Sign In

CHỈ THỊ

Về tăng cường thực hiện việc kiểm soát,

thanh toán các khoản chi ngân sách nhà nước

________________

 

 

Ngày 02 tháng 10 năm 2012, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư số 161/2012/TT-BTC quy định chế độ kiểm soát, thanh toán các khoản chi ngân sách nhà nước qua Kho bạc Nhà nước, thay thế Thông tư số 79/2003/TT-BTC ngày 13 tháng 8 năm 2003. Cơ chế kiểm soát chi thường xuyên này có một số điểm mới, mang tính cải cách hành chính theo hướng giảm bớt thủ tục, hồ sơ, chứng từ đơn vị sử dụng ngân sách phải gửi đến Kho bạc Nhà nước, tăng trách nhiệm của thủ trưởng đơn vị sử dụng ngân sách nhà nước, thủ trưởng đơn vị sử dụng ngân sách nhà nước chịu trách nhiệm về quyết định chi và tính chính xác của các hồ sơ, chứng từ và nội dung chi trên bảng kê chứng từ.

Việc thực hiện Thông tư số 161/2012/TT-BTC tại tỉnh An Giang đã góp phần đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính trong công tác kiểm soát chi ngân sách nhà nước qua Kho bạc Nhà nước, nhưng vẫn còn tình trạng đơn vị sử dụng ngân sách chấp hành chưa đúng quy định trong kiểm soát, thanh toán chi ngân sách nhà nước; trách nhiệm giữa đơn vị sử dụng ngân sách và Kho bạc Nhà nước trong công tác kiểm soát chi ngân sách nhà nước qua Kho bạc Nhà nước, thanh khoản của các cấp ngân sách địa phương chưa cao đã làm ảnh hưởng đến hiệu quả công tác kiểm soát chi ngân sách nhà nước.

Để tăng cường thực hiện kiểm soát, thanh toán các khoản chi ngân sách nhà nước theo đúng Thông tư số 161/2012/TT-BTC của Bộ Tài chính, Ủy ban nhân dân tỉnh An Giang chỉ thị:

1. Sở Tài chính, phòng Tài chính - Kế hoạch các huyện, thị xã, thành phố:

a) Thẩm tra việc phân bổ dự toán ngân sách nhà nước hàng năm và nhập dự toán kịp thời vào hệ thống TABMIS, đồng thời công khai danh mục các dự án đã nhập vào hệ thống TABMIS cho các đơn vị sử dụng ngân sách được biết để thanh toán.

b) Kiểm tra, giám sát việc thực hiện chi tiêu và sử dụng ngân sách thuộc cấp mình quản lý. Trường hợp phát hiện các khoản chi vượt nguồn cho phép, sai chính sách, chế độ hoặc đơn vị không chấp hành chế độ báo cáo thì có quyền yêu cầu Kho bạc Nhà nước tạm dừng thanh toán.

c) Chịu trách nhiệm kiểm tra, kiểm soát nội dung, tính chất của từng khoản chi bảo đảm đủ điều kiện thanh toán và đúng đối tượng đối với các khoản chi cấp phát bằng hình thức lệnh chi tiền.

d) Chấp hành kỷ luật quyết toán, kể cả chi thường xuyên và chi đầu tư xây dựng cơ bản, chất lượng công tác quyết toán bảo đảm chính xác, kịp thời gian quy định và đầy đủ.

đ) Được quyền yêu cầu Kho bạc Nhà nước tạm dừng việc cấp phát ngân sách đối với các đơn vị sử dụng ngân sách khi chưa có kết quả đối chiếu số liệu với Kho bạc Nhà nước của kỳ trước.

e) Bảo đảm đủ tồn quỹ ngân sách để đáp ứng các nhu cầu chi của ngân sách nhà nước theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước và điểm 2.3 khoản 2 Mục IV Thông tư số 59/2003/TT-BTC ngày 23 tháng 6 năm 2003 của Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện Nghị định số 60/2003/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật Ngân sách nhà nước.

2. Kho bạc Nhà nước tỉnh, Kho bạc Nhà nước các huyện, thị xã và thành phố:

a) Thực hiện kiểm soát các hồ sơ, chứng từ chi và thực hiện thanh toán kịp thời các khoản chi ngân sách đủ điều kiện theo quy định tại Thông tư số 161/2012/TT-BTC ngày 02 tháng 10 năm 2012 của Bộ Tài chính.

b) Chấp hành đúng quy định về thời gian xử lý hồ sơ chi ngân sách tại Kho bạc Nhà nước, công khai thủ tục hành chính, thời gian giao nhận và xử lý hồ sơ chi ngân sách đối với đơn vị sử dụng ngân sách ngay từ khi tiếp nhận hồ sơ.

c) Trường hợp đình chỉ hoặc từ chối thanh toán khi không đủ điều kiện chi ngân sách theo quy định tại Thông tư số 161/2012/TT-BTC, phải thông báo bằng văn bản đến đơn vị sử dụng ngân sách. Đồng thời chịu trách nhiệm về việc đình chỉ hoặc từ chối thanh toán của mình trong các trường hợp: chi không đúng chế độ, tiêu chuẩn, định mức chi do cơ quan nhà nước có thẩm quyền quy định và không đủ các điều kiện chi theo quy định.

d) Rà soát các quy định hiện hành đến công tác kiểm soát chi, quy định về hồ sơ thủ tục, về mức tạm ứng, về thời hạn thanh toán nhằm bảo đảm kiểm soát chi đúng theo chính sách, chế độ và các văn bản hướng dẫn của Bộ Tài chính; không nhận các hồ sơ chứng từ theo quy định không phải gửi đến Kho bạc Nhà nước để kiểm soát chi từ các đơn vị sử dụng ngân sách.

đ) Xác nhận số thực chi, số tạm ứng, số dư kinh phí cuối tháng, quý và năm ngân sách của các đơn vị sử dụng ngân sách tại Kho bạc Nhà nước.

e) Báo cáo kết quả giải ngân, cấp phát của từng dự án theo quy định gửi cơ quan Tài chính đồng cấp làm cơ sở thẩm định và tổng hợp quyết toán niên độ ngân sách khi kết thúc năm ngân sách.

g) Tạm dừng việc chi ngân sách đối với các đơn vị sử dụng ngân sách khi chưa có kết quả đối chiếu số liệu giao dịch với Kho bạc Nhà nước của kỳ trước hoặc tạm dừng theo yêu cầu của cơ quan Tài chính.

3. Các Sở chủ quản, Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã và thành phố:

a) Giao dự toán cho các đơn vị sử dụng ngân sách kịp thời, đúng đối tượng, nội dung thẩm tra của cơ quan tài chính và đúng thời gian quy định.

b) Kiểm tra, giám sát việc thực hiện chi tiêu và sử dụng ngân sách tại các đơn vị thuộc và trực thuộc, kiểm tra việc chấp hành kỷ luật tài chính ngân sách tại các đơn vị thuộc cấp mình quản lý.

c) Thẩm tra báo cáo quyết toán hàng quý, năm của các đơn vị trực thuộc theo đúng quy định; chỉ công nhận quyết toán khi đã có đủ các bản đối chiếu số liệu với Kho bạc Nhà nước nơi giao dịch.

d) Chấp hành nghiêm kỷ luật quyết toán kể cả chi thường xuyên và chi đầu tư xây dựng cơ bản, củng cố chất lượng quyết toán bảo đảm chính xác, kịp thời và đầy đủ.

đ) Nghiêm chỉnh chấp hành chế độ báo cáo tài chính cho các cơ quan hữu quan theo đúng chế độ báo cáo quy định.

4. Các đơn vị sử dụng ngân sách, Ủy ban nhân dân các xã, phường, thị trấn:

a) Chịu trách nhiệm bảo đảm an toàn tiền và tài sản được nhà nước giao cho đơn vị quản lý.

b) Quyết định chi theo đúng chế độ, tiêu chuẩn và mức chi trong phạm vi dự toán chi ngân sách được giao. Thủ trưởng đơn vị chịu trách nhiệm về tính chính xác, hợp pháp của hồ sơ, chứng từ, nội dung chi đã lập trên bảng kê chứng từ chi đã quyết định chi gửi đến Kho bạc Nhà nước nơi giao dịch làm căn cứ kiểm soát chi ngân sách.

c) Thực hiện đúng quy định về công tác kiểm soát chi ngân sách, trong đó thực hiện đúng quy định về hồ sơ thủ tục, mức tạm ứng, thời hạn thanh toán tạm ứng đúng theo chính sách, chế độ của nhà nước.

Đối với những khoản chi tạm ứng nhỏ lẻ bằng tiền mặt, các đơn vị sử dụng ngân sách phải thanh toán tạm ứng với Kho bạc Nhà nước chậm nhất vào ngày cuối cùng của tháng sau (trừ các khoản tạm ứng khác được nhà nước quy định cụ thể về thời gian thanh toán).

Đối với những khoản chi tạm ứng bằng chuyển khoản: các khoản không có hợp đồng phải thanh toán tạm ứng với Kho bạc Nhà nước chậm nhất ngày cuối cùng của tháng sau; với những khoản chi có hợp đồng, ngay sau khi thanh toán lần cuối hợp đồng và kết thúc hợp đồng, các đơn vị sử dụng ngân sách phải làm thủ tục thanh toán tạm ứng với Kho bạc Nhà nước.

Đối với tạm ứng từ ngân sách để thực hiện nhiệm vụ của đơn vị sử dụng ngân sách phải được thanh toán chậm nhất là 05 (năm) ngày kể từ khi kết thúc công việc.

d) Các khoản chi theo quy định tại Thông tư số 161/2012/TT-BTC được thanh toán qua Kho bạc Nhà nước bằng bảng kê chứng từ thanh toán, đơn vị sử dụng ngân sách phải bảo đảm có đầy đủ chứng từ gốc và lưu trữ chứng từ kèm bảng kê chứng từ thanh toán tại đơn vị theo đúng chế độ kế toán quy định.

đ) Tổ chức hạch toán kế toán tại đơn vị theo đúng chế độ quy định, lập và đối chiếu số liệu thu, chi ngân sách và tiền gửi với Kho bạc Nhà nước nơi giao dịch kịp thời hàng tháng, quý và năm đúng quy định về thời gian.

e) Mở rộng thanh toán không dùng tiền mặt trong chi tiêu công, hạn chế việc sử dụng tiền mặt để chi tiêu trong cung ứng hàng hóa dịch vụ, thiết bị.

g) Thực hiện việc cam kết chi theo đúng quy định của nhà nước trong chi tiêu công; việc thực hiện cam kết chi phải chấp hành nghiêm theo quy định, trước khi thực hiện giao dịch thanh toán. Trong vòng 05 (năm) ngày làm việc kể từ khi ký hợp đồng mua bán hàng hóa, dịch vụ có giá trị hợp đồng theo quy định phải thực hiện cam kết chi, đơn vị phải gửi hợp đồng kèm theo đề nghị cam kết chi đến Kho bạc Nhà nước nơi giao dịch để làm thủ tục cam kết chi.

h) Thực hiện nghiêm chế độ đối chiếu định kỳ, đối chiếu xử lý công nợ; tổ chức giao dịch và quản lý giao dịch của đơn vị sử dụng ngân sách với Kho bạc Nhà nước nơi giao dịch, bảo đảm chặt chẽ, an toàn và đúng quy định.

i) Đơn vị sử dụng ngân sách phải tăng cường công tác kiểm tra, kiểm toán nội bộ bảo đảm chặt chẽ, an toàn, minh bạch cả về quy trình chi tiêu, quy chế chi tiêu nội bộ, hoạt động kế toán, hoạt động giao dịch, hoạt động công khai tài chính.

k) Chấp hành chế độ báo cáo tài chính theo quy định.

Chỉ thị này có hiệu lực thi hành sau 10 ngày kể từ ngày ký. Yêu cầu Thủ trưởng các Sở, ngành cấp tỉnh, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố và Thủ trưởng các đơn vị sử dụng ngân sách phối hợp triển khai thực hiện tốt Chỉ thị này. Trong quá trình thực hiện, nếu có khó khăn, vướng mắc, các cơ quan, đơn vị, địa phương kịp thời phản ánh về Kho bạc Nhà nước tỉnh để tổng hợp, báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh xem xét, giải quyết./.

Ủy ban nhân dân tỉnh An Giang

Phó Chủ tịch

(Đã ký)

 

Võ Anh Kiệt