THÔNG TƯ
Quy định mẫu giấy tờ liên quan đến việc nhập cảnh, xuất cảnh,
cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam
__________________
Căn cứ Luật nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam;
Căn cứ Nghị định số 106/2014/NĐ-CP ngày 17/11/2014 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Công an;
Theo đề nghị của Tổng cục trưởng Tổng cục An ninh,
Bộ trưởng Bộ Công an ban hành Thông tư quy định mẫu giấy tờ liên quan đến việc nhập cảnh, xuất cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam.
Điều 1. Phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng
1. Thông tư này quy định, hướng dẫn sử dụng và quản lý các loại mẫu giấy tờ liên quan đến việc nhập cảnh, xuất cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam theo quy định tại Luật nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam.
2. Thông tư này áp dụng đối với người nước ngoài nhập cảnh, xuất cảnh, cư trú tại Việt Nam và cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan.
Điều 2. Mẫu giấy tờ dùng cho cơ quan, tổ chức và cá nhân mời, bảo lãnh người nước ngoài nhập cảnh, xuất cảnh, cư trú tại Việt Nam
1. Tờ khai đề nghị cấp thị thực Việt Nam (NA1).
2. Công văn đề nghị xét duyệt, kiểm tra nhân sự người nước ngoài nhập cảnh (NA2).
3. Đơn bảo lãnh cho thân nhân là người nước ngoài nhập cảnh (NA3),
4. Phiếu yêu cầu điện báo (NA4).
5. Tờ khai đề nghị cấp thị thực, gia hạn tạm trú (NA5).
6. Công văn đề nghị cấp thẻ tạm trú (NA6).
7. Đơn bảo lãnh cấp thẻ tạm trú (NA7).
8. Tờ khai đề nghị cấp thẻ tạm trú cho người nước ngoài (NA8).
9. Tờ khai đề nghị cấp, cấp lại giấy miễn thị thực (NA9).
10. Danh sách người đề nghị cấp giấy miễn thị thực (NA10).
11. Giấy bảo lãnh cho người nước ngoài thường trú tại Việt Nam (NA11).
12. Đơn xin thường trú (NA12).
13. Tờ khai cấp đổi, cấp lại thẻ thường trú (NA13).
14. Công văn đề nghị cấp giấy phép vào khu vực cấm, khu vực biên giới (NA14).
15. Đơn xin phép cho thân nhân vào khu vực cấm, khu vực biên giới (NA15).
16. Văn bản giới thiệu con dấu, chữ ký của người có thẩm quyền của tổ chức (NA16).
17. Phiếu khai báo tạm trú của người nước ngoài (NA17).
18. Danh sách người nước ngoài khai báo tạm trú (NA18).
Điều 3. Mẫu giấy tờ dùng cho cơ quan quản lý xuất nhập cảnh
1. Công văn trả lời đề nghị xét duyệt nhân sự người nước ngoài nhập cảnh (NB1).
2. Công văn trả lời đề nghị kiểm tra nhân sự người nước ngoài nhập cảnh (NB2).
3. Công văn trả lời đề nghị cấp thị thực tại cửa khẩu quốc tế (NB3).
4. Bản FAX thông báo cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài cấp thị thực cho khách (NB4).
5. Công văn trả lời nhân sự người đề nghị cấp giấy miễn thị thực (NB5).
6. Giấy báo tin về việc người nước ngoài xin thường trú (NB6).
7. Giấy biên nhận hồ sơ liên quan đến việc nhập cảnh, xuất cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam (NB7).
Điều 4. Mẫu giấy tờ cấp cho người nước ngoài nhập cảnh, xuất cảnh, cư trú Việt Nam
1. Thị thực dán (NC1).
2. Thị thực rời (NC2).
3. Thẻ tạm trú loại dán (NC3A).
4. Thẻ tạm trú loại rời (NC3B, NC3C).
5. Giấy miễn thị thực loại dán (NC4).
6. Giấy miễn thị thực loại rời (NC5).
7. Dấu kiểm chứng nhập cảnh, xuất cảnh (NC6).
8. Dấu chứng nhận tạm trú (NC7).
9. Dấu gia hạn tạm trú (NC8).
10. Thẻ thường trú (NC9).
11. Giấy phép vào khu vực cấm, khu vực biên giới (NC10).
12. Biên bản tạm hoãn xuất cảnh/buộc xuất cảnh/chưa cho nhập cảnh (NC11).
13. Quyết định buộc xuất cảnh (NC12).
Điều 5. In, sử dụng và quản lý các loại mẫu giấy tờ
1. Đối với ấn phẩm trắng (thị thực, thẻ tạm trú, thẻ thường trú, giấy miễn thị thực):
a. Cục Quản lý xuất nhập cảnh có trách nhiệm hợp đồng với đơn vị nghiên cứu, sản xuất tài liệu kỹ thuật nghiệp vụ của Tổng cục Hậu cần, kỹ thuật Bộ Công an để sản xuất ấn phẩm trắng cung ứng kịp thời yêu cầu của các cơ quan có thẩm quyền cấp thị thực, thẻ tạm trú, thẻ thường trú, giấy miễn thị thực.
b. Các cơ quan có thẩm quyền cấp thị thực, thẻ tạm trú, thẻ thường trú, giấy miễn thị thực phải quản lý ấn phẩm trắng theo chế độ mật; cấp đúng quy định, đúng đối tượng.
c. Trước ngày 15/11 hàng năm, các cơ quan có thẩm quyền cấp thị thực, thẻ tạm trú, thẻ thường trú, giấy miễn thị thực phải dự trù và đăng ký với Cục Quản lý xuất nhập cảnh số lượng ấn phẩm trắng cần sử dụng cho năm tiếp theo. Cách đăng ký như sau: các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài và các cơ quan của Bộ Ngoại giao đăng ký qua Cục Lãnh sự - Bộ Ngoại giao; các đơn vị kiểm soát xuất nhập cảnh tại cửa khẩu quốc tế thuộc Bộ Quốc phòng quản lý đăng ký qua Cục Cửa khẩu, Bộ Tư lệnh Bộ đội biên phòng; Phòng Quản lý xuất nhập cảnh Công an tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đăng ký trực tiếp với Cục Quản lý xuất nhập cảnh.
2. Đối với các mẫu giấy tờ dùng cho cơ quan quản lý xuất nhập cảnh nêu tại Điều 3 của Thông tư này khi sử dụng phải in trên khổ giấy A4 và không được thay đổi nội dung của mẫu.
3. Đối với các mẫu giấy tờ dùng cho cơ quan, tổ chức, cá nhân nêu tại Điều 2 Thông tư này, cơ quan, tổ chức, cá nhân có thể truy cập, in sử dụng các mẫu giấy tờ trên mạng thông tin điện tử của cơ quan quản lý xuất nhập cảnh, cơ quan có thẩm quyền cấp thị thực của Việt Nam ở nước ngoài. Khi sử dụng mẫu, không được thêm, bớt và phải điền đầy đủ các nội dung được quy định trong mẫu.
Điều 6. Hiệu lực thi hành
1. Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 25 tháng 02 năm 2015.
Thông tư này thay thế: Điều 1 Thông tư số 01/2012/TTLT/BCA-BNG ngày 03/01/2012 sửa đổi, bổ sung Thông tư liên tịch số 04/2002/TTLT ngày 29/01/2012 và Thông tư liên tịch số 05/2009/TTLT/BCA-BNG ngày 12/05/2009 của Bộ Công an - Bộ Ngoại giao trong lĩnh vực xuất nhập cảnh; Điều 2 Thông tư số 02/2012/TT-BCA ngày 05/01/2013 về việc ban hành, hướng dẫn sử dụng và quản lý các loại mẫu giấy tờ liên quan đến công tác quản lý xuất nhập cảnh; Thông tư số 25/2013/TT-BCA ngày 12/06/2014 sửa đổi, bổ sung Điều 2 của Thông tư số 02/2012/TT-BCA ngày 05/01/2013 về việc ban hành hướng dẫn sử dụng và quản lý các loại mẫu giấy tờ liên quan đến công tác quản lý xuất nhập cảnh.
2. Giấy tờ có giá trị nhập cảnh, xuất cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam được cấp trước ngày Thông tư này có hiệu lực còn thời hạn được tiếp tục sử dụng cho đến khi hết hạn ghi trong giấy tờ đó.
Điều 7. Trách nhiệm thi hành
1. Tổng cục An ninh có trách nhiệm chủ trì, phối hợp với Công an các đơn vị, địa phương và các đơn vị khác có liên quan tổ chức thực hiện và hướng dẫn, kiểm tra việc thực hiện Thông tư này.
2. Các Tổng cục trưởng, Thủ trưởng đơn vị trực thuộc Bộ, Giám đốc Công an, Cảnh sát phòng cháy và chữa cháy tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm thi hành Thông tư này.
Trong quá trình thực hiện Thông tư, nếu có vướng mắc, Công an các đơn vị, địa phương báo cáo về Bộ (qua Cục Quản lý xuất nhập cảnh - Tổng cục An ninh) để có hướng dẫn kịp thời./.