THÔNG TƯ
Hướng dẫn thực hiện Quyết định số 1776/QĐ-TTg ngày 21 tháng 11 năm 2012 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt “Chương trình bố trí dân cư các vùng: thiên tai, đặc biệt khó khăn, biên giới, hải đảo, di cư tự do, khu rừng đặc dụng giai đoạn 2013-2015 và định hướng đến năm 2020”
Căn cứ Nghị định 199/2013/NĐ-CP ngày 26 tháng 11 năm 2013 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn;
Căn cứ Quyết định số 1776/QĐ-TTg ngày 21 tháng 11 năm 2012 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt “Chương trình bố trí dân cư các vùng: thiên tai, đặc biệt khó khăn, biên giới, hải đảo, di cư tự do, khu rừng đặc dụng giai đoạn 2013-2015 và định hướng đến năm 2020”;
Theo đề nghị của Cục trưởng Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn;
Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành Thông tư hướng dẫn thực hiện Quyết định số 1776/QĐ-TTg ngày 21 tháng 11 năm 2012 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt “Chương trình bố trí dân cư các vùng: thiên tai, đặc biệt khó khăn, biên giới, hải đảo, di cư tự do, khu rừng đặc dụng giai đoạn 2013-2015 và định hướng đến năm 2020”.
Chương I
NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Phạm vi điều chỉnh
Thông tư này hướng dẫn thực hiện lập quy hoạch, dự án đầu tư, kế hoạch bố trí ổn định dân cư và cơ chế, chính sách quy định tại Quyết định số 1776/QĐ-TTg ngày 21 tháng 11 năm 2012 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt “Chương trình bố trí dân cư các vùng: thiên tai, đặc biệt khó khăn, biên giới, hải đảo, di cư tự do, khu rừng đặc dụng giai đoạn 2013-2015 và định hướng đến năm 2020” (sau đây gọi tắt là Chương trình bố trí dân cư).
Điều 2. Đối tượng áp dụng
Thông tư này áp dụng đối với tổ chức, cá nhân trong nước có liên quan đến công tác bố trí ổn định dân cư theo đối tượng quy định tại điểm b khoản 2 Điều 1 Quyết định số 1776/QĐ-TTg ngày 21 tháng 11 năm 2012 của Thủ tướng Chính phủ.
Điều 3. Giải thích từ ngữ và tiêu chí lựa chọn vùng bố trí dân cư
1. Vùng thiên tai (theo quy định tại Điều 3 Luật Phòng, chống thiên tai số 33/2013/QH13): là vùng có hiện tượng tự nhiên bất thường có thể gây thiệt hại về người, tài sản, môi trường, điều kiện sống và các hoạt động kinh tế xã hội bao gồm: sạt lở đất bờ sông, bờ biển, lũ, lụt, lũ quét, lũ ống, sạt lở đất núi, sụt lún đất, ngập lụt, xâm nhập mặn, nước biển dâng, tố, lốc, động đất, sóng thần và các loại thiên tai khác.
2. Vùng đặc biệt khó khăn về đời sống: là vùng có tỷ lệ hộ nghèo cao, thiếu đất sản xuất, thiếu nước sản xuất, thiếu nước sinh hoạt, thiếu cơ sở hạ tầng, ô nhiễm môi trường, tác động phóng xạ; làng chài trên sông nước, đầm phá không có điều kiện hỗ trợ đầu tư để phát triển kinh tế, xã hội, cải thiện đời sống, phải bố trí tái định cư nơi khác.
Tiêu chí xác định vùng đặc biệt khó khăn:
a) Tỷ lệ hộ nghèo từ 55% và cận nghèo từ 25% trở lên;
b) Thiếu đất sản xuất:
- Vùng đồng bằng: có trên 50% số hộ nông nghiệp có bình quân diện tích đất sản xuất nông nghiệp thấp hơn mức bình quân chung của tỉnh (theo Quyết định hạn mức giao đất của tỉnh);
- Vùng trung du, miền núi và Tây Nguyên: có bình quân đất sản xuất nông nghiệp của một hộ thấp hơn 0,5 ha (đối với đất nương, rẫy) hoặc 0,25 ha (đối với đất ruộng lúa nước một vụ) hoặc 0,15 ha (đối với đất ruộng lúa nước 2 vụ).
c) Thiếu nước sản xuất: năng lực công trình tưới nước chỉ đáp ứng được 50% diện tích đất canh tác cần tưới nước của các hộ gia đình trong vùng hoặc chưa có hệ thống thuỷ lợi;
d) Thiếu nước sinh hoạt: có trên 30% số hộ gia đình chưa có hệ thống nước sinh hoạt hợp vệ sinh mà không thể khắc phục được hoặc chưa được sử dụng nước sạch đạt tiêu chuẩn quy định tại Thông tư số 05/2009/TT-BYT ngày 17 tháng 6 năm 2009 của Bộ Y tế với số lượng 60 lít nước/người/ngày;
đ) Thiếu cơ sở hạ tầng: chưa có hoặc thiếu 6/10 loại công trình kết cấu hạ tầng thiết yếu (đường giao thông loại B đến trung tâm xã, hệ thống điện, trường học, trạm y tế, thuỷ lợi nhỏ, nước sinh hoạt, nhà văn hoá, chợ, trạm truyền thanh, trụ sở xã ) trở lên;
Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương xem xét và quyết định lựa chọn việc bố trí dân cư ở vùng đặc biệt khó khăn theo các tiêu chí trên (không ít hơn 3 trong 5 tiêu chí), phù hợp với quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế, xã hội trên địa bàn và nguồn ngân sách Nhà nước hỗ trợ hàng năm.
e) Ô nhiễm môi trường (theo quy định tại khoản 6 Điều 3 Luật Bảo vệ Môi trường số 52/2005/QH11): là sự biến đổi của các thành phần môi trường không phù hợp với tiêu chuẩn môi trường, gây ảnh hưởng xấu đến con người, sinh vật theo Quy chuẩn chất lượng quốc gia về chất lượng nước mặt (QCVN08:2008/BTNMT ban hành kèm theo Quyết định số 16/2008/QĐ-BTNMT ngày 31 tháng 12 năm 2008 của Bộ Tài nguyên và Môi trường); Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng nước ngầm (QCVN09:2008/BTNMT ban hành kèm theo Quyết định số 16/2008/QĐ-BTNMT ngày 31 tháng 12 năm 2008 của Bộ Tài nguyên và Môi trường); Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về giới hạn cho phép của kim loại nặng trong đất (QCVN03:2008/BTNMT ban hành kèm theo Quyết định số 04/2008/QĐ-BTNMT ngày 18 tháng 7 năm 2008 của Bộ Tài nguyên và Môi trường); Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng không khí xung quanh (QCVN05:2009/BTNMT ban hành kèm theo Thông tư số 16/2009/TT-BTNMT ngày 07 tháng 10 năm 2009 của Bộ Tài nguyên và Môi trường);
g) Tác động phóng xạ: là vùng có chất phóng xạ nằm trên các bề mặt, hoặc trong chất rắn, chất lỏng hoặc chất khí vượt quá mức cho phép quy định tại QCVN6:2010/BKHCN Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về an toàn bức xạ - phân nhóm và phân loại nguồn phóng xạ, ảnh hưởng xấu đến con người và sinh vật (ban hành kèm theo Thông tư số 24/2010/TT-BKHCN ngày 29 tháng 12 năm 2010 của Bộ Khoa học và Công nghệ).
3. Biên giới đất liền: bao gồm các xã, phường, thị trấn có địa giới hành chính tiếp giáp với đường biên giới quốc gia trên đất liền.
4. Thôn (bản) sát biên giới là thôn (bản) thuộc xã biên giới có địa giới hành chính tiếp giáp với đường biên giới quốc gia trên đất liền.
5. Khu rừng đặc dụng (theo quy định của Luật Bảo vệ và Phát triển rừng): Rừng đặc dụng được sử dụng chủ yếu để bảo tồn thiên nhiên, mẫu chuẩn hệ sinh thái rừng của quốc gia, nguồn gen sinh vật rừng; nghiên cứu khoa học; bảo vệ di tích lịch sử, văn hóa, danh lam thắng cảnh; phục vụ nghỉ ngơi, du lịch, kết hợp phòng hộ, góp phần bảo vệ môi trường, bao gồm: Vườn quốc gia; Khu bảo tồn thiên nhiên gồm khu dữ trữ thiên nhiên, khu bảo tồn loài - sinh cảnh; Khu bảo vệ cảnh quan gồm khu rừng di tích lịch sử, văn hóa, danh lam thắng cảnh; Khu rừng nghiên cứu, thực nghiệm khoa học.
6. Bố trí dân cư tập trung: là di chuyển các hộ gia đình, cá nhân đến điểm tái định cư tập trung thành lập điểm dân cư mới.
7. Bố trí dân cư xen ghép: là di chuyển các hộ gia đình, cá nhân xen ghép vào các điểm dân cư hiện có.
8. Bố trí ổn định tại chỗ là việc thực hiện bố trí ổn định các hộ gia đình, cá nhân tại nơi ở cũ thông qua việc hỗ trợ cơ sở hạ tầng, sản xuất theo quy định của pháp luật hiện hành.
Chương II
CÁC DỰ ÁN CỦA CHƯƠNG TRÌNH VÀ ĐỐI TƯỢNG THỰC HIỆN
Điều 4. Các dự án của chương trình
1. Chương trình bố trí dân cư giai đoạn 2013-2015 và định hướng đến năm 2020 có 4 nhiệm vụ. Nhiệm vụ của Chương trình được thực hiện bằng các dự án cụ thể quy định tại Điều 2 của Quyết định số 1776/QĐ-TTg ngày 21 tháng 11 năm 2012. Để thực hiện mục tiêu của Chương trình, trước hết trong giai đoạn từ nay đến năm 2015, cần sắp xếp thứ tự ưu tiên các dự án như sau:
a) Dự án bố trí ổn định dân cư ở vùng thiên tai;
b) Dự án bố trí ổn định dân cư ở vùng biên giới, hải đảo;
c) Dự án bố trí ổn định dân cư vùng đặc biệt khó khăn;
d) Dự án bố trí ổn định dân di cư tự do, khu rừng đặc dụng.
2. Trường hợp trên một địa bàn quy hoạch bố trí dân cư có nhiều đối tượng cần bố trí ổn định như: vùng thiên tai, đặc biệt khó khăn, di cư tự do, biên giới, hải đảo, khu rừng đặc dụng thì xây dựng Dự án kết hợp nhiều đối tượng và lấy đối tượng có số hộ nhiều nhất để gọi tên theo 1 trong 4 loại Dự án nêu trên.
Điều 5. Đối tượng thực hiện của các dự án
1. Hộ gia đình, cá nhân được bố trí ổn định theo hình thức tái định cư tập trung, xen ghép hoặc ổn định tại chỗ thuộc các vùng thiên tai, đặc biệt khó khăn, biên giới, hải đảo, di cư tự do, khu rừng đặc dụng theo quy hoạch, kế hoạch được cấp có thẩm quyền phê duyệt, bao gồm:
a) Hộ gia đình, cá nhân bị mất nhà ở, đất ở, đất sản xuất do sạt lở, lũ quét, lũ ống, sụt lún đất, tố, lốc;
b) Hộ gia đình, cá nhân sinh sống ở vùng có nguy cơ bị sạt lở đất, lũ quét, lũ ống, sụt lún đất, ngập lũ, tố, lốc, sóng thần, xâm nhập mặn, nước biển dâng;
c) Hộ gia đình, cá nhân sống ở vùng đặc biệt khó khăn về đời sống như: thiếu đất sản xuất, thiếu nước sản xuất và nước sinh hoạt, thiếu cơ sở hạ tầng, du cư trên đầm phá, các làng chài trên sông nước, tác động phóng xạ, ô nhiễm môi trường;
d) Hộ gia đình, cá nhân tự nguyện đến các vùng biên giới đất liền, khu kinh tế quốc phòng, hải đảo;
đ) Hộ gia đình, cá nhân đã di cư tự do đến các địa bàn trong cả nước không theo quy hoạch bố trí dân cư, đời sống còn khó khăn;
e) Hộ gia đình, cá nhân hiện đang sinh sống hợp pháp trong khu rừng đặc dụng cần phải bố trí ổn định lâu dài, gắn với bảo vệ và phát triển rừng.
2. Cộng đồng dân cư nơi bố trí ổn định dân cư
a) Cộng đồng dân cư vùng tiếp nhận hộ tái định cư tập trung;
b) Cộng đồng dân cư vùng tiếp nhận hộ dân xen ghép;
c) Cộng đồng dân cư vùng bố trí ổn định dân cư tại chỗ.
Chương III
LẬP QUY HOẠCH TỔNG THỂ BỐ TRÍ DÂN CƯ, DỰ ÁN ĐẦU TƯ BỐ TRÍ ỔN ĐỊNH DÂN CƯ, PHƯƠNG ÁN BỐ TRÍ ỔN ĐỊNH DÂN CƯ XEN GHÉP
VÀ KẾ HOẠCH BỐ TRÍ ỔN ĐỊNH DÂN CƯ
Điều 6. Lập quy hoạch tổng thể bố trí dân cư
1. Việc lập quy hoạch tổng thể bố trí dân cư tiến hành theo các bước sau:
a) Đối với các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chưa có quy hoạch tổng thể bố trí dân cư cần căn cứ vào quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội, quy hoạch ngành, lĩnh vực để xây dựng quy hoạch tổng thể bố trí ổn định dân cư đến năm 2020 theo các đối tượng di dân trình cấp có thẩm quyền phê duyệt;
b) Đối với các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã xây dựng, thẩm định, phê duyệt xong Quy hoạch tổng thể bố trí ổn định dân cư cần tiến hành rà soát lại mục tiêu, nội dung, hệ thống giải pháp và thẩm định, phê duyệt lại cho phù hợp với nội dung chương trình bố trí dân cư đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1776/QĐ-TTg ngày 21/11/2012;
c) Trong quá trình thực hiện quy hoạch nếu có sự thay đổi cần điều chỉnh, bổ sung cho phù hợp với thực tế của địa phương.
2. Yêu cầu chung của Quy hoạch tổng thể bố trí dân cư
a) Phù hợp với Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội, quy hoạch xây dựng nông thôn mới, quy hoạch ngành, lĩnh vực trên địa bàn tỉnh;
b) Xác định mục tiêu số hộ bố trí ổn định hợp lý, phù hợp với điều kiện thực tế, khả năng huy động nguồn vốn và tổ chức thực hiện tại địa phương trong từng giai đoạn;
c) Bảo đảm tính khoa học và kế thừa, dựa trên kết quả điều tra cơ bản, các định mức kinh tế, kỹ thuật, các tiêu chí, chỉ tiêu có liên quan để xây dựng quy hoạch;
d) Phương án Quy hoạch đề cập cụ thể về vị trí; tên điểm dân cư; nơi xây dựng khu tái định cư; quy mô số hộ bố trí ổn định theo các đối tượng di dân, các loại hình thiên tai (sạt lở đất, lũ quét, lũ ống, ngập lũ, sụt lún đất, lốc xoáy, sóng thần, xâm nhập mặn, nước biển dâng và các loại hình thiên tai khác). Đồng thời, sắp xếp thứ tự ưu tiên, trước hết là nơi bị thiên tai, có nguy cơ thiên tai; khu vực biên giới đất liền còn ít dân hoặc chưa có dân sinh sống; nơi có vị trí quan trọng về quốc phòng, an ninh; nơi đặc biệt khó khăn dễ xảy ra di cư tự do;
đ) Đề xuất được các giải pháp thực hiện Quy hoạch như: giải quyết quỹ đất đai, huy động vốn đầu tư, tổ chức phát triển sản xuất, cơ chế chính sách và các giải pháp khác.
3. Nội dung Quy hoạch tổng thể bố trí dân cư cần thể hiện
a) Sự cần thiết của Quy hoạch đối với phát triển kinh tế, xã hội, ổn định dân cư, phòng tránh thiên tai, bảo vệ môi trường, củng cố quốc phòng an ninh và xây dựng nông thôn mới;
b) Đánh giá thực trạng các điều kiện tự nhiên, kinh tế - xã hội có liên quan đến bố trí ổn định dân cư như: đất đai, nguồn nước, cơ sở hạ tầng, dân số, lao động, thành phần dân tộc, đời sống dân cư, phong tục, tập quán và các điều kiện khác;
c) Đánh giá kết quả thực hiện bố trí ổn định dân cư trên địa bàn trong giai đoạn trước; phân tích các mặt được, mặt chưa được, những khó khăn vướng mắc cần phải giải quyết để thực hiện tốt nhiệm vụ này trong giai đoạn tới;
d) Xác định nhu cầu bố trí ổn định dân cư trên địa bàn theo các đối tượng bố trí (thiên tai, đặc biệt khó khăn, biên giới, hảo đảo, di cư tự do, rừng đặc dung), trong đó số hộ cần thực hiện bố trí ổn định trong giai đoạn 2013-2015 và đến năm 2020;
đ) Quan điểm, mục tiêu chung, mục tiêu cụ thể của Quy hoạch;
e) Phương án bố trí ổn định dân cư gồm các nội dung:
- Tổng số hộ bố trí ổn định, phân theo các hình thức bố trí (tập trung, xen ghép, ổn định tại chỗ) và đối tượng bố trí (thiên tai, đặc biệt khó khăn, biên giới, hải đảo, di cư tự do, rừng đặc dụng);
- Danh mục các điểm bố trí ổn định dân cư: tên điểm (thôn, xã, huyện); quy mô số hộ; hình thức bố trí; đối tượng bố trí; địa bàn bố trí (trong xã, trong huyện, trong tỉnh, ngoài tỉnh);
- Danh mục các điểm bố trí ổn định dân cư cần ưu tiên thực hiện trước;
- Tiến độ thực hiện bố trí ổn định dân cư qua các năm.
g) Phương án xây dựng cơ sở hạ tầng các vùng tái định cư tập trung, xen ghép, ổn định tại chỗ (nêu rõ khối lượng, tiêu chuẩn xây dựng, vốn đầu tư của từng loại công trình như: giao thông, thủy lợi, nước sinh hoạt, điện sinh hoạt và các công trình phúc lợi công cộng);
h) Phương án phát triển sản xuất các vùng Quy hoạch bố trí ổn định dân cư như: bố trí đất sản xuất cho hộ; phương hướng sản xuất chính; tổ chức phát triển sản xuất;
i) Xác định các giải pháp thực hiện Quy hoạch gồm: cơ chế chính sách; giải quyết quỹ đất ở, đất sản xuất; đào tạo nguồn nhân lực; huy động vốn đầu tư; tổ chức thực hiện và các giải pháp khác;
k) Khái toán tổng mức đầu tư thực hiện Quy hoạch;
l) Tính toán hiệu quả về kinh tế, xã hội, môi trường, an ninh quốc phòng của Quy hoạch;
m) Đánh giá tác động môi trường chiến lược của Quy hoạch;
n) Kết luận và kiến nghị của địa phương.
4. Quy trình lập Quy hoạch tổng thể bố trí dân cư
a) Xây dựng đề cương nghiên cứu và dự toán kinh phí lập quy hoạch;
b) Xây dựng và lựa chọn phương án quy hoạch;
c) Lập báo cáo Quy hoạch, trình cấp có thẩm quyền thẩm định, phê duyệt;
d) Thông báo Quy hoạch sau khi được cấp có thẩm quyền phê duyệt cho các cơ quan, đơn vị có liên quan.
5. Thẩm định, phê duyệt Quy hoạch tổng thể bố trí dân cư
a) Thẩm định Quy hoạch tổng thể bố trí dân cư
- Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (sau đây gọi chung là Ủy ban nhân cấp tỉnh) thành lập Hội đồng, thẩm định Quy hoạch tổng thể bố trí dân cư trên địa bàn tỉnh; thành phần gồm các Sở, ban, ngành: Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Tài nguyên và Môi trường, Giao thông Vận tải, Lao động Thương bình và Xã hội và các ngành có liên quan khác.
- Thời gian thẩm định: sau 15 ngày kể từ ngày nhận đầy đủ hồ sơ hợp lệ đề nghị thẩm định theo quy định.
b) Hồ sơ trình thẩm định và phê duyệt Quy hoạch tổng thể bố trí dân cư bao gồm:
- Tờ trình của cấp có thẩm quyền đề nghị phê duyệt quy hoạch: nội dung tờ trình tóm tắt những nội dung chính của Báo cáo quy hoạch về phạm vi, đối tượng, mục tiêu, phương án quy hoạch và giải pháp tổ chức thực hiện;
- Báo cáo tổng hợp quy hoạch bố trí dân cư và các phụ lục kèm theo;
- Hệ thống bản đồ: gồm bản đồ hiện trạng phân bố các điểm dân cư và bản đồ quy hoạch bố trí dân cư tỉ lệ 1/100.000;
- Văn bản tham gia ý kiến nội dung quy hoạch của chính quyền các cấp thuộc phạm vi quy hoạch;
- Các văn bản pháp lý có liên quan.
c) Phê duyệt Quy hoạch tổng thể bố trí dân cư
- Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có văn bản gửi lấy ý kiến Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về mục tiêu, nội dung, danh mục vùng bố trí dân cư của Quy hoạch tổng thể bố trí dân cư;
- Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh phê duyệt Quy hoạch tổng thể bố trí dân cư trên địa bàn tỉnh và công bố Quy hoạch gửi Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các cơ quan có liên quan.
Điều 7. Lập dự án đầu tư bố trí ổn định dân cư (áp dụng đối với các dự án bố trí dân cư tập trung và bố trí ổn định dân cư tại chỗ)
1. Yêu cầu chung
a) Điểm xây dựng dự án phải nằm trong Quy hoạch tổng thể bố trí dân cư được cấp có thẩm quyền phê duyệt. Trường hợp phát sinh phải báo cáo Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có quyết định bổ sung vào quy hoạch tổng thể của địa phương;
b) Thể hiện đầy đủ các nội dung về đánh giá thực trạng điều kiện tự nhiên, kinh tế, xã hội, các hoạt động của dự án, phát triển sản xuất, xây dựng cơ sở hạ tầng và hệ thống giải pháp thực hiện theo quy định;
c) Xác định phạm vi, mục tiêu, khối lượng, tổng mức đầu tư hợp lý để hoàn thành dự án không quá 3 năm đối với dự án nhóm C và 5 năm đối với dự án nhóm B;
d) Đánh giá tác động đến môi trường của dự án.
2. Nội dung chủ yếu của dự án đầu tư bố trí ổn định dân cư
a) Sự cần thiết của dự án: về cơ sở thực tiễn (tình hình dân cư vùng thiên tai, vùng đặc biệt khó khăn, khu rừng đặc dụng, biên giới, hải đảo, vấn đề di cư tự do, an ninh quốc phòng…); cơ sở pháp lý (các Quyết định, Chỉ thị);
b) Xác định phạm vi, quy mô, đối tượng, mục tiêu của dự án;
c) Phân tích, đánh giá các điều kiện tự nhiên, kinh tế, xã hội vùng bố trí ổn định dân cư như: đất đai, nguồn nước, địa hình, khí hậu thời tiết, cơ sở hạ tầng, dân cư và đời sống dân cư, các yếu tố có liên quan đến ổn định đời sống, sản xuất của người dân;
d) Các hoạt động của dự án:
- Phương án bố trí ổn định dân cư: số hộ bố trí di chuyển đến điểm tái định cư hoặc ổn định tại chỗ, nơi xuất cư (trong xã, trong huyện, trong tỉnh, ngoài tỉnh đến), bố trí đất ở, đất sản xuất cho các hộ dân, tiến độ thực hiện bố trí ổn định qua các năm;
- Phương án phát triển sản xuất ở vùng dự án: diện tích khai hoang, phục hóa (nếu có); định hướng phát triển sản xuất của vùng;
- Phương án xây dựng kết cấu hạ tầng: giao thông, thủy lợi, nước sinh hoạt và các công trình thiết yếu khác. Việc dự kiến xây dựng cơ sở hạ tầng khu tái định cư phải trên nguyên tắc tiết kiệm vốn đầu tư, quy mô công trình hợp lý, chỉ đầu tư xây mới hoặc nâng cấp các công trình phục vụ trực tiếp cho sản xuất và ổn định dân cư trong vùng dự án.
đ) Các giải pháp thực hiện dự án, đặc biệt là giải pháp đảm bảo quỹ đất ở, đất sản xuất, huy động các nguồn vốn đầu tư, tổ chức phát triển sản xuất, hoàn thiện kết cấu hạ tầng để xây dựng điểm dân cư phù hợp quy hoạch xây dựng nông thôn mới;
e) Khái toán tổng mức đầu tư, nguồn vốn đầu tư và tiến độ thực hiện:
- Tổng mức đầu tư phân ra: chi phí xây dựng kết cấu hạ tầng, chi phí phát triển sản xuất và chi phí khác;
- Nguồn vốn đầu tư: ngân sách trung ương, ngân sách địa phương, nguồn khác;
- Tiến độ thực hiện vốn đầu tư qua các năm.
g) Đánh giá hiệu quả kinh tế, xã hội, môi trường, an ninh quốc phòng của việc đầu tư dự án bố trí ổn định dân cư.
3. Quy trình lập, thẩm định, phê duyệt dự án đầu tư bố trí ổn định dân cư
a) Ủy ban nhân dân cấp tỉnh giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn căn cứ Quy hoạch tổng thể bố trí dân cư, hướng dẫn, phối hợp với chính quyền các cấp cơ sở (huyện, xã) rà soát, lựa chọn, đề xuất danh mục dự án bố trí dân cư theo thứ tự ưu tiên; đồng thời có văn bản lấy ý kiến Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để quyết định chủ trương lập dự án đầu tư bố trí dân cư theo kế hoạch hàng năm;
b) Cơ quan được Ủy ban nhân dân cấp tỉnh giao là chủ đầu tư căn cứ vào chủ trương lập dự án được Ủy ban nhân dân cấp tỉnh phê duyệt, tiến hành lập dự án đầu tư bố trí ổn định dân cư theo nội dung hướng dẫn quy định tại Khoản 2 Điều này và các quy định chung hiện hành;
c) Ủy ban nhân dân cấp tỉnh giao Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các ngành có liên quan trong tỉnh giúp Ủy ban nhân dân cấp tỉnh tổ chức thẩm định dự án sau 15 ngày kể từ ngày nhận đầy đủ hồ sơ hợp lệ đề nghị thẩm định;
Hồ sơ dự án đề nghị thẩm định bao gồm:
- Tờ trình của chủ đầu tư gửi Ủy ban nhân dân cấp tỉnh đề nghị thẩm định dự án;
- Báo cáo thuyết minh dự án và các phụ biểu số liệu kèm theo;
- Các sơ đồ, bản vẽ về vị trí, danh giới vùng dự án; bản đồ hiện trạng, quy hoạch và thiết kế cơ sở các công trình kết cấu hạ tầng theo quy định;
- Báo cáo thuyết minh khái toán tổng mức đầu tư dự án.
d) Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có văn bản gửi lấy ý kiến Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính thẩm định phần vốn và nguồn vốn đầu tư theo quy định tại Chỉ thị số 1792/CT-TTg ngày 15 tháng 10 năm 2011 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường quản lý đầu tư từ vốn ngân sách nhà nước và vốn trái phiếu Chỉnh phủ;
đ) Ủy ban nhân dân cấp tỉnh căn cứ ý kiến của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính, có Quyết định phê duyệt dự án gửi các Bộ: Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để theo dõi, tổng hợp và bố trí kế hoạch vốn hỗ trợ đầu tư từ ngân sách trung ương hàng năm.
Điều 8. Lập phương án bố trí ổn định dân cư xen ghép
1. Yêu cầu chung
a) Địa bàn bố trí ổn định dân cư xen ghép nằm trong Quy hoạch tổng thể bố trí dân cư được cấp có thẩm quyền phê duyệt;
b) Đề cập đầy đủ các nội dung theo quy định tại khoản 2 Điều này;
c) Phạm vi của phương án bố trí ổn định dân cư xen ghép thuộc một huyện hoặc tỉnh tùy theo quy mô số hộ bố trí.
2. Nội dung chủ yếu của phương án bố trí ổn định dân cư xen ghép
a) Luận chứng về sự cần thiết;
b) Đánh giá thực trạng các điều kiện tự nhiên, kinh tế, xã hội của địa bàn dự kiến nhận dân xen ghép; phân tích tình hình dân cư, quỹ đất đai, cơ sở hạ tầng ở các khu vực có khả năng nhận dân xen ghép;
c) Đề xuất mục tiêu về bố trí ổn định dân cư, bổ sung hoàn thiện cơ sở hạ tầng, phát triển sản xuất và đời sống người dân;
d) Phương án bố trí ổn định dân cư xen ghép gồm các nội dung:
- Số hộ (khẩu) bố trí xen ghép phân theo các đối tượng bố trí như: thiên tai, đặc biệt khó khăn, biên giới, hải đảo, di cư tự do, khu rừng đặc dụng;
- Địa danh và số thôn, bản nhận dân xen ghép;
- Tiến độ thực hiện bố trí dân cư xen ghép qua các năm.
đ) Phương án bố trí đất ở, đất sản xuất cho hộ bố trí xen ghép bao gồm:
- Khai hoang, phục hóa diện tích đất chưa sử dụng (nếu có);
- Chuyển đổi mục đích sử dụng đất;
- Chuyển nhượng quyền sử dụng diện tích đất giữa hộ sở tại và hộ bố trí xen ghép đến theo quy định của pháp luật.
e) Phương án xây dựng mới hoặc nâng cấp cơ sở hạ tầng do bổ sung thêm dân đến;
g) Các giải pháp tổ chức thực hiện;
h) Khái toán tổng mức đầu tư phân theo các nguồn vốn và tiến độ thực hiện.
3. Lập, thẩm định, phê duyệt phương án bố trí ổn định dân cư xen ghép
a) Căn cứ quy hoạch tổng thể bố trí ổn định dân cư được cấp có thẩm quyền phê duyệt, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp các cấp chính quyền lập phương án bố trí ổn định dân cư xen ghép; tổ chức thẩm định sau 15 ngày kể từ ngày nhận đầy đủ hồ sơ hợp lệ đề nghị thẩm định để trình Ủy ban nhân dân cấp tỉnh phê duyệt.
b) Hồ sơ thẩm định phương án bố trí dân cư xen ghép bao gồm:
- Tờ trình của cấp có thẩm quyền gửi Ủy ban nhân dân cấp tỉnh đề nghị thẩm định phương án bố trí ổn định dân cư xen ghép;
- Báo cáo thuyết minh phương án bố trí ổn định dân cư xen ghép và các phụ biểu kèm theo.
c) Văn bản phê duyệt phương án bố trí ổn định dân cư xen ghép của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh gửi các Bộ: Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để tổng hợp, theo dõi và làm căn cứ bố trí kế hoạch hỗ trợ đầu tư hàng năm.
Điều 9. Xây dựng kế hoạch bố trí ổn định dân cư
1. Yêu cầu chung
a) Nội dung kế hoạch phải thể hiện đầy đủ, toàn diện về đánh giá tình hình thực hiện kế hoạch năm trước, danh mục dự án đầu tư trong năm kế hoạch (gồm dự án tiếp tục thực hiện và dự án khởi công mới), các chỉ tiêu về bố trí dân cư, xây dựng cơ sở hạ tầng, phát triển sản xuất, vốn đầu tư và nguồn vốn đầu tư, các giải pháp thực hiện kế hoạch;
b) Huy động lồng ghép các nguồn vốn đầu tư để thực hiện nhiệm vụ kế hoạch năm như: nguồn bổ sung có mục tiêu từ ngân sách Trung ương, vốn các chương trình, dự án hiện có, vốn ngân sách địa phương và các nguồn huy động hợp pháp khác trên địa bàn;
c) Bảo đảm đầu tư tập trung, có trọng điểm. Ưu tiên đầu tư thực hiện các dự án đang triển khai dở dang; các dự án ở vùng nguy cơ rất cao, nguy cơ cao về thiên tai; các dự án ở khu vực đặc biệt khó khăn dễ xảy ra di cư tự do và có vị trí quan trọng về quốc phòng an ninh.
2. Quy trình lập, tổng hợp và giao kế hoạch
a) Theo hướng dẫn của Bộ Kế hoạch và Đầu tư về lập kế hoạch vốn đầu tư trung hạn, kế hoạch hàng năm và hướng dẫn của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Chi cục Phát triển nông thôn) các tỉnh hướng dẫn các cấp chính quyền cơ sở xây dựng kế hoạch bố trí ổn định dân cư để tổng hợp, thống nhất với Sở Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính trình Ủy ban nhân dân cấp tỉnh tổng hợp vào kế hoạch phát triển kinh tế, xã hội chung của tỉnh; đồng thời gửi kế hoạch về Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính tổng hợp ghi thành danh mục riêng trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt;
b) Căn cứ vào mục tiêu, nhiệm vụ và dự toán ngân sách được Chính phủ giao, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh chỉ đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Chi cục Phát triển nông thôn) phối hợp với các Sở: Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính thực hiện lồng ghép các nguồn vốn trên địa bàn để lập kế hoạch phân bổ chi tiết cho các dự án bố trí dân cư trình Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định giao cho đơn vị triển khai thực hiện.
3. Nội dung kế hoạch bố trí ổn định dân cư
a) Đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch 6 tháng đầu năm và ước thực hiện kế hoạch cả năm các chỉ tiêu như: bố trí ổn định dân cư phân theo các hình thức (tập trung, xen ghép, ổn định tại chỗ), xây dựng cơ sở hạ tầng khu tái định cư như: giao thông (km), thủy lợi (công trình), trường học (phòng), trạm y tế (trạm), nước sinh hoạt (công trình hoặc giếng, bể) và các công trình thiết yếu khác; phát triển sản xuất các vùng bố trí ổn định dân cư; thực hiện vốn đầu tư (phân theo nguồn vốn đầu tư). Đánh giá mặt được và tồn tại chủ yếu.
b) Phương hướng, nhiệm vụ năm kế hoạch gồm các nội dung
- Dự báo tình hình liên quan đến việc đưa ra mục tiêu, chỉ tiêu và luận chứng các nhiệm vụ, chỉ tiêu chủ yếu của năm kế hoạch;
- Danh mục các dự án đầu tư bố trí ổn định dân cư (Áp dụng theo Phụ lục I ban hành kèm theo Thông tư này);
- Kế hoạch bố trí ổn định dân cư (Áp dụng theo Phụ lục II ban hành kèm theo Thông tư này);
- Kế hoạch xây dựng cơ cở hạ tầng tại các dự án bố trí ổn định dân cư (Áp dụng theo Phụ lục III ban hành kèm theo Thông tư này);
- Kế hoạch vốn bố trí ổn định dân cư (Áp dụng theo Phụ lục IV ban hành kèm theo Thông tư này);
- Kế hoạch phát triển sản xuất tại các dự án bố trí ổn định dân cư (Áp dụng theo Phụ lục V ban hành kèm theo Thông tư này).
c) Các giải pháp thực hiện kế hoạch.
Chương IV
CHÍNH SÁCH HỖ TRỢ, NGUỒN VỐN ĐẦU TƯ VÀ QUY TRÌNH THỰC HIỆN
BỐ TRÍ ỔN ĐỊNH DÂN CƯ
Điều 10. Cơ chế, chính sách thực hiện chương trình bố trí dân cư
1. Hộ gia đình, cá nhân và cộng đồng thuộc đối tượng quy định tại khoản 1, khoản 2 Điều 5 Thông tư này được áp dụng các chính sách quy định tại khoản 2 Điều 3 Quyết định số 1776/QĐ-TTg ngày 21 tháng 11 năm 2012 của Thủ tướng Chính phủ. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với các ngành có liên quan trong tỉnh đề xuất, trình Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quy định cụ thể mức kinh phí hỗ trợ về nhà ở, di chuyển người và tài sản, khai hoang (nếu có), lương thực (thời gian đầu tại nơi tái định cư, thời gian không quá 12 tháng) và nội dung hỗ trợ khác phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương, tạo điều kiện cho hộ dân ổn định đời sống.
2. Kinh phí hỗ trợ theo chính sách được cấp trực tiếp cho các hộ di dân để tự làm nhà ở và chi phí cho các việc đảm bảo ổn định đời sống và sản xuất ở nơi tái định cư. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với các cấp chính quyền cơ sở hướng dẫn, có biện pháp giám sát để người dân sử dụng kinh phí hỗ trợ đúng mục đích và có hiệu quả.
3. Ủy ban nhân dân cấp tỉnh giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn lập dự toán kinh phí di dân ra các đảo theo đơn giá vận chuyển hiện hành và đơn giá xây dựng cơ bản nhà ở với mức mỗi hộ là một căn nhà chính một tầng kiên cố và một căn nhà phụ với tổng diện tích tối đa 60 m2.
4. Ngân sách Nhà nước hỗ trợ theo quy định tại điểm e khoản 2 Điều 3 Quyết định số 1776/QĐ-TTg ngày 21 tháng 11 năm 2012 của Thủ tướng Chính phủ để thực hiện các hoạt động nghiệp vụ thực hiện chương trình bố trí dân cư, bao gồm:
a) Xây dựng nội dung, tổ chức các lớp đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn về quản lý, tổ chức thực hiện chương trình bố trí dân cư cho cán bộ làm công tác bố trí dân cư ở các cấp;
b) Bảo đảm kinh phí chỉ đạo thực hiện chương trình ở các cấp: Trung ương, tỉnh, huyện, xã, bao gồm các hoạt động như: tuyên truyền, kiểm tra, hội thảo, hội nghị và các hoạt động nghiệp vụ khác.
Ủy ban nhân dân cấp tỉnh giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn lập dự toán kinh phí hoạt động nghiệp vụ thực hiện chương trình bố trí dân cư trình cấp có thẩm quyền phê duyệt theo kế hoạch hàng năm để tổ chức thực hiện.
Điều 11. Nguồn vốn và phân bổ nguồn vốn
1. Nguồn vốn cho chương trình bố trí dân cư giai đoạn 2013-2015 và định hướng đến năm 2020 được đầu tư bằng nhiều nguồn vốn quy định tại Quyết định số 1776/QĐ-TTg ngày 21 tháng 11 năm 2012, cụ thể như sau:
a) Ngân sách Trung ương bổ sung có mục tiêu cho ngân sách địa phương và các đầu mối thực hiện chương trình, bao gồm nguồn vốn đầu tư phát triển (đầu tư thực hiện các dự án bố trí dân cư tập trung và ổn định tại chỗ) và nguồn vốn sự nghiệp kinh tế (hỗ trợ trực tiếp cho hộ gia đình và cộng đồng nhận dân xen ghép);
b) Ngân sách địa phương đầu tư trực tiếp cho chương trình bố trí dân cư;
c) Nguồn vốn lồng ghép của các chương trình, dự án trên địa bàn;
d) Nguồn vốn huy động hợp pháp khác;
đ) Nguồn vốn huy động của dân.
2. Phân bổ nguồn vốn
Phân bổ nguồn vốn theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước và các văn bản hướng dẫn Luật Ngân sách nhà nước.
Điều 12. Quy trình bố trí ổn định dân cư và thực hiện chính sách hỗ trợ bố trí ổn định dân cư
1. Quy trình bố trí ổn định dân cư
Quy trình bố trí ổn định dân cư thực hiện Chương trình bố trí dân cư theo Quyết định số 1776/QĐ-TTg ngày 21 tháng 11 năm 2012 của Thủ tướng Chính phủ áp dụng theo Thông tư số 14/2010/TT-BNNPTNT ngày 19 tháng 3 năm 2010 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về “Quy định quy trình bố trí ổn định dân cư theo Quyết định số 193/2006/QĐ-TTg ngày 24 tháng 8 năm 2006 của Thủ tướng Chính phủ”.
2. Thực hiện chính sách hỗ trợ
a) Áp dụng các chính sách hỗ trợ hộ gia đình được bố trí ổn định quy định tại khoản 2 Điều 3 Quyết định số 1776/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ kể từ sau ngày 21 tháng 11 năm 2012;
b) Trường hợp trong cùng một dự án bố trí dân cư đã có các hộ di chuyển đến trước được hưởng chính sách hỗ trợ theo quy định tại Quyết định số 78/2008/QĐ-TTg ngày 10 tháng 6 năm 2008 của Thủ tướng Chính phủ thì chính quyền địa phương tuyên truyền, giải thích cho đồng bào tránh thắc mắc, khiếu kiện. Ủy ban nhân dân tỉnh giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với chính quyền cơ sở rà soát, xem xét các hộ nghèo, đời sống quá khó khăn để có chính sách của địa phương hỗ trợ thêm cho đồng bào ổn định đời sống, sản xuất lâu dài.
Chương V
TỔ CHỨC THỰC HIỆN
Điều 13. Trách nhiệm của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh
1. Xây dựng mới hoặc rà soát, bổ sung Quy hoạch tổng thể bố trí dân cư trên địa bàn tỉnh; lập, thẩm định, phê duyệt dự án đầu tư bố trí ổn định dân cư, phương án bố trí ổn định dân cư xen ghép theo quy định tại Điều 6, Điều 7, Điều 8 Thông tư này.
2. Xây dựng kế hoạch thực hiện Chương trình bố trí dân cư hàng năm và 5 năm báo cáo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính tổng hợp trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
3. Thực hiện lồng ghép nguồn vốn của các chương trình, dự án khác trên địa bàn với Chương trình bố trí dân cư.
4. Thực hiện kiểm tra, giám sát, đánh giá việc thực hiện các dự án bố trí dân cư trên địa bàn.
5. Giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì làm đầu mối (thường trực) phối hợp với các ngành có liên quan giúp Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quản lý, chỉ đạo, tổ chức thực hiện quy hoạch bố trí ổn định dân cư, bảo đảm hiệu quả đầu tư.
6. Báo cáo kết quả thực hiện Chương trình bố trí dân cư 6 tháng, hàng năm, 5 năm gửi Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để tổng hợp báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
Điều 14. Trách nhiệm của Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn
Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn tham mưu giúp Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thực hiện:
1. Hướng dẫn các địa phương rà soát, điều chỉnh, bổ sung quy hoạch tổng thể bố trí dân cư; lập, thẩm định, phê duyệt các dự án đầu tư bố trí ổn định dân cư theo quy định; xây dựng kế hoạch bố trí ổn định dân cư hàng năm và 5 năm để tổng hợp, trình Bộ để Bộ trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
2. Phối hợp với các cơ quan của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính trong việc bố trí vốn cho chương trình bố trí dân cư.
3. Phối hợp với các cơ quan của Bộ Tài chính và các Bộ, ngành có liên quan nghiên cứu, đề xuất điều chỉnh, bổ sung chính sách thực hiện bố trí ổn định dân cư.
4. Xây dựng dự toán kinh phí chỉ đạo thực hiện chương trình bố trí dân cư thuộc nhiệm vụ chi của ngân sách Trung ương.
5. Kiểm tra, đánh giá, tổng hợp trình Bộ báo cáo Thủ tướng Chính phủ kết quả thực hiện chương trình bố trí dân cư tại các địa phương; đề xuất các giải pháp để tổ chức quản lý và thực hiện có hiệu quả chương trình bố trí dân cư.
Điều 15. Hiệu lực thi hành
1. Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 11 tháng 03 năm 2014. Những quy định trước đây trái với Thông tư này đều bãi bỏ.
2. Trong quá trình thực hiện Thông tư, nếu có vướng mắc, Ủy ban nhân dân các tỉnh phản ánh kịp thời cho Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để điều chỉnh, bổ sung./.