công bố và áp dụng án lệ;
Ngày... tháng... năm...(1), Hội đồng Thẩm phán Toà án nhân dân tối cao tổ chức phiên họp để lựa chọn, thông qua án lệ.
I. Thành phần tham gia phiên họp:
- Tham gia phiên họp có ...(2) thành viên Hội đồng Thẩm phán Toà án nhân dân tối cao.
- Chủ trì: Đồng chí.......................................................................................
- Người ghi biên bản:...................................................................................
II. Nội dung phiên họp:(3)
.....................................................................................................................
.....................................................................................................................
.....................................................................................................................
III. Kết quả biểu quyết thông qua án lệ:(4)
Sau khi thảo luận, Hội đồng Thẩm phán đã tiến hành biểu quyết; kết quả như sau:
- Số thành viên đồng ý thông qua án lệ:...............................................
- Số thành viên không đồng ý thông qua án lệ:....................................
- Ý kiến khác:...............................................................................................
Phiên họp kết thúc lúc.... giờ... ngày... tháng... năm...
CHỦ TRÌ
|
NGƯỜI GHI BIÊN BẢN
|
--------------------------------
(1) Ghi ngày, tháng, năm Hội đồng Thẩm phán tổ chức phiên họp.
(2) Ghi số thành viên Hội đồng Thẩm phán Toà án nhân dân tối cao tham gia phiên họp.
(3) Ghi nội dung phát biểu, thảo luận tại phiên họp.
(4) Kết quả biểu quyết thông qua đối với từng án lệ.
Mẫu Quyết định về việc công bố án lệ
(ban hành kèm theo Nghị quyết số 03/2015/NQ-HĐTP ngày 28 tháng 10 năm 2015 của Hội đồng Thẩm phán Toà án nhân dân tối cao)
TÒA ÁN NHÂN DÂN TỐI CAO
--------
|
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số: /QĐ-CA
|
Hà Nội, ngày tháng năm 201...
|
QUYẾT ĐỊNH
Về việc công bố án lệ
CHÁNH ÁN TOÀ ÁN NHÂN DÂN TỐI CAO
- Căn cứ Điều 27 Luật tổ chức Toà án nhân dân năm 2014;
- Căn cứ Nghị quyết số 03/2015/NQ-HĐTP ngày 28 tháng 10 năm 2015 của Hội đồng Thẩm phán Toà án nhân dân tối cao về quy trình lựa chọn, công bố và áp dụng án lệ;
- Căn cứ kết quả lựa chọn và biểu quyết thông qua án lệ của Hội đồng Thẩm phán Toà án nhân dân tối cao tại Biên bản phiên họp ngày... tháng... năm....,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Công bố...(1) án lệ đã được Hội đồng Thẩm phán Toà án nhân dân tối cao thông qua (có án lệ kèm theo).
Điều 2. Các Tòa án nhân dân và Toà án quân sự có trách nhiệm nghiên cứu, áp dụng các án lệ trong xét xử kể từ ngày ...................(6).
Điều 3. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký.
--------------------------------
(1) Ghi số lượng án lệ được thông qua.
(6) Được tính theo hướng dẫn tại khoản 1 Điều 8 Nghị quyết.
Mẫu Quyết định về việc huỷ bỏ án lệ
(Ban hành kèm theo Nghị quyết số 03/2015/NQ-HĐTP ngày 28 tháng 10 năm 2015 của Hội đồng Thẩm phán Toà án nhân dân tối cao)
TÒA ÁN NHÂN DÂN TỐI CAO
--------
|
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số: /QĐ-CA
|
Hà Nội, ngày tháng năm 201...
|
QUYẾT ĐỊNH
Về việc huỷ bỏ án lệ
CHÁNH ÁN TOÀ ÁN NHÂN DÂN TỐI CAO
- Căn cứ Điều 27 Luật tổ chức Tòa án nhân dân số 62/2014/QH13;
- Căn cứ Nghị quyết số 03/2015/NQ-HĐTP ngày 28 tháng 10 năm 2015 của Hội đồng Thẩm phán Toà án nhân dân tối cao về quy trình lựa chọn, công bố và áp dụng án lệ;
- Căn cứ kết quả thảo luận và biểu quyết thông qua việc huỷ bỏ án lệ của Hội đồng Thẩm phán Toà án nhân dân tối cao tại Biên bản phiên họp ngày ... tháng ... năm ... ,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Huỷ bỏ án lệ sau đây:(1)
.....................................................................................................................
.....................................................................................................................
.....................................................................................................................
Điều 2. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký.