Sign In

CHỈ THỊ

Về việc tăng cường họp trực tuyến trên địa bàn tỉnh An Giang

_________________

 

Nhằm hạn chế tối đa việc tổ chức họp tập trung để tiết kiệm chi phí tổ chức họp, tránh các rủi ro do di chuyển, giảm thời gian đi lại, tiết kiệm chi phí cho các đại biểu, đồng thời tận dụng và khai thác có hiệu quả hạ tầng công nghệ thông tin (CNTT), có thể lưu lại diễn biến, hình ảnh và nội dung các cuộc họp khi cần thiết, ngày 05 tháng 7 năm 2012 UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 15/2012/QĐ-UBND về việc ban hành Quy chế vận hành hệ thống họp trực tuyến trên địa bàn tỉnh.

Nhằm thực hiện Chỉ thị 30/CT-TTg ngày 26 tháng 11 năm 2012 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; Công văn số 375-CV/TU ngày 24 tháng 01 năm 2013 của Tỉnh ủy về việc đẩy mạnh thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; thi hành Quyết định số 15/2012/QĐ-UBND ngày 05 tháng 7 năm 2012 của UBND tỉnh An Giang về Quy chế Vận hành hệ thống họp trực tuyến trên địa bàn tỉnh An Giang. Hệ thống Hội nghị truyền hình trực tuyến tỉnh An Giang đã hoàn thành với 13 điểm cầu phục vụ tốt các cuộc họp trực tuyến của UBND tỉnh, các Sở, ban, ngành; Cơ quan Đảng và đoàn thể cấp tỉnh; UBND các huyện, thị xã, thành phố và các ngành liên quan ở cấp huyện. Do đó, để phát huy tối đa hiệu quả hệ thống hội nghị truyền hình trực tuyến, tiết kiệm chi phí hội họp, Ủy ban nhân dân tỉnh An Giang chỉ thị:

1. Các Sở, ban, ngành, đơn vị sự nghiệp cấp tỉnh, các cơ quan, đơn vị trực thuộc UBND tỉnh (gọi tắt là cơ quan Nhà nước) tăng cường sử dụng hình thức họp trực tuyến thay cho hình thức họp trực tiếp, nhằm triển khai thi hành Quyết định số 15/2012/QĐ-UBND và thực hiện nghiêm chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường thực hành tiết kiệm, chống lãng phí tại Chỉ thị số 30/CT-TTg; hạn chế tối đa các hình thức họp tập trung để tiết kiệm chi phí họp, đi lại, ăn ở của các đại biểu (trừ các cuộc họp có nội dung bí mật nhà nước).

2. Các cơ quan Nhà nước sử dụng hình thức trực tuyến đối với các cuộc họp sau:

a) Họp làm việc của cấp tỉnh với thủ trưởng cơ quan, đơn vị cấp huyện (hoặc có thể liên quan đến nhiều xã) để giải quyết những công việc có tính chất quan trọng vượt quá thẩm quyền của cấp huyện hoặc cấp xã về tình hình thực hiện các nhiệm vụ công tác của cấp huyện hoặc cấp xã;

b) Họp tập huấn, triển khai (Hội nghị tập huấn, triển khai) đến nhiều cấp (tỉnh – huyện hoặc tỉnh – huyện - xã) để quán triệt, thống nhất nhận thức và hành động về nội dung và tinh thần các chủ trương, chính sách lớn, quan trọng của Đảng và Nhà nước về quản lý, điều hành hoạt động kinh tế - xã hội (trừ các trường hợp tập huấn, triển khai giữa các cơ quan, đơn vị cùng cấp hành chính);

c) Họp tổng kết (Hội nghị tổng kết) hàng năm để kiểm điểm, đánh giá tình hình và kết quả thực hiện nhiệm vụ công tác hàng năm và đề ra phương hướng nhiệm vụ công tác cho năm tới của ngành;

d) Họp sơ kết hoặc tổng kết (Hội nghị sơ kết hoặc tổng kết) chuyên đề để đánh giá tình hình triển khai và kết quả thực hiện một chủ trương, chính sách quan trọng của ngành;

Các cuộc họp trên, trường hợp đặc biệt họp bằng hình thức trực tiếp phải có ý kiến chấp thuận của Chủ tịch hoặc Phó Chủ tịch UBND tỉnh.

3. Trách nhiệm của cơ quan Nhà nước trong việc triển khai thực hiện họp trực tuyến.

a) Văn phòng UBND tỉnh: Theo dõi, tham mưu UBND tỉnh sử dụng giải pháp họp trực tuyến theo danh mục các cuộc họp tại khoản 2 Chỉ thị này; báo cáo định kỳ quý, sáu tháng, năm về kết quả thực hiện ứng dụng họp trực tuyến về Sở Thông tin và Truyền thông tổng hợp chung báo cáo toàn tỉnh.

b) Sở Thông tin và Truyền thông:

- Theo dõi, đôn đốc các cơ quan Nhà nước báo cáo định kỳ quý, sáu tháng, năm về kết quả ứng dụng họp trực tuyến; có trách nhiệm báo cáo chung về tình hình họp trực tuyến của các đơn vị chủ trì.

- Đảm bảo duy trì, vận hành, hỗ trợ kỹ thuật hệ thống họp trực tuyến của tỉnh hoạt động ổn định, đào tạo, hướng dẫn các đơn vị, địa phương để tiến tới chủ động trực tiếp điều khiển các cuộc họp trực tuyến theo nhu cầu họp của mình trên hệ thống.

- Hướng dẫn các đơn vị đăng ký, sắp xếp thời gian các cuộc họp phù hợp.

- Đảm bảo đường truyền, trang thiết bị họp trực tuyến; Bảo mật trên đường truyền và an toàn đối với các cuộc họp.

- Đưa nội dung “sử dụng giải pháp họp trực tuyến các cuộc họp tại khoản 2 Chỉ thị này” vào tiêu chí thi đua ứng dụng công nghệ thông tin gắn với cải cách hành chính.

c) Văn phòng Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân huyện, thị xã, thành phố.

- Tổ chức các buổi họp trực tuyến theo yêu cầu của điểm cầu tuyến tỉnh, theo dõi vận hành thiết bị trong quá trình diễn ra cuộc họp trực tuyến.

- Bố trí cán bộ phụ trách quản lý thiết bị.

- Tiếp nhận, bảo quản thiết bị trong hệ thống hội nghị truyền hình trực tuyến được bàn giao.

- Không sử dụng thiết bị họp trực tuyến cho mục đích khác.

- Báo cáo cho Sở Thông tin và Truyền thông về các sự cố về thiết bị và các vấn đề khác trong quá trình vận hành hệ thống.

- Đảm bảo kinh phí duy trì hệ thống họp trực tuyến tại đơn vị mình quản lý.

d) Sở Nội vụ:

- Phối hợp cùng Sở Thông tin và Truyền thông kiểm tra, đôn đốc và đánh giá việc sử dụng giải pháp họp trực tuyến các cuộc họp tại khoản 2 Chỉ thị này;

- Đưa nội dung “sử dụng giải pháp họp trực tuyến theo danh mục các cuộc họp tại khoản 2 Chỉ thị này” vào tiêu chí thi đua các danh hiệu thi đua đối với tập thể của các đơn vị hàng năm.

đ) Sở Tài chính:

Chủ trì thẩm định, trình UBND tỉnh dự toán kinh phí theo đề nghị của Sở Thông tin và Truyền thông cho việc đảm bảo duy trì hệ thống mạng, thiết bị họp trực tuyến theo quy định pháp luật.

e) Trách nhiệm các cơ quan hành chính Nhà nước:

- Triển khai thực hiện có hiệu quả các Điều 6, Điều 7, Điều 8 Quyết định số 15/2012/QĐ-UBND ngày 05 tháng 7 năm 2012 của UBND tỉnh ban hành Quy chế Vận hành hệ thống họp trực tuyến trên địa bàn tỉnh An Giang;

- Tổ chức hình thức họp trực tuyến đối với các cuộc họp tại khoản 2 Chỉ thị này;

- Định kỳ hàng quý, sáu tháng, năm báo cáo kết quả thực hiện ứng dụng họp trực tuyến đơn vị, địa phương gửi đến Sở Thông tin và Truyền thông tổng hợp báo cáo tình hình họp trực tuyến chung của tỉnh.

4. Tổ chức thực hiện:

a)  Chỉ thị này có hiệu lực thi hành sau 10 ngày kể từ ngày ký.

b) Thủ trưởng các Sở, ban ngành cấp tỉnh; Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện, thị xã, thành phố và các đơn vị có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Chỉ thị này.

c) Trong quá trình thực hiện, nếu có khó khăn vướng mắc cần sửa đổi, bổ sung các đơn vị có liên phản hồi đến Sở Thông tin và Truyền thông, để tổng hợp, trình Ủy ban nhân dân tỉnh điều chỉnh, bổ sung cho phù hợp với các quy định hiện hành.

Ủy ban nhân dân tỉnh An Giang

Phó Chủ tịch

(Đã ký)

 

Hồ Việt Hiệp