• Hiệu lực: Hết hiệu lực toàn bộ
  • Ngày có hiệu lực: 01/12/2014
  • Ngày hết hiệu lực: 20/03/2020
CHÍNH PHỦ
Số: 97/2014/NĐ-CP
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
Hà Nội, ngày 17 tháng 10 năm 2014

NGHỊ ĐỊNH

Sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 78/2009/NĐ-CP

 ngày 22 tháng 9 năm 2009 của Chính phủ quy định chi tiết và

hướng dẫn thi hành Luật Quốc tịch Việt Nam

___________________

 

Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 25 tháng 12 năm 2001;

Căn cứ Luật Quốc tịch Việt Nam ngày 13 tháng 11 năm 2008;

Căn cứ Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quốc tịch Việt Nam ngày 24 tháng 6 năm 2014;

Theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Tư pháp,

Chính phủ ban hành Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 78/2009/NĐ-CP ngày 22 tháng 9 năm 2009 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật Quốc tịch Việt Nam.

Điều 1. Sửa đổi, bổ sung các Điều 4, 18, 19, 20 và Khoản 2 Điều 30 của Nghị định số 78/2009/NĐ-CP ngày 22 tháng 9 năm 2009 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật Quốc tịch Việt Nam.

1. Sửa đổi, bổ sung Điều 4 như sau:

“Điều 4. Lệ phí giải quyết các việc về quốc tịch

1. Người xin nhập, xin trở lại, xin thôi quốc tịch Việt Nam, đăng ký để được xác định có quốc tịch Việt Nam và cấp hộ chiếu Việt Nam phải nộp lệ phí, trừ trường hợp quy định tại Khoản 2 Điều này.

Mức thu và chế độ thu, nộp, quản lý, sử dụng lệ phí do Bộ trưởng Bộ Tài chính quy định.

2. Các trường hợp được miễn lệ phí xin nhập, xin trở lại quốc tịch Việt Nam, yêu cầu xác định có quốc tịch Việt Nam:

a) Người có công lao đặc biệt đóng góp cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xin nhập, xin trở lại quốc tịch Việt Nam;

b) Người thuộc chuẩn nghèo theo quy định của pháp luật;

c) Người không quốc tịch xin nhập quốc tịch Việt Nam theo quy định tại Điều 22 Luật Quốc tịch Việt Nam;

d) Người yêu cầu xác định có quốc tịch Việt Nam mà không yêu cầu cấp hộ chiếu Việt Nam.

3. Cơ quan tiếp nhận hồ sơ xin nhập, xin trở lại quốc tịch Việt Nam, yêu cầu xác định có quốc tịch Việt Nam căn cứ vào quy định của Bộ Tài chính để quyết định việc miễn lệ phí cho các trường hợp quy định tại Khoản 2 Điều này”.

2. Sửa đổi, bổ sung Điều 18 như sau:

“Điều 18. Đăng ký để được xác định quốc tịch Việt Nam và cấp hộ chiếu Việt Nam

1. Người Việt Nam định cư ở nước ngoài chưa mất quốc tịch Việt Nam theo pháp luật Việt Nam trước ngày 01 tháng 7 năm 2009 mà không có giấy tờ chứng minh quốc tịch Việt Nam theo quy định tại Điều 11 của Luật Quốc tịch Việt Nam năm 2008, nếu có yêu cầu thì đăng ký với Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài để được xác định có quốc tịch Việt Nam và cấp hộ chiếu Việt Nam theo trình tự, thủ tục quy định tại Nghị định này (sau đây gọi là Người yêu cầu xác định quốc tịch).

2. Cơ quan đại diện ngoại giao, cơ quan lãnh sự hoặc cơ quan khác được ủy quyền thực hiện chức năng lãnh sự của Việt Nam ở nước ngoài (sau đây gọi là Cơ quan đại diện), nơi Người yêu cầu xác định quốc tịch đang thường trú, thực hiện tiếp nhận và giải quyết yêu cầu xác định quốc tịch và cấp hộ chiếu Việt Nam.

Trường hợp Người yêu cầu xác định quốc tịch cư trú tại quốc gia hoặc vùng lãnh thổ không có Cơ quan đại diện thì nộp hồ sơ tại Cơ quan đại diện kiêm nhiệm hoặc Cơ quan đại diện nào thuận tiện nhất.

Bộ Ngoại giao và Bộ Tư pháp đăng tải trên cổng thông tin điện tử của mình danh sách các Cơ quan đại diện quy định tại Khoản này”.

3. Sửa đổi, bổ sung Điều 19 như sau:

“Điều 19. Văn bản pháp luật và giấy tờ dùng để xác định quốc tịch Việt Nam của Người yêu cầu xác định quốc tịch

1. Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài áp dụng các văn bản pháp luật về quốc tịch Việt Nam được ban hành từ năm 1945 đến trước ngày 01 tháng 7 năm 2009 để xác định quốc tịch Việt Nam đối với Người yêu cầu xác định quốc tịch tại thời điểm đăng ký, bao gồm các văn bản sau đây:

a) Sắc lệnh số 53/SL ngày 20 tháng 10 năm 1945 quy định quốc tịch Việt Nam;

b) Sắc lệnh số 73/SL ngày 07 tháng 12 năm 1945 quy định việc nhập quốc tịch Việt Nam;

c) Sắc lệnh số 25/SL ngày 25 tháng 02 năm 1946 sửa đổi sắc lệnh số 53/SL ngày 20 tháng 10 năm 1945 quy định quốc tịch Việt Nam;

d) Sắc lệnh số 215/SL ngày 20 tháng 8 năm 1948 ấn định những quyền lợi đặc biệt cho những người ngoại quốc giúp vào cuộc kháng chiến Việt Nam;

đ) Sắc lệnh số 51/SL ngày 14 tháng 12 năm 1959 bãi bỏ Điều 5, 6 sắc lệnh số 53/SL ngày 20 tháng 10 năm 1945 quy định quốc tịch Việt Nam;

e) Nghị quyết số 1043/NQ-TVQHK6 ngày 08 tháng 02 năm 1971 của Ủy ban thường vụ Quốc hội về việc xin thôi hoặc nhập quốc tịch Việt Nam;

g) Quyết định số 268/TTg ngày 12 tháng 9 năm 1980 của Thủ tướng Chính phủ về chính sách cho thôi và cho trở lại quốc tịch Việt Nam của người Việt Nam ở nước ngoài;

h) Luật Quốc tịch Việt Nam năm 1988 và các văn bản hướng dẫn thi hành;

i) Luật Quốc tịch Việt Nam năm 1998 và các văn bản hướng dẫn thi hành;

k) Các điều ước quốc tế liên quan đến quốc tịch mà Việt Nam là thành viên.

2. Giấy tờ làm căn cứ hoặc cơ sở để xác định quốc tịch Việt Nam bao gồm:

a) Giấy tờ về hộ tịch, quốc tịch, hộ khẩu, căn cước hoặc giấy tờ khác do cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam cấp cho công dân Việt Nam qua các thời kỳ từ năm 1945 đến trước ngày 01 tháng 7 năm 2009, trong đó có ghi rõ quốc tịch Việt Nam hoặc thông tin liên quan đến quốc tịch Việt Nam.

b) Giấy tờ về hộ tịch, quốc tịch, hộ khẩu, căn cước hoặc giấy tờ khác do chế độ cũ cấp trước ngày 30 tháng 4 năm 1975 ở miền Nam Việt Nam hoặc do cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài cấp, trong đó có thông tin liên quan đến quốc tịch Việt Nam, cũng được coi là cơ sở tham khảo để xem xét, xác định quốc tịch Việt Nam.

3. Khi áp dụng các văn bản pháp luật Việt Nam về quốc tịch hoặc xem xét các giấy tờ để xác định quốc tịch Việt Nam nêu tại Khoản 1 và Khoản 2 Điều này, trong các trường hợp cụ thể, nếu có vướng mắc thì Cơ quan đại diện phản ánh về Bộ Ngoại giao để phối hợp với Bộ Tư pháp và Bộ Công an kịp thời hướng dẫn”.

4. Sửa đổi, bổ sung Điều 20 như sau:

“Điều 20. Trình tự, thủ tục đăng ký để được xác định có quốc tịch Việt Nam và cấp hộ chiếu Việt Nam

1. Người Việt Nam định cư ở nước ngoài có yêu cầu xác định quốc tịch Việt Nam và cấp hộ chiếu Việt Nam thì lập “Tờ khai đăng ký xác định quốc tịch và cấp hộ chiếu Việt Nam” theo mẫu ban hành kèm theo Nghị định này, kèm theo 4 ảnh 4 cm x 6 cm chụp chưa quá 6 tháng và bản sao của hai loại giấy tờ sau đây:

a) Một trong các giấy tờ chứng minh về nhân thân của người đó như giấy tờ tùy thân, thẻ căn cước, giấy tờ cư trú, thẻ tạm trú, giấy thông hành, giấy tờ có giá trị đi lại quốc tế hoặc giấy tờ khác có giá trị chứng minh về nhân thân;

b) Một trong các giấy tờ quy định tại Khoản 2 Điều 19 của Nghị định này.

2. Trường hợp Người yêu cầu xác định quốc tịch trực tiếp nộp hồ sơ tại Cơ quan đại diện có thẩm quyền quy định tại Khoản 2 Điều 18 của Nghị định này thì chỉ cần nộp bản sao giấy tờ quy định tại Khoản 1 Điều này và xuất trình bản chính để đối chiếu; nếu gửi hồ sơ qua đường bưu điện cho Cơ quan đại diện thì bản sao giấy tờ quy định tại Khoản 1 Điều này phải là bản sao có chứng thực.

3. Khi tiếp nhận hồ sơ, Cơ quan đại diện cấp giấy biên nhận cho Người yêu cầu xác định quốc tịch, trong đó ghi rõ địa điểm, thời gian tiếp nhận hồ sơ, giấy tờ kèm theo và thời gian trả lời kết quả; trường hợp tiếp nhận hồ sơ qua đường bưu điện, Cơ quan đại diện gửi giấy biên nhận cho người đó qua đường bưu điện.

Trong thời hạn 5 ngày làm việc, kể từ ngày tiếp nhận hồ sơ, Cơ quan đại diện nghiên cứu, so sánh, đối chiếu thông tin trong hồ sơ với thông tin trong Tờ khai. Nếu có căn cứ để xác định người đó có quốc tịch Việt Nam thì ghi vào Sổ đăng ký xác định quốc tịch Việt Nam theo mẫu ban hành kèm theo Nghị định này là người đó có quốc tịch Việt Nam. Trường hợp người đó yêu cầu cấp hộ chiếu Việt Nam, Cơ quan đại diện làm thủ tục cấp hộ chiếu Việt Nam cho họ hoặc thông báo cho họ đến Cơ quan đại diện để làm thủ tục cấp hộ chiếu Việt Nam, nếu nhận hồ sơ qua đường bưu điện.

Đối với trường hợp chỉ yêu cầu xác định có quốc tịch Việt Nam mà không yêu cầu cấp hộ chiếu Việt Nam, sau khi ghi vào sổ đăng ký là người đó có quốc tịch Việt Nam, Cơ quan đại diện cấp cho họ bản trích lục theo mẫu ban hành kèm theo Nghị định này xác nhận về việc người đó đã được xác định có quốc tịch Việt Nam, trong đó ghi rõ mục đích và thời hạn sử dụng bản trích lục.

Nếu sau này người đó có yêu cầu cấp hộ chiếu Việt Nam, Cơ quan đại diện căn cứ thông tin trong sổ đăng ký, có văn bản gửi Bộ Ngoại giao để đề nghị Bộ Tư pháp, Bộ Công an tra cứu, xác minh và cho ý kiến.

4. Trong trường hợp Cơ quan đại diện thấy chưa đủ căn cứ tin cậy để xác định quốc tịch Việt Nam thì thực hiện như sau:

a) Đối với trường hợp Người yêu cầu xác định quốc tịch sinh ra tại Việt Nam và đã có thời gian thường trú tại Việt Nam:

Cơ quan đại diện nghiên cứu, so sánh thông tin trên Tờ khai với thông tin trên giấy tờ về nhân thân và các giấy tờ khác liên quan kèm theo, nếu thấy có thông tin là cơ sở để xác minh quốc tịch Việt Nam của người đó (như: Giấy tờ có ghi họ tên Việt Nam; nơi sinh, nơi đã đăng ký hộ tịch ở Việt Nam; cơ sở giáo dục, đào tạo, cơ quan, tổ chức đã làm việc, địa chỉ đã cư trú ở Việt Nam trước khi xuất cảnh; họ tên, địa chỉ thân nhân ở Việt Nam) thì gửi văn bản kèm theo các giấy tờ đó cho Bộ Ngoại giao để đề nghị Bộ Công an, Bộ Tư pháp xác minh theo quy định tại Khoản 5 Điều này.

Sau khi nhận được kết quả xác minh và thấy có căn cứ xác định quốc tịch Việt Nam, Cơ quan đại diện ghi vào sổ đăng ký là người đó có quốc tịch Việt Nam; việc cấp hộ chiếu hoặc cấp trích lục về việc người đó đã được xác định có quốc tịch Việt Nam được thực hiện theo quy định tại Khoản 3 Điều này.

Trường hợp cơ quan trong nước không có căn cứ để xác định quốc tịch thì Cơ quan đại diện trả lời bằng văn bản cho Người yêu cầu xác định quốc tịch biết là không có căn cứ để xác định quốc tịch Việt Nam của người đó.

b) Đối với trường hợp Người yêu cầu xác định quốc tịch sinh ra ở nước ngoài và chưa bao giờ thường trú tại Việt Nam:

Cơ quan đại diện nghiên cứu các giấy tờ về nhân thân và các giấy tờ khác liên quan kèm theo, nếu có những thông tin là cơ sở để xác minh quốc tịch Việt Nam của người đó thì tiến hành phỏng vấn, kiểm tra hoặc xác minh để làm rõ. Căn cứ vào hồ sơ và kết quả phỏng vấn, xác minh, nếu có căn cứ xác định quốc tịch Việt Nam, Cơ quan đại diện ghi vào sổ đăng ký là người đăng ký có quốc tịch Việt Nam; việc cấp hộ chiếu hoặc cấp trích lục về việc người đó đã được xác định có quốc tịch Việt Nam được thực hiện theo quy định tại Khoản 3 Điều này.

Trường hợp không có căn cứ để xác định quốc tịch Việt Nam, Cơ quan đại diện trả lời bằng văn bản cho Người yêu cầu xác định quốc tịch biết là không có căn cứ để xác định quốc tịch Việt Nam của người đó.

5. Trong thời hạn 5 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được yêu cầu xác minh quốc tịch theo quy định tại Điểm a Khoản 4 Điều này, Bộ Ngoại giao gửi văn bản cho Bộ Công an hoặc Bộ Tư pháp đề nghị xác minh, tra cứu.

6. Trong thời hạn 45 ngày, kể từ ngày nhận được văn bản đề nghị, Bộ Công an, Bộ Tư pháp thực hiện việc xác minh, tra cứu và trả lời kết quả cho Bộ Ngoại giao.

Sau khi nhận được văn bản trả lời của Bộ Công an, Bộ Tư pháp về kết quả xác minh, tra cứu, Bộ Ngoại giao thông báo bằng văn bản kết quả xác minh, tra cứu cho Cơ quan đại diện để hoàn tất việc xác định có hay không có quốc tịch Việt Nam”.

5. Sửa đổi, bổ sung Khoản 2 Điều 30 như sau:

“Điều 30. Trách nhiệm của Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài

... 2. Tiếp nhận và giải quyết yêu cầu đăng ký để được xác định có quốc tịch Việt Nam và cấp hộ chiếu Việt Nam cho người Việt Nam định cư ở nước ngoài”.

Điều 2. Bãi bỏ Khoản 12 Điều 26, Khoản 6 và Khoản 7 Điều 27, Khoản 6 và Khoản 7 Điều 30 của Nghị định số 78/2009/NĐ-CP ngày 22 tháng 9 năm 2009 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Quốc tịch Việt Nam.

Điều 3. Hiệu lực thi hành

1. Nghị định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01 tháng 12 năm 2014.

2. Bộ trưởng Bộ Tư pháp, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao và Bộ trưởng Bộ Công an có trách nhiệm phối hợp trong việc tổ chức triển khai thi hành Nghị định này.

3. Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm thi hành Nghị định này./.

 

TM. CHÍNH PHỦ

Thủ tướng

(Đã ký)

 

Nguyễn Tấn Dũng

Tải file đính kèm
 
This div, which you should delete, represents the content area that your Page Layouts and pages will fill. Design your Master Page around this content placeholder.